Cán bộ, đảng viên ứng xử với mạng xã hội (phần 1)

Thứ tư - 02/12/2020 19:52
Tác phẩm “Cán bộ, đảng viên ứng xử với mạng xã hội” của tác giả Vân Tâm, Tạp chí Sổ tay xây dựng Đảng đoạt Giải A - Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Giải Búa liềm vàng) lần thứ IV - năm 2019, xin giới thiệu cùng bạn đọc.
9trao giai bua liem vang

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư trao giải A cho tác giả và nhóm tác giả đoạt giải 

Kỳ 1: Đảng viên phải thực hiện nghiêm quy định những điều đảng viên không được làm!
Thời gian qua, với sự phát triển ngày càng rõ ràng của mạng internet, nhiều đảng viên đã sử dụng các trang blog, mạng xã hội… để đăng tải hoặc chia sẻ các thông tin, hình ảnh thể hiện quan điểm, ý kiến của mình. Có thể nói, đây là một trong những biểu hiện rõ nét nhất của việc tự do, dân chủ đang ngày càng được mở rộng và phát huy ở xã hội ta, bởi cùng với những người khác, các đảng viên có thể bày tỏ chính kiến, nguyện vọng, suy nghĩ của mình cũng như đưa các đề xuất, giải pháp về nhiều vấn đề của xã hội, của đất nước, kể cả của Đảng.

Tuy nhiên, trong số này, có một số đảng viên đưa ý kiến, chia sẻ những bài viết chưa được kiểm chứng, hoặc sai lệch hoặc có dụng ý cá nhân không lành mạnh, kể cả có người đang công tác ở các cơ quan của Đảng, của chính quyền. Chẳng hạn, có đảng viên liên tục đưa các thông tin không được kiểm chứng trôi nổi trên internet về một số vị lãnh đạo của Đảng và đòi hỏi các cơ quan chức năng phải có ý kiến, phải giải thích rõ ràng. Trên thực tế, thông tin trên internet gần như thượng vàng hạ cám gì cũng có, với rất nhiều thông tin bịa đặt, xuyên tạc Đảng, Nhà nước, các vị lãnh tụ và các vị lãnh đạo của nước ta, trừ những trường hợp thật cần thiết, còn lại không ai rỗi hơi đi giải thích, phản bác từng vụ việc. Bản thân đảng viên nói riêng và người đọc nói chung có thể dùng hiểu biết, nhận thức của mình để tự xác định thông tin nào là đúng, thông tin nào là bịa đặt, xuyên tạc. Nếu không rõ đúng sai, hay dở mà đã dẫn lại, phát tán, yêu cầu giải thích… thì đó là thái độ không đúng mực, thậm chí sai trái, của đảng viên.
Có đảng viên nhân danh chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, đã cắt xén ý kiến, bài viết của người khác, nhất là của các vị lãnh đạo, rồi công kích, phản bác, thậm chí có “thách” vị lãnh đạo đó có ý kiến phản hồi. Thoạt nhìn, điều này tưởng như là một thái độ dũng cảm, tích cực của đảng viên đó, thể hiện sự thẳng thắn và hiểu biết khi mạnh dạn phản biện ý kiến của lãnh đạo, nhưng thực chất trong nhiều trường hợp, các ý kiến này chỉ là những phản đối lụn vụn, thiếu cả kiến thức lẫn tư duy chiều sâu. Do đó, những đảng viên này hoặc là “thích chơi nổi”, làm những việc cho những người thiếu hiểu biết thấy là mình giỏi giang, dũng cảm, để rồi được tung hô, hoặc là kiểu người “điếc không sợ súng”, nói quấy nói càn, bất kể đúng sai…
Có đảng viên vì thiếu thông tin, hoặc cố tình cắt xén thông tin, đã chộp được một số thông tin, ý kiến nào đó rồi suy diễn một cách phi lý hoặc có dụng ý xấu, từ đó thực hiện việc công kích đến tổ chức, cá nhân một cách vô tội vạ. Có trường hợp, tổ chức, cá nhân được phân công thực hiện những công việc nào đó theo yêu cầu, một đảng viên đọc được, không hiểu mô tê thế nào, cứ cho là đang nhắm đến mình (kiểu vĩ cuồng rằng bản thân là một thực thể rất quan trọng nên được nhiều người để ý đến lắm, cả hướng tích cực lẫn tiêu cực!) rồi lên trên trang của mình chửi đổng, làm bạn bè trong friedlist nháo nhào lên, rồi bình loạn đủ thứ…
Có đảng viên thể hiện sự vô trách nhiệm rất đáng trách khi đăng những thông tin chưa được kiểm chứng rồi để người khác vào bình luận những ý kiến sai trái, mang thái độ hằn học, xuyên tạc, suy diễn sai lầm. Thậm chí, có trường hợp, đảng viên cố tình đăng ý kiến úp mở để “dẫn dụ” người xem bình luận những lời mà có lẽ chính người đăng muốn nói, để nhắm vào những cá nhân nào đó. Đây là kiểu “mượn gió bẻ măng” của không ít người, khi bản thân không tiện nói điều mà ai cũng thấy là không có căn cứ, nhưng lại “khéo khêu gợi” người khác nói thay, để nếu có ai thắc mắc thì “phủi tay” là do “người khác nói chứ không phải tôi!”.
Những biểu hiện đó rất đáng phê phán.
Để tăng cường kỷ cương, kỷ luật của Đảng và giữ gìn phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, tính tiền phong gương mẫu của đảng viên, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, Trung ương đã ban hành Quy định số 47-QĐ/TW ngày 1-11-2011 “Quy định về những điều đảng viên không được làm” với 19 điều cụ thể, rõ ràng. Ngày 15-3-2012, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã có Hướng dẫn số 03-HD/UBKTTW nêu chi tiết về những điều đảng viên không được làm. Đảng viên ở các trường hợp có biểu hiện như trên, có thể thấy đã vi phạm rất nhiều điểm trong các quy định này. Ở đây chỉ xin phân tích vài điểm:
Mục c) khoản 1 Điều 1 về “Nói, làm trái hoặc không thực hiện Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quyết định, kết luận của Đảng; làm những việc mà pháp luật không cho phép” đã nêu: Đảng viên không được “làm những việc pháp luật không cấm nhưng ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, vai trò tiên phong gương mẫu của đảng viên”. Điều này rất rõ ràng, khi đăng tải, dẫn lại, chia sẻ các thông tin mập mờ, có thể không vi phạm rõ ràng vào một điều khoản nào của các luật, nhưng từ đó làm người đọc có cái nhận sai lệch về bản chất của sự vật, hiện tượng. Chẳng hạn, nếu đảng viên nào đó chỉ đăng các vụ tiêu cực trong xã hội từ báo chí, dù không có lời bình luận nào, thì người đọc cũng hiểu rằng người đăng đã có một dụng ý nhất định, nhằm phê phán sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, trong khi trên thực tế, các việc tốt và chưa tốt đan xen nhau chứ không phải chỉ có việc xấu. Hay đảng viên chỉ dẫn lại các ý kiến được cho là không phù hợp của các vị lãnh đạo, dù không bình phẩm gì thêm thì cũng khiến người đọc nhận xét về trình độ, năng lực, phẩm chất của cán bộ lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta, trong những trường hợp đó là cá biệt…
Mục a) của khoản 1 quy định đảng viên không được “cung cấp, để lộ, làm mất hoặc viết bài, đăng những thông tin, tài liệu bí mật của Đảng và Nhà nước, những việc chưa được phép công bố ra ngoài phạm vi (nội dung, đối tượng) cho phép” của Điều 2 đã nêu một trong những loại thông tin đó là “bí mật của Đảng, Nhà nước bao gồm: thông tin, tài liệu được quy định là thông tin, tài liệu mật, có đóng dấu "MẬT", "TỐI MẬT", "TUYỆT MẬT" hoặc quy định chỉ lưu hành nội bộ (kể cả bản sao chép, sao chụp hoặc trích các loại thông tin, tài liệu đó). Danh mục bí mật của Đảng và Nhà nước do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền ban hành”. Trong phần lớn các trường hợp, các loại tài liệu mật ít khi được công bố do việc bảo quản khá nghiêm túc thì nhiều tài liệu nội bộ lại được tung ra với những dụng ý sai trái, tiêu cực. Có tài liệu thuộc về sinh hoạt trong tổ chức đảng, có tài liệu liên quan đến lý lịch cán bộ, đảng viên, có tài liệu trao đổi công tác trong nội bộ tổ chức… nhưng vẫn được đưa ra công khai cho nhiều người biết. Đó là một biểu hiện vi phạm kỷ luật thông tin rất cần xử lý nghiêm khắc.
Hay một trong nhiều nội dung của khoản 1 Điều 3 đã quy định đảng viên không được “Viết bài, cho đăng tải tin, ảnh, bài không đúng như xảy ra trong thực tế”. “Không đúng như xảy ra trong thực tế” tức là bịa đặt hoặc dẫn lại từ thông tin không có thật hoặc nêu các thông tin không được kiểm chứng, hoặc thông tin đã bị cắt cúp làm cho sai lệch bản chất vốn có. Trong bất kỳ trường hợp nào, việc đưa các thông tin này cũng không nên, kể cả có dụng ý tốt, bởi nó sẽ làm người đọc hiểu sai vấn đề, nhận thức lệch lạc so với thực tế, từ đó có thể có hành động không phù hợp. Nếu có dụng ý sai trái, thì các thông tin không đúng đó sẽ dẫn dắt người khác đi đến hành động sai lầm, gây ra hậu quả tai hại…
Tùy theo mức độ, tính chất của từng trường hợp đưa thông tin lên internet, mạng xã hội của đảng viên để có thể đánh giá về hành vi này. Nếu vì ngộ nhận, vì thiếu thông tin, vì cả tin… mà thỉnh thoảng đưa các thông tin sai trái như trên thì đó có thể là sự nhầm lẫn, vô ý, nhưng cần phải được giáo dục, uốn nắn kịp thời, cần được tổ chức đảng giám sát chặt chẽ để tránh tiếp tục lặp lại. Nhưng nếu đưa thông tin, bài viết thường xuyên, có hệ thống và có dụng ý rõ ràng thì đây là một biểu hiện của suy thoái về tư tưởng, chính trị, cần được giáo dục nghiêm khắc, trong nhiều trường hợp cần phải dùng kỷ luật của Đảng để xử lý, thậm chí nếu có căn cứ phù hợp, có thể chế tài bằng các quy định của pháp luật.
Là đảng viên, mỗi người cần có trách nhiệm xây dựng tổ chức của mình ngày càng phát triển, trong sạch, vững mạnh, thực hiện tốt vai trò, chức trách được giao, đồng thời luôn chú ý gìn giữ uy tín, thanh danh cho tổ chức. Những cá nhân đảng viên có động cơ không lành mạnh, làm ngược lại điều đó thì cần thiết cho ra khỏi tổ chức!
(còn nữa)

                                                                                                                                                             Vân Tâm

Nguồn tin: Tạp chí Xây dựng Đảng

Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thông báo - mời họp

154-GM/ĐUK

HN quán triệt các văn bản về đại hội Đảng các cấp; thực hiện quy trình giới thiệu nhân sự bổ sung Ủy viên BCH Đảng bộ Khối khóa XVI, nhiệm kỳ 2020-2025.

21/10/2024

153-GM/ĐUK

BTV Đảng ủy Khối kết nối đường truyền HN toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện NQ HN lần thứ mười BCHTW Đảng khóa XIII.

18/10/2024

227-TB/ĐUK

Thông báo mở Lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng Khóa VIII năm 2024

11/10/2024

152-GM/ĐUK

Hội nghị sơ kết công tác 9 tháng, triển khai nhiệm vụ những tháng cuối năm 2024

11/10/2024

Lượt truy cập
  • Đang truy cập13
  • Hôm nay8,089
  • Tháng hiện tại29,715
  • Tổng lượt truy cập15,815,880
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây