Phiên chính thức Đại hội khai mạc sáng nay (15/10) vinh dự đón đồng chí Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng
cùng nhiều lãnh đạo Trung ương.
Cùng dự Đại hội có: nguyên Ủy viên Thường vụ - Thường trực Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Phạm Thế Duyệt; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Lê Xuân Tùng.
Dự đại hội còn có các đồng chí Ủy viên BCH Trung ương Đảng: Lê Minh Hưng - Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, Nguyễn Thanh Bình - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương, Thuận Hữu - Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, Lê Thành Long - Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Trần Tuấn Anh - Bộ trưởng Bộ Công thương, Thượng tướng Võ Trọng Việt - Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và an ninh Quốc hội, Lê Hồng Quang - Phó Chánh Tòa án Nhân dân Tối cao, Trung tướng Nguyễn Tân Cương - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Nguyễn Thế Kỷ - Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam.
Các đồng chí Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương: Đoàn Minh Huấn - Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; Thái Thanh Quý - Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An.
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Phó Tổng giám đốc TTXVN Lê Quốc Minh; đại diện lãnh đạo các ban xây dựng Đảng Trung ương, các bộ, ban, ngành Trung ương; các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh; đại diện Hội đồng hương Hà Tĩnh tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh; đại diện lãnh đạo một số tập đoàn doanh nghiệp lớn cùng dự.
Các đại biểu tiến hành nghi lễ chào cờ.
Trước khi bước vào phiên khai mạc, Đại hội đã nghe Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Võ Hồng Hải báo cáo kết quả phiên trù bị.
Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Võ Hồng Hải báo cáo kết quả phiên trù bị.
Đại hội đã tiến hành phiên trù bị và thực hiện một số nội dung quan trọng như: bầu Đoàn Chủ tịch gồm 15 đồng chí, Đoàn Thư ký gồm 3 đồng chí, Ban Thẩm tra tư cách đại biểu gồm 8 đồng chí; thông qua chương trình, nội quy, quy chế làm việc của đại hội; quán triệt một số nội dung về Quy chế bầu cử trong Đảng.
Đại hội cũng đã thông qua đề án nhân sự BCH Đảng bộ tỉnh khóa XIX; đề án nhân sự đoàn đại biểu dự Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; thành lập tổ, hướng dẫn thảo luận; duyệt nghi thức, nghi lễ và hội ý các đoàn đại biểu.
Tại phiên trù bị, đại biểu đã thảo luận về dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng.
Thay mặt Đoàn Chủ tịch phát biểu khai mạc Đại hội, đồng chí Lê Đình Sơn - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh khẳng định: Mặc dù trong điều kiện gặp rất nhiều khó khăn nhưng Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVIII đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đưa tỉnh nhà vượt qua khó khăn, thách thức, tiếp tục vững bước phát triển, đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực.
Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Với phương châm Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX là Đại hội của trí tuệ, trách nhiệm cao, đầy tâm huyết, khát vọng phát triển tỉnh nhà trong thời gian tới; đặc biệt tập trung vào phương hướng, mục tiêu lớn, bảy nhiệm vụ trọng tâm, năm chương trình trọng điểm, ba nhiệm vụ đột phá chiến lược.
“Tiếp tục khẳng định quan điểm kế thừa, ổn định, đổi mới, phát triển liên tục, quyết tâm thực hiện cho kỳ được mục tiêu “Xây dựng Hà Tĩnh trở thành tỉnh có công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ phát triển, hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, văn hóa phát triển, xã hội tiến bộ, quốc phòng - an ninh đảm bảo, trở thành một trong những cực phát triển của vùng Bắc Trung Bộ; cải thiện toàn diện đời sống Nhân dân; đến năm 2025 tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới, thu nhập bình quân đầu người cao hơn bình quân các tỉnh Bắc Trung Bộ; phấn đấu năm 2030 trở thành tỉnh khá của cả nước” - Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn khẳng định quyết tâm của Hà Tĩnh trong giai đoạn phát triển mới.
Sau diễn văn khai mạc, đại hội nghe Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy Nguyễn Thị Gái trình bày báo cáo thẩm tra tư cách đại biểu.
Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy Nguyễn Thị Gái trình bày báo cáo thẩm tra tư cách đại biểu.
Đại hội triệu tập 347 đại biểu chính thức bảo đảm đủ tư cách theo đúng quy định của Đảng; trong đó có 296 đại biểu được bầu từ 17 đảng bộ và 51 đại biểu là Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đại diện cho gần 99 nghìn đảng viên trong toàn Đảng bộ tỉnh dự Đại hội. Có 2 đại biểu chính thức vắng mặt vì lý do sức khỏe, đại hội đã triệu tập 2 đại biểu dự khuyết thay thế, bảo đảm đúng nguyên tắc và Điều lệ Đảng.
100% đại biểu đã biểu quyết nhất trí kết quả thẩm tra theo báo cáo.
Vượt qua khó khăn, Hà Tĩnh giành kết quả toàn diện trên các lĩnh vực
Trình bày báo cáo chính trị tại đại hội, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng khẳng định: Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 – 2020, nhờ phát huy cao dân chủ, đoàn kết, năng động, sáng tạo, Đảng bộ và Nhân dân Hà Tĩnh đã giành được những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng trình bày báo cáo chính trị tại đại hội.
Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị có nhiều chuyển biến tích cực. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng được nâng lên rõ rệt; tổ chức bộ máy cơ quan Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp được sắp xếp, kiện toàn theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố, tăng cường, nâng cao niềm tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.
Công tác cán bộ có nhiều đổi mới; đội ngũ đảng viên tiếp tục tăng về số lượng, chất lượng, bình quân mỗi năm kết nạp 2.560 đảng viên. Công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật của Đảng được tăng cường. Công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng, lãng phí được tập trung chỉ đạo, tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của cấp ủy đảng, chính quyền. Công tác tiếp dân được thực hiện hiệu quả.
Trong nhiệm kỳ, Tỉnh ủy đã ban hành 13 nghị quyết, 43 chỉ thị, 159 kết luận trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.
Kinh tế - xã hội đạt kết quả khá, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân. Tăng trưởng kinh tế bình quân đạt gần 6%; quy mô nền kinh tế tăng gấp hơn 1,5 lần so với năm 2015; tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đầu người tăng từ 44 triệu đồng lên gần 65 triệu đồng; thu nhập bình quân đầu người tăng từ 23 triệu đồng lên 36 triệu đồng; tổng thu ngân sách đạt 57.700 tỷ đồng; tổng nguồn vốn huy động đạt trên 164 nghìn tỷ đồng...
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), dự kiến đến cuối năm 2020 toàn tỉnh có trên 90% số xã và có 6 huyện đạt chuẩn NTM, có 13 xã NTM nâng cao; 3 xã NTM kiểu mẫu; TP Hà Tĩnh, TX Hồng Lĩnh, TX Kỳ Anh hoàn thành xây dựng NTM...
Công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa được chú trọng. Thể thao quần chúng, thể thao thành tích cao đạt kết quả nổi bật. Giáo dục - đào tạo đạt kết quả toàn diện. Công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân được quan tâm thực hiện tốt. Chương trình giảm nghèo bền vững được thực hiện đồng bộ, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều từ 11,4% giảm còn dưới 3%.Khoa học - công nghệ, thông tin, truyền thông đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội.
Quốc phòng - an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội đảm bảo. Hội nhập quốc tế được mở rộng...
Về thực hiện các nhiệm vụ đột phá, Khu Kinh tế Vũng Áng đóng góp lớn cho xuất khẩu, tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm và thu ngân sách. Cải cách hành chính được tập trung chỉ đạo. Chú trọng kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Quan tâm huy động các nguồn lực đầu tư phát triển đô thị theo hướng văn minh, hiện đại. Thành phố Hà Tĩnh đạt chuẩn đô thị loại 2; thị xã Kỳ Anh đạt chuẩn đô thị loại 3.
Đánh giá kết quả đạt được, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân; đồng thời chỉ ra 5 bài học kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo nhiệm kỳ qua.
Nhiệm kỳ 2020 - 2025, Hà Tĩnh tiếp tục tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ. Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp ngang tầm nhiệm vụ. Phát huy dân chủ, đoàn kết.
Phân tích bối cảnh tình hình mới, Đại hội đề ra mục tiêu: Xây dựng Hà Tĩnh trở thành tỉnh có công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ phát triển, hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, văn hóa phát triển, xã hội tiến bộ, quốc phòng - an ninh đảm bảo, trở thành một trong những cực phát triển của vùng Bắc Trung Bộ; cải thiện toàn diện đời sống Nhân dân; đến năm 2025 tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới, thu nhập bình quân đầu người cao hơn bình quân các tỉnh Bắc Trung Bộ, phấn đấu năm 2030 trở thành tỉnh khá của cả nước.
Hà Tĩnh xác định giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 có:
4 trụ cột: Công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng; Nông nghiệp; Dịch vụ, du lịch; Dịch vụ cảng biển và logistics;
3 nền tảng, bao gồm: Nguồn lực con người; cơ sở hạ tầng; hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách, cải thiện môi trường kinh doanh;
3 đô thị: Đô thị xung quanh thành phố Hà Tĩnh; đô thị phía Bắc hạt nhân là thị xã Hồng Lĩnh gắn với thị trấn Xuân An, Nghi Xuân, thị trấn Can Lộc và thị trấn Đức Thọ; đô thị phía Nam hạt nhân là thị xã Kỳ Anh gắn với Khu Kinh tế Vũng Áng và các vùng phụ cận; lấy Khu Kinh tế Vũng Áng là Trung tâm; ba hành lang bao: đồng bằng ven biển với quốc lộ 1A và đường ven biển; Quốc lộ 8 và thị xã Hồng Lĩnh - Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo kết nối hành lang kinh tế Đông - Tây; Trung du và miền núi gắn với đường Hồ Chí Minh.
Theo đó, Đại hội xây dựng 27 chỉ tiêu cụ thể, trọng tâm là: bình quân hằng năm kết nạp trên 2.500 đảng viên; hằng năm, trên 90% tổ chức cơ sở đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ; tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân trên 10%; thu ngân sách trên địa bàn đến năm 2025 đạt trên 28 nghìn tỷ đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 220 nghìn tỷ đồng;
Thu nhập bình quân đầu người trên 70 triệu đồng; GRDP bình quân đầu người trên 110 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân mỗi năm trên 1,5%;
Tối thiểu 80% thủ tục hành chính có phát sinh hồ sơ được triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4; tỷ lệ gia đình văn hóa, thôn, tổ dân phố văn hóa đạt trên 92; phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị 60%; 100% xã, phường, thị trấn đạt cơ sở vững mạnh toàn diện....
Để thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu nhiệm kỳ mới, Hà Tĩnh xác định 7 nhiệm vụ trọng tâm, 5 chương trình trọng điểm và 3 đột phá chiến lược.
Trên cơ sở đó, tỉnh cũng đề ra 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu về công tác xây dựng Đảng và các hệ thống chính trị; 11 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội và 2 nhóm nhiệm vụ, giải pháp lãnh đạo quốc phòng - an ninh, đối ngoại.
3 đột phá chiến lược nhiệm kỳ 2020 - 2025
- Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý, nhất là Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, vì sự phát triển của tỉnh.
- Đẩy mạnh cải cách hành chính, tập trung xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, gắn trách nhiệm người đứng đầu; tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi phục vụ người dân và doanh nghiệp.
- Huy động tối đa và sử dụng hiệu quả các nguồn lực xây dựng Khu Kinh tế Vũng Áng trở thành khu kinh tế đa chức năng, trung tâm công nghiệp động lực và logistics; xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, trọng tâm là hạ tầng giao thông chiến lược, hạ tầng đô thị, hạ tầng thông tin, viễn thông, thúc đẩy phát triển kinh tế số.
Tiếp đó, đại hội nghe Phó Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tiến Hưng trình bày Báo cáo kiểm điểm của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá XVIII trình Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX.
Báo cáo khẳng định những kết quả đạt được; thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong nhiệm kỳ qua; đúc rút bài học kinh nghiệm cho nhiệm kỳ mới.
....(Tiếp tục cập nhật)
Tác giả bài viết: Nhóm PV
Nguồn tin: Báo Hà Tĩnh.vn