Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về liêm chính công vụ - vận dụng vào xây dựng đạo đức công vụ của cán bộ, công chức nước ta hiện nay

Thứ hai - 05/04/2021 03:19
TCCS - Ý thức rõ về nguy cơ tha hóa quyền lực của đội ngũ cán bộ, công chức, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chú trọng giáo dục đạo đức công vụ cho họ với phẩm chất hàng đầu là sự liêm chính. Người yêu cầu cán bộ, công chức phải thực sự trong sạch, ngay thẳng, “công bình, chính trực”, hết lòng phục vụ Tổ quốc và nhân dân. Những chỉ dẫn của Người về liêm chính công vụ ngày càng tỏ rõ giá trị khi xây dựng chính phủ liêm chính với tính chuyên nghiệp, trách nhiệm, minh bạch, năng động và hiệu quả, đáp ứng yêu cầu cấp bách của nước ta hiện nay.

3liem chinh
Đoàn công tác của Ban Tổ chức Trung ương
do đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương làm Trưởng đoàn đến thăm và làm việc tại một số cơ sở kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk (tháng 11-2020) _Ảnh: TTXVN

Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về liêm chính công vụ

Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà tư tưởng và lãnh tụ đặc biệt đề cao các giá trị đạo đức và liêm chính, coi đó là hai phẩm chất đạo đức cơ bản của người cán bộ cách mạng. Người nói rõ: Đã là người cách mạng thì ai cũng phải liêm nhưng cán bộ, công chức - “những người trong công sở phải lấy chữ liêm làm đầu”(1). Lần đầu tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp đề cập một cách hệ thống toàn diện đến đức liêmchính của cán bộ, công chức là trong tác phẩm Đời sống mới (tháng 3-1947).
Để cán bộ nói chung, công chức nói riêng thấu hiểu và thực hành đức liêm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã luận giải sâu sắc về chuẩn mực này. Theo Người, liêm trước hết là liêm khiết, không tham ô, luôn tôn trọng, giữ gìn của công và tài sản của nhân dân. Liêm còn là trong sạch, không tham lam. Trong tác phẩm Đường Kách mệnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn người cách mạng phải “ít lòng ham muốn về vật chất”. Không đơn thuần là của cải, người cán bộ phải chế ngự lòng tham về mọi phương diện, tức “không tham địa vị. Không tham tiền tài. Không tham sung sướng. Không ham người tâng bốc mình”(2). Để mọi người hiểu rõ hơn về liêm, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn phân tích khái niệm tương phản là “bất liêm”. Người nói rõ, nếu liêm là không tham lam bất cứ điều gì ngoài ham học, ham làm, ham tiến bộ thì tham tiền của, tham địa vị, tham danh tiếng, tham ăn ngon, sống yên đều là bất liêm. Kẻ bất liêm do tham lam vô độ mà buộc phải trộm cắp những cái thuộc về người khác. Vì thế, “công khai hay bí mật, trực tiếp hay gián tiếp, bất liêm tức là trộm cắp”(3), rơi vào sự tha hóa về nhân cách. Để nhấn mạnh điều này, Người đã dẫn lời Khổng Tử, rằng “người mà không liêm, không bằng súc vật” và lời của Mạnh Tử, rằng “ai cũng tham lợi, thì nước sẽ nguy”. Như vậy, liêm và bất liêm - những phạm trù đạo đức truyền thống đã được kế thừa và phát triển để trở thành thước đo đạo đức cách mạng, đạo đức người cán bộ, công chức cách mạng. 
Không dừng ở khái niệm, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn chỉ ra giá trị của liêm trên mọi phương diện. Với các cá nhân, liêm mang lại sự “quang minh chính đại”, tâm lành, trí sáng, uy tín và sự kính nể từ những người xung quanh. Đức liêm của người cán bộ, công chức sẽ làm tấm gương cho nhân dân và mang lại cho họ lòng tin vào chế độ. Trên quy mô dân tộc thì liêm cùng với cần và kiệm sẽ giúp cho dân tộc giàu về vật chất, mạnh về tinh thần, trở thành một dân tộc văn minh và tiến bộ. Trong việc thực hành đức liêm của cán bộ, lòng tự trọng cá nhân, uy tín của chính thể và lòng tự tôn dân tộc sẽ hòa quyện làm một.
Với đội ngũ cán bộ, công chức, Chủ tịch Hồ Chí Minh cảnh báo rõ: Những người làm việc trong các công sở, từ làng xã cho đến Trung ương, vì nắm trong tay quyền lực nhà nước nên “đều dễ tìm dịp phát tài, hoặc xoay tiền của Chính phủ, hoặc khoét đục nhân dân”(4). Giữ gìn đức liêm, do đó, trở thành mục tiêu hàng đầu của Chính phủ Hồ Chí Minh và Người đã tuyên bố: “Chính phủ sau đây phải là một Chính phủ liêm khiết”(5). Điều đó có nghĩa là, trong thi hành công vụ cũng như trong cuộc sống đời thường, cán bộ, công chức tuyệt đối không được tơ hào dù chỉ là “cái kim, sợi chỉ” của nhân dân và phải hết sức tiết kiệm, minh bạch trong việc chi dùng công quỹ. Để răn đe, ngăn chặn những hành vi bất liêm, ngày 26-1-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Quốc Lệnh, trong đó quy định tội trộm cắp của công phải bị tử hình, giống như tội phản quốc.   
 Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh cán bộ, công chức không chỉ cần liêm mà còn phải chính. Người có đức chính là người chính trực, đúng mực, công tâm nên họ không chỉ hành động theo nguyên tắc “việc phải thì dù nhỏ cũng làm, việc trái thì dù nhỏ cũng tránh”, mà còn kiên quyết bảo vệ lẽ phải và đấu tranh quyết liệt với cái xấu. Thực hành đức chính rất khó bởi nó đòi hỏi ở con người sự dũng cảm, tinh thần trọng nghĩa và trách nhiệm cộng đồng. Do đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, liêm là tiền đề, điều kiện của chính nhưng người có đức chính mới là “người hoàn toàn”, tức là đạt tới sự hoàn thiện về nhân cách. Người còn nói rõ, ai cũng có 3 mối quan hệ là với mình, với người, với việc và người có đức chính phải thể hiện sự đúng mực, cao thượng trong cả 3 quan hệ đó, nhưng trước hết là trong công việc. Do nắm trong tay quyền lực công nên khả năng vụ lợi, lạm quyền của công chức luôn hiện hữu, vì thế mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cảnh báo: “Những người trong các công sở đều có nhiều hoặc ít quyền hành. Nếu không giữ đúng Cần, Kiệm, Liêm, Chính thì dễ trở nên hủ bại, biến thành sâu mọt của dân”(6). Như vậy, liêm chính vừa là tiêu chí đạo đức cơ bản, vừa là thước đo bản lĩnh giữ mình và khả năng chống lại sự tha hóa quyền lực của cán bộ, công chức. 
Chủ tịch Hồ Chí Minh còn nhấn mạnh: Bất kể ai trong hệ thống công quyền cũng đều phải thực hành liêm chính, nhưng người lãnh đạo phải là tấm gương về sự liêm chính. “Thượng bất chính, hạ tắc loạn”, nếu người đứng đầu mà không chính thì ở dưới sẽ “quân hồi vô phèng”; nếu người quản lý không liêm, tất cả sẽ thi nhau “xà xẻo” của công và của dân. Để người lãnh đạo trong các công sở thực hành đức chính, phòng tránh căn bệnh “cánh hẩu”, đố kỵ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Mình có quyền dùng người thì phải dùng những người có tài năng, làm được việc. Chớ vì bà con bầu bạn, mà kéo vào chức nọ chức kia. Chớ vì sợ mất địa vị mà dìm những kẻ có tài năng hơn mình”(7). Người còn đúc kết chân lý: Tự mình phải chính trước, mới giúp được người khác chính; mình không chính, mà muốn người khác chính là vô lý. Đây chính là những “lời răn” rất thấm thía về sự chính trực của người lãnh đạo. 
Sự kiên trì giáo dục và tấm gương ngời sáng về đức liêm chính của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dẫn đến sự ra đời nhiều lớp cán bộ vàng với tinh thần “dĩ công vi thượng”. Sự trong sạch, ngay thẳng, công tâm, chính trực, giàu đức hy sinh của họ không chỉ góp phần khẳng định tính ưu việt của chế độ mới tạo ra những kỳ tích của cách mạng Việt Nam, mà còn là hình mẫu lý tưởng cho các thế hệ sau noi theo. 
Xây dựng đạo đức công vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức hiện nay theo tư tưởng Hồ Chí Minh
“Đạo đức công vụ” là những giá trị đạo đức, nguyên tắc, chuẩn mực pháp lý quy định hành vi, thái độ, ứng xử của người công chức khi thi hành công vụ. Trong đạo đức công vụ, liêm chính là giá trị đầu bảng, cốt lõi, bởi một nền công vụ liêm chính sẽ bảo đảm tính hiệu quả của hoạt động công vụ, góp phần chống tham nhũng, thúc đẩy sự phát triển của đất nước và mang lại niềm tin của người dân vào chế độ. Mặt khác, do công chức là nghề dễ có cơ hội trục lợi cá nhân, tham nhũng nên liêm chính công vụ là vấn đề đã được đặt ra từ lâu. Từ năm 1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 76/SL, ngày 20-5-1950, của Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, về “Quy chế công chức Việt Nam”; trong đó, điều 2, mục II, chương 1, quy định rõ: “Công chức Việt Nam phải phục vụ nhân dân, trung thành với Chính phủ, tôn trọng kỷ luật, có tinh thần trách nhiệm và tránh làm những việc có hại đến thanh danh công chức hay đến sự hoạt động của bộ máy Nhà nước. Công chức Việt Nam phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”(8). Đây là lần đầu tiên, các giá trị đạo đức truyền thống mà liêm chính là giá trị cốt lõi, đã được thể chế hóa thành chuẩn mực pháp lý của công chức Việt Nam.
 

