Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong ngày hoàn thành đường dây tải điện 500 KV Bắc-Nam (tháng 5/1994).
Ảnh: Nguyễn Công Thành
Là người đóng vai trò động lực trong công cuộc cải cách kinh tế ở Việt Nam khởi đầu giữa những năm 1980,đúng như Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon từng đánh giá “Võ Văn Kiệt đã mở đường cho sự chuyển mình của đất nước từ đói nghèo sang một thập kỷ tăng trưởng kinh tế đầy ấn tượng".5 năm từ sau Đại hội VI của Đảng (12/1986) đến Đại hội VII (6/1991) là thời gian diễn ra cuộc cọ xát, đấu tranh ở những mức độ, cấp độ, địa bàn khác nhau giữa hai khuynh hướng trở về cơ chế cũ quan liêu bao cấp hay dứt khoát chia tay với nó. Nhiều cán bộ hoặc vì lợi ích cá nhân, hoặc vì không đủ quyết tâm, năng lực không dám và không muốn đổi mới. Trước tình hình đó, đồng chí Võ Văn Kiệt cùng nhiều cán bộ lãnh đạo cao cấp kiên trì, thể hiện quyết tâm đổi mới mạnh mẽ và chỉ rõ đổi mới phải bám sát vào điều kiện thực tiễn nhằm đáp ứng lợi ích của nhân dân, của đất nước.
Trên cương vị Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (6/1988-8/1991), Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (8/1991-10/1992), Thủ tướng Chính phủ (10/1992-12/1997), đồng chí Võ Văn Kiệt đã đề xuất và chỉ đạo xây dựng, triển khai nhiều chính sách có tính đột phá như: xóa bỏ chỉ tiêu pháp lệnh, trao quyền tự chủ kinh doanh cho xí nghiệp quốc doanh; thực hiện thương mại hóa tư liệu sản xuất, cho phép các doanh nghiệp lớn, cả Trung ương và địa phương, được trực tiếp xuất nhập khẩu, chấm dứt tình trạng hai giá; xóa bỏ chế độ thu mua nghĩa vụ áp đặt với nông dân, bãi bỏ ngăn sông cấm chợ, thực hiện tự do lưu thông hàng hóa trong cả nước,...chuyển dần nền kinh tế từ bao cấp sang kinh tế thị trường. Trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng, đồng chí trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc Tổ chuyên gia thực hiện cải cách hệ thống ngân hàng, từ ngân hàng một cấp sang hệ thống ngân hàng hai cấp: Ngân hàng nhà nước và Ngân hàng thương mại, thành lập thanh tra, quy định tỉ lệ dự trữ bắt buộc, thành lập thị trường liên ngân hàng, áp dụng biện pháp lãi suất để điều tiết tín dụng và thay cho khối lượng tiền tệ duy ý chí trước đây. Từ kết quả thực tiễn, đồng chí đã chỉ đạo Tổ cải cách tập trung xây dựng Dự thảo Pháp lệnh ngân hàng và Pháp lệnh các Hợp tác xã tín dụng, sau đó là xây dựng Luật ngân hàng và Luật Hợp tác xã tín dụng cho hệ thống ngân hàng Việt Nam vận hành theo quy luật thị trường.
Với tầm nhìn chiến lược và bản lĩnh dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, “làm nhiều hơn nói nhiều”, đồng chí Võ Văn Kiệt là một trong những “tổng công trình sư” của nhiều dự án lớn, táo bạo thời kỳ đổi mới đất nước. Từ năm 1988, trên cương vị Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, đồng chí đã có chủ trương thực hiện chương trình 10 năm đầu tư khai phá vùng Đồng Tháp Mười, khu tứ giác Long Xuyên và bán đảo Cà Mau, cải tạo vùng đất vốn bị nhiễm phèn, mặn trở thành vùng đất màu mỡ, trù phú, phát triển mạnh về nông nghiệp – thủy sản. Tiếp đó là các dự án, chương trình lớn như Chương trình Thoát lũ ra biển Tây, Ngọt hoá bán đảo Cà Mau, Nhà máy lọc dầu Dung Quất...; Chương trình chung sống với lũ, chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư vượt lũ và nhà ở cho người nghèo… ở vùng Đồng bằng Sông Cửu Long; Chương trình phát triển nâng cao đời sống đồng bào dân tộc miền núi ở Tây Nguyên; các công trình điện năng lớn như Trị An, Thác Mơ, Yaly, Hàm Thuận - Đa Mi, Sông Hinh, Phú Mỹ, Cà Mau, đường dây tải điện 500 KV Bắc - Nam...; các công trình giao thông: đường Bắc Thăng Long - Nội Bài, đường cao tốc Láng - Hoà Lạc, đường Hồ Chí Minh, cầu Mỹ Thuận...., sự phát triển của các ngành dầu khí, viễn thông, hàng không, các tổng công ty lớn của Nhà nước, đều mang đậm “dấu ấn” khai mở, trực tiếp chỉ đạo tổ chức thực hiện của Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Bên cạnh đó, trong thời kỳ đổi mới đã có nhiều khái niệm mới ra đời gắn liền với tên tuổi Võ Văn Kiệt như “sống chung với lũ”, “phủ xanh đất trống đồi trọc”, “bảo đảm an ninh lương thực”... Nhắc đến Võ Văn Kiệt, có người gọi đồng chí với tên thân thương, trìu mến là Bí thư “bung ra”, hay Thủ tướng điện, Anh Sáu của nhân dân.
Kết quả dưới sự quản lý, điều hành của Chính phủ, của người đứng đầu là Thủ tướng Võ Văn Kiệt, nền kinh tế giai đoạn 1991-1997 đạt tốc độ tăng trưởng cao, ổn định, trung bình 8,2%/năm.
Thời kỳ này, Thủ tướng Võ Văn Kiệt hết sức quan tâm việc đẩy mạnh quan hệ kinh tế quốc tế, tranh thủ học hỏi kinh nghiệm, trình độ quản lý, khoa học kỹ thuật, mở rộng thị trường để phát triển kinh tế đất nước. Đồng chí luôn trăn trở về “một trong những thách thức là sự phát triển kinh tế của chúng ta vẫn tiếp tục lệ thuộc một chiều vào thế giới bên ngoài. Lệ thuộc vốn đầu tư, làm gia công và thương hiệu. Nước nào cũng lệ thuộc lẫn nhau, nhưng vấn đề là ở chỗ làm sao chuyển từ lệ thuộc một chiều và thụ động, sang sự lệ thuộc hai chiều và chủ động”. Đó cũng chính là vấn đề cấp thiết mà chúng ta đang phải giải quyết trong hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay.
NGƯỜI TIÊN PHONG TRONG NHỮNG BƯỚC NGOẶT CỦA ĐỐI NGOẠI THỜI KỲ MỚI
Sau khi Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Ðông Âu sụp đổ, với cảm quan chính trị nhạy bén, đồng chí Võ Văn Kiệt sớm nhận ra khi chiến tranh lạnh đã kết thúc, nhân tố ý thức hệ không còn tạo nên sự gắn kết như trước, không một quốc gia nhỏ nào còn có thể trông cậy vào sự viện trợ của một cường quốc lớn như thời kỳ trước đây. Bởi vậy, muốn thoát khỏi tình thế nguy nan, Việt Nam phải có “tư duy chính trị mới, phải biết tạo dựng những mối quan hệ mới, tìm ra những đối tác mới nếu không muốn bị chìm nghỉm trong một thế giới đang cạnh tranh quyết liệt để tồn tại và phát triển”(1).
Đồng chí Võ Văn Kiệt luôn nhất quán quan điểm: mỗi đất nước đều có một sức mạnh riêng, một lợi thế riêng; cần khơi dậy và phát huy tất cả các nguồn lực ấy để giành được nhiều nhất lợi ích cho dân tộc trong tư thế độc lập, tự chủ. Vì vậy, đồng chí góp phần xây dựng và tích cực thực hiện đường lối đối ngoại mềm dẻo, độc lập, tự chủ của Đảng, của Nhà nước.
Trên mặt trận ngoại giao, đồng chí Võ Văn Kiệt chủ trương đi từ trong ra, qua từng vòng, từng lớp, từ các nước trong khu vực, các nước láng giềng, sau đó sang khu vực Tây Thái Bình Dương, châu Âu, Mỹ. ASEAN được coi là hướng đột phá đầu tiên để thực hiện chính sách khu vực một cách năng động, hợp thời và hiệu quả. Đồng chí Võ Văn Kiệt khẳng định: “Hơn bất cứ một quốc gia riêng rẽ nào, ASEAN có thể là một cầu nối nền kinh tế Việt Nam với nền kinh tế thế giới… ASEAN sẽ là một trong những bên đối tác chủ yếu của Việt Nam, với tư cách là một nhóm nước”(2). Chính sách khu vực năng động đã đưa đến kết quả ngày 28/7/1995, Việt Nam chính thức trở thành thành viên của ASEAN, tạo thuận lợi mở rộng quan hệ với các đối tác quan trọng khác trên thế giới.
Với Trung Quốc, trong quá trình đàm phán về vấn đề biên giới trên bộ và phân định vịnh Bắc Bộ, đồng chí Võ Văn Kiệt chỉ đạo sát sao, có nhiều lúc trực tiếp xử lý những vụ việc phức tạp nảy sinh, “cương, nhu” đúng lúc đúng chỗ nhằm tạo được mối quan hệ tốt nhất có thể.
Sau khi tham gia nối lại quan hệ bình thường với Trung Quốc, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đẩy mạnh hoạt động mở rộng quan hệ hợp tác đến các nước, các khu vực, đặc biệt là vận động Mỹ xóa bỏ cấm vận, tiến tới bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ. Theo xu thế phát triển chung của thế giới, với thiện chí của Việt Nam và hoạt động tích cực của cả hai bên, ngày 11/7/1995, Tổng thống Bill Clinton chính thức tuyên bố bình thường hóa quan hệ với Việt Nam. Đáp lại lời tuyên bố này, Thủ tướng Võ Văn Kiệt hoan nghênh quyết định của phía Hoa Kỳ và “sẵn sàng cùng Chính phủ Hoa Kỳ thỏa thuận một khuôn khổ mới giữa hai nước trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng độc lập, chủ quyền, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, cùng có lợi và phù hợp với các nguyên tắc phổ biến của luật pháp quốc tế”(3). Bên cạnh đó, Thủ tướng còn kêu gọi nguồn lực của hơn1 triệu người Mỹ gốc Việt sinh sống ở Mỹ: “hãy đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau, phấn đấu cho mình một cuộc sống yên bình, thịnh vượng, góp phần phát triển mối quan hệ mới giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, chung sức với đồng bào trong nước xây dựng Tổ quốc Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng và văn minh”(4).
Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt
Việc bình thường hóa, mở rộng quan hệ hợp tác với các nước đã đem lại kết quả tích cực. Đến năm 1997, Việt Nam đã huy động được 8,5 tỷ USD ODA và 28 tỷ USD đầu tư nước ngoài, mức độ tăng trưởng hàng năm là 8%. Bên cạnh đó, với tầm nhìn và sự nhanh nhạy, sắc sảo trong đánh giá tình hình, đồng chí luôn nhắc nhở “ta cần thay chỗ dựa (vào một nước) bằng cách dựa (vào khai thác các quan hệ quốc tế), nghĩa là biết “cài đặt mối quan hệ giữa các nước với nhau, khai thác các mâu thuẫn, củng cố nó bằng các lợi ích song phương, tạo ra lợi ích cho đối phương để tìm kiếm lợi ích từ đối phương”(5).
Với tư cách là Thủ tướng, đồng chí Võ Văn Kiệt mời Thủ tướng Singapore là Lý Quang Diệu sang góp ý kiến cho công cuộc xây dựng và cải cách kinh tế - việc làm được cho là khá mới lạ với không ít cán bộ lãnh đạo cao cấp của ta lúc đó. Đồng chí luôn tận dụng mọi cơ hội để gặp gỡ đại diện của các tổ chức kinh tế, chính trị, văn hóa khu vực và toàn cầu, các nhà trí thức, chính khách, nhà báo, qua đó truyền tải thông điệp của nhân dân Việt Nam muốn mở rộng quan hệ với các nước và trở thành đối tác tin cậy với cộng đồng quốc tế vì hòa bình, hợp tác và phát triển; góp phần xóa đi định kiến, khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế và trong lòng bạn bè thế giới.
NGƯỜI BẠN LỚN CỦA GIỚI TRÍ THỨC
Với giới trí thức, đồng chí Võ Văn Kiệt luôn chủ động lắng nghe và học hỏi với tấm lòng cầu thị, cởi mở, dân chủ và chân thành. Đồng chí chỉ rõ trách nhiệm hàng đầu trong việc thu hút chất xám là người lãnh đạo- “Người có điều kiện làm chuyện mời nhân tài ấy chính là Ban Chấp hành Trung ương, là Chính phủ hiện giờ”, do vậy “Người lãnh đạo phải đưa tay ra trước, phải biết mời chào bất cứ ai sẵn lòng vì dân, vì nước… Nếu người lãnh đạo chưa phải là người ưu tú nhất thìphải biết sử dụng quyền hạn của mình để trở thành ưu tú nhất, bằng cách mời chuyên gia, cố vấn. Quan trọng là người lãnh đạo phải biết lắng nghe”2. Và khi lắng nghe “phải nghe rất kỹ ý kiến chuyên gia và đặc biệt đã nghe chuyên gia, thì phải nghe trực tiếp chứ không bao giờ nên nghe thông qua những người giúp việc”. Để phát huy hiệu quả nhất nguồn lực trí thức, đồng chí lưu ý: mỗi trí thức có cách hành động và thể hiện lòng yêu nước khác nhau tùy hoàn cảnh; không thể và không nên đòi hỏi mỗi trí thức có hành động giống nhau.Trí thức có tận tụy hay không là tùy thuộc chúng ta có tin dùng trí thức hay không, có mạnh dạn giao cho họ những trọng trách mà họ xứng đáng được đảm nhiệm hay không. Với quan điểm tiến bộ và rộng mở đó, đồng chí Võ Văn Kiệt đã thu hút, quy tụ, phát huy khả năng của đội ngũ trí thức, cả với những trí thức trong bộ máy Sài Gòn cũ và trí thức gốc Việt đang sinh sống, làm việc ở nước ngoài.
Trong những năm đầu thực hiện công cuộc đổi mới, khi ở các cương vị lãnh đạo của thành phố Hồ Chí Minh, đồng chí Võ Văn Kiệt không hề ngần ngại trong việc tập hợp, học hỏi, tham vấn ý kiến từ nhiều chuyên gia đã từng làm việc với chế độ cũ (gọi là Nhóm Thứ Sáu) để hiến kế giải quyết những vấn đề bức xúc về kinh tế, xã hội của Thành phố. Trong đó, có Tiến sĩ Nguyễn Xuân Oánh, người đã từng là Thống đốc Ngân hàng, Phó Thủ tướng và có thời gian là quyền Thủ tướng của chính quyền Sài Gòn cũ được mời giữ trọng trách trong Văn phòng kinh tế của Bí thư Thành ủy.
Với cách nghĩ và cách làm đó, Võ Văn Kiệt là vị Thủ tướng đầu tiên ở Việt Nam có tư duy mới mẻ trong việc thành lập Tổ chuyên gia tư vấn của Thủ tướng Chính phủ về cải cách kinh tế và cải cách hành chính (gọi tắt là Tổ tư vấn cải cách), tập hợp nhiều trí thức chân chính, thật sự tâm huyết với sự chấn hưng đất nước. Bên cạnh Nhóm thường trực, Thủ tướng còn lập Nhóm không thường trực gồm những chuyên gia, những nhà quản lý có kinh nghiệm, do Thủ tướng trực tiếp gửi thư mời từng người. Ngoài ra, còn córất đông cộng tác viên của Tổ chuyên gia tư vấn là cácnhà khoa học Việt Nam ở trong nước và những người trong giới kinh doanh, giới báo chí và trong trí thức người Việt ở nước ngoài.
Để thật sự nghe được những tiếng nói khách quan, công tâm, các thành viên trong Tổ chuyên gia tư vấn hoạt động với tinh thần “năm không”: không chức, không quyền, không biên chế và lương, không bị hạn chế về tư duy và không bị cản trở khi muốn tiếp cận Thủ tướng; Thủ tướng thường xuyên làm việc với các thành viên thường trực của Tổ, trực tiếp nghe, đọc các báo cáo, kiến nghị, đề ra yêu cầu nghiên cứu. Các thành viên của Tổ được nắm thực tế qua các báo cáo của các bộ, các địa phương gửi Chính phủ, qua các cuộc khảo sát ở các địa phương, qua quá trình làm việc với các cơ quan, nhân viên Chính phủ; đồng thời tiến hành các cuộc khảo sát ở nước ngoài để tiếp thu, học hỏi lý luận và kinh nghiệm của thế giới và xây dựng một trung tâm thông tin tư liệu đáp ứng tốt yêu cầu nghiên cứu.
Thông qua hoạt động của mình, Tổ chuyên gia tư vấn đã góp phần quan trọng giúp Thủ tướng xây dựng và thẩm định các văn bản quan trọng như Pháp lệnh Ngân hàng, Luật Hợp tác xã tín dụng…; kiến nghị quan điểm chỉ đạo, phương hướng xây dựng cho các luật, đặc biệt là Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư; góp phần vào xây dựng chiến lược lớn của đất nước. Tổ cũng thiết lập được quan hệ quốc tế rộng rãi, góp phần làm cho nhiều nước, các tổ chức quốc tế hiểu hơn về đường lối đổi mới, tranh thủ ý kiến của các chuyên gia quốc tế, tạo được sự tín nhiệm và quan hệ hợp tác với các tổ chức, các quốc gia trên thế giới.
Thủ tướng Võ Văn Kiệt xem xét quy hoạch tổng thể dự án xây dựng thành phố Vạn Tường và khu công nghiệp lọc hóa dầu Dung Quất |
Bên cạnh đó, đồng chí Võ Văn Kiệt rất quan tâm phát triển giáo dục, văn hóa, tạo nguồn trí thức đông đảo, lâu dài cho dân tộc. Một trong những thành tựu đáng kể của giáo dục Việt Nam và cũng là một trong những “dấu ấn đậm chất Võ Văn Kiệt” là sự ra đời của hai trường Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Đây cũng là lần đầu tiên xuất hiện trường đại học đa lĩnh vực có quyền tự chủ cao trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam. Việc giao quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm cho các trường đại học đáp ứng yêu cầu của phát triển giáo dục trong điều kiện cuộc cách mạng khoa học và công nghệ đang phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ.
Có thể nói, trong suốt cuộc đời, đồng chí Võ Văn Kiệt luôn nặng lòng với giới trí thức. Những trí thức được tiếp xúc, làm việc với đồng chí Võ Văn Kiệt đều có chung nhận định là Chú Sáu Dân luôn trân trọng giới trí thức và bản thân ông cũng là một trí thức lớn. Cuộc đời đồng chí là tấm gương sáng ngời của tinh thần tự học, học hỏi trong nhân dân, học từ thực tiễn, học trong sách vở, học bạn bè, đồng chí, học ở những chuyên gia, trí thức. Với những suy nghĩ đột phá mang tầm vóc thời đại, những công trình nghiên cứu mang tầm chiến lược về phát triển kinh tế, văn hóa, xãhội, đồng chí Võ Văn Kiệt trở thành “người trí thức đích thực trong điều hành quản lý bộ máy nhà nước ở cương vị đứng đầu Chính phủ”. Khi về hưu, không còn bận với công việc của Chính phủ, đồng chí dành nhiều thời gian hơn cho việc đọc sách và đi thực tế để tiếp xúc, lắng nghe người dân; để suy ngẫm thấu đáo hơn về quốc kế, dân sinh. Bấy giờ, “khi chỉ còn cây bút và hai bàn tay không, ông đó làm nhiệm vụ của một người trí thức”(6).
Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt là một người tài đức vẹn toàn, là một kiến trúc sư của đổi mới, một nhà thi công tài ba của những quyết định và dự án tầm cỡ, người có khả năng truyền lửa, gieo mầm cho những ý tưởng sáng tạo, là Thủ tướng của nhân dân, Ông Sáu của dân và sẽ luôn sống mãi trong lòng dân tộc./.
Tác giả bài viết: TS. Lê Thị Hằng - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Nguồn tin: Tạp chí của Ban Tuyên giáo Trung ương
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
HN quán triệt các văn bản về đại hội Đảng các cấp; thực hiện quy trình giới thiệu nhân sự bổ sung Ủy viên BCH Đảng bộ Khối khóa XVI, nhiệm kỳ 2020-2025.
21/10/2024
BTV Đảng ủy Khối kết nối đường truyền HN toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện NQ HN lần thứ mười BCHTW Đảng khóa XIII.
18/10/2024
Hội nghị sơ kết công tác 9 tháng, triển khai nhiệm vụ những tháng cuối năm 2024
11/10/2024