Cán bộ, đảng viên ứng xử với mạng xã hội (phần 4 và 5)

Thứ bảy - 12/12/2020 21:23
Tác phẩm “Cán bộ, đảng viên ứng xử với mạng xã hội” của tác giả Vân Tâm, Tạp chí Sổ tay xây dựng Đảng đoạt Giải A - Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Giải Búa liềm vàng) lần thứ IV - năm 2019, xin giới thiệu cùng bạn đọc.
Kỳ 4: Những cảnh báo cho cán bộ, đảng viên khi sử dụng mạng xã hội
Thời gian qua, đã có một số đảng viên bị kỷ luật do sử dụng mạng xã hội đăng tải những thông tin không phù hợp, vi phạm các quy định của Đảng. Đây thực sự là những lời cảnh báo, những bài học cảnh tỉnh cho những ai có nhận thức lệch lạc, sai lầm khi dùng mạng xã hội để đăng tải các thông tin, bài viết không đúng quy định của pháp luật, vi phạm kỷ luật của đảng viên.
Đầu tháng 8-2019, một đảng viên là chuyên viên Văn phòng UBND TP.HCM đã bị khai trừ ra khỏi Đảng vì “đã thiếu tu dưỡng rèn luyện, suy thoái tư tưởng chính trị rất nghiêm trọng” liên quan trực tiếp đến việc sử dụng mạng xã hội (Facebook) để đưa những thông tin không phù hợp. Thông qua trang Facebook cá nhân, đảng viên này cố ý viết bài và đăng các thông tin, bài viết tổng hợp từ internet và mạng xã hội có nội dung không đúng bản chất vụ việc, nói xấu, bôi nhọ, hạ thấp uy tín của lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Người này cũng cố ý đưa lên mạng xã hội các bài viết dưới hình thức báo cáo, kiến nghị nhưng mang nội dung tố cáo, gửi nhiều cấp, trong đó có facebook, không phải là nơi có thẩm quyền giải quyết, để nhiều đối tượng bình luận, nói xấu, xuyên tạc, làm hiểu sai lệch bản chất vụ việc, tạo cách nhìn và thái độ tiêu cực đối với sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước. Việc làm này ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, danh dự của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước và một số cá nhân liên quan. Trước đó, đảng viên này cũng đã bị xử lý vi phạm hành chính với số tiền phạt là 7,5 triệu đồng vì “vu khống, xúc phạm danh dự, uy tín” của người khác khi đăng đoạn thông tin cập nhật về vụ giao “đất vàng”, gắn với trách nhiệm của một số cá nhân khi chưa kết luận từ cơ quan có thẩm quyền.
Hồi tháng 5-2019, một đảng viên là nguyên phó bí thư chi bộ, trưởng một khoa của Trường Chính trị Trần Phú (tỉnh Hà Tĩnh) đã bị kỷ luật cách chức vì có hành vi sử dụng mạng xã hội đăng tin sai sự thật, xúc phạm lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Từ bài viết này, trang cá nhân của đảng viên trên có những bình luận xuyên tạc sự thật với những từ ngữ thiếu văn hóa, xúc phạm đến lãnh đạo Đảng, Nhà nước, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự bản thân, uy tín của tổ chức Đảng và nhà trường, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và dư luận xã hội.
Vào tháng 3-2019, một đảng viên là phó viện trưởng một viện thuộc UBND thành phố Đà Nẵng đã viết, đăng tin, bài sai sự thật, không đúng với quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trên mạng xã hội (facebook) và bị Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ khỏi Đảng. Trước đó 1 năm, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Đà Nẵng cũng đã thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với đảng viên này cùng với nội dung như trên.
Hay tại An Giang, hồi năm 2015, sau sự việc 3 cán bộ trong tỉnh được cho là “lên Facebook nói xấu lãnh đạo tỉnh”, Tỉnh ủy đã chỉ đạo các ngành chức năng điều tra, xử lý triệt để. Sau đó, Đảng ủy Khối Dân - Chính - Đảng (nay là Đảng ủy Khối Cơ quan và Doanh nghiệp An Giang) đã ban hành một số văn bản về việc xử lý, chấn chỉnh cán bộ, đảng viên lợi dụng sử dụng Facebook xúc phạm lãnh đạo tỉnh; yêu cầu các tổ chức đảng cơ sở nhắc nhở cán bộ, đảng viên sử dụng mạng xã hội theo hướng tích cực. Văn phòng UBND tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông An Giang, UBND thành phố Châu Đốc… cũng ban hành văn bản về việc chấn chỉnh cán bộ, công nhân viên sử dụng Facebook…
Cần nhắc lại, Quy định 102-QĐ/TW ngày 15-11-2017 của Bộ Chính trị về “Xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm” đã nêu cụ thể một số hành vi vi phạm kỷ luật liên quan đến mạng xã hội. Đó là: “Lợi dụng và sử dụng các phương tiện thông tin, truyền thông, mạng xã hội để nói xấu, bôi nhọ, hạ thấp uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng” (điểm g) mục 3 Điều 7); “Trả lời phỏng vấn, cho đăng tải tin, bài trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội có nội dung sai sự thật, mang tính kích động, gây hoang mang hoặc quy kết về tội danh, mức án trước khi xét xử” (điểm e), mục 2 Điều 10). Hình thức kỷ luật cao nhất đối với các vi phạm này là khai trừ ra khỏi Đảng.
Xét về nhiều mặt, mạng xã hội mang tính cá nhân rất cao, bởi gần như hoàn toàn do cá nhân đăng tải những thông tin, hình ảnh theo ý chỉ chủ quan của mình, trừ một số ít trường hợp vi phạm “tiêu chuẩn cộng đồng” do những người thiết lập mạng xã hội đặt ra. Đó là, bản thân người dùng gần như có thể đăng (post) bất kỳ loại thông tin, hình ảnh gì, vào bất kỳ lúc nào, ở bất cứ đâu, dưới bất cứ hình thức gì… Lợi dụng điểm này, một số người, kể cả cán bộ, đảng viên, đã sử dụng mạng xã hội để đăng tải những bài viết mang thông tin chưa được kiểm chứng, có nội dung công kích, xúc phạm người khác, vi phạm các quy định về bảo mật của cơ quan, đơn vị, không có lợi cho tổ chức của Đảng, của Nhà nước.
Trong một số trường hợp, nếu cá nhân không phải là cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, tức là về cơ bản không bị ràng buộc trách nhiệm do bản thân là thành viên của một tổ chức nào đó, thì điều này có thể ít được quan tâm, truy cứu, trừ trường hợp có thông tin, hình ảnh vi phạm pháp luật. Nhưng với những người phải đồng thời thực hiện nghĩa vụ công dân lẫn vai trò là thành viên của một cơ quan, tổ chức nào đó, bản thân họ phải luôn ý thức rằng bất kể điều gì mình đăng tải liệu có ảnh hưởng đến cá nhân nào không, tổ chức nào không, có lợi cho ai không, có hại cho ai không, có vi phạm các điều lệ hay quy định nào của tổ chức không… Không chỉ vậy, bản thân còn phải xác định rõ điều mình đăng có phù hợp không, thực sự có lợi chung hay không. Điều đó không phải chỉ là đòi hỏi về sự “nhạy cảm chính trị” mà trên hết là sự ứng xử một cách hợp lẽ với cơ quan, tổ chức mà bản thân đang trong hệ thống đó.
Tất cả những trường hợp đăng tải thông tin, hình ảnh có biểu hiện không lành mạnh có thể không cần phải bị ai đó khởi kiện vì vi phạm pháp luật, nhưng nếu tổ chức đảng, đoàn thể, cơ quan nhận thấy chưa phù hợp với tư cách của người đảng viên, đoàn viên, cán bộ công chức… thì có thể nhắc nhở, uốn nắn. Điều này cũng đặt ra trách nhiệm của tổ chức, người lãnh đạo của cá nhân đó trong việc nhìn nhận, theo dõi diễn biến tư tưởng của cán bộ, đảng viên thuộc quyền quản lý của mình. Chẳng hạn, khi có những bài viết hay chia sẻ đầu tiên chưa lành mạnh, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức đảng có thể gặp gỡ, tìm hiểu, động viên, nhắc nhở. Nếu vẫn chưa có chuyển biến tích cực thì cần đưa ra các sinh hoạt tập thể, như họp cơ quan, họp chi bộ, họp chi đoàn… để uốn nắn. Trường hợp cần thiết thì dùng tập thể để tác động, phê bình, vạch ra cái sai mà sửa chữa, khắc phục. Nếu vẫn không phục thiện thì phải cần đến nội quy của cơ quan, kỷ luật của tổ chức để xử lý. Trường hợp nghiêm trọng (như có thư tố cáo hoặc gây ra hậu quả lớn) thì phải truy cứu trách nhiệm hành chính hoặc hình sự. Với một số đảng viên như đã nêu ở trên, sau nhiều lần giáo dục không thành công, biện pháp cuối cùng là phải đưa ra khỏi tổ chức, bởi sự suy thoái đã đến mức nghiêm trọng.
Như vậy, sẽ có người đặt câu hỏi: “Tôi đăng tải trên trang cá nhân của tôi những điều pháp luật không cấm, sao lại nói tôi vi phạm?”. Có thể trong nhiều trường hợp chưa có dấu hiệu cụ thể của vi phạm pháp luật và pháp luật cũng không có quy định cấm nhưng trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên là phải chấp hành nghiêm kỷ luật của cơ quan, của tổ chức, trong đó có tổ chức đảng, không phải chỉ làm những điều pháp luật không cấm mà buộc phải làm những điều pháp luật cho phép và không trái với các quy định của tổ chức mà mình là thành viên. Như trường hợp đưa văn bản nội bộ của cơ quan lên mạng xã hội rõ ràng là vi phạm nội quy cơ quan, hay đưa thông tin có tính chất suy diễn về các cán bộ, đảng viên khác khi chưa có kết luận của cơ quan có thẩm quyền thì không thể nói là không có vi phạm về tư cách đảng viên…
Bài học cho cán bộ, đảng viên qua một số vụ việc liên quan đến mạng xã hội chính là phải giữ nghiêm kỷ luật, phải chấp hành nghiêm chỉnh nội quy cơ quan và các quy định của các tổ chức, đoàn thể mà bản thân là thành viên. Bản thân mỗi người phải luôn ý thức được rằng mình phải sử dụng mạng xã hội sao cho tích cực không chỉ bản thân mà còn cho người khác, cho tổ chức, cho xã hội. Tức là, bên cạnh sử dụng mạng xã hội đúng quy định của pháp luật còn phải thể hiện tính văn hóa, văn minh, tính kỷ luật, tính đảng. Đây phải là điều thường trực trong nhận thức!
Những người là cán bộ, đảng viên có quyền tham gia mạng xã hội nhưng cần tuân thủ nguyên tắc là mỗi người phải luôn nghiêm túc thực hiện điều lệ và quy định kỷ luật của Ðảng, của tổ chức mà mình là thành viên, đồng thời thể hiện là những công dân gương mẫu. “Tình trạng một số ít đảng viên bị xử lý kỷ luật, bị xử phạt vì có biểu hiện tiêu cực trên mạng xã hội cho thấy đã trực tiếp vi phạm Quy định số 47-QÐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm, xa rời yêu cầu về vai trò gương mẫu của đảng viên, với một số trường hợp là tiếp tay, phụ họa nhận thức lệch lạc, quan điểm sai trái, thậm chí khơi mào quan điểm sai trái. Việc kiên quyết khi xử lý đảng viên vi phạm kỷ luật Ðảng chính là góp phần để Ðảng ta thật sự vững vàng về chính trị và tư tưởng, thống nhất cao về ý chí và hành động, trong sạch về đạo đức và lối sống, chặt chẽ về tổ chức, bảo đảm sự lãnh đạo đưa đất nước ngày càng phát triển, xứng đáng với lòng tin yêu của nhân dân. Ðây cũng là bài học thiết thân với mọi đảng viên, nhắc nhở rằng dù hoạt động trong lĩnh vực xã hội và giữ cương vị xã hội nào, thì mỗi đảng viên vẫn phải tự ý thức về trách nhiệm trước Ðảng, trước nhân dân. Khi tham gia mạng xã hội, trước khi đưa ra ý kiến về vấn đề, sự kiện, hiện tượng nào đó, đảng viên cần có bản lĩnh, trí tuệ, thiện chí, tỉnh táo xem xét... không để bị cuốn theo cảm xúc của số đông, không phát ngôn cảm tính, không phán xét tùy tiện, không khơi mào ý kiến tiêu cực... Chỉ có như vậy, đảng viên mới có thể góp phần bảo vệ, giữ vững uy tín của Ðảng, bảo vệ và giữ vững uy tín của chính mình”[2].
Những cảnh báo này tuy không mới cũng cần được nhắc lại để mỗi cán bộ, đảng viên không được phép quên!
Kỳ 5: Cần những quy tắc khi sử dụng mạng xã hội
Dù với một số người sử dụng mạng xã hội chỉ là “chơi thôi”, nhưng trên thực tế để cuộc chơi đó đúng pháp luật và các quy định khác, không vi phạm thuần phong mỹ tục và thể hiện được tinh thần văn hóa, văn minh trong không gian mạng, rất cần những quy tắc nhất định.
Cần quy tắc để tạo ra một môi trường lành mạnh
Có một số người khi nói đến việc lập các quy tắc trong việc sử dụng mạng xã hội đã phản ứng khá tiêu cực. Họ cho rằng quy tắc suy cho cùng là để ràng buộc, là sự hạn chế quyền tự do. Nhưng trên thực tế, sự hạn chế tự do đó là để mọi người cùng được tự do, không để tự do (quá trớn) của người này làm ảnh hưởng đến tự do (đúng mực) của người khác. Bởi khi quá say sưa với quyền tự do của mình, một số người nào đó có thể xâm phạm đến các quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của tổ chức và cá nhân khác.
Ngày 24-12-2018, Ban Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam đã ban hành Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam, gồm 3 chương và 7 điều, trong đó Điều 1 nêu mục đích của quy tắc: “1. Quy định một số nguyên tắc, chuẩn mực trong việc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam, bảo đảm phù hợp với các quy định của pháp luật và đạo đức nghề nghiệp người làm báo. 2. Quy tắc quy định những việc/điều cần làm và những việc/điều không được làm khi sử dụng mạng xã hội”. Ở phần quy định cụ thể, Quy tắc nêu Những việc/điều người làm báo Việt Nam cần làm khi tham gia mạng xã hội (Điều 3), Những việc/điều người làm báo Việt Nam không được làm khi tham gia mạng xã hội (Điều 4). Rõ ràng các quy định này có tác dụng định hướng, nhắc nhở người làm báo Việt Nam khi sử dụng mạng xã hội phải có lưu ý để tránh vi phạm đạo đức nghề nghiệp của người làm báo, vi phạm thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật, nhằm tránh ảnh hưởng đến uy tín cá nhân và cơ quan báo chí mà mình đang công tác. Đặc biệt, với những người làm báo ít nhiều có những tác động đến xã hội khi đăng tải các bài viết, sự tuân thủ các quy tắc lại cần thiết hơn nhiều đối tượng khác.
Cuối năm 2018, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng dự thảo “Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội cho nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng mạng xã hội, hướng tới xây dựng môi trường mạng lành mạnh, an toàn tại Việt Nam” với những tiêu chí: Tôn trọng - Trách nhiệm - Lành mạnh - An toàn. Theo đó, đối với người sử dụng mạng xã hội, tiêu chí Tôn trọng là phải tôn trọng lẫn nhau và tôn trọng bản thân mình; tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, trong đó có quyền tự do và riêng tư cá nhân. Tiêu chí Trách nhiệm là công khai sự xuất hiện của mình trên mạng xã hội bằng cách sử dụng đúng thông tin cá nhân, tổ chức; có trách nhiệm phát hiện, thông báo và phối hợp với các cơ quan hữu quan để xử lý, ngăn chặn và đấu tranh loại bỏ các nội dung thông tin xấu, độc, các tin đồn gây ảnh hưởng tiêu cực. Tiêu chí Lành mạnh là ứng xử, tương tác trên mạng xã hội phải tôn trọng các giá trị đạo đức, giá trị văn hóa, giá trị tinh thần, phong tục -  tập quán tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân; luôn hành xử mang tính xây dựng, hướng về cái tốt, suy xét cẩn trọng đối với các tương tác trên mạng xã hội; bảo đảm những gì đăng tải là sự thật. Không đăng tải, chia sẻ những thông tin xấu, độc. Tiêu chí An toàn là không được tương tác trên mạng xã hội nội dung thông tin bí mật của Nhà nước, thông tin liên quan đến quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự xã hội mà chưa được các cơ quan có thẩm quyền cho phép, xác nhận; thông tin cá nhân và mật khẩu phải được bảo mật, không được chia sẻ cho cá nhân tổ chức khác…
Xét cho cùng, những quy tắc trên có thể áp dụng cho tất cả những người sử dụng mạng xã hội mà cán bộ, đảng viên phải hết sức chú ý nêu gương.
Bản thân tự lập các quy tắc
Trong khi mỗi người có thể áp dụng các quy tắc ứng xử khi sử dụng mạng xã hội theo nghề nghiệp và tổ chức mà mình tham gia, bản thân các cán bộ, đảng viên có thể tự lập các quy tắc phù hợp cho bản thân mình. Các quy tắc này nên đồng thời hướng đến trách nhiệm của công dân đồng thời là trách nhiệm của một cán bộ, đảng viên phải tuân thủ các điều lệ, nội quy của tổ chức và cơ quan mà mình là thành viên. Một số lưu ý trong việc xây dựng các quy tắc của bản thân trong quá trình sử dụng mạng xã hội gồm:
Một là, điều mình nêu có lợi hay có hại cho ai. Bất kỳ điều gì mình đăng tải hay chia sẻ trên mạng xã hội phải luôn hướng tới có lợi hay có hại cho ai không, bằng một tinh thần, thái độ hết sức trung thực và khách quan. Điều lý tưởng sẽ là có lợi cho bản thân và cho nhiều người khác, điều ít nhất cũng phải bảo đảm là không có ai cho ai, kể cả những điều mà mình cho là vô thưởng vô phạt. Nếu có chi tiết hay yếu tố nào có thể gây hại cho ai đó thì cân nhắc có đăng tải hay không. Do đó, các thông tin có thể gây bất lợi cho cơ quan, tổ chức (kể cả điều đó đã được thông tin công khai) thì cũng nên thận trọng khi đăng tải lại[3].
Hai là, điều mình nêu có đúng không. Bất kỳ thông tin nào muốn đăng tải sau khi xác định yếu tố có lợi hay không thì bản thân phải kiểm chứng để bảo đảm rằng đó là thông tin chính xác. Do đó, không nên tùy tiện, dễ dãi trong việc chia sẻ, dẫn lại các thông tin từ các trang khác mà chưa phối kiểm hoặc từ những nguồn có thể bị mạo danh. Cần lưu ý rằng, với các kỹ thuật hiện tại, việc ngụy tạo các thông tin, hình ảnh hoặc tạo ra các nguồn giống như thật là khá dễ dàng, nên không vội tin ngay bất cứ điều gì mình đọc được.
Ba là, bảo đảm tính bảo mật. Điều này thể hiện rõ trách nhiệm của một cán bộ, đảng viên khi đăng tải các thông tin, hình ảnh có thể làm lộ, lọt các thông tin, tài liệu của cơ quan. Bên cạnh việc tuân thủ các quy định về bảo mật (như không đưa công khai các tài liệu có dấu “mật” các loại, các tài liệu lưu hành nội bộ), bản thân cán bộ, đảng viên phải luôn chú ý đến các thông tin tài liệu liên quan đến công việc cụ thể, đến cơ quan…, nhất là các thông tin đó có thể gây ảnh hưởng đến nhiều người khác.
Bốn là, thúc đẩy những điều tích cực. Trách nhiệm của cán bộ, đảng viên phải là luôn thúc đẩy người sử dụng mạng xã hội và môi trường không gian mạng ngày càng lành mạnh hơn, tích cực hơn. Trong điều kiện cụ thể của mình, “mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên tham gia mạng xã hội phải giữ vai trò là lực lượng nòng cốt đăng tải, chia sẻ, lan tỏa thông tin tích cực và xem đây là giải pháp thường xuyên, lâu dài”[4]. Nếu chưa tác động đủ để người đọc, người xem có hành động tích cực thì cũng nên tạo cho họ có nhận thức, tình cảm tốt đẹp.
Quy tắc của các tổ chức, đoàn thể
Đặt ra yêu cầu này hẳn có người thắc mắc: đã có các quy tắc chung, thậm chí cả quy tắc cá nhân, thì liệu có cần các quy tắc của tổ chức, đoàn thể nữa không? Trên thực tế, mỗi người luôn đồng thời đóng nhiều vai trò khác nhau nên ở từng vai trò đó sẽ phải thực hiện các quy tắc ứng với từng vai trò của mình. Chẳng hạn, một nhà báo đang lái xe sẽ thực hiện đồng thời trách nhiệm của một công dân (phải tuân thủ đúng quy định của pháp luật về hoạt động giao thông), của một người lái xe (thực hiện đạo đức của người lái xe), của một người làm báo (thực hiện quy tắc đạo đức nghề nghiệp của người làm báo, nếu trong quá trình lái xe phát sinh những vấn đề có thể thực hiện vai trò của nhà báo, như ghi nhận một sự việc, thực hiện đồng thời việc tác nghiệp…). Do đó, các tổ chức, đoàn thể rất cần thiết có quy tắc về sử dụng mạng xã hội dành riêng cho các thành viên của mình. Quy tắc này nên hướng đến một số nội dung sau:
Thứ nhất, bảo đảm tuân thủ quy tắc, điều lệ, nội quy của đoàn thể, tổ chức. Thí dụ, là đảng viên thì không được nói, viết trái với chủ trương, đường lối của Đảng; nếu cần đề đạt các ý kiến, hiến kế thì phải theo các hình thức và phương pháp phù hợp; không nêu những điều bất lợi cho Đảng; phải luôn thể hiện tính đảng, mà “Tính đảng là gì? Một là: Phải đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc lên trên hết. Hai là: Việc gì cũng phải điều tra rõ ràng, cẩn thận và phải làm đến nơi đến chốn”[5]. Hay một công chức không thể sử dụng thời gian làm việc để sử dụng mạng xã hội hoặc đăng tải các thông tin không phù hợp với chức trách, nhiệm vụ của mình…
Thứ hai, đề cao tính tiên phong, gương mẫu. Cán bộ, đảng viên, đoàn thể, hội viên… là những người cần thể hiện tính gương mẫu trong thực hiện các chức trách nhiệm, nhiệm vụ, đồng thời trong vai trò là công dân. Một người dân bình thường có thể đăng một bài viết mang tính vô thưởng vô phạt, thậm chí có ý phê phán, châm chọc tổ chức, cơ quan nào đó miễn chưa đến mức truy cứu trách nhiệm, nhưng người đảng viên thì không thể làm điều tương tự. Mỗi status của cán bộ, đảng viên nên và phải mang một nội dung, thông điệp gì đó tích cực, có tác động tốt đến người đọc.
Thứ ba, thể hiện đầy đủ tính kỷ luật nghiêm minh. Quy tắc bên cạnh nêu yêu cầu, trách nhiệm, những điều nên làm và những điều không nên (không được) làm đối với cán bộ, công chức, đảng viên, đoàn viên, hội viên… thì phải nêu rõ các biện pháp xử lý kỷ luật (hình thức chế tài) đối với các vi phạm. Việc nêu nội dung kỷ luật cũng là một hình thức nhắc nhở, cảnh báo đối với hoạt động sử dụng mạng xã hội của cán bộ, đảng viên, đoàn viên…
*
Khi ứng xử với mạng xã hội, mỗi cán bộ, đảng viên nên nhìn rõ mặt tích cực và tiêu cực của nó và khi tham gia mạng xã hội cần quan tâm phát huy mặt tích cực và hạn chế mức thấp nhất các yếu tố tiêu cực. Gần đây, đã có nhiều người nêu lên cụm từ “sử dụng mạng xã hội có trách nhiệm”, “sử dụng mạng xã hội thông minh”, đây thực sự nên là một phương châm của mỗi cán bộ, đảng viên. Chẳng hạn, bản thân mỗi cán bộ, đảng viên phải sử dụng mạng xã hội sao cho an toàn, tránh bị lợi dụng hoặc vô ý làm “tay sai” cho các thế lực xấu bằng sự thiếu hiểu biết của mình, cũng như luôn tuân thủ các quy định của pháp luật về không gian mạng. Bên cạnh đó, nghĩa vụ, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên là phải sử dụng mạng xã hội để làm lan tỏa những điều tích cực, không vô tình hay cố ý phát tán các thông tin xấu độc, đồng thời phải mạnh dạn phê bình, phản bác, đấu tranh với các thông tin sai trái, các quan điểm sai lầm, các luận điệu xuyên tạc… “Hơn bao giờ hết, mỗi đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức cần phải tỉnh táo, sáng suốt trong việc thực hiện chức trách của mình với non song đất nước; phải trở thành nhân tố nòng cốt trong xây dựng mặt trận đoàn kết toàn dân; phải trí tuệ, bản lĩnh, khôn khéo, linh hoạt, tự tin, bền chí, kiên cường trong đấu tranh trên mạng xã hội. Mỗi đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức cần nhận thức đúng đắn về trách nhiệm của mình khi tham gia mạng xã hội, nhằm tạo ra một hợp lực đủ mạnh để ngăn chặn, đẩy lùi những thông tin sai lệch, xấu xa của thế lực phản động...”[6]. Đó là cách ứng xử phù hợp của cán bộ, đảng viên đối với mạng xã hội trong giai đoạn hiện nay.
Vân Tâm

Nguồn tin: Tạp chí Xây dựng Đảng:

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thông báo - mời họp

136-GM/ĐUK

Hội nghị sơ kết công tác xây dựng Đảng và thực hiện nhiệm vụ chính trị Quý I, triển khai nhiệm vụ Quý II năm 2024; sơ kết 03 năm thực hiện Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị; bầu bổ sung Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Khối.

04/04/2024

134-GM/ĐUK

Hội nghị Báo cáo viên tháng 3 năm 2024 để cập nhật thông tin cho đội ngũ Báo cáo viên Đảng ủy Khối và cán bộ tuyên giáo các đảng bộ, chi bộ cơ sở; định hướng công tác tuyên truyền trong thời gian tới.

22/03/2024

133-GM/ĐUK

Ban Chỉ đạo Đảng ủy Khối về thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU, ngày 27/4/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy họp triển khai nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới.

15/03/2024

132-GM/ĐUK

BTV ĐUK kết nối đường truyền HN học tập, quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện Chuyên đề năm 2024; Nghị quyết số 18-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh và các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương.

14/03/2024

Lượt truy cập
  • Đang truy cập24
  • Hôm nay3,671
  • Tháng hiện tại120,655
  • Tổng lượt truy cập13,125,520
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây