Cán bộ, đảng viên ứng xử với mạng xã hội (phần 3)
Thứ hai - 07/12/2020 22:01
Tác phẩm “Cán bộ, đảng viên ứng xử với mạng xã hội” của tác giả Vân Tâm, Tạp chí Sổ tay xây dựng Đảng đoạt Giải A - Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Giải Búa liềm vàng) lần thứ IV - năm 2019, xin giới thiệu cùng bạn đọc.
Kỳ 3: Những điều lưu ý khi sử dụng mạng xã hội
Đối với một số người, sử dụng mạng xã hội chỉ là “chơi thôi”, nhưng trong cuộc chơi này, không phải là hoàn toàn vô bổ, cũng như không phải hoàn toàn vô hại. Vì thế, người sử dụng cần phải hết sức thận trọng. Là cán bộ, đảng viên thì lại càng phải thận trọng hơn.
Chớ cả tin với những gì đọc được trên mạng xã hội
Mạng xã hội có chứa tất cả những gì được gọi là “thượng vàng hạ cám”. Ở đó, có những thông tin, hình ảnh, video… quý giá mà chúng ta vô tình “nhặt được” từ bạn bè của mình, từ đó có thể cung cấp cho chúng ta những tư liệu hay hoặc gợi mở để chúng ta tiếp tục tìm hiểu và tìm thấy những thông tin cần thiết, có ích. Chẳng hạn, có thể rất tình cờ, chúng ta nhìn thấy các clip trả lời phỏng vấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh hoặc Đại tướng Võ Nguyên Giáp bằng tiếng Pháp, sẽ giúp chúng ta hiểu hơn về sự uyên bác, về phong thái đĩnh đạc, về sức thuyết phục của Bác và Đại tướng, từ đó thêm lòng yêu kính các vị ấy hơn, để chúng ta càng vững niềm tin về tương lai của cách mạng Việt Nam, để chúng ta có thêm quyết tâm đi trên con đường mà các vị cách mạng tiền bối đã chọn…
Thế nhưng, không phải điều gì trên mạng xã hội cũng có thể đáng tin hết. Có rất nhiều điều chỉ là sự gán ghép vô tội vạ, thiếu trách nhiệm, thậm chí là có ác ý của ai đó, về một cá nhân nào đó. Hoặc có những điều bịa đặt, xuyên tạc với dụng ý chính trị rõ ràng hay đơn giản chỉ là một trò đùa của một người nào đó, mà ta đinh ninh là sự thật. Cách đây vài năm, mạng xã hội hay đưa ảnh Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Vũ Thị Thu Thủy gắn với phát biểu gây sốc về tình hình biển Đông và quan hệ Việt Nam - Trung Quốc. Từ thông tin này, nhiều người đã “cả tin” rồi có những bình luận ác ý nhắm vào đồng chí này cũng như các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta, nhất là trong quan hệ với Trung Quốc. Chính vì vậy, ngày 17-7-2017, Cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Ninh đã đăng tải thông báo chính thức về vụ việc này; theo đó, “tỉnh Quảng Ninh khẳng định hình ảnh của bà Thủy bị gán với thông tin nhạy cảm là một sự bịa đặt hoàn toàn nhằm mục đích bôi nhọ danh dự, uy tín của lãnh đạo tỉnh và gây ảnh hưởng tới an ninh quốc gia”[1].
Còn rất nhiều thông tin khác liên quan đến các vị lãnh tụ của Đảng, các đồng chí lãnh đạo Nhà nước, về tình hình biển Đông, về quan hệ Việt Nam - Trung Quốc… cũng thường có những thông tin sai lệch hoặc những gán ghép có ý đồ xấu, nếu người đọc không tỉnh táo, không thận trọng mà tin theo thì có khi rất tai hại, không chỉ cho bản thân mà còn cho nhiều người khác.
Không chia sẻ, trích dẫn khi không chắc chắn về độ chính xác
Mạng xã hội cho phép người dùng về cơ bản là tự do đăng tải, trích dẫn, chia sẻ rất nhiều loại thông tin, hình ảnh, tư liệu. Gần đây, một số dịch vụ mạng xã hội có tính năng “lọc”, là một hình thức kiểm duyệt, như Facebook sẽ hạn chế cho đăng những hình ảnh, video clip có nội dung vi phạm thuần phong mỹ tục (như khỏa thân, lộ các bộ phận nhạy cảm của cơ thể…) hay có tính chất bạo lực (cảnh đánh nhau, có đổ máu…). Thế nhưng, với các nội dung khác, các mạng xã hội gần như không kiểm duyệt và trên thực tế cũng không thể kiểm duyệt. Do đó, người sử dụng cần phải thận trọng với tất cả các thông tin, hình ảnh mà mình chia sẻ, trích dẫn, để tránh đưa những thông tin không chính xác hoặc vốn là thông tin có dụng ý xấu của ai đó.
Trong việc này, nên quan tâm mấy điều sau:
Thứ nhất, nên xem nguồn gốc của thông tin. Một cá nhân hoặc một fanpage, nhóm nào đó đưa một thông tin thì chúng ta nên xem nguồn thông tin đó từ đâu. Nếu người đưa thông tin không dẫn nguồn, ta có thể tự tìm nguồn bằng những “từ khóa” trong nội dung đó, bằng tiếng Việt hoặc tiếng nước ngoài. Trong trường hợp không thể tìm được nguồn gốc, có thể tiếp tục áp dụng các lưu ý tiếp theo.
Thứ hai, tìm hiểu người đưa thông tin này. Lưu ý thực tế chỉ áp dụng được cho một số người sử dụng mạng xã hội đã thể hiện được quan điểm, chính kiến cụ thể (chẳng hạn, là người hay đưa các thông tin trái chiều hoặc là người vốn có thành kiến với chế độ…). Bởi có không ít trường hợp, người đưa thông tin đó vốn chỉ vì cả tin hoặc không đủ điều kiện để thẩm định thông tin chứ bản thân không có dụng ý xấu.
Thứ ba, tìm hiểu động cơ, mục đích của người đưa thông tin này. Nếu có cơ sở người đưa thông tin mang dụng ý xấu (thông qua lịch sử đăng tải hoặc có thêm các bình luận mang tính dẫn dắt) thì chúng ta nên tránh dẫn lại. Nếu không có căn cứ xác định được mục đích của họ thì bản thân ta cũng nên tự làm rõ, vậy mục đích của ta là gì khi đăng lại thông tin đó?
Thứ tư, thông tin đó có lợi cho ai. Có nhiều bài viết thể hiện tính vô thưởng vô phạt nhưng cũng có những đăng tải mang một dụng ý cụ thể nào đó, sẽ thúc đẩy sự nhìn nhận có lợi cho ai đó (như bênh vực hoặc đánh bóng tên tuổi ai đó, thế lực nào đó…). Vì vậy, phải xem xét thận trọng những loại thông tin như vậy.
Thứ năm, thái độ của người đăng tải. Bên cạnh những trường hợp tỏ rõ sự ủng hộ, tán thành ý kiến được chia sẻ thì cũng có những người ghi rõ “để đây và không nói gì” nhưng không vì thế mà ta không nhìn nhận được thái độ của họ, không chỉ từ nội dung được đăng tải mà còn các bình luận dưới đó hoặc thái độ đối với các bình luận đó. Nếu có thái độ tích cực thì hẳn nội dung được dẫn lại sẽ tích cực và thường có ý kiến “nói lại” hay có các biểu tượng (icon) với các bình luận mang một quan điểm, thái độ cụ thể. Ngoài ra, cũng nên xem lời lẽ của người đăng, như có nghiêm túc không, có thể hiện sự châm biếm, mỉa mai, giễu nhại hay phê phán không…
Nên nghĩ về hậu quả đối với bất kỳ hành vi nào
Một số người sử dụng mạng xã hội cho rằng “mình thích thì mình đăng thôi”, nhưng không phải trường hợp nào cũng có lợi hoặc đơn giản là vô hại. Khi nhiều người phản ứng về cách học tiếng Việt theo sách công nghệ giáo dục, trên mạng xã hội xuất hiện các clip chế giễu về các hình tròn, vuông, tam giác, thậm chí có một số bài hát mang tính châm biếm và một số người thấy vui nên chia sẻ về trang của mình. Điều này tưởng chừng không ảnh hưởng gì đến ai, nhưng kỳ thực nó phản ánh thái độ của người chia sẻ, có thể hiểu là không đồng tình hoặc phản đối cách dạy tiếng Việt đó. Nhưng trên thực tế, sự nhìn nhận của nhiều người là sai lầm, khi các hình tròn, vuông, tam giác không phải là sự biểu thị các từ của tiếng Việt mà đơn giản chỉ là các đơn vị để thể hiện ra từng tiếng khi phát âm. Thí dụ, từ “ba mẹ” được biểu thị bằng 2 hình (bất kỳ) thì có nghĩa là được phát âm ra 2 tiếng, mỗi tiếng tương ứng với một hình. Một trẻ học lớp 1 sẽ đếm các hình đó để biết rằng phát âm của từ “ba mẹ” có mấy tiếng. Vậy nên, khi một người chia sẻ các thông tin, các clip về vấn đề này thì vô tình hay cố ý truyền đi một thông điệp đến các bạn bè trong danh sách (friendlist) của mình rằng “đang có một sự việc như thế” và rằng “tôi có thái độ như thế”, giám tiếp thúc đẩy người khác có cùng quan điểm với mình. Trong trường hợp thông điệp đó là tích cực thì sẽ có tác động tích cực, nhưng nếu tiêu cực thì ảnh hưởng cũng sẽ tiêu cực.
Đôi lúc, có người chọn phương án là “để đây và không nói gì”, chẳng hạn đưa đường dẫn (link) của ai đó cho rằng một lãnh đạo Việt Nam bị đầu độc, về một người Việt Nam vi phạm trong nước trốn ra nước ngoài và bị bắt cóc đưa về nước xét xử…, hàm ý rằng “người ta nói vậy, chứ tôi không nói”. Thế nhưng, nếu người đưa thông tin đó là cán bộ, đảng viên thì thực sự bản thân muốn nói điều gì, muốn thể hiện quan điểm như thế nào qua việc chia sẻ này, chứ không thể nói đó là “đưa chơi chứ không có ý gì”. Bởi với những thông tin chưa được kiểm chứng, không xác định được đúng sai, mà dẫu có xác định được đúng sai, nhưng với trách nhiệm của một cán bộ, đảng viên với tổ chức đảng, với chế độ, việc đưa thông tin như vậy là không phù hợp, rất bất lợi về nhiều mặt. Do đó, mỗi status, mỗi bài viết được đăng công khai thì đều cần nghĩ đến hậu quả và tác động của nó.
Cần bày tỏ thái độ, quan điểm khi cần thiết
Các mạng xã hội đều cho phép bày tỏ thái độ đối với một status của người trong friendlist. Chẳng hạn, Facebook cho phép người xem có thể “thích”, “thả tim”, “ngạc nhiên”, “buồn”, “phẫn nộ”, cùng các chức năng bình luận, chia sẻ (tùy theo mức độ công khai của người đăng); Zalo thì cho phép “thả tim” cùng với chức năng bình luận (dù người xem chỉ thấy được bình luận của bạn chung)…
Khi tiếp xúc với một bài đăng mà bản thân thấy “có vấn đề” hoặc gây ra xúc cảm nào đó thì không nên lẳng lặng cho qua. Nếu các cán bộ, đảng viên có lẽ không nên chọn giải pháp lẳng lặng như thế, bởi trong một số trường hợp, “im lặng là đồng ý”. Các hình thức biểu thị thái độ tùy theo tính chất của vấn đề và mối quan hệ với chủ nhân thông tin đó có thể lựa chọn là:
- Trao đổi trong tin nhắn riêng về điều mà mình cho là chưa phù hợp. Thí dụ: một người đưa thông tin chưa được kiểm chứng về một nghi án, thì nên đưa thông tin có ý kiến khác, hoặc giải thích rằng sự việc chưa được xác minh thì không nên quy trách nhiệm cho cá nhân nào đó…
- Thể hiện ý kiến ngay bằng các bình luận dưới bài. Tất nhiên, các ý kiến nêu ra cần có sự xác thực và được thể hiện bằng thái độ phù hợp để bảo đảm tính thuyết phục, hợp lý. Với các những bài cần động viên, khích lệ, thì có thể dùng các biểu tượng “cảm ơn”, “tuyệt vời”… có sẵn nếu chúng ta không có điều kiện viết lời bình luận.
- Chia sẻ link (nếu có thể chia sẻ) hoặc dẫn lại thông tin từ trang của người đó và phản bác hoặc khen ngợi trên trang của chính mình. Tức lại, khi đó, chúng ta muốn biểu đạt: “tôi thấy anh/chị A. nêu vấn đề này ở link dưới đây, theo tôi là chưa đúng, với các căn cứ sau…”; hoặc “tôi thấy anh/chị A. nêu vấn đề ở link này, tôi thấy rất tuyệt vời nên chia sẻ lại ở đây”…
- Chép lại thông tin chưa phù hợp và “nói lại” về thông tin đó ở trang của mình. Bằng cách nào đó nên để người mà ta muốn “nói lại” đọc được ý kiến của mình, như gắn tên người đó vào, hoặc thông qua một người khác mà người đó có kết bạn…
- Riêng với các link bài trên một trang facebook của người khác, người phản đối hoặc muốn bạn mình đọc được thông tin đó có thể gắn tên (tag) người đó trong một bình luận. Chẳng hạn, trang facebook của anh A. có thông tin chưa phù hợp về vấn đề X., khi đọc trang faecbook của anh B. có nội dung “nói lại” phù hợp thì ta có thể bình luận ở trang B. và tag tên anh A. vào đó để A. có thể đọc được thông tin này và tự khắc biết rằng có người muốn mình hiểu vấn đề theo cách khác.
- Ngoài ra, có thể dùng các icon, sticker để biểu lộ thái độ. Chẳng hạn, đọc một link chia sẻ về một gương học tập và làm theo Bác Hồ xúc động, chúng ta có thể “thả tim”; đọc một chia sẻ về hành vi sai trái của một người nào đó, ta có thể dùng biểu tượng “phẫn nộ”…
Vân Tâm
Nguồn tin: Tạp chí Xây dựng Đảng