3 1 liem chinh

Chủ tịch Liên đoàn Lao động Quận 1 (Thành phố Hồ Chí Minh) trao quà và tặng thẻ bảo hiểm y tế cho đoàn viên công đoàn có hoàn cảnh khó khăn _Ảnh: TTXVN

Thực hành liêm chính thời nào cũng khó nhưng trong thời kinh tế thị trường và xã hội tiêu dùng - khi đồng tiền như có “sức mạnh vạn năng”, khi ham muốn vật chất và lối sống hưởng thụ trỗi dậy thì việc giữ gìn liêm chính thực sự là một thử thách lớn đối với đội ngũ cán bộ, công chức. Vì thế, trong thời kỳ đổi mới, mục tiêu xây dựng nền công vụ liêm chính được khẳng định trong nhiều bộ luật, như Luật Cán bộ, công chức năm 2008, Luật Viên chức năm 2010, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2013, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018... Nghị quyết số 33/NQ-CP, ngày 9-5-2016, của Chính phủ, “Về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4-2016”, khẳng định quyết tâm xây dựng Chính phủ trong sạch, liêm chính, kiến tạo, phát triển, một chính phủ là công bộc của nhân dân, một chính phủ bảo đảm sự công bằng, minh bạch và kiên quyết phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Ngày 27-12-2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1847/QĐ-TTg, “Về việc phê duyệt Đề án Văn hóa công vụ”. Không chỉ ở tầm vĩ mô, để sát thực hơn với điều kiện cụ thể, nhiều cơ quan còn ban hành Bộ Quy tắc ứng xử dành cho cán bộ, công chức của cơ quan mình.
Kết quả thực tế trong hiện thực hóa các chủ trương, quyết sách nêu trên rất đáng suy ngẫm. Xét về thành tựu thì sau 35 năm đổi mới, tính chuyên nghiệp của nền công vụ đã và đang từng bước được nâng lên. Nhìn chung, đội ngũ cán bộ, công chức được lựa chọn, đào tạo, bồi dưỡng bài bản hơn và từng bước thích ứng với môi trường làm việc đòi hỏi tính chuyên nghiệp cao. Chức năng, nhiệm vụ của mỗi đơn vị, mỗi cán bộ, công chức được xác định rõ hơn. Việc chống chạy chức, chạy quyền được coi trọng nên bước đầu có chuyển biến. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích đạt được, trong nền công vụ hiện hành và đội ngũ cán bộ, công chức vẫn tồn tại không ít hạn chế, yếu kém. Thủ tục hành chính còn phiền hà; tình trạng “con ông, cháu cha”, “phù phép” để tuyển dụng, bổ nhiệm người thân quen trong bộ máy công vụ còn khá phổ biến. Những người “đỗ đạt”, thăng tiến không bằng thực lực thường thiếu hụt cả về kiến thức và ý thức. Họ coi mình có quyền “ban phát” cho nhân dân nên làm việc theo kiểu “dân có cần nhưng quan chẳng vội”, thậm chí còn có biểu hiện hách dịch, sách nhiễu, gây phiền hà cho nhân dân. Số lượng công chức, viên chức vẫn còn rất lớn, tạo gánh nặng cho ngân sách quốc gia. Công sở được coi là nơi “trú chân” an toàn để hưởng lương và do chế độ biên chế suốt đời còn tồn tại trong một bộ phận cán bộ, công chức nên “sức ỳ” trong một bộ phận cán bộ, công chức khá lớn. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thẳng thắn đánh giá: “Trong bộ máy chúng ta có tới 30% số công chức không có cũng được, bởi họ làm việc theo kiểu sáng cắp ô đi, tối cắp về, không mang lại bất cứ thứ hiệu quả công việc nào”(9). Không chỉ dừng ở sự bê trễ, ít sáng kiến, mà một bộ phận công chức, kể cả cấp cao, còn rơi vào sự bất liêmbất chính. Lẽ thường là, sự bất liêm về tài sản thường đi đôi với sự bất chính về lời nói để che đậy khối tài sản bất hợp pháp. Trong thời gian qua, tham nhũng đã từng bước được kiềm chế, ngăn chặn nhưng vẫn còn là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ. Trên thực tế, không chỉ hình thành “lợi ích nhóm” hay “sân sau” của các quan chức, mà đã manh nha nguy cơ của “chủ nghĩa tư bản thân hữu”  - sự cấu kết giữa nhóm đặc quyền về kinh tế và nhóm đặc quyền về chính trị, hòng thâu tóm các nguồn lực tài chính cũng như quyền lực chính trị để phục vụ cho lợi ích của một nhóm người. Cũng vì tham vọng quyền lực mà một số cán bộ đã đánh mất lòng chính trực, trở nên “sống giả, diễn hay”, nịnh hót cấp trên hòng “leo cao, chui sâu” trên bậc thang danh vọng. Sự sai phạm trong các cơ quan công quyền không phải là ít nên việc cán bộ cấp cao bị kỷ luật, thậm chí vướng vào vòng “lao lý” không còn là điều hiếm. Sai phạm của cán bộ, công chức, nhất là cán bộ, công chức cấp cao, không chỉ làm hoen ố thanh danh của bản thân, gia đình, cơ quan, làm tiêu hao tài lực quốc gia, mà còn làm xói mòn lòng tin của nhân dân vào chính thể cầm quyền.

3 2 liem chinh

Cán bộ, công chức tiếp nhận và giải quyết hồ sơ của các sở, ban, ngành tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Bắc Giang _Ảnh: TTXVN

Tiến trình đổi mới đất nước, xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và xu thế hội nhập quốc tế sâu rộng đòi hỏi nền công vụ Việt Nam phải khắc phục các vấn nạn đang tồn tại để trở nên minh bạch, hiệu quả và phù hợp với thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, việc nâng cao chất lượng nền công vụ hiện hành không đơn giản là hiện đại hóa trang thiết bị làm việc hay cải cách tổ chức, mà trước hết cần phải “liêm chính hóa” đội ngũ cán bộ, công chức. Công vụ là một nghề đặc biệt, liêm chính là giá trị đầu bảng, nhưng đặc tính đó phải được tạo dựng bằng các phẩm chất tốt đẹp của đội ngũ cán bộ, công chức. Đó là sự tận tâm, tận lực, “quang minh, chính đại” khi thi hành công vụ; có ý thức bảo vệ, tiết kiệm tài sản công; không tham nhũng, không lợi dụng quyền lực công để tư lợi; là tinh thần “dĩ công vi thượng”, hết lòng, hết sức vì lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Đó còn là tinh thần dám đấu tranh với những gì sai trái, vụ lợi; là thái độ ngay thẳng, đúng mực trong ứng xử, như không “nịnh trên, nẹt dưới”, có tinh thần hợp tác, tương trợ, giúp đỡ đồng nghiệp... Đối với đội ngũ cán bộ, công chức, muốn “phần tốt trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa xuân và phần xấu bị mất dần đi”, cần thực thi đồng bộ hệ thống giải pháp được đề xuất trên cơ sở vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh.
Thứ nhất, Đảng gương mẫu đi đầu và lãnh đạo Nhà nước cùng toàn xã hội thi hành một nền chính trị liêm khiết. Ở Việt Nam, Đảng trực tiếp lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ nên muốn có nền công vụ liêm chính thì tổ chức đảng các cấp và mỗi đảng viên phải ra sức thực hành liêm chính. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng đưa ra một định nghĩa độc đáo về chính trị: “Tóm lại chính trị là: 1Đoàn kết. 2. Thanh khiết từ to đến nhỏ”(10). Người còn định nghĩa về Đảng từ góc độ đạo đức và văn hóa: “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”; Đảng không có mục đích nào khác ngoài hạnh phúc của nhân dân. Sự trong sáng, cao thượng, liêm chính chính là sức mạnh của Đảng. Ngày nay, khi mức sống chung trong xã hội ngày càng được nâng lên thì đời sống của cán bộ, đảng viên cũng được cải thiện. Do tình hình kinh tế - xã hội có nhiều đổi khác, cần nghiên cứu để xác định, bổ sung, hoàn chỉnh “thang giá trị đạo đức” phù hợp để đảng viên thực hiện. 
Thứ hai, tăng cường công tác giáo dục đạo đức công vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức. Về nguyên tắc, cán bộ, công chức luôn phải đủ đức, đủ tài, nhưng đức phải là gốc. Nếu tài năng ít nhiều có phần “thiên phú” thì đạo đức, liêm chính chủ yếu là do sự tự rèn luyện, tu dưỡng. Phải giáo dục để cán bộ, công chức ý thức sâu sắc rằng: Nhân dân mới đích thực là chủ sở hữu quyền lực và phục vụ nhân dân là lý tưởng cao đẹp nhất của người cách mạng. Hơn nữa, cán bộ, công chức lĩnh lương “của nhân dân” thì phải phục vụ nhân dân một cách tận tâm, tận lực. Khi và chỉ khi mỗi cán bộ, công chức thấm thía giá trị đích thực của đạo đức, liêm sỉ, lòng tự trọng và hiểu rằng, “sinh hoạt vật chất, hết đời người đó là hết, còn tiếng tăm xấu hay tốt, sẽ truyền đến ngàn đời về sau”(11), thì họ mới tự giác đặt danh dự, nhân phẩm lên trên sự phù hoa, xa xỉ.
Tuy nhiên, muốn có kết quả, giáo dục phải cộng hưởng với tự giáo dục. Đội ngũ cán bộ, công chức, đặc biệt là cấp cao, thường xuyên đối mặt với những cám dỗ mà không phải lúc nào tổ chức cũng có thể theo sát để giáo dục, uốn nắn. Vì thế, sự tự giác “tu tâm, dưỡng tính” của mỗi cá nhân có vai trò đặc biệt quan trọng. Quá trình này phải diễn ra liên tục, thường xuyên, cho dù nó tựa như “gạo đem vào giã bao đau đớn”. Trong mắt nhân dân, mỗi hành vi của cán bộ, công chức đều là hình ảnh của nền công vụ nên họ có trách nhiệm phải giữ gìn sự liêm chính như giữ gìn “con ngươi của mắt mình”. Mặt khác, công tác giáo dục phải đi đôi với sự cảnh báo để cán bộ, công chức hiểu rằng: Nếu giữ được đức liêmchính, họ không chỉ mang lại lợi ích cho nhân dân, cho đất nước mà chính họ cũng được hưởng lợi ích lâu bền; ngược lại, nếu làm việc gì phi pháp và bị bại lộ, họ không chỉ mất hết danh dự mà của cải phi nghĩa cũng không được hưởng. Sự nhận thức, ý thức của mỗi cán bộ, công chức về liêm chính phải đủ sâu, đủ mạnh để biến thành hành vi thực hành liêm chính, thành khả năng đủ sức chối từ những việc làm phi pháp.
Thứ ba, chấn chỉnh công tác nhân sự và minh bạch hóa nền hành chính công vụ. Về việc tuyển chọn cán bộ, công chức, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Phải chọn trong những người có công tâm, trung thành, sốt sắng với quyền lợi dân chúng, có năng lực làm việc, được đông đảo dân làng tín nhiệm. Không thể nhờ tiền tài hay một thế lực gì khác mà chui lọt vào các Ủy ban đó”(12). Để khắc phục căn bệnh “cánh hẩu”, đố kỵ, “chạy chức, chạy quyền” vốn gây bức xúc trong dư luận xã hội, việc thi tuyển, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ, công chức phải được tiến hành một cách công khai, minh bạch theo nguyên tắc trọng dụng người tài và “vì việc mà tìm người chứ không phải vì người mà tìm việc”; phải lấy kết quả thực tiễn làm thước đo mức độ hoàn thành công vụ và đạo đức công vụ. Cũng cần quy định rõ trách nhiệm của những người đã dung túng để những kẻ cơ hội, lươn lẹo chui lọt, tiến thân trong bộ máy công quyền. Phải xây dựng cơ chế miễn nhiệm, cho từ chức hoặc buộc từ chức đối với những cán bộ, công chức làm việc kém hiệu quả, có dấu hiệu bất liêmbất chính và có phiếu tín nhiệm thấp; đồng thời, thiết kế lại bộ máy quản lý để tránh sự chồng chéo chức năng, nhiệm vụ; mỗi cán bộ, công chức được giao chức trách, nhiệm vụ rõ ràng, cụ thể với quyền hạn, trách nhiệm tương ứng. Thực hiện tốt công tác thi đua - khen thưởng, kỷ luật để răn đe các hành vi vi phạm pháp luật và tôn vinh các điển hình mẫn cán công vụ cùng với cải cách chính sách tiền lương căn cứ theo hiệu quả công việc để cán bộ, công chức yên tâm làm việc.

3 3 liem chinh

Cán bộ hải quan Chi cục Hải quan Cửa khẩu cảng Cẩm Phả hỗ trợ hành khách trong quá trình làm thủ tục xuất nhập cảnh tại Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh) _Nguồn: baoquangninh.com.vn

Thứ tư, xây dựng và hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực. Quyền lực được thể hiện bằng các quyết định do người nắm giữ quyền lực ban hành. Thực tế cho thấy, quyền lực không được kiểm soát tất yếu sẽ dẫn tới lạm quyền, lộng quyền, chuyên quyền. Vì thế, sau Đại hội XII của Đảng, vấn đề kiểm soát quyền lực đã được đặt ra như một giải pháp trọng yếu của công tác xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và phòng, chống tham nhũng. Kiểm soát quyền lực thực chất là kiểm soát hành vi của những người có chức, có quyền, nên đây là công việc không hề đơn giản; muốn đạt kết quả thì cần có sự phối hợp của nhiều hình thức kiểm soát và sự đồng lòng của nhiều chủ thể.
Muốn kiểm soát quyền lực cần phải có những giải pháp mang tính thể chế bởi ý thức, tính tự giác của mỗi người là khác nhau. Phải tiếp tục hoàn thiện hệ thống luật pháp sao cho chặt chẽ, đồng bộ, không còn kẽ hở cho người xấu trục lợi. Đặc biệt, cần có đạo luật riêng về đạo đức công vụ, đạo đức công chức bởi các quy định về vấn đề này hiện đang nằm rải rác trong các luật khác nhau và chưa có sự thống nhất, chưa thật sự đầy đủ. Cũng cần ban hành Luật Kê khai tài sản để phát hiện các hành vi tham nhũng. Việc giao quyền, phân quyền cho cán bộ, công chức phải đi đôi với tăng cường cơ chế giải trình và có chế tài đủ mạnh để buộc cán bộ, công chức phải thực hành liêm chính công vụ. Khi đã có luật pháp, chế tài thì phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêmbất chính theo nguyên tắc không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Tham nhũng - điều mà Chủ tịch Hồ Chí Minh coi là “xấu xa nhất, tội lỗi, đê tiện nhất trong xã hội”(13) - phải bị coi là “giặc nội xâm”. Cuộc chiến chống “giặc” tất yếu phải là cuộc đấu tranh “sinh tử”, không thể khoan nhượng.
Cần tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát của Đảng, Chính phủ, Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp đối với hoạt động của công chức để kịp thời ngăn chặn, chấn chỉnh các hành vi sai trái, không để sự vi phạm tích tụ thành “khối u” khổng lồ mới đưa ra xét xử.
Để kiểm soát việc thực thi quyền lực của cán bộ, công chức, nâng cao dân trí cũng là một giải pháp quan trọng, bởi đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: Nếu dân hiểu biết, không chịu đút lót, thì “quan” dù không liêm, cũng phải hóa ra liêm. Cần làm cho người dân ý thức rõ rằng, ngoài quyền được nhận sự phục vụ của cơ quan công quyền với tư cách người chủ, người dân còn có quyền giám sát các hoạt động đó. Cần xây dựng chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người dân đối với các sản phẩm dịch vụ công và coi đó là “tham số” quan trọng để đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức.
Trong thời đại thông tin, vai trò của báo chí và dư luận xã hội là rất lớn nên phải tăng cường, phát huy vai trò của báo chí trong cuộc đấu tranh chống tiêu cực, dùng sức mạnh của truyền thông để “phò chính, trừ tà”.
Thứ năm, phát huy vai trò nêu gương của người đứng đầu các tổ chức công quyền. Cán bộ đứng đầu tổ chức khác cán bộ thường ở chỗ, cán bộ thường chỉ làm một việc, chỉ nhìn thấy cái cụ thể; người đứng đầu phải am hiểu tổng thể, phải đưa ra các quyết định. Đặc biệt, họ có quyền bố trí nhân sự, tức là nắm trong tay vận mệnh chính trị, “công ăn, việc làm” của người khác. “Cán bộ nào, phong trào ấy”, nên sự liêm chính của người đứng đầu đóng vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của tổ chức và cá nhân. Tuy nhiên, chức vụ càng cao, càng nhiều cám dỗ và người lãnh đạo càng đứng trước những thử thách nghiệt ngã về đức liêm chính. Trong thời gian qua, không ít người đứng đầu các cấp đã rơi vào sự suy thoái đạo đức và bị xử lý kỷ luật, kể cả bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Do đó, nâng cao tấm gương liêm chính và trách nhiệm gương mẫu của người đứng đầu theo phương châm “trong trước, ngoài sau”, “trên trước, dưới sau” chính là giải pháp “đột phá” trong việc chấn chỉnh đạo đức công vụ hiện nay. Quy định số 08-QĐi/TW, ngày 25-10-2018, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, “Về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”, đòi hỏi người đứng đầu các cơ quan công quyền phải ý thức rõ về “vai trò thủ lĩnh” của mình trong cuộc đấu tranh chống tiêu cực cũng như trong việc tạo ra hình mẫu người cán bộ mẫn cán, liêm chính để làm gương cho cán bộ dưới quyền và nhân dân. Với người lãnh đạo, cái quý nhất chính là danh dự, uy tín, sự lớn mạnh của tổ chức do mình lãnh đạo và cái đáng sợ nhất chính là “cái chết về chính trị”, sự lên án của tổ chức và nhân dân vì những hậu quả tai hại của những hành vi sai trái mà họ gây ra.
Bên cạnh đó, cần phải nhanh chóng “số hóa” nền công vụ, xây dựng chính phủ điện tử để nâng cao tính minh bạch trong hoạt động của Chính phủ, giảm thiểu sự sách nhiễu của cán bộ, công chức. Trong tiến trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, bộ máy hành chính Việt Nam phải không ngừng tiếp thu kinh nghiệm vận hành nền hành chính của các nước tiên tiến trên thế giới. 
Trong tiến trình đổi mới và tích cực, chủ động hội nhập quốc tế hiện nay, văn hóa chính trị, văn hóa công vụ chính là sức mạnh mềm của đất nước. Sự liêm chính trong suy nghĩ và hành động của cán bộ, công chức sẽ quyết định thái độ phục vụ, văn hóa ứng xử, hiệu quả công việc và gắn liền với nó là chỉ số minh bạch của quốc gia, là niềm tin của người dân vào chính thể. Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về liêm chính công vụ không chỉ có ý nghĩa giáo dục, cảnh báo mà còn gợi mở hệ thống giải pháp hữu hiệu cho việc xây dựng một nền công vụ liêm chính ở nước ta hiện nay. Con đường đến đích chắc chắn sẽ là quá trình “tự cải tạo”, “tự đổi mới” hết sức gian khổ, nhưng đó là bước phát triển tất yếu trong tiến trình xây dựng một nước Việt Nam hùng cường như mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh./.

------------------------------

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011,  t. 5, tr. 123
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 292
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 127
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 123
(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 478
(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 122
(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 123
(8)  https://thuvienphapluat.vn/van-ban/lao-dong-tien-luong/Sac-lenh-76-SL-ban-hanh-Quy-che-Cong-chuc-36567.aspx
(9) Chí Tùng: “30% số công chức sáng cắp ô đi, tối cắp về”, https://dantri.com.vn/xa-hoi/30-so-cong-chuc-sang-cap-o-di-toi-cap-ve-1359590458.htm, ngày 26-1-2013
 (10), (11) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 75, 537
(12) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 21
(13) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 14, tr. 141

PGS, TS. TRẦN THỊ MINH TUYẾT          

Giảng viên cao cấp, Học viện Báo chí và Tuyên truyền

Nguồn tin: Tạp chí Cộng Sản:

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thông báo - mời họp

134-GM/ĐUK

Hội nghị Báo cáo viên tháng 3 năm 2024 để cập nhật thông tin cho đội ngũ Báo cáo viên Đảng ủy Khối và cán bộ tuyên giáo các đảng bộ, chi bộ cơ sở; định hướng công tác tuyên truyền trong thời gian tới.

22/03/2024

133-GM/ĐUK

Ban Chỉ đạo Đảng ủy Khối về thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU, ngày 27/4/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy họp triển khai nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới.

15/03/2024

132-GM/ĐUK

BTV ĐUK kết nối đường truyền HN học tập, quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện Chuyên đề năm 2024; Nghị quyết số 18-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh và các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương.

14/03/2024

189-TB/ĐUK

TB mở Lớp bồi dưỡng đảng viên mới khóa I, năm 2024

05/03/2024

Lượt truy cập
  • Đang truy cập49
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm48
  • Hôm nay8,082
  • Tháng hiện tại221,280
  • Tổng lượt truy cập12,979,949
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây