Những yêu cầu trọng yếu đặt ra trong việc tuyên truyền, giáo dục chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh hiện nay

Thứ hai - 15/03/2021 02:43
(TG) - Tuyên truyền, giáo dục chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh không chỉ là công tác thường xuyên, cơ bản, mà còn được đặt ra như một trong những vấn đề bức thiết trong bối cảnh công tác tư tưởng hiện nay.

10 tuyen truyen

Việt Nam tiến hành công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển đất nước trên nền tảng chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh


CẦN PHẢI ĐỔI MỚI CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN, GIÁO DỤC CHỦ NGHĨA MÁC-LÊNIN, TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH
Đại hội lần thứ XI của Đảng đã nêu rõ: “Đảng phải kiên định chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, làm sáng tỏ một số vấn đề về đảng cầm quyền; về chủ nghĩa xã hội, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta; nâng cao tính chiến đấu, tính thuyết phục, hiệu quả của công tác tư tưởng, đổi mới công tác giáo dục lý luận chính trị trong Đảng, nhất là trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp”(1).
Nhiệm vụ công tác tuyên truyền, giáo dục chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đã được đặt ra rất rõ ràng và vẫn đang được tiến hành như thường lệ. Tuy nhiên, chính công tác quan trọng này đang đứng trước bối cảnh mới có nhiều thuận lợi mới và không ít khó khăn, thách thức. Tầm vóc của sức mạnh dân tộc, của đất nước hôm nay mang đến cho công tác tuyên truyền giáo dục một cơ sở thực tế mới, là nền tảng vững chắc để thực hiện nhiệm vụ đặt ra.
Tuy nhiên, tình hình trong nước hiện nay vẫn tồn đọng một số vấn đề cần quan tâm giải quyết và cũng là những khó khăn chung cho công tác tư tưởng. Đó là “kinh tế phát triển chưa bền vững, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh thấp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa còn chậm; các cân đối vĩ mô chưa vững chắc, chế độ phân phối còn bất hợp lý. Những hạn chế, yếu kém trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường chưa được khắc phục; tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tội phạm, tệ nạn xã hội, suy thoái đạo đức, lối sống… chưa được ngăn chặn, đẩy lùi”(2).
Bên cạnh đó, bối cảnh quốc tế đang có những thay đổi và biến động khó lường. Cách mạng khoa học công nghệ đang có những bước tiến kỳ diệu làm “phẳng hóa” thế giới, tạo cho con người nhiều thuận lợi tuyệt vời trong đời sống sinh hoạt. Thông tin về mọi mặt đời sống chính trị - kinh tế - văn hóa - xã hội trên thế giới và trong nước, cả mặt thuận và mặt trái, đều có thể được hấp thụ qua nhiều cách, nhiều chiều trên nhiều phương diện. Việc nghe, việc nhìn cũng như suy nghĩ của nhiều người trong điều kiện thông thoáng bên trong, mở cửa, hội nhập với bên ngoài hiện nay đã khác hôm qua. Đã vậy, ngay cả những giá trị cao đẹp và đích thực mà cả nhân loại dày công tạo dựng, vun đắp như bảo vệ hòa bình, độc lập, chủ quyền, công bằng, tiến bộ xã hội… cũng đang bị một số thế lực phản động dùng mọi mưu mô và thủ đoạn chống phá. Tất cả tình hình đó tác động đến công tác tư tưởng nói chung và công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng mà chúng ta đang đề cập hiện nay.

NHỮNG YÊU CẦU MỚI
Trong công tác tuyên truyền, giáo dục chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, phải kế thừa những phương pháp vốn có, đồng thời cần không ngừng đổi mới, sáng tạo. Điều căn bản nhất là thấy hết những yêu cầu mới đặt ra đối với nhiệm vụ công tác này. Những yêu cầu đó thể hiện trên một số nội dung sau:
Một là, trong công tác tuyên truyền, giáo dục chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, cần nhận thức rõ về con đường cách mạng của nước ta “Vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên con đường chủ nghĩa xã hội”. Con đường đó có không ít khó khăn, lực cản. Có những khó khăn do chính bản thân chúng ta không lường trước hết, khó khăn nội tại do chủ quan duy ý chí hoặc do bảo thủ trì trệ dẫn tới sự đình đốn, thậm chí vấp ngã. Từ đó, dẫn tới sự lúng túng và thiếu lý lẽ thậm chí bế tắc trong lập luận. Sự kiện ở Liên Xô trước đây và Đông Âu - những nơi mà chủ nghĩa xã hội hiện thực tưởng như rất vững chắc, nhưng đã bị tan rã một cách nhanh chóng, đã để lại bài học sâu sắc cả về tính phức tạp của thế giới đương đại và những trắc trở, khó khăn của con đường đi tới tương lai của loài người. Vấn đề đặt ra là vận mệnh của chủ nghĩa xã hội sẽ phụ thuộc vào chính việc nhìn nhận rõ và khắc phục tốt những hạn chế, vướng mắc bên trong của xã hội xã hội chủ nghĩa, nhất là khi chủ nghĩa xã hội chưa được xây dựng một cách hoàn hảo. Đó là những vấn đề nảy sinh từ tính phức tạp của thực tiễn, hoặc từ sai lầm về nhận thức dẫn tới sai lầm về hành động; từ sự thiếu hiểu biết mà làm sai, làm ẩu; sự thiếu nhạy cảm nên chậm chạp để mất thời cơ; sự vi phạm nguyên tắc dẫn tới sự chệch hướng.
Thực tiễn quá trình cách mạng của chúng ta hiện nay cũng chứa đựng những vấn đề không đơn giản. Phát triển kinh tế thị trường trong điều kiện toàn cầu hóa, mở cửa hội nhập quốc tế là một trong những nhiệm vụ tất yếu mà Đảng, Nhà nước ta đang tiến hành. Nhưng ai cũng biết, mặc dù chúng ta luôn giữ định hướng xã hội chủ nghĩa nhưng phát triển kinh tế thị trường càng mạnh thì tính tự phát của khuynh hướng tư bản chủ nghĩa cũng sẽ tăng lên. Chúng ta lại đang ở thời kỳ quá độ, trong đó nền kinh tế và cả xã hội cũng có những vấn đề quá độ đan xen nhau rất khó rạch ròi. Quá trình mở cửa hội nhập, chủ động làm ăn với các nước tư bản chủ nghĩa lại sử dụng những giải pháp và cách thức phát triển của chủ nghĩa tư bản để xây dựng chủ nghĩa xã hội đặt ra nhiều thách thức đối với công tác lý luận và đặc biệt là công tác đấu tranh về lý luận để bảo vệ những nguyên lý và quan điểm, định hướng của chúng ta.
Tư tưởng Hồ Chí Minh đã và đang soi đường cho cách mạng Việt Nam giành nhiều thắng lợi, trở thành nền tảng tư tưởng bền vững của dân tộc và có sức lan tỏa ra thế giới.
Hai là, phải xuất phát từ tư duy khoa học và sáng tạo trong việc tuyên truyền, giáo dục chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Để có sức thuyết phục, mọi lý lẽ được sử dụng phải mang tính khoa học và sáng tạo. Chúng ta đều thấy rằng: Một mặt, lý thuyết về chủ nghĩa xã hội và xã hội xã hội chủ nghĩa được hình thành một cách khoa học, có khảo sát, phân tích thấu đáo trên cơ sở vận dụng những qui luật khách quan. Nhưng mặt khác, đôi khi chúng ta không chú ý hoặc vô tình bỏ qua một vấn đề quan trọng là những luận thuyết về chủ nghĩa xã hội được xác lập dựa vào những phương pháp trừu tượng rất cao. Phải tìm tòi và gạt bỏ những vấn đề, những yếu tố đặc thù, hoặc không cơ bản để đi sâu vào lý giải những vấn đề cốt lõi. Lý thuyết nguyên bản cội nguồn đó khi được áp dụng vào những tình huống cụ thể, lẽ ra phải tính tới sự gắn kết những điều kiện bên ngoài với bên trong và phải được soi rọi từ thực tiễn thì sự vận dụng nhiều khi biệt lập, không cân nhắc đến khía cạnh đó nên dễ bị khiên cưỡng và thường gặp những vướng mắc khó có thể tháo gỡ.
Tính trừu tượng cao của chủ nghĩa xã hội khoa học chính là những nguyên lý chung nhất, mang tính phổ biến nhất có thể áp dụng cho mọi nơi, mọi nước. Tuy nhiên, trong quá trình vận dụng để xây dựng chủ nghĩa xã hội, không thể không tính đến, thậm chí phải hết sức tính đến những điều kiện đặc thù. Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương mẫu mực về sự vận dụng một cách sáng tạo như thế. Trên cơ sở nắm bắt sâu sắc bản chất cách mạng và khoa học, tinh thần biện chứng và nhân đạo của học thuyết Mác-Lênin, Người đã vận dụng sáng tạo học thuyết đó cùng với việc kế thừa chủ nghĩa yêu nước, truyền thống tốt đẹp của dân tộc và tinh hoa văn hóa nhân loại để đưa ra những tư tưởng phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện của Việt Nam. Trong khi giải quyết những vấn đề của cách mạng Việt Nam, Hồ Chí Minh đã góp phần phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin trên nhiều vấn đề quan trọng, đặc biệt là lý luận và cách mạng giải phóng dân tộc và tiến lên chủ nghĩa xã hội ở các nước thuộc địa. Tư tưởng Hồ Chí Minh đã và đang soi đường cho cách mạng Việt Nam giành nhiều thắng lợi, trở thành nền tảng tư tưởng bền vững của dân tộc và có sức lan tỏa ra thế giới.
Ba là, trong việc tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng không được phiến diện, tuyệt đối hóa một chiều và không công thức hóa. Phiến diện và tuyệt đối hóa sẽ dẫn tới làm mất đi tính khoa học của lý luận và tính phong phú của thực tế, làm cho lý luận bị ngưng đọng và không đủ uyển chuyển để tìm ra những luận cứ trong tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục.
Như khi luận bàn về mối quan hệ giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất, chúng ta có lúc đánh giá nhìn nhận quá cao tác dụng “mở đường” của quan hệ sản xuất; lúc khác thì chỉ để ý đến vấn đề lợi ích, đến việc phát huy các yếu tố của lực lượng sản xuất nên coi nhẹ, thậm chí quên mất việc quan hệ sản xuất phù hợp một cách chủ động và tích cực đối với lực lượng sản xuất. Vấn đề sở hữu cũng vậy, trước đây trong lý thuyết chúng ta chú trọng hết sức đến hai hình thức sở hữu trong xã hội của chúng ta là sở hữu toàn dân và sở hữu tập thể, coi đó là điều tuyệt đối đúng, là hình thức cơ bản đặc trưng của chủ nghĩa xã hội. Cho đến hiện nay, khi xây dựng nền kinh tế nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa, thì xuất hiện những nhận thức lửng lơ, phó mặc, ít chú trọng tới việc củng cố, hoàn thiện các thành phần kinh tế mang tính chủ đạo, nền tảng là kinh tế nhà nước và hợp tác xã.
Vấn đề công thức hóa cũng vậy. Khi nói về kết cấu và bản chất của chủ nghĩa xã hội, đôi khi chúng ta mô tả nó một cách công thức đơn giản, hời hợt, sơ lược, coi như không có mâu thuẫn; không nhìn thấy hết và không quan tâm hết đến các hệ thống lợi ích khác nhau của các tầng lớp xã hội. Tất cả những điều đó đã vô tình hạ thấp vị trí và vai trò của hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa và trên thực tế sẽ tạo ra những cơ chế kìm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Bốn là, trong việc tuyên truyền, giáo dục chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh cần lấy căn cứ từ thực tiễn, quan tâm đến vấn đề của thực tiễn đặt ra. Nếu trong tuyên truyền, giáo dục mà cứ đi theo một chiều hướng chính thống, theo công thức định sẵn, không chú ý đến các vấn đề mới nảy sinh trong kinh tế, không để tâm đến tâm trạng xã hội và tình cảm của nhân dân thì không thể đủ sức thuyết phục. Một khi công tác tư tưởng, lý luận cứ theo một khuôn khổ cứng nhắc, không đề cập đến những vấn đề thực tiễn đang nảy sinh vào hoạt động của mình thì nhất định các tư tưởng lý luận xa lạ, sai lệch sẽ xen vào. Trong những dạng thức tư tưởng dễ xâm nhập vào quần chúng, phải kể đến ý thức tư tưởng tiểu tư sản. Ý thức tiểu tư sản thường được “tái sinh” từ sự chủ quan của công tác tư tưởng nói chung và công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị nói riêng; từ những vi phạm nguyên tắc xã hội chủ nghĩa trong sản xuất, phân phối và trong cả sinh hoạt đời sống đã động chạm đến lợi ích vật chất, quyền lợi của quần chúng lao động. Chủ tịch Hồ Chí Minh là người mở đầu cho cuộc đấu tranh của nhân dân các nước thuộc địa tự giải phóng khỏi ách kìm kẹp của chủ nghĩa thực dân, đứng lên giành chính quyền, xây dựng xã hội mới. Trên từng bước đường đổi mới gặp vô vàn khó khăn của cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chứng minh một cách rõ ràng cho quần chúng hiểu được những điều cụ thể, từng công việc cần làm và sẽ làm được nếu tất cả mọi người cùng giác ngộ, cùng quyết tâm, đồng lòng chung sức.
Trong việc tuyên truyền, giáo dục chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, cần lấy căn cứ từ thực tiễn, quan tâm đến vấn đề của thực tiễn đặt ra.
 Năm là, việc tuyên truyền, giáo dục phải hướng vào chủ đích là củng cố niềm tin, sao cho toàn thể cán bộ, đảng viên, nhân dân tin vào sự tất thắng của sự nghiệp cách mạng, quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Một điều rất hiển nhiên là, triển vọng phát triển của đất nước phụ thuộc đáng kể vào tư tưởng và nhận thức của con người. Khi tư tưởng đã thông, thống nhất một cách nghĩ sẽ biến ý chí thành hành động, làm cho triệu người đồng lòng chung sức, tạo thành lực lượng vật chất to lớn thúc đẩy xã hội tiến lên. Yếu tố cối lõi đưa tới thống nhất tư tưởng và hành động là niềm tin. Niềm tin trong mỗi con người là sự chắt lọc từ nhận thức và nằm trong chiều sâu nhận thức, nhưng lại có ý nghĩa vô cùng lớn lao đối với việc định hướng tư tưởng và định hướng hành động. Niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân là chất keo gắn kết trong Đảng và giữa Đảng với nhân dân, tạo thành động lực to lớn giúp chúng ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Để xác lập và củng cố niềm tin, điều cần thiết nhất là phải nâng cao trình độ giác ngộ, trình độ hiểu biết cho cán bộ đảng viên và nhân dân. Trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tiếp tục đổi mới, mở cửa, hội nhập quốc tế, đối với mỗi chúng ta, chỉ có tình cảm là không đủ, mà phải là tình cảm cách mạng dựa trên cơ sở lý luận khoa học vững chắc. Có như vậy mới định hướng đúng cho mình khi gặp những điều kiện và biến cố phức tạp trong một thế giới đầy xáo động, ngổn ngang, bất trắc, khôn lường. Có như vậy mới đủ kiên định trước mọi thử thách của thời cuộc.
Những vấn đề nêu trên là những yêu cầu đặt ra trong việc tuyên truyền, giáo dục chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh hiện nay. Càng thực hiện tốt các yêu cầu đó, công tác tư tưởng nói chung và việc tuyên truyền, giáo dục chính trị nói riêng sẽ đạt được hiệu quả như mong đợi./.

GS.TS. Vũ Văn Hiền            
Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương

____________________________________________
(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, 2011, tr.57.
(2) Sđd, tr.17-18.

Nguồn tin: Tạp chí Tuyên giáo:

Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thông báo - mời họp

154-GM/ĐUK

HN quán triệt các văn bản về đại hội Đảng các cấp; thực hiện quy trình giới thiệu nhân sự bổ sung Ủy viên BCH Đảng bộ Khối khóa XVI, nhiệm kỳ 2020-2025.

21/10/2024

153-GM/ĐUK

BTV Đảng ủy Khối kết nối đường truyền HN toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện NQ HN lần thứ mười BCHTW Đảng khóa XIII.

18/10/2024

227-TB/ĐUK

Thông báo mở Lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng Khóa VIII năm 2024

11/10/2024

152-GM/ĐUK

Hội nghị sơ kết công tác 9 tháng, triển khai nhiệm vụ những tháng cuối năm 2024

11/10/2024

Lượt truy cập
  • Đang truy cập25
  • Hôm nay4,629
  • Tháng hiện tại147,464
  • Tổng lượt truy cập15,933,629
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây