Những nội dung mới về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng

Thứ hai - 10/05/2021 21:04
TCCS - Đổi mới, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) là một nội dung quan trọng trong Văn kiện các đại hội gần đây của Đảng. Điểm mới trong Văn kiện Đại hội XIII là làm rõ hơn vai trò, định hướng phát triển các thành phần kinh tế trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; xác định rõ hơn mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội trong cơ chế vận hành nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và đề ra nhiều nhiệm vụ mới, nội dung mới để tiếp tục hoàn thiện toàn diện, đồng bộ thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trong những năm tới.

Vai trò, định hướng phát triển các thành phần kinh tế trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa
Nền kinh tế thị trường định hướng XHCN có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế; các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật nhưng mỗi thành phần kinh tế có vai trò khác nhau, có yêu cầu về định hướng phát triển khác nhau. Những quan điểm này đã được khẳng định trong các Văn kiện Đại hội Đảng nhiều nhiệm kỳ. Điểm mới trong Văn kiện Đại hội XIII là xác định rõ hơn vai trò và định hướng phát triển của các thành phần kinh tế, một nội dung rất quan trọng để hoàn thiện thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN(1).

17 nhung noi dung moi
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm khu sản xuất của Công ty cổ phần Công nghệ công nghiệp bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT Technology) tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc _Ảnh: TTXVN
 
- Văn kiện Đại hội XIII làm rõ hơn vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước: kinh tế nhà nước là công cụ, lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước ổn định kinh tế vĩ mô, định hướng, điều tiết, dẫn dắt, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, khắc phục khuyết tật của cơ chế thị trường. Nhà nước, cùng với công cụ luật pháp, chính sách, phải có lực lượng vật chất để khắc phục những tác động tiêu cực của cơ chế thị trường để giữ ổn định kinh tế vĩ mô, định hướng, điều tiết, dẫn dắt, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước nhanh, bền vững cả về kinh tế - xã hội - môi trường. Hai lực lượng, hai bộ phận của kinh tế nhà nước được sử dụng để thực hiện vai trò này là các nguồn lực kinh tế của Nhà nước (đất đai, tài nguyên, nguồn vốn, tài sản thuộc sở hữu nhà nước) và doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Cả hai bộ phận này, hai lực lượng này, khi được sử dụng, đều vừa phải theo cơ chế vận hành chung của nền kinh tế là cơ chế thị trường, vừa phải phù hợp với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Việc phân bổ các nguồn lực kinh tế của Nhà nước phải thực hiện qua đấu thầu công khai, minh bạch, có sự tham gia, cạnh tranh của các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, nhưng việc sử dụng các nguồn lực này cũng phải phù hợp, góp phần vào thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Doanh nghiệp nhà nước được đầu tư, phát triển tập trung vào những ngành, lĩnh vực then chốt, địa bàn quan trọng, quốc phòng, an ninh, cần thiết, quan trọng đối với đất nước, khi các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không được làm, không muốn làm, không làm được; hoạt động theo cơ chế thị trường, cạnh tranh bình đẳng với doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác. Vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước với những nội dung như vậy, không phải là chiếm tỷ trọng lớn, chèn ép, lấn lướt các thành phần kinh tế khác.
Kinh tế tập thể với hình thức phổ biến là các hợp tác xã, trong Văn kiện Đại hội XIII, được xác định là có phạm vi hoạt động rộng lớn ở các ngành, lĩnh vực, địa bàn, được hình thành trên cơ sở liên kết tự nguyện của những người sản xuất nhỏ, các hộ gia đình, người sản xuất, kinh doanh cá thể, các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ. Hợp tác xã không làm mất đi tính tự chủ của các thành viên; vai trò của hợp tác xã là cung ứng các dịch vụ; phối hợp, liên kết hoạt động của các thành viên, bảo vệ lợi ích của các thành viên khi tham gia thị trường, nhất là khi phải cạnh tranh với các chủ thể kinh tế khác, tạo điều kiện cho các thành viên giảm chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh, phát triển bền vững. Nhà nước khuyến khích, hỗ trợ phát triển các hợp tác xã để các hợp tác xã mở rộng, tăng thêm thành viên, mở rộng và nâng cao chất lượng các dịch vụ, tăng thêm tài sản, vốn quỹ thuộc sở hữu tập thể và liên kết với các hợp tác xã khác, hình thành các hiệp hội, liên hiệp hợp tác xã. Đây là cách thức phù hợp để giúp đỡ, hỗ trợ những người sản xuất nhỏ trong nền kinh tế thị trường, là con đường phù hợp để đưa những người sản xuất nhỏ phát triển theo định hướng XHCN.
- Văn kiện Đại hội XIII tiếp tục khẳng định kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế và xác định: cần xóa bỏ mọi rào cản, định kiến, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế tư nhân, khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân ở tất cả các ngành, lĩnh vực mà pháp luật không cấm; hỗ trợ kinh tế tư nhân đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ, phát triển nguồn nhân lực, khuyến khích phát triển những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, có tiềm lực mạnh, có sức cạnh tranh trong khu vực và quốc tế; phấn đấu đến năm 2025 có khoảng 1,5 triệu doanh nghiệp, đóng góp khoảng 55% GDP và đến năm 2030 có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp, đóng góp vào GDP đất nước đạt 60% - 65%. Đồng thời, Văn kiện Đại hội XIII chủ trương định hướng phát triển kinh tế tư nhân theo hình thức công ty cổ phần có sự tham gia rộng rãi của các chủ thể xã hội, nhất là người lao động và hợp tác, liên kết với DNNN, các hợp tác xã, kinh tế hộ. Kinh tế tư nhân phát triển theo định hướng đó sẽ không mâu thuẫn mà đóng góp tích cực vào phát triển theo định hướng XHCN của đất nước.
- Văn kiện Đại hội XIII tiếp tục xác định kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là một bộ phận quan trọng của nền kinh tế đất nước, có vai trò quan trọng trong việc huy động vốn đầu tư, công nghệ, phương thức quản lý hiện đại, mở rộng thị trường xuất khẩu, đồng thời chủ trương chuyển trọng tâm thu hút đầu tư từ lượng sang chất, có trọng tâm, trọng điểm, có chọn lọc những dự án có công nghệ mới, tiên tiến, hiện đại, có giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường, kết nối chặt chẽ, hữu cơ với khu vực kinh tế trong nước, chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp trong nước, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước tham gia vào mạng lưới sản xuất, kinh doanh, chuỗi giá trị toàn cầu.

17 1 nhung diem moi
Văn kiện Đại hội XIII tiếp tục xác định kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là một bộ phận quan trọng của nền kinh tế đất nước, có vai trò quan trọng trong việc huy động vốn đầu tư, công nghệ (Trong ảnh: Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty TNHH 4P, Văn Giang, Hưng Yên) _Ảnh: TTXVN
 
Quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội trong cơ chế vận hành nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa
Trong cơ chế vận hành của nền kinh tế hiện đại có vai trò của điều tiết thị trường, đồng thời có vai trò quản lý của Nhà nước và vai trò của các tổ chức xã hội. Quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội là những quan hệ cơ bản tạo nên cơ chế vận hành của nền kinh tế thị trường hiện đại. Văn kiện Đại hội XII của Đảng đã xác định nền kinh tế thị trường định hướng XHCN của nước ta là nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế vừa vận hành đồng bộ, đầy đủ theo các quy luật của kinh tế thị trường, vừa có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền XHCN, bảo đảm định hướng XHCN phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước; do đó, yêu cầu trong lãnh đạo quản lý nền kinh tế phải xử lý tốt mối quan hệ giữa Nhà nước và thị trường. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5, khóa XII đã bổ sung yếu tố xã hội vào mối quan hệ này, yêu cầu phải quán triệt và xử lý tốt mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội trong quản lý nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.
Văn kiện Đại hội XIII tiếp tục khẳng định trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, giữa Nhà nước, thị trường và xã hội có mối quan hệ chặt chẽ và tiếp tục yêu cầu phải nắm vững và xử lý tốt mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội trong quản lý nền kinh tế; đồng thời, có nhiều nhận thức mới, quan điểm mới làm rõ hơn mối quan hệ này. Văn kiện Đại hội XIII xác định(2):
- Nhà nước ban hành luật pháp, cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, các tiêu chuẩn, định mức, xây dựng và hoàn thiện thể chế, tạo ra khung khổ pháp luật cho sự hình thành, hoạt động và định hướng cho hoạt động của các thị trường, các tổ chức xã hội. Đồng thời, Nhà nước sử dụng các lực lượng kinh tế của mình tham gia vào thị trường và bằng công tác tuyên truyền, vận động, thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ pháp luật của các chủ thể kinh tế, các tổ chức xã hội để tác động, định hướng, điều chỉnh hoạt động của thị trường và các tổ chức xã hội. Mặt khác, Nhà nước theo dõi tình hình thị trường, những biến động của giá cả, cung - cầu, đầu tư, hoạt động của doanh nghiệp trên thị trường và lắng nghe ý kiến góp ý, phản ánh, phản biện của nhân dân, các tổ chức xã hội đối với luật pháp, chính sách, quy hoạch, kế hoạch để nắm bắt đúng nhu cầu của xã hội, đúng thực trạng của nền kinh tế, nhất là những khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ. Đây là những cơ sở để Nhà nước điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện thể chế luật pháp, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển. Đồng thời, việc phân bổ các nguồn lực kinh tế của Nhà nước (đất đai, tài nguyên, nguồn vốn, tài sản của Nhà nước) và hoạt động của DNNN phải được thực hiện theo cơ chế thị trường, có sự giám sát của nhân dân, các tổ chức xã hội, phải thông qua đấu thầu cạnh tranh, công khai, minh bạch, DNNN phải cạnh tranh bình đẳng với doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác.
- Thị trường đóng vai trò quyết định trong xác định giá cả hàng hóa, dịch vụ. Đối với tuyệt đại bộ phận hàng hóa, dịch vụ cho sản xuất và tiêu dùng xã hội, giá cả là do các quan hệ cung - cầu, cạnh tranh, chi phí sản xuất, các quan hệ kinh tế trên thị trường quyết định hết sức linh hoạt (trừ một số hàng hóa đặc biệt thuộc lĩnh vực độc quyền nhà nước, giá cả do Nhà nước quyết định). Thị trường tạo ra động lực huy động, phân bổ, sử dụng hiệu quả các nguồn lực. Những biến động của quan hệ cung - cầu, giá cả trên thị trường là tín hiệu để những người nắm giữ các nguồn lực quyết định đầu tư, đưa các nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực nào, sản phẩm nào, địa bàn nào hay rút các nguồn lực khỏi đầu tư, chuyển đầu tư từ lĩnh vực này sang lĩnh vực khác, từ sản phẩm này sang sản phẩm khác để có hiệu quả cao nhất. Thị trường là yếu tố trực tiếp điều tiết sản xuất, lưu thông và hoạt động của doanh nghiệp một cách linh hoạt. Doanh nghiệp sẽ điều chỉnh sản xuất, thu hẹp hoặc đình chỉ sản xuất hàng hóa, dịch vụ cung đã vượt cầu, chuyển sang sản xuất những hàng hóa, dịch vụ cung nhỏ hơn cầu để có hiệu quả cao. Những doanh nghiệp, người sản xuất, kinh doanh nào thích ứng được với những biến động của thị trường, tận dụng được cơ hội sẽ phát triển, ngược lại, doanh nghiệp, người sản xuất, kinh doanh nào không theo kịp sự biến động, phát triển của thị trường sẽ thua lỗ, phá sản. Thị trường tạo cơ chế thanh lọc những doanh nghiệp, người sản xuất, kinh doanh yếu kém, thúc đẩy kinh tế phát triển.
- Các tổ chức xã hội có vai trò liên kết, phối hợp hoạt động, giải quyết những vấn đề phát sinh giữa các thành viên, hội viên; cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho hoạt động của các thành viên, hội viên, bảo vệ lợi ích của các thành viên, hội viên. Bằng những hoạt động này, các tổ chức xã hội có tác động tới sản xuất, lưu thông, trao đổi, tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ, tác động tới tình hình thị trường. Các tổ chức xã hội có vai trò phát hiện, đấu tranh với các hoạt động gian lận, tình trạng độc quyền, đầu cơ, thao túng thị trường, cạnh tranh không lành mạnh, làm méo mó thị trường... Đồng thời, các tổ chức xã hội đại diện cho các thành viên, hội viên phản ánh nguyện vọng, lợi ích của các thành viên, hội viên, của các doanh nghiệp, người tiêu dùng, các tầng lớp nhân dân với Nhà nước; tham gia đóng góp ý kiến, phản biện luật pháp, cơ chế, chính sách của Nhà nước để luật pháp, cơ chế, chính sách của Nhà nước được điều chỉnh, bổ sung kịp thời, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước, lợi ích của nhân dân, không bị “lợi ích nhóm” chi phối; tham gia giám sát hoạt động của các cơ quan và đội ngũ cán bộ, công chức trong thực thi chức năng, nhiệm vụ, bảo đảm luật pháp, cơ chế, chính sách của Nhà nước được thực thi nghiêm túc, đúng đắn, có hiệu quả, ngăn chặn tình trạng quan liêu, tham nhũng, lãng phí.
Để tiếp tục hoàn thiện toàn diện, đồng bộ thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa
Để tiếp tục hoàn thiện toàn diện, đồng bộ thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong những năm tới, Văn kiện Đại hội XIII đề ra nhiều nhiệm vụ mới, nội dung mới(3).

17 2 nhung noi dung
Đổi mới các chính sách quản lý đất đai để khuyến khích và tạo điều kiện tích tụ đất nông nghiệp, bãi bỏ các giới hạn về đối tượng nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp, tăng thời hạn giao đất, cho thuê đất nông nghiệp để phát triển sản xuất _Ảnh: Tư liệu
 
- Tập trung sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách, chiến lược, quy hoạch, nâng cao chất lượng, hiệu quả quản trị quốc gia. Sửa đổi những quy định mâu thuẫn, chồng chéo, tháo gỡ những điểm nghẽn, cản trở sự phát triển. Xây dựng khung khổ luật pháp, môi trường thuận lợi thúc đẩy phát triển, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số; hỗ trợ, khuyến khích sự ra đời, hoạt động của những lĩnh vực mới, mô hình kinh doanh mới, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ. Hoàn thiện hệ thống pháp luật phù hợp với những điều ước quốc tế mà Việt Nam đã cam kết. Nghiên cứu, sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước, đổi mới cơ chế phân cấp ngân sách nhà nước theo hướng bảo đảm vai trò chủ đạo của Ngân sách Trung ương phù hợp với trình độ phát triển của nền kinh tế. Sửa đổi hệ thống luật pháp và chính sách thuế, phí, lệ phí theo nguyên tắc thị trường, phù hợp với thông lệ quốc tế. Đổi mới các chính sách quản lý đất đai để khuyến khích và tạo điều kiện tích tụ đất nông nghiệp, bãi bỏ các giới hạn về đối tượng nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp, tăng thời hạn giao đất, cho thuê đất nông nghiệp. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, phân cấp, phân quyền gắn với tăng cường kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm cá nhân và nâng cao trách nhiệm phối hợp giữa các cấp, các ngành trong tổ chức thực hiện. Đẩy nhanh xây dựng khung chính sách, pháp luật đối với việc xây dựng chính phủ điện tử, hướng tới chính phủ số...
- Hoàn thiện thể chế, phát triển đầy đủ, đồng bộ các yếu tố thị trường, các loại thị trường. Bảo đảm thực hiện đầy đủ quyền tự do kinh doanh, tự do lưu thông hàng hóa, dịch vụ, cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh giữa các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế. Thực hiện nhất quán cơ chế giá thị trường đối với hàng hóa, dịch vụ, kể cả các dịch vụ công cơ bản, thu hẹp những loại hàng hóa, dịch vụ mà Nhà nước quyết định giá. Phát triển đầy đủ, đồng bộ, vận hành thông suốt các thị trường theo chuẩn mực của nền kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại, hội nhập quốc tế. Phát triển thị trường các yếu tố sản xuất để thị trường đóng vai trò quyết định trong huy động, phân bổ, sử dụng các nguồn lực phát triển và quản lý chặt chẽ thị trường đất đai, bất động sản. Phát triển đồng bộ, nâng cao hiệu quả hoạt động của thị trường tài chính, tiền tệ, chứng khoán, bảo hiểm trên nền tảng ứng dụng công nghệ số. Phát triển mạnh mẽ thị trường khoa học - công nghệ để khuyến khích đổi mới sáng tạo, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ. Phát triển thị trường lao động linh hoạt gắn với cải cách tiền lương, bảo hiểm xã hội. Phát triển thị trường hàng hóa, dịch vụ theo các phương thức tổ chức, giao dịch văn minh, hiện đại. Phát triển thị trường dịch vụ pháp lý hỗ trợ cho hoạt động và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân và doanh nghiệp...

17 3 nhung noi dung
Tạo môi trường thuận lợi, thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân, khuyến khích doanh nghiệp tư nhân đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ, phát triển nguồn nhân lực, mở rộng thị trường, cải thiện điều kiện làm việc, thu nhập của người lao động _Ảnh: Tư liệu
 
- Hoàn thiện thể chế, thúc đẩy phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Tháo gỡ những vướng mắc về thể chế để đẩy nhanh việc xử lý nợ, thoái vốn, cổ phần hóa, cơ cấu lại DNNN; tạo điều kiện thúc đẩy DNNN đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ, quản trị doanh nghiệp hiện đại để nâng cao sức cạnh tranh, hiệu quả hoạt động trong cơ chế thị trường; đồng thời, quản lý chặt chẽ không để thất thoát, lãng phí vốn, tài sản nhà nước. Sửa đổi, bổ sung luật pháp, chính sách để hỗ trợ, khuyến khích phát triển hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa, kinh tế hộ, trang trại trong nông nghiệp, các ngành, lĩnh vực. Tạo môi trường thuận lợi, thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân, khuyến khích doanh nghiệp tư nhân đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ, phát triển nguồn nhân lực, mở rộng thị trường, cải thiện điều kiện làm việc, thu nhập của người lao động và tham gia các hoạt động xã hội, bảo vệ môi trường, thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý về hoạt động ngân hàng, hỗ trợ tiến trình cơ cấu lại các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, chuyển đổi số, phát triển ngân hàng số. Khuyến khích phát triển và nâng cao hiệu quả các dự án đối tác công - tư trong xây dựng kết cấu hạ tầng. Ưu tiên thu hút những dự án đầu tư nước ngoài có trình độ công nghệ cao, thân thiện với môi trường, đầu tư vào những ngành, lĩnh vực cần ưu tiên phát triển, có liên kết, chuyển giao công nghệ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu.
- Hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung luật pháp, chính sách liên quan đáp ứng yêu cầu thực hiện các cam kết quốc tế đã ký; gắn chặt chủ động, hội nhập quốc tế với nâng cao nội lực, độc lập, tự chủ của đất nước. Thực hiện đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ kinh tế quốc tế, tránh lệ thuộc vào một thị trường, một đối tác. Thực hiện nhiều hình thức hội nhập kinh tế quốc tế với nội dung và lộ trình linh hoạt, phù hợp với đặc điểm, tiềm năng, thế mạnh của từng ngành, lĩnh vực, với điều kiện và mục tiêu phát triển của đất nước trong từng giai đoạn. Nâng cao mức độ và chất lượng hội nhập để mở rộng thị trường, tranh thủ nguồn vốn, công nghệ, kiến thức và kỹ năng quản lý phải gắn kết, thúc đẩy doanh nghiệp trong nước phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh, có vị trí cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu và làm chủ thị trường trong nước./.
PGS, TS. NGUYỄN VĂN THẠO     
Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương
----------------------------------
(1) Xem: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 129, 130, 240, 241; t. II, tr. 125, 126, 127
(2) Xem: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. I, tr. 130, 131, 132, 223, 224; t. II, tr.  97, 98, 99
(3) Xem: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. I, tr. 132 - 135, 222 - 225, 237, 238, 282, 283; t. II, tr.  98 - 103

Nguồn tin: Tạp chí Cộng Sản:

Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thông báo - mời họp

154-GM/ĐUK

HN quán triệt các văn bản về đại hội Đảng các cấp; thực hiện quy trình giới thiệu nhân sự bổ sung Ủy viên BCH Đảng bộ Khối khóa XVI, nhiệm kỳ 2020-2025.

21/10/2024

153-GM/ĐUK

BTV Đảng ủy Khối kết nối đường truyền HN toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện NQ HN lần thứ mười BCHTW Đảng khóa XIII.

18/10/2024

227-TB/ĐUK

Thông báo mở Lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng Khóa VIII năm 2024

11/10/2024

152-GM/ĐUK

Hội nghị sơ kết công tác 9 tháng, triển khai nhiệm vụ những tháng cuối năm 2024

11/10/2024

Lượt truy cập
  • Đang truy cập11
  • Hôm nay3,946
  • Tháng hiện tại158,022
  • Tổng lượt truy cập15,944,187
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây