Để khâu tổ chức thực hiện không còn là khâu yếu

Thứ tư - 31/03/2021 22:13
(TG) - Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đang bước vào một đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Với tinh thần nghiêm túc, bài bản, khoa học trong nghiên cứu, học tập, quán triệt cho đến tổ chức triển khai đúng đắn, linh hoạt, sáng tạo, đưa Nghị quyết vào cuộc sống hiệu quả, chất lượng cũng là từng bước khắc phục để khâu tổ chức thực hiện không còn là khâu yếu như Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã chỉ ra.


1nghi quyet dhCác đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng tại Phòng họp Diên Hồng, Nhà Quốc hội

NHÂN DÂN ĐANG KỲ VỌNG

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng là kỳ Đại hội có ý nghĩa lịch sử đặc biệt, đánh dấu mốc mở ra một bước chuyển quan trọng đưa nước ta bước vào một giai đoạn phát triển mới. Đại hội đã nhìn lại 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, xác định các mục tiêu chiến lược lớn có giá trị định hướng và chỉ đạo toàn bộ các hoạt động của Đảng, Nhà nước và xã hội không chỉ trong 5 năm của một nhiệm kỳ mà đề ra định hướng phát triển 10 năm đến 2030, tầm nhìn đến 2045.

“Có biến được nghị quyết thành hiện thực sinh động hay không, có ra được của cải vật chất mang lại giàu có và hạnh phúc cho nhân dân hay không đấy mới là thành công thực tế của Đại hội”.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng

Văn kiện và Nghị quyết Đại hội Đảng XIII đã nhấn mạnh những thành tựu quan trọng, mang lại dấu ấn nổi bật, toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, văn hóa, môi trường, con người, công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, quốc phòng, an ninh đối ngoại. Những thành tựu đó là kết quả của một quá trình nỗ lực phấn đấu bền bỉ, liên tục qua nhiều nhiệm kỳ của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta. Những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử của đất nước cùng với thành công của Đại hội XIII tiếp tục khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta phù hợp với thực tiễn của Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại, đã khơi dậy tinh thần và ý chí quyết tâm xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc, củng cố sâu sắc hơn niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng.

Sau thành công của Đại hội, cán bộ, đảng viên và nhân dân đang kỳ vọng và tin tưởng vào những quyết nghị đúng đắn sẽ sớm trở thành hiện thực sinh động trong thực tiễn. Phát biểu bế mạc Đại hội, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng đã nhấn mạnh: thành công của Đại hội không phải chỉ ở việc thông qua được Nghị quyết, bầu được Ban Chấp hành mới, quan trọng hơn “có biến được nghị quyết thành hiện thực sinh động hay không, có ra được của cải vật chất mang lại giàu có và hạnh phúc cho nhân dân hay không đấy mới là thành công thực tế của Đại hội”. Tổng Bí thư đề nghị, ngay sau Đại hội, tất cả các cấp ủy, tổ chức đảng cần tập trung làm tốt việc phổ biến, tuyên truyền sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân về kết quả Đại hội; nghiên cứu, quán triệt sâu sắc Nghị quyết và các văn kiện Đại hội; khẩn trương xây dựng, triển khai chương trình, kế hoạch hành động, phát động phong trào thi đua yêu nước sâu rộng, tinh thần đổi mới sáng tạo, vượt qua mọi khó khăn, thách thức để sớm đưa Nghị quyết Đại hội vào cuộc sống, biến những quyết định của Đại hội thành hiện thực sinh động trong thực tế.

Thực hiện trọng trách lớn lao trước một kỳ Đại hội có tầm quan trọng đặc biệt, Bộ Chính trị đã tích cực, khẩn trương lãnh đạo, chỉ đạo triển khai việc nghiên cứu, quán triệt, xây dựng chương trình hành động, kế hoạch thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Ngày 9/3/2021, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành Chỉ thị 01-CT/TW về việc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

 
1 1 nghi quyet dh
Đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Tỉnh ủy Cà Mau
NGHIÊN CỨU, HỌC TẬP, QUÁN TRIỆT, TUYÊN TRUYỀN NGHỊ QUYẾT LÀ BƯỚC ĐẦU

Thực hiện Chỉ thị số 01-CT/TW, ngày 18/3/2021, Ban Tuyên giáo Trung ương đã ban hành Hướng dẫn việc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện nghị quyết Đại hội XIII của Đảng ở các cấp.

Trong 2 ngày 27-28/3, tại Hà Nội, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Đây là đợt sinh hoạt chính trị rộng lớn trong Đảng và cả hệ thống chính trị để mỗi cán bộ, đảng viên nắm vững và thực hiện đúng đắn, sáng tạo Nghị quyết của Đảng; tạo sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức, thống nhất ý chí và hành động trong toàn Đảng, sự đồng thuận cao trong nhân dân, quyết tâm phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Tại Hội nghị, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã có bài phát biểu chỉ đạo quan trọng, trong đó, đồng chí lưu ý: “Việc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền Nghị quyết Đại hội XIII chỉ là bước đầu, điều quan trọng là phải sớm đưa nội dung Nghị quyết Đại hội vào thực tiễn cuộc sống, nói đi đôi với làm, thấm nhuần sâu sắc lời Bác Hồ dạy “kế hoạch 10 phần thì biện pháp phải 20 phần và quyết tâm 30 phần”, biến những quyết định của Đại hội thành hiện thực sinh động trong thực tế, thành của cải vật chất và văn hóa mang lại giàu có và hạnh phúc cho nhân dân như đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh trong phiên bế mạc Đại hội XIII”.

Đồng chí Võ Văn Thưởng chỉ đạo: “Ngay sau hội nghị này, các cấp ủy, tổ chức đảng phải tập trung xây dựng chương trình hành động, cụ thể hóa bằng các kế hoạch, dự án, đề án khả thi, sát với điều kiện thực tế, định lượng được kết quả, hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao đời sống nhân dân và sự phát triển mạnh mẽ của mỗi địa phương, đơn vị. Đặc biệt, các cơ quan Trung ương theo chức năng, nhiệm vụ của mình tập trung nghiên cứu, sớm cụ thể hóa, thể chế hóa nội dung Nghị quyết Đại hội XIII thành luật pháp, cơ chế, chính sách... để sớm thực thi trong đời sống; kịp thời khắc phục hạn chế, yếu kém mà Đại hội đã chỉ ra là: “Chỉ đạo và tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu, chậm được khắc phục; năng lực cụ thể hóa, thể chế hóa chủ trương, nghị quyết còn hạn chế”. 

Để đi vào thực hiện, vai trò nêu gương của người đứng đầu rất quan trọng. Chỉ thị 01-CT/TW nêu: “Các cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, chủ trì và chịu trách nhiệm về chất lượng nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, xây dựng chương trình hành động của cấp ủy”.

Phát biểu bế mạc tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cũng đã nhận định, "thành công của Hội nghị có ý nghĩa hết sức quan trọng về mặt nhận thức đối với cán bộ, đảng viên, nhất là đối với các cấp ủy các cấp, là cơ sở quan trọng để các tổ chức đảng tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả việc nghiên cứu, học tập, quán triệt và tuyên truyền sâu rộng Nghị quyết”.

 Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa: “Nhiều vấn đề mà thực tiễn đã và đang tiếp tục đặt ra đối với nhiệm vụ chính trị rất quan trọng này, đòi hỏi các cấp ủy đảng cần hết sức quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo để triển khai thực hiện đúng tiến độ, đạt hiệu quả cao”.

Thời gian này, các cấp ủy, tổ chức đảng đã, đang và sẽ bắt tay ngay vào hành động với tinh thần và thái độ khẩn trương, khoa học, nghiêm túc xây dựng chương trình hành động, kế hoạch thực hiện Nghị quyết Đại hội. Sẽ có sự rà soát, bổ sung, cập nhật cho có sự thống nhất giữa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ cấp trên và của cấp mình về quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ... gắn với thực tiễn địa phương, đơn vị, thể hiện được khát vọng và quyết tâm, với các giải pháp khả thi, hiệu quả. Trong quá trình đưa Nghị quyết vào cuộc sống, các cấp ủy, người đứng đầu các địa phương, đơn vị bên cạnh việc lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát thực hiện Nghị quyết cũng sẽ chú trọng biểu dương, khen thưởng những đơn vị làm tốt, nhắc nhở, phê bình, xử lý theo quy định của Đảng đối với các đơn vị, cá nhân thực hiện không nghiêm túc, thiếu hiệu quả.

1 2 nghi quyet dh
 Đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Tỉnh ủy Quảng Ninh
HỌC ĐI ĐÔI VỚI HÀNH, HỌC ĐỂ HIỂU GẮN VỚI VẬN DỤNG HIỆU QUẢ

Nhìn lại, sau mỗi kỳ Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng, việc nghiên cứu, học tập, tuyên truyền, quán triệt, triển khai thực hiện, đưa nghị quyết vào cuộc sống luôn là công việc đầu tiên, tạo tiền đề, và là then chốt nhằm tạo sự thống nhất nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận trong nhân dân. Do tính chất quan trọng ấy, Bộ Chính trị luôn quan tâm, chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo phải thường xuyên đổi mới, nâng cao chất lượng công việc này. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến kết quả, đến việc áp dụng và hành động hiệu quả; đề cao trách nhiệm của bí thư cấp ủy, người đứng đầu tổ chức Đảng trong truyền đạt, chỉ đạo, triển khai thực hiện; gắn chặt chẽ việc học để hiểu, để nắm rõ, để nhận thức đúng đắn với việc học để vận dụng, để thực hiện, tạo sự chuyển biến bằng kế hoạch, chương trình hành động.

Tuy vậy, thực tế cũng cho thấy, có lúc, có nơi nhận thức, ý thức, trách nhiệm học tập, quán triệt, triển khai nghị quyết chưa thực sự sâu sắc, đầy đủ, còn tình trạng ngại học, “lười học nghị quyết”, học đối phó, hình thức, nên nắm không sâu, hiểu không chắc, khi đi vào triển khai thực hiện có biểu hiện gặp khó thì né tránh, e ngại, cầm chừng, thiếu nỗ lực, thiếu quyết tâm, có khi “quên nghị quyết”, hiểu sai nghị quyết, nói và làm không đúng với nghị quyết. Khi hiểu không sâu, nắm không chắc, học không gắn với thực hành, vận dụng máy móc, xơ cứng, giáo điều, không linh hoạt, không gắn với thực tiễn địa phương, đơn vị, không đặt trong bối cảnh, không xác định được tầm nhìn... dẫn đến khâu “tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu”.

Những hạn chế trong nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết đã ảnh hưởng đến hiệu quả và chất lượng của việc triển khai thực hiện nghị quyết trong thực tiễn đòi hỏi phải có nhận thức đúng, khắc phục, điều chỉnh và đổi mới. Để khắc phục điều đó, trước tiên phải nhận thức cho đúng đắn và sâu sắc về việc nghiên cứu, học tập, quán triệt nghị quyết.

Trong Chỉ thị 01-CT/TW cũng như trong các phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc đã nhấn mạnh đến việc nghiên cứu, học tập, quán triệt, nêu cao tinh thần tự học, tự nghiên cứu. Chỉ thị 01-CT/TW nêu “kết hợp tự nghiên cứu với nghe phổ biến, quán triệt” và việc nghiên cứu, học tập, quán triệt luôn song hành cùng quá trình triển khai thực hiện, là công việc thường xuyên trong cả nhiệm kỳ chứ không phải học tập, quán triệt xong là xong; chuyển sang hành động là rời xa việc nghiên cứu, học tập, bổ sung nhận thức, học và hành mỗi vế một nơi. Thực tế, lịch sử cho thấy, Đảng không coi Nghị quyết Đại hội là một văn bản đóng khung để người học, người làm chỉ bê nguyên, sao chép, chụp lại mà bản thân người tiếp thu phải có tâm thế, tinh thần chủ động đổi mới và sáng tạo. Nghiên cứu để hiểu sâu sắc về ý nghĩa và tầm quan trọng cũng như những điểm mới của các văn kiện Đại hội XIII; từ đó mới có thể truyền đạt trung thực, chính xác và sinh động Nghị quyết, vận dụng đúng đắn và đạt hiệu quả cao trong thực tiễn. Càng hiểu sâu, nắm vững, càng tăng khả năng ứng biến linh hoạt, sáng tạo và vận dụng hiệu quả khi đi vào thực tiễn hành động.

Nội dung của Nghị quyết Đại hội XIII và các văn kiện thông qua tại Đại hội truyền tải nhiều tinh thần đổi mới. Nhiều quan điểm, chủ trương mới thể hiện qua phân tích, dự báo bối cảnh, đề ra tầm nhìn, các định hướng lớn, xác định được mục tiêu tổng quát, chỉ tiêu chủ yếu, nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá chiến lược... Đồng thời, nhiều cách tiếp cận mới đòi hỏi phải nhận thức và giải quyết hiệu quả các mối quan hệ lớn giữa đổi mới, ổn định và phát triển; giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị; giữa tuân theo các quy luật thị trường và bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa; giữa phát triển lực lượng sản xuất và xây dựng, hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa; giữa Nhà nước, thị trường và xã hội; giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường; giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế; giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ; giữa thực hành dâ chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội...

Với một kỳ Đại hội và Nghị quyết với rất nhiều điểm mới, tinh thần mới, cách tiếp cận mới như vậy, càng đòi hỏi cao hơn đối với việc nghiên cứu sâu, nhận thức đúng, làm rõ, cắt nghĩa chuẩn xác và sinh động các nội hàm, các vấn đề mới, cốt lõi. Thông qua đó, chuyển biến rõ rệt về nhận thức, thấy rõ sự kế thừa, bổ sung, phát triển tư duy, lý luận của Đảng qua các thời kỳ lịch sử; thấy được những thành tựu to lớn, những bài học kinh nghiệm; hiểu rõ những dự báo về bối cảnh mới, có cả thời cơ và những khó khăn, thách thức. Từ đó, hiểu rõ nhiệm vụ đặt ra, xác định được sứ mệnh lịch sử, vai trò và trọng trách, có sự liên hệ, vận dụng phù hợp với yêu cầu, điều kiện cụ thể của mỗi địa phương, đơn vị; đồng thời tuyên truyền, quán triệt, tạo sự thống nhất về tư tưởng và hành động trong Đảng, đồng thuận trong nhân dân để thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, hoàn thành thắng lợi các mục tiêu mà Nghị quyết XIII đề ra.

“Lập nên kỳ tích phát triển mới vì một nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc” là khát vọng lớn lao, là thông điệp đẹp, quyết tâm mạnh mẽ của Đại hội XIII, là ước nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và là ước vọng của toàn dân tộc. Song để khát vọng thành hiện thực đòi hỏi phải hành động và hành động vừa bảo đảm tính nguyên tắc vừa linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả, chất lượng.

Tin tưởng rằng, với tinh thần nghiêm túc, phương pháp khoa học, linh hoạt, bài bản khi bắt tay vào xây dựng chương trình hành động, kế hoạch và trong triển khai thực hiện, chắc chắn, các cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cũng phải dành thời gian thỏa đáng để nghiên cứu, thảo luận, phát huy dân chủ, lắng nghe góp ý, phản biện, tránh việc rập khuôn, sao chép, chọn được trọng tâm, trọng điểm, khâu đột phá phù hợp với địa phương đơn vị; xác định rõ mục tiêu, giải pháp, điều kiện, nguồn lực, thời gian, tiến độ bảo đảm tiến trình thực hiện... Có như vậy, mới từng bước đổi mới được về tinh thần và thái độ, nội dung và phương pháp, mới khắc phục được hạn chế Đại hội XIII đã nêu: khâu “tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu”, để đạt hiệu quả và chất lượng cao trong triển khai thực hiện Nghị quyết, đáp ứng được sự tin tưởng và kỳ vọng của nhân dân./.

THU THANH

Nguồn tin: Tạp chí Tuyên giáo:

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thông báo - mời họp

134-GM/ĐUK

Hội nghị Báo cáo viên tháng 3 năm 2024 để cập nhật thông tin cho đội ngũ Báo cáo viên Đảng ủy Khối và cán bộ tuyên giáo các đảng bộ, chi bộ cơ sở; định hướng công tác tuyên truyền trong thời gian tới.

22/03/2024

133-GM/ĐUK

Ban Chỉ đạo Đảng ủy Khối về thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU, ngày 27/4/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy họp triển khai nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới.

15/03/2024

132-GM/ĐUK

BTV ĐUK kết nối đường truyền HN học tập, quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện Chuyên đề năm 2024; Nghị quyết số 18-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh và các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương.

14/03/2024

189-TB/ĐUK

TB mở Lớp bồi dưỡng đảng viên mới khóa I, năm 2024

05/03/2024

Lượt truy cập
  • Đang truy cập17
  • Hôm nay9,698
  • Tháng hiện tại223,308
  • Tổng lượt truy cập12,981,977
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây