Những mốc son đáng nhớ của Đảng bộ Cơ quan Dân Chính Đảng cấp tỉnh Hà Tĩnh trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước (Biên niên sử 1956 – 1975)

Chủ nhật - 04/07/2021 22:04
(Bài viết tư liệu tham khảo phục vụ cuộc thi trắc nghiệm trực tuyến “Tìm hiểu 190 năm thành lập, 30 năm tái lập tỉnh Hà Tĩnh, 65 năm Ngày truyền thống Đảng bộ Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh”)
ha tinh khoi nghia gianh cqjpg anh
Hà Tĩnh là một trong 4 tỉnh của cả nước giành được chính quyền sớm nhất trong Cách mạng tháng Tám
I- GIAI ĐOẠN MỚI THÀNH LẬP
1. Đầu năm 1956[1], Tỉnh uỷ Hà Tĩnh quyết định thành lập Đảng bộ Cơ quan Dân Chính Đảng cấp tỉnh; chỉ định Ban Chấp hành Đảng bộ lâm thời gồm 7 uỷ viên; đồng chí Lê Chí Thành - Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Chánh Văn phòng Tỉnh uỷ được cử làm Bí thư Đảng uỷ. Toàn Đảng bộ có 21 chi bộ cơ sở với 985 đảng viên.
2. Khoảng giữa năm 1956, trước những “sai lầm nghiêm trọng, phổ biến ở nhiều nơi và trong thời gian khá dài, gây ra hậu quả xấu trên nhiều mặt”[2] của cuộc chỉnh đốn tổ chức, nhiều cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng trong toàn tỉnh đã dũng cảm nói thẳng, nói thật tình hình và yêu cầu Đảng, Chính phủ, Khu uỷ có biện pháp ngăn chặn, chấn chỉnh kịp thời. Trong số đó, có bản báo cáo dài 34 trang, với 31 chữ ký của các đảng viên, cán bộ đang công tác trong các cơ quan Dân Chính Đảng cấp tỉnh được Trung ương và Khu uỷ đặc biệt chú ý. Từ đó, Trung ương Đảng, Liên khu uỷ IV bắt đầu trực tiếp chỉ đạo công tác sửa chữa sai lầm (thường gọi tắt là sửa sai) ở Hà Tĩnh.
3. Tháng 10-1956: Tổ chức học tập, thảo luận Dự thảo "Quy định về công tác chi bộ cơ quan" của Ban Tổ chức Trung ương Đảng và Dự thảo "Về lề lối lãnh đạo của chi bộ cơ quan và quyền hạn, nhiệm vụ của các đảng uỷ" của Liên khu uỷ IV. Đây là lần đầu tiên Trung ương và Liên khu uỷ có những quy định riêng về loại hình tổ chức đảng trong cơ quan và về nhiệm vụ, quyền hạn của Đảng uỷ cơ quan Dân Chính Đảng.
4. Tháng 5/1957, Quy định "Về lề lối lãnh đạo của chi bộ cơ quan và quyền hạn, nhiệm vụ của các đảng uỷ" được Bí thư Liên khu uỷ IV Nguyễn Chí Thanh ký ban hành.
5. Ngày 15-6-1957, Bác Hồ về thăm Hà Tĩnh. Đông đảo cán bộ, đảng viên các cơ quan Dân Chính Đảng cấp tỉnh được vinh dự gặp Bác, được trực tiếp nghe Bác dặn dò, dạy bảo: “Đảng phải chăm lo đời sống cho dân”, “cố gắng sửa sai cho tốt”, “phải đoàn kết chặt chẽ, đoàn kết nội bộ, đoàn kết nhân dân”...
 
[1] Năm 2001 nhân kỷ niệm 45 năm thành lập Đảng bộ Dân Chính Đảng, Trường trực Tỉnh ủy thống nhất cho lấy ngày 10-8-1956 làm ngày truyền thống của Đảng bộ
[2]Lịch sử Đảng bộ Hà Tĩnh, Tập 2 - NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội-1997, tr.17.

II- LÃNH ĐẠO THAM GIA THỰC HIỆN KẾ HOẠCH 3 NĂM CẢI TẠO XHCN VÀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - VĂN HOÁ (1958 - 1960)
1. Cuối năm 1958, Đảng bộ Cơ quan Dân Chính Đảng tiến hành Đại hội lần thứ I để kiểm điểm, đánh giá tình hình Đảng bộ từ ngày thành lập, đặc biệt là từ sau sửa sai và kiện toàn tổ chức (tháng 9-1956), ra nghị quyết về phương hướng nhiệm vụ nhiệm kỳ 1958 - 1960. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành mới gồm 8 đồng chí.[3] Đây là cơ quan lãnh đạo của Đảng bộ lần đầu tiên được đại biểu Đại hội Đảng bộ trực tiếp bầu ra. Đồng chí Nguyễn Thế Thức - Uỷ viên Uỷ ban hành chính tỉnh, Trưởng ty Tài chính, được bầu làm Bí thư; đồng chí Trần Lộc - Phó Ban Tổ chức Tỉnh uỷ được bầu làm Phó Bí thư Đảng uỷ. Các Đảng uỷ viên đều hoạt động kiêm chức.
2. Từ tháng 3 năm 1959, Đảng bộ Cơ quan Dân Chính Đảng thực hiện chủ trương "các cơ quan hướng về đồng ruộng", phân công cán bộ, đảng viên cùng với cán bộ địa phương kiên trì vận động, thuyết phục bà con nông dân sửa đổi lối làm ăn cũ kỹ, lạc hậu từ ngàn xưa, nâng cao năng suất lao động trên cơ sở hợp tác hoá và cải tiến kỹ thuật; tham gia đắp đập, đào mương chống hạn, làm phân bón giúp hợp tác xã...
3. Đại hội đại biểu Đảng bộ cơ quan Dân Chính Đảng cấp tỉnh lần thứ II, nhiệm kỳ 1960 - 1962 được tiến hành từ ngày 2 đến ngày 7-5-1960 tại thị xã Hà Tĩnh. Đây là Đại hội có ý nghĩa hết sức quan trọng, đánh dấu bước trưởng thành về mặt tổ chức trong tiến trình xây dựng và phát triển của Đảng bộ. Ban Chấp hành Đảng bộ nhiệm kỳ này có số lượng tăng gần gấp đôi so với nhiệm kỳ trước, gồm 15 đồng chí. Đồng chí Nguyễn Thế Thức được bầu lại làm Bí thư, đồng chí Trần Lộc được bầu lại làm Phó bí thư Đảng uỷ. Bắt đầu hình thành Văn phòng Đảng uỷ với 2 biên chế chuyên trách; được bố trí phòng làm việc trong cơ quan Tỉnh uỷ.
 
[3] Rất tiếc đến nay chưa xác định được thời gian cụ thể, nội dung chính trị cũng như danh sách BCH do ĐH bầu ra.
no nuc tren tran tuyen bao dam giao thong van tai nhung nam chong my
                             Nô nức trên trận tuyến bảo đảm giao thông vận tải những năm chống Mỹ

III- LÃNH ĐẠO THỰC HIỆN TOÀN DIỆN CÔNG TÁC XÂY DỰNG ĐẢNG VÀ KẾ HOẠCH 5 NĂM LẦN THỨ NHẤT (1961 - 3/1965)
1. Tháng 4/1961: Triển khai Cuộc vận động xây dựng "chi bộ 4 tốt" (lãnh đạo sản xuất và chiến đấu tốt; chấp hành chính sách tốt; chăm lo đời sống và làm tốt công tác vận động quần chúng; làm tốt công tác phát triển Đảng).
2. Từ Tháng 4/1961, Triển khai thực hiện Nghị quyết của ban Thường vụ Tỉnh uỷ về "một số biện pháp khẩn cấp để giải quyết vấn đề lương thực". Mỗi cán bộ, đảng viên, công nhân viên chức các cơ quan  dành 10 giờ lao động trong một tháng để sản xuất tự túc, đảm bảo thu nhập bình quân 20kg thóc.
3. Tháng 6/1961: Ban Chấp hành Đảng bộ Cơ quan Dân Chính Đảng ban hành Nghị quyết “lãnh đạo công tác kết nghĩa công nông”, yêu cầu cán bộ, đảng viên tuỳ theo chức năng nhiệm vụ cụ thể của mình hướng về nông nghiệp, phục vụ phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn; mỗi cơ quan, ban, ngành cấp tỉnh phải kết nghĩa với 1 xã hoặc hợp tác xã.
4. Từ ngày 11 đến ngày 13/4/1962, tiến hành Đại hội Đảng bộ lần thứ III, nhiệm kỳ 1962 - 1963. Ban Chấp hành do Đại hội bầu gồm 7 uỷ viên do đồng chí Trần Lộc- Phó Ban Tổ chức Tỉnh uỷ làm Bí thư. Cơ quan Đảng uỷ được biên chế 2 cán bộ chuyên trách.
5. Từ ngày 12 đến ngày 14/8/1963, Đại hội Đảng bộ lần thứ IV, nhiệm kỳ 1963 - 1965, được tổ chức. Ban Chấp hành do Đại hội bầu gồm 8 uỷ viên; đồng chí Nguyễn Văn Trân được bầu làm Bí thư và là bí thư chuyên trách đầu tiên của Đảng bộ; Cơ quan Đảng uỷ có 3 cán bộ chuyên trách.
6. Từ sau khi có Nghị quyết số 20 của Bộ Chính trị (tháng 12/1962) và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh (tháng 8/1963), Đảng bộ Cơ quan Dân Chính Đảng cấp tỉnh phát động phong trào thi đua “3 cải tiến” (cải tiến kỹ thuật, cải tiến lề lối làm việc, cải tiến tác phong công tác). Các cơ quan thực hiện khẩu hiệu "gọn, nhẹ, đúng giờ, bớt giấy tờ, đi sát dưới" .
7. Từ sau Đại hội IV, nhiệm kỳ 1963-1965, mặc dầu không có tổ chức Công đoàn cùng cấp, nhưng Đảng uỷ đã phối hợp với Đảng đoàn Liên hiệp Công đoàn tỉnh thường xuyên quan tâm chỉ đạo hoạt động công đoàn và phong trào CNVC - lao động trong các cơ quan thuộc Đảng bộ. Theo đề nghị của Đảng uỷ, Liên hiệp Công đoàn tỉnh bố trí 1 cán bộ biệt phái, làm việc hằng ngày tại cơ quan Đảng uỷ để theo dõi, chỉ đạo công tác Công đoàn trong các cơ quan thuộc Đảng bộ.
8. Cuối năm 1964, Đảng uỷ Cơ quan Dân Chính Đảng cấp tỉnh tiến hành cuộc vận động xây dựng dân quân tự vệ và ban hành nghị quyết về công tác quân sự, sẵn sàng chuyển mọi hoạt động của cơ quan, đơn vị sang thời chiến.
9. Đêm 9/7/1964, Đảng uỷ huy động 300 đảng viên của Đảng bộ phối hợp với các lực lượng quân đội, công an và dân quân Thị xã Hà Tĩnh đào đắp, xây dựng công sự Núi Nài, góp phần vào sự chuẩn bị cho chiến thắng lịch sử 26/3/1965.  
IV. GIAI ĐOẠN CHỐNG CHIẾN TRANH PHÁ HOẠI LẦN THỨ NHẤT CỦA ĐẾ QUỐC MỸ (1965 - 1968)        
1. Từ ngày từ 20 đến 22/1/1965, Đảng bộ Cơ quan Dân Chính Đảng cấp tỉnh tiến hành Đại hội đại biểu lần thứ V, nhiệm kỳ 1965-1967. Đại hội chủ trương tập trung phục vụ cao nhất cho sản xuất, công tác và chiến đấu. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành mới gồm 11 uỷ viên. Đồng chí Nguyễn Văn Trân được bầu lại làm Bí thư; đồng chí Bùi Ngọc Danh được bầu làm Phó Bí thư Đảng uỷ.
2. Đến tháng 3/1965, toàn Đảng bộ có 28 đơn vị được trang bị các loại súng, được tập trung huấn luyện về kỹ thuật, chiến thuật; có 1.572 người tham gia lực lượng tự vệ, trong đó có 833 đảng viên (chiếm 48% tổng số đảng viên của Đảng bộ). Trong phân công lực lượng, 837 người được sắp xếp vào các đội trực súng phòng không; 222 người vào các đội cứu thương; 517 người vào các đội chữa cháy.
3. Tháng 2/1965, một số cán bộ, đảng viên của Đảng bộ cơ quan Dân Chính Đảng ở các ngành Công an, Bưu điện, Y tế được cử tham gia đoàn cán bộ của tỉnh vào Vĩnh Linh, Quảng Bình, sau đó ra Nghệ An tìm hiểu, học tập kinh nghiệm lãnh đạo, chỉ huy chiến đấu, tổ chức phòng tránh để kịp thời phổ biến cho các cấp, các ngành và quân dân trong tỉnh.
4. Trưa ngày 26-3-1965, hàng trăm cán bộ, công nhân viên các cơ quan, xí nghiệp thuộc Đảng bộ Cơ quan Dân Chính Đảng cấp tỉnh cùng nhân dân Thị xã Hà Tĩnh và các vùng lân cận dũng cảm tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu, cứu chữa người bị thương, cứu chữa kho tàng, nhà cửa, tài sản của Nhà nước và của nhân dân. Nhiều đồng chí đã hăng hái băng qua hiểm nguy để tiếp đạn, tải thương, chữa cháy, nối dây điện thoại, giữ vững trận địa.., góp phần vào Chiến thắng Núi Nài lịch sử - "Trận đầu thắng lớn" của Đảng bộ và quân dân Hà Tĩnh. Đây cũng chính là dịp "lửa thử vàng", chứng tỏ tinh thần chiến đấu dũng cảm, ý chí quyết chiến quyết thắng giặc Mỹ xâm lược và lòng trung thành với Đảng, với chế độ của cán bộ đảng viên Đảng bộ Cơ quan Dân Chính Đảng cấp tỉnh.
tran dia nui nai anh suu tam
                                                        Trận địa Núi Nài (Ảnh sưu tầm)
5. Thực hiện chủ trương của Tỉnh uỷ, đến tháng 6/1965, toàn bộ cơ quan cấp tỉnh với gần 2 vạn tấn hàng hoá, vật tư kỹ thuật đã được sơ tán ra khỏi thị xã. Ngày 1/4/1965, cơ quan văn phòng Đảng uỷ sơ tán về xã Thạch Thanh (Thạch Hà). Từ đây cho đến khi hoà bình lập lại, các cơ quan cơ bản được chia thành 2 bộ phận: Bộ phận chính ở nơi sơ tán, được chia thành nhiều tổ nhỏ, ở nhờ trong nhà đồng bào, tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên của cơ quan và một bộ phận nhỏ ở lại cơ quan cũ tại Thị xã Hà Tĩnh làm nhiệm vụ bảo vệ cơ quan, trực sẵn sàng chiến đấu và phục vụ chiến đấu.

6. Năm 1965, toàn Đảng bộ có tới 98  người, trong đó có 33 đảng viên đi làm nghĩa vụ quân sự và công tác ở các chiến trường Miền Nam và nước bạn Lào.
7. Trong Chiến dịch vận tải "Tết Quang Trung" (lần thứ nhất từ 24-12- 1965 đến 31-1-1966 và lần thứ 2 vào cuối năm 1967), với nhiệm vụ trung chuyển hàng hoá vào Quảng Bình, Đảng uỷ đã lãnh đạo các chi bộ động viên hàng ngàn lượt cán bộ, đảng viên và quần chúng ra mặt đường, vừa sửa chữa, khôi phục cầu đường, vừa vận tải hàng hoá, tổ chức đón xuân, động viên bộ đội, TNXP và các lực lượng giao thông vận tải...
8. Từ ngày 11 đến ngày 14/9/1967, tiến hành Đại hội đại biểu Đảng bộ Cơ quan Dân Chính Đảng cấp tỉnh lần thứ VI, nhiệm kỳ 1967-1971. Căn cứ Nghị quyết Hội nghị Đảng bộ toàn tỉnh (tháng 4-1967) và yêu cầu của "nhiệm vụ chiến đấu ngày càng nặng nề, phức tạp; nhiệm vụ hoàn thành kế hoạch Nhà nước ngày càng khẩn trương, cấp bách", Đại hội đã đề ra 5 nhiệm vụ cụ thể: 1- Tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, động viên cán bộ, đảng viên và quần chúng hoàn thành tốt công tác chuyên môn; 2- Chiến đấu giỏi, phòng tránh tốt, hạn chế thiệt hại ở mức thấp nhất; 3- Chấp hành tốt các chính sách, quan tâm tổ chức tốt đời sống quần chúng; 4- Xây dựng Đảng bộ vững mạnh về mọi mặt, quyết định cho mọi thành công; 5- Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo cải tiến phương pháp công tác. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ gồm 17 uỷ viên (15 uỷ viên chính thức và 2 uỷ viên dự khuyết); Ban Thường vụ có 6 đồng chí. Đồng chí Nguyễn Văn Trân được bầu lại làm Bí thư; đồng chí Bùi Ngọc Danh được bầu lại làm Phó Bí thư Đảng uỷ.
Điểm mới trong nhân sự cấp uỷ nhiệm kỳ này là, bên cạnh một Đảng uỷ viên là cán bộ của Liên hiệp Công đoàn tỉnh phụ trách công tác công đoàn của Đảng bộ, lần đầu tiên Ban chấp hành đã phân công một uỷ viên chuyên trách trực tiếp làm Bí thư Đoàn Thanh niên cơ quan cấp tỉnh. Cơ quan Đảng uỷ, ngoài biên chế 8 người làm các công việc tổ chức, tuyên huấn, kiểm tra và văn phòng còn được tỉnh tăng cường 2 cán bộ biệt phái: 1 đồng chí do Ty Giáo dục cử sang phụ trách công tác bổ túc văn hoá, 1 đồng chí do Tỉnh đội cử sang phụ trách quân sự Đảng uỷ.
V- GIAI ĐOẠN KHÔI PHỤC VÀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ, VĂN HOÁ, THỰC HIỆN NHIỆM VỤ HẬU PHƯƠNG, CHỐNG CHIẾN TRANH PHÁ HOẠI LẦN THỨ HAI CỦA ĐẾ QUỐC MỸ (11/1968 - 1/1973)
1. Trong các tháng cuối năm 1968 đầu 1969, Đảng uỷ chỉ đạo các tổ chức cơ sở đảng tập trung giáo dục và động viên đảng viên và quần chúng các cơ quan quán triệt và phục vụ tốt phong trào "tiến quân 3 mũi" (giải phóng giao thông, mở rộng diện tích canh tác, đào đắp thuỷ lợi nội đồng) do Uỷ ban hành chính tỉnh phát động.
2. Ngày 2-9-1969, Bác Hồ qua đời gây nên nỗi đau thương khôn xiết đối với toàn Đảng, toàn dân ta. Cùng với quân dân Hà Tĩnh và đồng bào cả nước, cán bộ, đảng viên, công nhân viên chức các cơ quan Dân Chính Đảng cấp tỉnh tổ chức lễ truy điệu Người trong nỗi tiếc thương vô hạn. Toàn Đảng bộ quyết tâm biến đau thương thành hành động cách mạng, tổ chức học tập Di chúc của Bác, hứa với Bác sẽ đoàn kết chặt chẽ, tạo ra một phong trào mạnh mẽ, thi đua phát huy sáng tạo và ý thức trách nhiệm, phục vụ tốt nhất công cuộc khôi phục kinh tế của nhân dân tỉnh nhà, thiết thực lập thành tích đền đáp công ơn của Người.
3. Trong 6 tháng đầu năm 1970, toàn Đảng bộ huy động trên 2000 cán bộ, công nhân viên đi cấy lúa xuân giúp dân từ 3 đến 7 ngày; 348 cán bộ được điều động đi xây dựng nông thôn dài hạn (6 tháng trở lên); 530 thanh niên (trong đó có 71 đảng viên) được gọi nhập ngũ, bổ sung cho các chiến trường. Đặc biệt, gần 800 cán bộ các ngành cấp tỉnh được Uỷ ban hành chính tỉnh điều động tham gia công trường thủy lợi bồi trúc đê La Giang, được tổ chức thành một tiểu đoàn (như biên chế một đơn vị quân đội). Đồng chí Đinh Sỹ Banh, Phó Ty Lương thực được chỉ định làm Tiểu đoàn trưởng; đồng chí Bùi Ngọc Danh, Phó Bí thư Đảng uỷ Cơ quan Dân Chính Đảng làm Chính trị viên. Đồng chí Trần Ngọc Đệ, Phó Ty Thương nghiệp làm Tiểu đoàn phó. Tiểu đoàn thành lập một Liên chi bộ Đảng, đồng chí Bùi Ngọc Danh được cử làm Bí thư Liên chi, đồng thời là Đảng uỷ viên Đảng uỷ Công trường. Hoạt động liên tục 6 tháng trên đê, "Tiểu đoàn cán bộ" được Uỷ ban nhân dân tỉnh tặng cờ thi đua "Đơn vị khá nhất", nhiều cá nhân cán bộ, đảng viên, trong đó có đồng chí Chính trị viên Tiểu đoàn được Bộ Thuỷ lợi tặng Bằng khen.
4. Từ ngày 13 đến ngày 16/3/1971 tiến hành Đại hội Đảng bộ Cơ quan Dân Chính Đảng cấp tỉnh lần thứ VII, nhiệm kỳ 1971- 1973. Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng bộ gồm 15 uỷ viên (5 Uỷ viên Thường vụ). Đồng chí Nguyễn Văn Trân được bầu lại làm Bí thư; đồng chí Bùi Ngọc Danh được bầu lại làm Phó Bí thư Đảng uỷ.
5. Ngày 16/4/1972, Trung ương Đảng và Chính phủ ra lời kêu gọi “Quân và dân cả nước quyết vượt qua mọi gian khổ và hy sinh để đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược, đánh bại chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ hai của chúng, nhằm bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa, giải phóng miền Nam, tiến tới hoà bình thống nhất đất  nước”. Theo đó, Tỉnh ủy Hà Tĩnh chủ trương tạm ngừng các công tác chưa thật cần thiết, huy động toàn bộ lực lượng cán bộ của tỉnh và các huyện tập trung vào nhiệm vụ chuyển mọi hoạt động sang thời chiến. Các cơ quan cấp tỉnh thực hiện chuyển hướng hoạt động, tổ chức sơ tán, ổn định công tác và sinh hoạt trong điều kiện mới với khẩu hiệu "tay bút, tay súng", “tay búa, tay súng, chủ động quyết tâm góp phần đánh thắng chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ.
6. Sau Hội nghị cán bộ Quân, Dân, Chính, Đảng toàn tỉnh ngày 18-11-1972, một cao trào "vận tải nhân dân" được phát động. Các tổ, đội vận tải thô sơ bằng xe đạp thồ, thuyền độc mộc, thuyền nan, xe cải tiến... được huy động từ các hợp tác xã, cơ quan, xí nghiệp, được tổ chức chặt chẽ như những đơn vị chiến đấu. Trong những ngày tháng gian khổ đó, đã có hàng trăm đảng viên, cán bộ, công nhân viên của Đảng bộ Cơ quan Dân Chính Đảng cùng dầm mưa, dãi nắng, kề vai sát cánh với nhân dân các huyện trong tỉnh, lập nên kỳ tích "vận tải nhân dân" độc đáo và phi thường.
VI-“CHUYỂN KHÍ THẾ CHIẾN ĐẤU THÀNH QUYẾT TÂM XÂY DỰNG”, TĂNG CƯỜNG CHI VIỆN TUYẾN, GÓP PHẦN ĐÁNH THẮNG HOÀN TOÀN GIẶC MỸ XÂM LƯỢC (1973 - 1975)
1. Ngày 27-1-1973, Hiệp định Paris được ký kết, hoà bình lập lại trên miền Bắc nước ta. Từ đây, Đảng bộ Cơ quan Dân Chính Đảng cấp tỉnh cùng với quân và dân Hà Tĩnh bước vào thời kỳ mới: thời kỳ khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng quê hương, dốc sức chi viện cho tiền tuyến miền Nam giành thắng lợi hoàn toàn.
2. Từ ngày 17 đến ngày 20/9/1973, tiến hành Đại hội Đảng bộ Cơ quan Dân Chính Đảng cấp tỉnh lần thứ VIII, nhiệm kỳ 1973-1975 với chủ đề "Quán triệt vị trí, chức năng của Đảng bộ, phấn khởi, tin tưởng, đoàn kết, nỗ lực học tập, rèn luyện, chuyển khí thế chiến đấu thành quyết tâm xây dựng”. Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng bộ gồm 15 uỷ viên (5 Uỷ viên Thường vụ) Đồng chí Nguyễn Thắng, Phó Ty Giáo dục được bầu làm Bí thư, đồng chí Nguyễn Văn Trân được bầu làm Phó Bí thư Đảng uỷ.
3. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, cùng với quân và dân Hà Tĩnh, cán bộ, đảng viên, công nhân viên chức thuộc Đảng bộ Cơ quan Dân Chính Đảng cấp tỉnh đã dồn sức phục vụ yêu cầu chi viện tiền tuyến. Với khẩu hiệu: “tất cả vì miền Nam ruột thịt”, “Tất cả vì tiền tuyến”, “Tất cả cho chiến thắng”, cán bộ các ngành, các đoàn thể đã ngày đêm bám sát cơ sở, nhất là vùng yếu để giúp tỉnh nắm chắc nguồn nhân lực, động viên mọi phương tiện, mọi điều kiện vật chất và tinh thần cho công tác tuyển quân. Phong trào "3 cử, 2 nguyện" (đoàn thể cử, gia đình cử, cơ quan, hợp tác xã cử; gia đình tự nguyện, bản thân tự nguyện) được phát động và diễn ra sôi nổi khắp các địa phương, cơ quan, trường học. Đông đảo đảng viên, cán bộ, công nhiên viên chức của Đảng bộ Cơ quan Dân Chính Đảng cấp tỉnh đã xung phong tình nguyện ghi tên nhập ngũ, nhiều người vinh dự được tham gia và lập công trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
4. Từ giữa năm 1975, các cơ quan, đơn vị thuộc Đảng bộ từng bước trở về Thị xã. Trong không khí hân hoan, náo nức của ngày hội mừng chiến thắng, Đảng bộ đã lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị từng bước khắc phục khó khăn, thiếu thốn về vật tư, nhân lực để di chuyển, sửa chữa, làm mới nhiều nhà cửa kho tàng, sắm thêm được nhiều dụng cụ phương tiện phục vụ sinh hoạt, công tác. Ngày 28-11-1975, cơ quan Đảng uỷ chuyển về Thị xã Hà Tĩnh (địa điểm hiện nay là Điện lực Thành phố Hà Tĩnh); trụ sở có 5 gian nhà tranh dùng để làm việc và 1 nhà ăn tập thể. 
ong truong kien chu tich ha tinh tuyen bo khoi cong xay dung ho ke go vao sang 2631976anh tu lieu
Ngày 26/3/1976 khởi công Công trình đại thủy nông Kẻ Gỗ, hoàn thành ngày 26/3/1979
*
*        *
Ôn lại thời kỳ cùng Đảng bộ và quân, dân tỉnh nhà kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đặc biệt giai đoạn 1965-1975, hoạt động của Đảng bộ Dân Chính Đảng cấp tỉnh luôn hướng vào nhiệm vụ chính trị trọng tâm là lãnh đạo, động viên cán bộ, đảng viên, công nhân viên chức các cơ quan cấp tỉnh, tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu, hoàn thành nhiệm vụ công tác chuyên môn, góp phần phát triển kinh tế, văn hoá, đảm bảo đời sống cho nhân dân trong tỉnh và chi viện cho các chiến trường. Trong hai lần chống chiến tranh phá hoại, các chi bộ phân tán ra nhiều địa phương trong tỉnh, điều kiện hoạt động hết sức khó khăn nhưng Đảng bộ đã tập trung đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị tư tưởng, phổ biến, quán triệt kịp thời các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước, tổ chức học tập lời dạy của Bác Hồ, phát động các phong trào thi đua "Ba sẵn sàng", "Ba đảm đang", "Hai tốt", "Lập công dâng Bác", "Tay bút, tay súng", "Tay búa, tay súng"... với các khẩu hiệu "Tất cả vì tiền tuyến, tất cả để chiến thắng", "Xẻ núi mở đường", "Tiếng hát át tiếng bom"... động viên cán bộ, đảng viên phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, vừa khắc phục, đẩy lùi khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn nghiệp vụ, vừa trực tiếp tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu bảo vệ quê hương, bảo vệ cơ quan, bảo vệ tài sản của Nhà nước và nhân dân. Trải qua nhiều lần chuyển hướng hoạt động và bị tàn phá ghê gớm trong 2 lần chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, Hà Tĩnh đã giành được những chiến công rạng rỡ trong chiến đấu, những tiến bộ về cải tạo và xây dựng kinh tế, những thành tích lớn về phát triển văn hoá, giáo dục, y tế, góp phần cùng với quân và dân cả nước đánh thắng kẻ thù lớn mạnh và hung hãn nhất của loài người ở thế kỷ XX, giành độc lập, thống nhất hoàn toàn cho Tổ quốc. Để đạt được những thành quả đó, công lao trước hết thuộc về quần chúng nhân dân toàn tỉnh, nhưng lại luôn gắn liền với sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp bộ Đảng, các cơ quan chính quyền, đoàn thể; gắn liền với ý thức trách nhiệm, khả năng vận dụng đường lối, chính sách và năng lực tổ chức, chỉ đạo của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, cán bộ tham mưu và tinh thần phục vụ của cán bộ công nhân viên các cơ quan cấp tỉnh. Đảng bộ cơ quan Dân chính Đảng, với chức năng, vai tò tổ chức, lãnh đạo đảng viên và quần chúng trong các cơ quan đầu ngành của tỉnh, có quyền tự hào là đã đóng góp một phần quan trọng vào những thành tích chung đó.
 
 
 

Tác giả bài viết: Lê Văn Vinh (Nguyên Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh)

Tổng số điểm của bài viết là: 6 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 3 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Thông báo - mời họp

133-GM/ĐUK

Ban Chỉ đạo Đảng ủy Khối về thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU, ngày 27/4/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy họp triển khai nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới.

15/03/2024

132-GM/ĐUK

BTV ĐUK kết nối đường truyền HN học tập, quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện Chuyên đề năm 2024; Nghị quyết số 18-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh và các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương.

14/03/2024

189-TB/ĐUK

TB mở Lớp bồi dưỡng đảng viên mới khóa I, năm 2024

05/03/2024

130-GM/ĐUK

Kết nối đường truyền Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024

08/01/2024

Lượt truy cập
  • Đang truy cập50
  • Hôm nay6,394
  • Tháng hiện tại113,883
  • Tổng lượt truy cập12,872,552
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây