50 năm Ngày ký Hiệp định Paris – Thành công và bài học kinh nghiệm

Thứ năm - 26/01/2023 21:13
Thắng lợi của Hiệp định Paris là đỉnh cao của nền ngoại giao Việt Nam trong 30 năm chiến tranh giải phóng (1945 - 1975). Đây là văn kiện pháp lý quốc tế khẳng định thắng lợi to lớn của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam, với những điều khoản quan trọng. Từ điểm tựa chiến lược của Hiệp định Paris, quân và dân ta đã tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Những thành công lớn của ta trong đàm phán Paris
Hội nghị Paris là đỉnh cao nghệ thuật về ứng xử trong quan hệ quốc tế, kết tinh từ những thực tiễn đầy sáng tạo trong đàm phán của những thời kỳ trước đó: Một mặt, thể hiện thiện chí, chấp nhận nhân nhượng đúng lúc, tranh thủ dư luận quốc tế, giữ vững đoàn kết quốc tế và tác động vào nội bộ đối phương; đồng thời, kiên định tư duy độc lập, tự chủ, giành thế chủ động trong đàm phán, kiên trì mục tiêu đấu tranh, biết bắt đầu và kết thúc đàm phán đúng thời điểm với một hiệp định mở ra cục diện cách mạng mới ở miền Nam Việt Nam với “mấu chốt là quân Mỹ phải ra, quân ta ở lại”. Bởi với Hiệp định Paris, ta đã thực hiện xuất sắc lời dạy của Bác Hồ “đánh cho Mỹ cút”, và thời gian tiếp theo là “đánh cho ngụy nhào” bằng Đại thắng mùa Xuân 1975.
Có thể khẳng định, cuộc đàm phán Paris và Hiệp định “Về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam” là đỉnh cao của mặt trận ngoại giao Việt Nam thời kỳ chống Mỹ, cứu nước và là thành công lớn nhất trong lịch sử ngoại giao của dân tộc thời đại Hồ Chí Minh.
Tại Hội nghị Paris, khả năng đàm phán của phái đoàn Việt Nam được nâng lên thành nghệ thuật. Những yếu tố cơ bản tạo nên nghệ thuật đàm phán đó là: Chúng ta đã xác định và kiên trì kế sách “vừa đánh, vừa đàm” trong suốt quá trình đàm phán; đàm phán phục vụ đấu tranh quân sự, chính trị với mục tiêu hàng đầu là tấn công, kiềm chế địch, tranh thủ sự ủng hộ và đồng tình của bạn bè và dư luận quốc tế; biết phát huy điểm mạnh cơ bản của ta là chính nghĩa dân tộc và khoét sâu chỗ yếu của địch là chiến tranh phi nghĩa; luôn nắm vững và phát huy quyền chủ động, không ngừng tấn công đối phương, đề cao thiện chí hòa bình của ta; xây dựng được lý lẽ, lập luận đấu tranh sắc bén, có sức tấn công, có sức thuyết phục, đẩy lùi các thủ đoạn xuyên tạc biện bạch của địch; xác định phương châm giành thắng lợi từng bước, tiến đến giành thắng lợi cuối cùng;...
Nghệ thuật đàm phán của phái đoàn Việt Nam tại Hội nghị Paris đã được cố vấn Tổng thống Mỹ lúc đó là Kissinger đánh giá: “Những nhà đàm phán Việt Nam khi đã thắt thì họ biết thắt rất chặt, và khi muốn mở thì cũng biết mở khéo để đi vào thương lượng thực chất”.

1

 

Quang cảnh Lễ ký Hiệp định Paris, ngày 27-1-1973 tại Trung tâm các Hội nghị quốc tế ở Thủ đô Paris, Pháp.


Hiệp định Paris nhìn từ phía bên kia
Đảng Cộng sản Mỹ, trước ngày chính thức ký kết Hiệp định đã ra tuyên bố khẳng định: “Thất bại của cuộc chiến tranh xâm lược kéo dài và tàn bạo của đế quốc Mỹ trước hết là do kết quả đấu tranh giành tự do của nhân dân Việt Nam, được sự ủng hộ của tất cả các dân tộc yêu chuộng hòa bình”.
Trong khi đó, chính quyền Nixon, được sự ủng hộ của một số chính trị gia, tướng lĩnh trong quân đội Mỹ lại cho rằng: Hiệp định Paris là một thành công của Dự án “Hòa bình trong danh dự”. Bởi chính Nixon tuyên bố muốn ký kết một Hiệp định hòa bình, trong đó Mỹ sẽ chấp nhận rút hết quân, lấy được hết tù binh Mỹ mà không thừa nhận thất bại, mặt khác vẫn giữ được chính quyền Sài Gòn do Mỹ dựng lên. Người Mỹ ra đi và chuyển giao công việc tiếp tục cuộc chiến khó khăn cho chính quyền Nguyễn Văn Thiệu với niềm tin vào sự “vững vàng” của ngụy quân Sài Gòn trước sự tiến công của quân đội miền Bắc.
Thực tế, trong những năm tháng diễn ra đàm phán, Mỹ đã chịu thêm những thất bại nặng nề về cả quân sự và chính trị tại chính quốc cũng như Việt Nam. Từ đó, buộc Mỹ và chính quyền Nixon nhanh chóng tìm giải pháp đi đến ký kết một Hiệp định hòa bình, chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam như Bộ Quốc phòng Mỹ khẳng định: “Tổng thống Nixon và ông Kissinger thừa nhận là không thể có một giải pháp quân sự cho cuộc chiến tranh; vì vậy, họ cố gắng đạt tới một trạng thái không phân thắng bại trên chiến trường; cô lập Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với các nước cộng sản vẫn viện trợ cho họ; và đi đến một giải pháp chính trị qua thương lượng”.  
Nhiều nhà nghiên cứu lịch sử của Mỹ tỏ ra nghi ngờ về thắng lợi “Hòa bình trong danh dự” mà chính quyền Mỹ rêu rao. Họ cho rằng, nước Mỹ đưa một đội quân thiện chiến hơn nửa triệu người được trang bị đến tận răng sang trực tiếp tham chiến, được điều hành bởi những chiến lược gia quân sự, “bộ óc điện tử” có hàng chục năm kinh nghiệm ở nhiều chiến trường nóng bỏng trên thế giới. Chi phí trực tiếp cho cuộc chiến tranh hơn 150 tỷ đôla, có gần 60.000 lính chết, hàng trăm ngàn người bị thương... nhưng, việc Mỹ buộc phải ký vào Hiệp định để kết thúc một cuộc chiến tranh với mục tiêu hạn chế, mà không giành được thắng lợi, là điều chưa từng có tiền lệ trong lịch sử của nước Mỹ.
Tác giả Gabriel Kolko, trong cuốn “Giải phẫu một cuộc chiến tranh” bình luận: “Việc Mỹ rút quân mà không phải thừa nhận thất bại quân sự sau gần hai thập kỷ nỗ lực bất thành là một thắng lợi cay đắng của một siêu cường quốc tế”. Còn nhà sử học Mỹ George C. Herring, trong cuốn: “Cuộc chiến tranh dài ngày nhất của nước Mỹ” thì đánh giá: “Nixon đã kiên quyết tìm đến một nền “Hòa bình trong danh dự” để duy trì địa vị của Mỹ trên thế giới, nhưng Mỹ đã ra khỏi cuộc chiến tranh với hình ảnh rất nhem nhuốc trong con mắt của nhân dân thế giới và nhân dân Mỹ vốn đã chán ngấy việc dính líu vào chiến tranh”.
Bên cạnh đó, cũng có nhiều ý kiến khẳng định Hiệp định Paris tạo ra lợi thế to lớn cho cách mạng và những bất lợi to lớn cho ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn. Phân tích những nội dung của Hiệp định, trên cơ sở chỉ ra những lợi thế của phía cách mạng giành được, nhà sử học Mỹ Gabriel Kolko nhận định: “Đáng hoan nghênh Hiệp định Paris như một thắng lợi lớn làm thay đổi so sánh lực lượng có lợi cho họ và giúp họ tranh thủ thời gian phát triển sức mạnh chính trị và quân sự của mình”.
Còn nhà sử học Mỹ Joseph A. Amter thì khẳng định: Sự thất bại và ra đi của Mỹ báo hiệu sự suy sụp, đổ vỡ của chính quyền Sài Gòn là không tránh khỏi. Không bảo đảm nào là chế độ Thiệu sẽ sống sót sau khi Mỹ rút khỏi Nam Việt Nam. Mặc dù cam kết bí mật của họ với Thiệu, cả Nixon và Kissinger phải biết rằng tương lai của Nam Việt Nam là ảm đạm.
Những bài học và sự vận dụng hiện nay
Trước hết, đó là bài học về độc lập, tự chủ. Tại Hội nghị Paris, chúng ta đã tôn trọng nguyên tắc này trong mọi quyết sách, trong từng bước đi. Điều đó đã giúp ta đứng vững trong mọi hoàn cảnh, kể cả khi tình hình quốc tế có những biến động không thuận. Quá trình đàm phán, ký kết Hiệp định Paris thể hiện rõ, tiêu biểu về sự kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại. Bởi vậy, trong suốt quá trình đàm phán tại Paris, chúng ta đã có được sự ủng hộ to lớn của Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa, đã tranh thủ được sự đồng tình của dư luận quốc tế, kể cả dư luận tiến bộ Mỹ, góp phần tạo nên một mặt trận nhân dân thế giới rộng lớn ủng hộ Việt Nam.
Trong giai đoạn mới, việc chắt lọc, vận dụng bài học này là đặc biệt quan trọng. Theo đó, chúng ta phải coi việc phát huy sức mạnh nội lực là yếu tố mang tính chất quyết định, ngoại lực là yếu tố quan trọng. Xử lý đúng đắn, hài hòa giữa độc lập, tự chủ và đoàn kết, hợp tác quốc tế, giữa lợi ích quốc gia dân tộc và trách nhiệm quốc tế. Tuy nhiên, việc kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại phải luôn linh hoạt, thích ứng với các xu thế vận động của thế giới, nhưng trên hết phải phát huy nguồn lực tổng hợp với nguồn lực nội tại, giữ vững mục tiêu, nhiệm vụ và lợi ích quốc gia để đảm bảo giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vững bước trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

2

Thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Bộ Chính trị ngày 9-4-1968 căn dặn việc chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ Việt – Mỹ
trước Hội nghị Pari. (Nguồn: Bảo tàng Hồ Chí Minh).

 

Hai là, giữ vững các nguyên tắc trên tinh thần “Dĩ bất biến ứng vạn biến”. Lập trường của ta trong các cuộc đàm phán là luôn khẳng định tính chất chính nghĩa của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam; lên án tội ác chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ trên hai miền Nam, Bắc Việt Nam; đòi Mỹ rút quân ra khỏi Việt Nam; yêu cầu chấm dứt hoàn toàn và không điều kiện việc ném bom miền Bắc Việt Nam của Mỹ… Chúng ta đã linh hoạt ứng xử trong các tình huống cụ thể nhưng không bao giờ từ bỏ các nguyên tắc đó và chúng ta đã chiến thắng…
Vận dụng bài học này, trong giai đoạn hiện nay chính là kiên định nguyên tắc độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Trong đó, “sách lược của chúng ta là cơ động, linh hoạt điều chỉnh tùy theo từng vấn đề, từng thời điểm và tùy theo đối tượng hay đối tác”, “thêm bạn bớt thù”, “Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”, đặc biệt là “quyết tâm xây dựng và phát triển một nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam hiện đại và mang đậm bản sắc dân tộc - xây dựng nên một trường phái đối ngoại và ngoại giao rất đặc sắc và độc đáo của Thời đại Hồ Chí Minh, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”, như phát biểu chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, ngày 14-12-2022. 
Ba là, vận dụng hiệu quả sách lược vừa đánh, vừa đàm; kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh quân sự, đấu tranh chính trị và đấu tranh ngoại giao để giành thắng lợi quyết định. Trong suốt quá trình đấu tranh ngoại giao tại Hội nghị Paris, sự phối hợp nhịp nhàng giữa ba mặt trận chính trị, quân sự và ngoại giao, giữa “đánh” và “đàm”, giữa các binh chủng hợp thành thế trận chiến tranh nhân dân, có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Hơn nữa, quá trình thực hiện phương châm “Vừa đánh, vừa đàm”, Việt Nam có bốn lần giành thắng lợi từng bước. Đó là: 1) Ép Mỹ hạn chế ném bom miền Bắc; 2) Buộc Mỹ chấm dứt hoàn toàn việc ném bom miền Bắc; 3) Ép Mỹ đơn phương rút dần quân Mỹ về nước; 4) Buộc Mỹ ký Hiệp định “Về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam”.
Thắng lợi của Hội nghị Paris trước hết là thắng lợi của đường lối chính trị, quân sự và ngoại giao độc lập, tự chủ, đúng đắn và sáng tạo của Đảng, là sự kết hợp chặt chẽ độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội, sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại. Đấu tranh quân sự và đấu tranh chính trị ở miền Nam là nhân tố chủ yếu quyết định thắng lợi trên chiến trường, làm cơ sở cho thắng lợi trên mặt trận ngoại giao. Chúng ta chỉ có thể giành được trên bàn đàm phán những cái mà chúng ta giành được trên chiến trường.
Đi vào đấu tranh trong từng phiên họp tại Hội nghị Paris, trên các vấn đề lớn, ta luôn biết cách gạt các mũi tên tiến công, các đòn gây sức ép của đối phương bằng những lý lẽ, lập luận sắc bén, các cách ứng xử quyết liệt. Không phiên họp nào phía Mỹ không đề cập đến vấn đề “rút quân miền Bắc”. Mỹ xoáy vào vấn đề này nhằm đánh lừa dư luận, gây khó khăn cho ta. Ta khẳng định: “Thực hiện quyền dân tộc tự vệ thiêng liêng, mọi người Việt Nam đều có quyền chiến đấu trên bất kỳ mảnh đất nào của Tổ quốc mình”. Sau đó, ta đưa ra phương thức “Vấn đề lực lượng vũ trang Việt Nam ở miền Nam Việt Nam sẽ do các bên Việt Nam giải quyết”. Lập trường này đã được đưa thành một điều khoản (Điều 13) của Hiệp định Paris. Dưới thời Nixon, Mỹ mấy lần cho ném bom lại một số nơi ở miền Bắc để gây sức ép, khiến không khí đàm phán căng thẳng. Đoàn đàm phán ta đến phiên họp đọc bản tuyên bố lên án Mỹ rồi bỏ họp mà không để đối phương kịp phản ứng. Chủ động bỏ họp như vậy cũng là một cách tiến công gây tác động mạnh trong dư luận. Ta giành được thế chủ động trong đàm phán vì chủ động trong điều hành cục diện cuộc chiến, ta biết phát động và biết kết thúc đấu tranh theo mưu lược của ta. Mặt khác, đi vào đàm phán, ta nắm chắc chiến trường, nội bộ Mỹ và xu thế quốc tế để tính toán cung cách và bước đi chặt chẽ, giữ vững quyền chủ động trong quá trình thương lượng, đó chính là bài học “biết mình, biết người” trong đàm phán Paris.
Vận dụng bài học này, để khẳng định quan điểm của Việt Nam trong các cuộc đàm phán quốc tế, cần thể hiện vị thế của nước ta ở nhiều lĩnh vực, nhất là chính trị, kinh tế, văn hóa và cả quân sự. Như trong đàm phán thương mại song phương, có đối tác đưa ra các yêu sách phi lý về nhân quyền, về các vấn đề nội bộ, về nền kinh tế thị trường…; bên cạnh việc kiên trì giải thích, thuyết phục, chúng ta luôn chứng minh bằng các lý lẽ cụ thể về các thành tựu bảo vệ quyền con người ở Việt Nam, về uy tín của đất nước trên trường quốc tế, về tính hội nhập và đặc điểm thị trường của nền kinh tế Việt Nam, do đó chúng ta đạt nhiều kết quả tích cực.
Đến nay, Việt Nam có quan hệ ngoại giao với 190 trong 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc, trong đó có quan hệ đối tác chiến lược với 17 nước và quan hệ đối tác toàn diện với 13 nước; có quan hệ kinh tế với hơn 230 quốc gia, vùng lãnh thổ; đã ký 15 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có các FTA thế hệ mới. Việt Nam cũng là thành viên tích cực của hơn 70 tổ chức, diễn đàn quốc tế quan trọng như Liên hợp quốc, ASEAN, APEC, ASEM... Chúng ta cần tiếp tục quán triệt quan điểm của Đảng về xác định đối tác, đối tượng vào thực tiễn; trong từng thời điểm cụ thể chúng ta phải căn cứ vào đường lối, chiến lược, âm mưu, thủ đoạn hiện hành và phải có cách nhìn nhận biện chứng, khoa học; dựa trên tư duy thực tế, linh hoạt để luôn nhận biết rõ đâu là đối tác, đâu là đối tượng. Thực hiện vừa hợp tác, vừa đấu tranh trên tinh thần gia tăng hợp tác, phát huy mặt tích cực của quan hệ đối tác; hạn chế, khắc phục tác động trái chiều của quan hệ đối tượng; triệt để khai thác các nhân tố có lợi từ bên ngoài phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tránh quan điểm, nhận thức mơ hồ, ảo tưởng, mất cảnh giác cách mạng; đánh đồng, nhầm lẫn, cứng nhắc, tuyệt đối hóa đối tác hoặc đối tượng; tránh để đối tác chuyển hóa thành đối tượng; tránh cho rằng đối tác là để hợp tác, đối tượng là để đấu tranh một cách đơn thuần.
Trong những năm tới, tình hình quốc tế, khu vực dự báo sẽ có những diễn biện phức tạp, khó lường. Quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam bên cạnh những thuận lợi vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Do đó, cùng với phát huy sức mạnh nội lực, kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, việc chắt lọc, vận dụng sáng tạo những kinh nghiệm từ quá trình đàm phán, ký kết Hiệp định Paris 50 năm về trước là đặc biệt quan trọng, qua đó từng bước nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, trước mắt là thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (1-2021) đề ra là: “Tiếp tục thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, không ngừng nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam”. 
máy cắt giấy cuộn

Tác giả bài viết: Đại tá, PGS,TS Nguyễn Văn Sáu, Phó viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự, Bộ Quốc phòng

Nguồn tin: Báo Quân đội nhân dân

Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thông báo - mời họp

154-GM/ĐUK

HN quán triệt các văn bản về đại hội Đảng các cấp; thực hiện quy trình giới thiệu nhân sự bổ sung Ủy viên BCH Đảng bộ Khối khóa XVI, nhiệm kỳ 2020-2025.

21/10/2024

153-GM/ĐUK

BTV Đảng ủy Khối kết nối đường truyền HN toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện NQ HN lần thứ mười BCHTW Đảng khóa XIII.

18/10/2024

227-TB/ĐUK

Thông báo mở Lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng Khóa VIII năm 2024

11/10/2024

152-GM/ĐUK

Hội nghị sơ kết công tác 9 tháng, triển khai nhiệm vụ những tháng cuối năm 2024

11/10/2024

Lượt truy cập
  • Đang truy cập133
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm132
  • Hôm nay7,984
  • Tháng hiện tại189,551
  • Tổng lượt truy cập15,322,105
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây