Bác Hồ với Đảng bộ và Nhân dân Hà Tĩnh (Bài viết tư liệu tham khảo Cuộc thi: Bác Hồ với Hà Tĩnh - Hà Tĩnh làm theo Bác)

Thứ sáu - 13/05/2022 04:30

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm, theo dõi từng bước trưởng thành của phong trào cách mạng ở Hà Tĩnh. Người đã dành cho Đảng bộ và Nhân dân Hà Tĩnh những tình cảm sâu nặng và sự quan tâm đặc biệt; Người đã nhiều lần trực tiếp nói chuyện và có 16 lần gửi thư, điện để hỏi thăm, biểu dương Đảng bộ và Nhân dân Hà Tĩnh trên nhiều lĩnh vực.


1

Bác Hồ nói chuyện tại Hội nghị cán bộ tỉnh Hà Tĩnh nhân dịp Người về thăm Hà Tĩnh

Từ năm 1945 đến năm 1969 là thời kỳ Chủ tịch Hồ Chí Minh dành sự quan tâm đặc biệt đối với Hà Tĩnh trên tất cả các lĩnh vực, nhưng tập trung là phong trào thi đua ái quốc, bình dân học vụ, phong trào sản xuất, chiến đấu. Tháng 8/1948, trong thư gửi ông Trưởng ty Bình dân học vụ Hà Tĩnh, sau khi gửi lời khen những làng đã thanh toán nạn mù chữ, Người đã nêu lên 3 nhiệm vụ trọng tâm về công việc bình dân học vụ trong toàn tỉnh. Đó là: Toàn tỉnh phải nhanh chóng thanh toán nạn mù chữ; nâng cao chương trình học tập, dạy thêm lịch sử, địa dư, làm tính, khoa học thường thức; các lớp bình dân học vụ nên kiêm thêm việc tuyên truyền cổ động cho kháng chiến. Bức thư đã kịp thời động viên, cổ vũ phong trào bình dân học vụ các địa phương trong toàn tỉnh. Tháng 11/1948, huyện Cẩm Xuyên thanh toán xong nạn mù chữ, Người đã gửi thư khen: “Thế là huyện Cẩm Xuyên đã tranh được cái vinh dự xung phong cho Hà Tĩnh và Liên khu IV trên mặt trận văn hóa bình dân”. Trong thư, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã chỉ rõ những nguyên nhân đạt được thành tích, nhưng thành tích ấy chỉ là bước đầu mà phải “xung phong tăng gia sản xuất tự cấp, tự túc để diệt giặc đói”. Ngày 15/5/1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã điện gửi toàn thể đồng bào tỉnh Hà Tĩnh. Bức thư của Người viết: “Hà Tĩnh là một tỉnh thanh toán xong nạn mù chữ trước nhất trong cả nước”. Lại xung phong đỡ đầu dân quân, nhất là các xã ở Can Lộc đã giúp 80 - 200 vạn đồng. Đó là kết quả đầu tiên của thi đua ái quốc”. Cùng với điện khen, ngày 30/12/1949 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký quyết định tặng thưởng Đảng bộ và Nhân dân Hà Tĩnh Huân chương Độc lập hạng Nhì, bậc huân chương cao nhất, rất hiếm lúc bấy giờ. Năm 1964, khi Trường Cấp III Đức Thọ đổi tên thành Trường Trần Phú, Người đã có điện chúc mừng và coi đó là một vinh dự lớn cho nhà trường, “để thi đua học thật tốt làm gương mẫu tốt cho các trường khác”.  
Sự quan tâm của Bác không chỉ có phong trào bình dân học vụ chung của tỉnh mà cả những điển hình cá nhân trên lĩnh vực này. Người đã viết bài “Nhớ người chiến sỹ anh hùng” để biểu dương người chiến sỹ anh hùng Phan Đình Giót quê ở huyện Cẩm Xuyên đã hy sinh vì Nhân dân; bài “Thanh niên anh hùng Lý Tự Trọng” để góp phần giáo dục, khích lệ tuổi trẻ, Người nhắc nhở: “Ngày nay, được Đảng giáo dục, có Đoàn dìu dắt, thanh niên chúng ta phải xung phong gương mẫu trong đạo đức, trong sinh hoạt, trong học tập, trong lao động, phải thực hiện khẩu hiệu “đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”.
 Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Hà Tĩnh vừa là hậu phương nhưng cũng là tiền tuyến có nhiệm vụ chi viện cho chiến trường miền Nam và trực tiếp đánh trả cuộc chiến tranh phá hoại của không quân, hải quân Mỹ. Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn theo dõi sát phong trào Hà Tĩnh. Ngày 23/8/1966, Người đã có thư khen quân và dân Hà Tĩnh sau sự kiện quân và dân Hà Tĩnh lập chiến công vẻ vang bắn rơi 12 máy bay giặc Mỹ (trong đó, trận chiến thắng Núi Nài quân và dân Hà Tĩnh đã bắn rơi 9 máy bay giặc Mỹ). Người viết: “Bác rất vui lòng thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ khen ngợi đồng bào, bộ đội và cán bộ tỉnh ta đã chiến đấu dũng cảm và đã thắng lợi vẻ vang”. Tiếp đó, năm 1968 Bác đã gửi thư khen quân và dân Hà Tĩnh vì đã có thành tích chiến đấu dũng cảm, bắn rơi máy bay giặc Mỹ thứ 200, Bác viết “Đồng bào, bộ đội và cán bộ Hà Tĩnh hãy phát huy thắng lợi, đoàn kết chặt chẽ, chiến đấu và sản xuất giỏi hơn nữa”.

1

                 Bác Hồ và đồng chí Nguyễn Chí Thanh trong dịp về thăm Hà Tĩnh

Ngoài các bức điện, thư, viết bài động viên, định hướng cho phong trào cách mạng Hà Tĩnh. Ngày 15/6/1957, nhân dân Hà Tĩnh vô cùng vui mừng, vinh dự đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm, trực tiếp nói chuyện với đại biểu cán bộ, đảng viên Hà Tĩnh và nói chuyện với Hội nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh. Nói chuyện với đại biểu cán bộ, đảng viên Hà Tĩnh, Bác đã nêu lên các ưu điểm: “Nói chung, cán bộ trong Đảng và ngoài Đảng, các đoàn viên thanh niên lao động đã tích cực công tác; các đồng chí đều tin tưởng vào Trung ương, vào Đảng, vào lực lượng của mình; đã cố gắng trong cải cách ruộng đất và sửa sai; đã cố gắng kiện toàn tổ chức; cố gắng cùng Nhân dân và lãnh đạo Nhân dân tăng gia sản xuất”. Bác cũng thẳng thắn phê bình những khuyết điểm, yếu kém. Người chỉ rõ: “Có hiện tượng cán bộ trong và ngoài Đảng, cán bộ cũ và mới, đảng viên cũ và mới, đoàn kết kém; ý thức tổ chức, kỷ luật, tinh thần trách nhiệm kém; cấp trên, cấp dưới, trong Đảng và ngoài Đảng, quan hệ chưa mật thiết; còn có một bộ phận cán bộ, đảng viên tham ô, lãng phí, không tôn trọng của công; một số cán bộ, đảng viên có óc công thần, cho rằng “choa” đây là cách mạng trước hết nên tự kiêu, tự đại, không coi ai ra gì, thái độ thiếu khiêm tốn”. Bác căn dặn: “Phải cố gắng sửa sai cho tốt, gọn …; phải rất chú ý tăng gia sản xuất …; phải đoàn kết ”.
Ngày 6/7/1966, đoàn cán bộ tỉnh đi tham quan, học tập nghiên cứu thâm canh lúa ở tỉnh Thái Bình về, đã được Người trực tiếp gặp gỡ và nói chuyện, Người rất am hiểu, tỏ tường mọi việc của Hà Tĩnh và luôn thể hiện sự đồng cảm, chia sẻ và đặt niềm tin vào Đảng bộ, Nhân dân Hà Tĩnh, Người căn dặn “Hà Tĩnh phải làm sao cho tình hình nổi bật lên”. Những lời căn dặn, động viên của Bác Hồ đã cổ vũ, động viên cán bộ, đảng viên và nhân dân Hà Tĩnh khắc phục khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, xây dựng đời sống văn hóa, tiến hành cải tạo xã hội chủ nghĩa.
Những tình cảm của Bác Hồ đã kịp thời động viên Đảng bộ, quân và dân Hà Tĩnh hăng hái sản xuất, chiên đấu, lập nhiều chiến công vang dội. Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Hà Tĩnh đảm nhiệm vị trí chiến lược “hậu phương của tiền tuyến miền Nam, tiền tuyến của hậu phương miền Bắc”, nên phải đương đầu với những thử thách ác liệt và nhiều hy sinh tổn thất. Từ năm 1960 đến năm 1975, toàn tỉnh đã có 92.913 thanh niên lên đường nhập ngũ (chiếm 10% dân số lúc đó), 334.128 lượt người đi dân công hỏa tuyến, 10.636 thanh niên xung phong; 13.024 người đã anh dũng hy sinh trên chiến trường. Với những thành tích xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tất cả các huyện, thị của tỉnh Hà Tĩnh đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân.

Tác giả bài viết: Trần Công Hoan UVBTV, Trưởng Ban Tuyên giáo Đảng ủy Khối các CQ và DN tỉnh

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thông báo - mời họp

133-GM/ĐUK

Ban Chỉ đạo Đảng ủy Khối về thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU, ngày 27/4/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy họp triển khai nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới.

15/03/2024

132-GM/ĐUK

BTV ĐUK kết nối đường truyền HN học tập, quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện Chuyên đề năm 2024; Nghị quyết số 18-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh và các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương.

14/03/2024

189-TB/ĐUK

TB mở Lớp bồi dưỡng đảng viên mới khóa I, năm 2024

05/03/2024

130-GM/ĐUK

Kết nối đường truyền Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024

08/01/2024

Lượt truy cập
  • Đang truy cập23
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm22
  • Hôm nay7,935
  • Tháng hiện tại115,424
  • Tổng lượt truy cập12,874,093
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây