Sinh hoạt chủ đề “Tự soi, tự sửa” trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh
CÔNG TÁC LÃNH ĐẠO, CHỈ ĐẠO SÁT SAO, KỊP THỜI
Để triển khai thực hiện có hiệu quả đợt sinh hoạt chính trị với chủ đề “Tự soi, tự sửa”, Ban Thường Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch 65-KH/TU, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã ban hành Hướng dẫn số 40-HD/BTGTU về nghiên cứu, học tập, quán triệt và triển khai thực hiện Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá". Đồng thời, chỉ đạo các huyện, thị, thành ủy, đảng ủy trực thuộc xây dựng kế hoạch, chủ động tổ chức các đợt sinh hoạt chính trị chủ đề “Tự soi, tự sửa” gắn với triển khai đợt sinh hoạt chính trị, tư tưởng về nội dung tác phẩm “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Trong đó, tập trung cao vào dịp kỷ niệm 132 năm ngày sinh nhật Bác Hồ (19/5/1890 - 19/5/2022); kỷ niệm 65 năm Bác Hồ về thăm Hà Tĩnh (15/6/1957 - 15/6/2022), kiểm điểm 6 tháng đầu năm và kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng tổ chức Đảng, đảng viên cuối năm 2022. Qua đó, tạo đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, ý nghĩa trong toàn Đảng bộ tỉnh, lan tỏa đến toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Việc triển khai thực hiện sinh hoạt chủ đề “Tự soi, tự sửa” diễn ra bài bản, nghiêm túc được sự đồng tình cao của cán bộ, đảng viên và nhân dân; qua đó, đánh giá thực chất sinh hoạt chi bộ, năng lực, trình độ của người đứng đầu, chất lượng đảng viên; từ đó có kế hoạch để xây dựng tổ chức Đảng ở cơ sở ngày càng vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị trong tình hình mới. Việc tổ chức các buổi sinh hoạt chủ đề khá thiết thực, hiệu quả góp phần đổi mới nội dung, phương thức sinh hoạt. Mỗi cán bộ, đảng viên tự soi lại vai trò, trách nhiệm của cá nhân trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” theo tinh thần Kết luận số 21, Quy định số 37-QĐ/TW về những điều đảng viên không được làm.
Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh đặt ra yêu cầu phải nhận diện và đấu tranh, ngăn chặn các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; tổ chức đảng, đảng viên, tự giác, trung thực tự phê bình và phê bình; gắn “tự soi, tự sửa” của tập thể với “tự soi, tự sửa” của từng cán bộ, đảng viên; việc tổ chức sinh hoạt chủ đề phải thiết thực, cụ thể, phù hợp với tình hình, đặc điểm của chi bộ; nhận diện được những biểu hiện suy thoái của cán bộ, đảng viên để sửa chữa, khắc phục.
|
Sinh hoạt chủ đề “Tự soi, tự sửa” tại Chi bộ Hội Chữ thập đỏ tỉnh Hà Tĩnh thuộc Đảng bộ Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh Hà Tĩnh. |
TIẾN HÀNH ĐỒNG BỘ ĐỢT SINH HOẠT
Đến giữa tháng 7/2022, có 95% đảng bộ, chi bộ trực thuộc đã triển khai tổ chức đợt sinh hoạt chính trị chủ đề “Tự soi, tự sửa” thông qua hội nghị kiểm điểm tự phê bình và phê bình; tổ chức tọa đàm về chủ đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị. Các buổi sinh hoạt chính trị được tổ chức hiệu quả, đảm bảo thực chất. Qua đó, tạo sức lan tỏa, nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm của mỗi tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên trong việc học tập, rèn luyện, tự soi, tự sửa, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và đảng viên.
Đa số các đảng bộ, chi bộ đã tổ chức sinh hoạt nghiêm túc, chất lượng, có sức lan tỏa sâu rộng; các nội dung mới, trọng tâm về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị được phân tích cụ thể, gắn với thực tiễn hoạt động từng đơn vị, gắn với vị trí công tác, nhiệm vụ của đảng viên, nhất là người đứng đầu. Bước đầu cho thấy, sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của cán bộ, đảng viên, xác định việc “tự soi, tự sửa” phải là việc làm thường xuyên, cần tiếp tục được tiến hành liên tục và thực chất. Các vấn đề đặt ra tại diễn đàn sinh hoạt và các ý kiến thảo luận góp phần làm chuyển biến nhận thức, ý thức trách nhiệm, nêu cao tính tiên phong, gương mẫu, giúp cấp ủy các cấp, đảng viên thấy được hạn chế, từ đó, xây dựng kế hoạch khắc phục rõ, mục tiêu phấn đấu, rèn luyện.
Mỗi đảng viên tự soi vào các biểu hiện suy thoái theo bản “tự soi” mẫu gồm 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ đã được chỉ ra trong Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Đồng thời, đảng viên phải xây dựng kế hoạch của cá nhân về khắc phục những biểu hiện suy thoái sau “tự soi”. Cấp ủy chi bộ tổng hợp bản “Tự soi, tự sửa” của đảng viên; xây dựng báo cáo đề dẫn chuyên đề; đánh giá khái quát về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến, tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên. Khi tiến hành thảo luận, đồng chí bí thư chi bộ thay mặt cấp ủy tổng hợp kết quả tự soi, tự sửa của mỗi cán bộ, đảng viên, chỉ ra mức độ các biểu hiện suy thoái tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống của chi bộ, đảng viên và nhấn mạnh các giải pháp khắc phục, sửa chữa. Sau buổi sinh hoạt chủ đề “Tự soi, tự sửa”, cấp ủy chi bộ hoàn thiện báo cáo, gửi đảng viên trong chi bộ để làm căn cứ xây dựng kế hoạch sửa chữa, khắc phục và kiểm điểm cuối năm.
Tại Đảng bộ Thành phố Hà Tĩnh, đối với sinh hoạt chủ đề “tự soi, tự sửa”, mỗi cán bộ, đảng viên tự kiểm điểm, tự soi lại mình, cái gì tốt thì phát huy, cái gì khiếm khuyết thì tự điều chỉnh, cái gì xấu thì tự gột rửa, tự sửa chữa. “Tự soi, tự sửa” là việc làm của cá nhân, của chính mình. Đó là việc đấu tranh quyết liệt với cái tôi của bản thân. Soi đúng thì sẽ sáng hơn, sửa đúng thì sẽ đẹp hơn. Tự soi, tự sửa khó nhưng không phải không làm được.
|
Sinh hoạt chủ đề “Tự soi, tự sửa” tại Chi bộ Trường Tiểu học thuộc Đảng bộ xã Hương Xuân |
Các đảng viên ở 13 chi bộ thuộc Đảng bộ cơ quan Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân huyện Hương Sơn đều “tự soi, tự sửa” trong mỗi hành động, việc làm hằng ngày để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao. Trên tinh thần “dân chủ, thẳng thắn, trách nhiệm cao”, “nói rõ sự thật, nhìn thẳng vào sự thật”, những mặt hạn chế của tất cả các đảng viên được từng chi bộ nhận xét, đóng góp ý kiến. Việc thực hiện “tự soi, tự sửa” gắn với trách nhiệm, nhiệm vụ của từng tập thể, từng cán bộ, đảng viên; gắn với công việc hằng ngày, với tác phong làm việc, thái độ ứng xử, đạo đức công vụ của mỗi cán bộ, đảng viên,... Các chi bộ và từng đảng viên đều tự nhận diện những mặt tồn tại, hạn chế để cam kết khắc phục; hằng tháng, sinh hoạt chi bộ đều đề cập, đánh giá việc khắc phục tồn tại hạn chế đó, qua đó tạo được sự chuyển biến tích cực trong nhận thức cũng như hành động của mỗi cán bộ, đảng viên.
TẠO SỰ LAN TỎA MẠNH MẼ
Qua tổ chức sinh hoạt chủ đề “Tự soi, tự sửa” cho thấy, nhìn chung các chi bộ tổ chức sinh hoạt đảm bảo chất lượng, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế. Sau buổi sinh hoạt chủ đề “Tự soi, tự sửa”, cấp ủy chi bộ hoàn thiện báo cáo, gửi đảng viên trong chi bộ để làm căn cứ xây dựng kế hoạch sửa chữa, khắc phục.
Nhận thức của các cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên về ý nghĩa, tầm quan trọng của đợt sinh hoạt chính trị với chủ đề “Tự soi, tự sửa” được nâng lên; nhận biết rõ hơn, đầy đủ hơn những biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Đồng thời, giúp cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp tự rà soát lại chức trách, nhiệm vụ, lĩnh vực công tác; kiểm điểm, nhìn nhận những hạn chế, khuyết điểm có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến trách nhiệm của bản thân. Từ đó, xây dựng kế hoạch sửa chữa, khắc phục những hạn chế, khuyết điểm, phát huy những ưu điểm, góp phần xây dựng tập thể cấp ủy, cơ quan, đơn vị đoàn kết, vững mạnh, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Trong quá trình triển khai thực hiện, nhiều chi bộ, đảng bộ đã có sự chuẩn bị công phu, phù hợp với đặc điểm của cơ quan, đơn vị, do đó đã phát huy được tinh thần tự phê bình và phê bình của đảng viên trong sinh hoạt chuyên đề; tạo không khí sôi nổi, thẳng thắn với tinh thần xây dựng, góp phần xây dựng tổ chức đảng và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Có thể thấy, sinh hoạt chủ đề “Tự soi, tự sửa” đã và đang phát huy cao tính dân chủ, tự giác, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên nhằm xây dựng tổ chức đảng phát triển vững mạnh, củng cố khối đoàn kết trong Đảng, cơ quan, đơn vị, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Các buổi sinh hoạt chủ đề cũng giúp mỗi cán bộ, đảng viên “tự soi” lại vai trò, trách nhiệm của cá nhân trong xây dựng, chỉnh đốn đảng và thực hiện nhiệm vụ chuyên môn để kịp thời “tự sửa”, nhằm ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, lối sống, đạo đức nghề nghiệp, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Thông qua đợt sinh hoạt chính trị này, sẽ giúp các cấp ủy đánh giá đúng chất lượng sinh hoạt chi bộ, năng lực và trình độ người đứng đầu, chất lượng đảng viên… để từ đó có kế hoạch khắc phục, điều chỉnh phù hợp.
Để sinh hoạt chủ đề “Tự soi, tự sửa” trở thành việc làm thường xuyên góp phần xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh, cấp ủy các cấp cần tiếp tục nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, phát huy dân chủ, vai trò nêu gương người đứng đầu, nêu cao tinh thần tự giác, trách nhiệm “tự soi, tự sửa” của từng tổ chức Đảng và cán bộ, đảng viên thực hiện đầy đủ các nhóm nhiệm vụ, giải pháp được đề ra trong Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII, XIII, gắn với thực hiện hiệu quả việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình cần được tiến hành nghiêm túc, thực chất. Hết sức tránh làm lướt, làm qua loa, hình thức, chiếu lệ. Khắc phục tình trạng xuê xoa, nể nang và lợi dụng dịp này để “đấu đá”, “hạ bệ” nhau với những động cơ không trong sáng. Việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình, “tự soi, tự sửa” phải đồng bộ với công tác cán bộ, là cơ sở quan trọng để đánh giá và bố trí cán bộ. Qua sinh hoạt, nếu có các biểu hiện, cần kiểm tra, giám sát nhằm chấn chỉnh hoặc xử lý kịp thời.
Thực hiện “tự soi, tự sửa” là một giải pháp rất quan trọng, có tính quyết định nhằm ngăn chặn, đẩy lùi các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Bản thân mỗi cán bộ, đảng viên phải tự mình soi xét, khi thấy có biểu hiện suy thoái phải quyết tâm sửa chữa và tự giác khắc phục. Tổ chức Đảng cần sâu sát lãnh đạo, chỉ đạo giúp cán bộ, đảng viên khắc phục sửa chữa những hạn chế, khuyết điểm. Do vậy, muốn ngăn chặn, đẩy lùi các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống góp phần xây dựng tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong sạch, vững mạnh, phải bắt đầu từ việc cán bộ, đảng viên “tự soi, tự sửa”. |