Đảng bộ Khối Các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh Hà Tĩnh

https://dukcq.hatinh.gov.vn


Gương sáng thầm lặng vì cộng đồng

Làng trẻ em mồ côi Hà Tĩnh được đặt tại xóm Tân Trung, phường Thạch Trung, Thành phố Hà Tĩnh; trong thời gian qua tại đây đã chăm sóc và nuôi dưỡng 500 trẻ em mồ côi, tàn tật, bị bỏ rơi trưởng thành; hiện Làng trẻ còn nuôi dưỡng 102 em (trong đó 58 trẻ mồ côi bình thường; 23 trẻ mồ côi khuyết tật, lang thang, trẻ bị bỏ rơi, trẻ sơ sinh; 21 trẻ tự nguyện).

1

Làng trẻ em mồ côi Hà Tĩnh

 Các em tại Làng trẻ được chăm sóc đảm bảo cả về đời sống vật chất lẫn tinh thần hướng tới sự phát triển về mọi mặt. Để các em có được niềm hạnh phúc ấm áp đó, là kết quả sự hi sinh thầm lặng của những cán bộ, nhân viên tại Trung tâm Làng trẻ em mồ côi Hà Tĩnh, và người chèo lái con thuyền đó chính là đồng chí Nguyễn Hồng Sơn, Bí thư Chi bộ, Giám đốc Làng trẻ.

Gắn bó với ngành suốt 18 năm qua, từ năm 2017 đồng chí Nguyễn Hồng Sơn được Ban giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội giao trách nhiệm Giám đốc Làng trẻ. Trên cương vị giám đốc đồng chí luôn trăn trở chăm lo cho các cháu cả về đời sống vật chất và tinh thần. Trong tâm trí của người đảng viên, cán bộ đứng đầu đơn vị luôn trăn trở, băn khoăn làm sao để các cháu có cuộc sống ấm, no, vui, khỏe, hạnh phúc. Cần mẫn lo lắng từ những sinh hoạt nhỏ nhặt hàng ngày của các cháu: Có nước máy để sinh hoạt, mùa hè có điều hòa nhiệt độ để nằm không bị nóng, mùa đông không bị lạnh, bữa cơm đủ dưỡng chất, trẻ khuyết tật có phòng tập trị liệu phục hồi chức năng riêng biệt, các cháu đến tuổi được học hành, có sân vui chơi, bé lớn trưởng thành có nghề nghiệp để làm, là những người có ích cho xã hội. Nỗi lo ấy của đồng chí là nỗi lo của người cha với những đứa con thân yêu.1

Đồng chí Nguyễn Hồng Sơn chăm lo việc học cho các cháu ở Trung tâm (ảnh Báo Hà Tĩnh.vn)

Tình yêu, tình thương đã luôn thôi thúc đồng chí không ngừng tìm kiếm, huy động các nguồn hỗ trợ, các tấm lòng nhân ái của các tổ chức và cá nhân. Từ năm 2018 đến nay đồng chí đã cùng lãnh đạo đơn vị huy động xây mới 3 ngôi nhà cho trẻ với tổng kinh phí 4,8 tỷ đồng; đầu tư trang cấp thiết bị phục hồi chức năng cho trẻ khuyết tật trị giá 150 triệu đồng, trang cấp hệ thống giường nệm với kinh phí 256 triệu đồng, kêu gọi tổ chức Brittny’s Hope nhận đỡ đầu cho 47 cháu với nguồn kinh phí trên 700 triệu/năm; xây dựng hội trường đa chức năng, sân bóng đá nhân tạo để các em có chỗ luyện tập thể thao,...Tổng số tiền mà đồng chí đã kêu gọi các tổ chức, cá nhân đầu tư tại Làng trẻ trên 16 tỷ đồng. Cơ sở vật chất ngày càng khang trang, nơi ăn chốn ở của các cháu được đáp ứng đảm bảo nuôi dưỡng chăm sóc trên 200 đối tượng.
Niềm hạnh phúc dường như được nhân đôi đối với đồng chí khi tất cả các cháu ở Làng trẻ đều được học tập theo độ tuổi và được trang bị đầy đủ quần áo, sách vở, xe đạp đến trường... Song song với việc lo đủ về vật chất đồng chí cùng cán bộ, nhân viên tại đơn vị cũng luôn chăm lo đến đời sống tinh thần cho các cháu. Ngoài giờ học, lao động các cháu được đọc sách báo, đọc truyện, xem ti vi, luyện tập thể thao.


1

Hoạt động thể thao tại Làng trẻ (ảnh Báo Hà Tĩnh.vn)

100% các cháu có sức khỏe tốt, không có trường hợp nào bị suy dinh dưỡng; kết quả học tập của các em hàng năm được nâng lên (90% cháu đạt học sinh khá, giỏi, 100% cháu có hạnh kiểm xếp loại tốt. Các cháu học lớp 12 đã tốt nghiệp Phổ thông trung học và đậu Đại học đạt tỷ lệ 100%).
Phát huy trách nhiệm của một bí thư, giám đốc, đồng chí trăn trở tìm hướng đi mới cho đơn vị. Năm 2017 đồng chí đã cùng lãnh đạo đơn vị xây dựng đề án xin bổ sung chức năng nhiệm vụ chăm sóc nuôi dưỡng phục hồi chức năng cho trẻ khuyết tật, tự kỷ với hình thức tự nguyện đã đưa lại kết quả đáng ghi nhận. Đến nay đã có trên 30 cháu đã tham gia lớp phục hồi chức năng trong đó có nhiều cháu tiến bộ rõ rệt. Mô hình nuôi dưỡng phục hồi cho trẻ khuyết tật, trẻ tự kỷ được nhân rộng. Mặt khác cử cán bộ có chuyên môn tham gia các khóa đào tạo về nuôi dưỡng giáo dục phục hồi chức năng cho trẻ khuyết tật và trẻ tự kỷ. Ngoài ra, đồng chí thường xuyên nắm bắt các thông tin thị trường lao động việc làm, phối hợp với trung tâm đào tạo nghề, các nhà trường, cơ sở dạy nghề, giới thiệu việc làm, tổ chức, cá nhân để liên hệ tạo việc làm cho các cháu đến tuổi trưởng thành.
Đồng chí cũng tập trung nghiên cứu sáng kiến kinh nghiệm từng bước áp dụng vào việc chăm sóc, bảo vệ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên toàn tỉnh. Góp phần thực hiện các chủ trương, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội,  giải quyết và bảo đảm an sinh xã hội. Với sáng kiến “Nâng cao đời sống cho đối tượng và cán bộ nhân viên ” được công nhận và áp dụng vào thực tiễn của đơn vị và các đơn vị khác trên địa bàn toàn tỉnh; sáng kiến về: “Nâng cao chất lượng chăm sóc, bảo vệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn” được cộng đồng công nhận.
Để xây dựng đơn vị vững mạnh, đồng chí đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành, cải cách hành chính, quan tâm đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, viên chức; phát huy dân chủ, trách nhiệm của tập thể lãnh đạo và từng cán bộ, nhân viên; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động. Nhiều năm liền đơn vị được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Lao động, Thương binh - Xã hội và Ủy ban nhân dân tỉnh tặng bằng khen.


1

Đồng chí Nguyễn Hồng Sơn tại lễ vinh danh Gương sáng thầm lặn vì cộng đồng

Với niềm yêu trẻ, yêu nghề, sự hi sinh thầm lặng, năm 2020 đồng chí được Thủ tướng Chính phủ vinh danh, tặng bằng khen; là một trong 400 gương sáng được Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội phối hợp với Ban Dân vận Trung ương, Đài Truyền hình Việt Nam và các Bộ, ngành Trung ương, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tuyên dương “Những tấm gương sáng thầm lặng vì cộng đồng”; năm 2021 được tôn vinh là 01 trong 50 gương sáng Pháp luật về Bảo vệ quyền và lợi ích trẻ em do Bộ Tư pháp trao tặng, đồng chí cũng là đại biểu duy nhất trong toàn tỉnh được nhận giải thưởng này.
Đồng chí Nguyễn Hồng Sơn, Bí thư Chi bộ, Giám đốc Làng trẻ em mồ côi Hà Tĩnh thực sự là tấm gương tiêu biểu, thầm lặng, bằng trái tim và sự nhiệt huyết của mình đang hàng ngày chăm lo cho cộng đồng xã hội, cho những người yếu thế, thiệt thòi hơn trong cuộc sống nhưng hết sức bình dị, đời thường. Những công việc, hành động thầm lặng ấy đã tạo ra sự lan tỏa tới toàn xã hội, nhân rộng các điển hình, góp phần xây dựng, giữ gìn và nâng cao đạo đức xã hội, truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam “Thương người như thể thương thân”.

Tác giả bài viết: Nguyễn Hoa

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây