Sáng 22/10, thảo luận tại tổ ở Quốc hội, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho hay tinh thần Nghị quyết 27 của Trung ương là từ năm 2021 sẽ cải cách chính sách tiền lương. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương quyết định lùi thời điểm cải cách. Việc tăng lương cơ sở cũng chưa thực hiện được do ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố.
Theo bà Trà, tại kỳ họp này, Chính phủ sẽ đề xuất Quốc hội tăng lương cơ sở thêm 20%, từ 1/7/2023. Tỷ lệ tăng này tiệm cận chính sách cải cách tiền lương với khung dự kiến thấp nhất là 29%, cao nhất trên 40%. Nếu năm 2023 đất nước phát triển kinh tế - xã hội tốt và năm 2024 tăng trưởng kinh tế vĩ mô ổn định thì có thể triển khai được chính sách cải cách tiền lương.
Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. Ảnh: Media Quốc hội© Được VnExpress cung cấp
Bộ trưởng Nội vụ cho biết, 6 tháng đầu năm, số công chức, viên chức thôi việc trên cả nước là 39.500. Trong đó, công chức hơn 4.000, viên chức 35.500, chủ yếu ở hai ngành giáo dục và y tế. Riêng giáo dục hơn hai năm qua, số người thôi việc là 16.400, trong đó trình độ đại học trở lên chiếm 49%. Y tế có 12.190 người thôi việc, hơn 56% trình độ đại học trở lên.
"Số liệu báo cáo là 2,5 năm nhưng thực tế công chức, viên chức thôi việc nhiều vào 6 tháng cuối năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022", bà Trà nói.
Công chức, viên chức thôi việc chủ yếu ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển, có khu công nghiệp, chế xuất lớn như TP HCM, Đồng Nai, Hà Nội, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Cần Thơ. Họ phải chịu áp lực rất lớn, trong khi thu nhập không đáp ứng cuộc sống. Sau dịch, các dịch vụ y tế, giáo dục ngoài công lập có điều kiện phát triển mạnh mẽ, đãi ngộ tốt, hút nhân lực dịch chuyển từ công sang tư.
Luật sư Trương Trọng Nghĩa. Ảnh: Hoàng Phong© Được VnExpress cung cấp
Thảo luận tại đoàn TP HCM, luật sư Trương Trọng Nghĩa nói lương và thu nhập với công chức, viên chức là vấn đề báo động. Lương phải đảm bảo tái sản xuất sức lao động, chăm lo được cho gia đình và phát triển bản thân. Nhưng mức lương của người lao động Việt Nam nhiều nơi không đảm bảo nhu cầu sống thông thường, thậm chí tối thiểu.
"Lương không đủ sống là một trong những nguyên nhân khiến một bộ phận công chức, viên chức rời bỏ khu vực công. Lương thấp còn cản trở rất lớn vấn đề nguồn nhân lực", ông Nghĩa nói.
Ông đề nghị khi điều chỉnh tiền lương, không nên cào bằng mà chia thành hai nhóm. Thứ nhất, nâng lương trước cho cán bộ, công chức, viên chức đang có thu nhập không đủ sống. Bộ phận này cần được tăng lương nhanh và nhiều hơn. Thứ hai là nhóm hưởng lương cao, có thể điều chỉnh chậm hơn. Lương tối thiểu cũng phải xác định lại để đảm bảo mức sống tối thiểu theo từng nơi. Như TP HCM, từ cắt tóc, đi xe ôm cũng tốn nhiều tiền, thì "lương 7-8 triệu đồng mỗi tháng chưa chắc đã đủ sống".
Lương cơ sở dùng làm căn cứ tính lương của cán bộ, công chức, viên chức... trong các bảng lương, mức phụ cấp và thực hiện chế độ khác. Trước đây, việc điều chỉnh tăng lương được thực hiện hàng năm, nhưng 3 năm qua không thể do ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Lần điều chỉnh lương cơ sở gần nhất là 1/7/2019, tăng từ 1,39 lên 1,49 triệu đồng. Theo đó, công chức trình độ đại học mới đi làm (hưởng lương bậc 1 với hệ số 2,34) sẽ nhận lương 3.486.600 đồng.
Tác giả bài viết: Viết Tuân - Sơn Hà
Nguồn tin: VnExpress
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
HN quán triệt các văn bản về đại hội Đảng các cấp; thực hiện quy trình giới thiệu nhân sự bổ sung Ủy viên BCH Đảng bộ Khối khóa XVI, nhiệm kỳ 2020-2025.
21/10/2024
BTV Đảng ủy Khối kết nối đường truyền HN toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện NQ HN lần thứ mười BCHTW Đảng khóa XIII.
18/10/2024
Hội nghị sơ kết công tác 9 tháng, triển khai nhiệm vụ những tháng cuối năm 2024
11/10/2024