Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 190 năm thành lập tỉnh Hà Tĩnh (1831 - 2021)

Chủ nhật - 04/07/2021 12:04
          I. KHÁI QUÁT CHUNG
          1.  Vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên
          Hà Tĩnh thuộc vùng Bắc Trung bộ Việt Nam, có tọa độ địa lý từ 17054' đến 18050' vĩ Bắc và từ 103048' đến 108000' kinh Đông. Phía Bắc giáp tỉnh Nghệ An; phía Nam giáp tỉnh Quảng Bình; phía Tây giáp hai tỉnh nước bạn Lào là Bôlykhămxay và Khăm Muộn, với đường biên giới dài hơn 164km; phía Đông có bờ biển dài 137 km; có Quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh, đường sắt Bắc - Nam đi qua; có Quốc lộ 8A sang nước bạn Lào qua Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo, Quốc lộ 12 nối cảng Vũng Áng đi qua tỉnh Quảng Bình đến Cửa khẩu Quốc tế Cha Lo.
Diện tích đất tự nhiên gần 6.000km2, chiếm 1,7% diện tích cả nước; có 13 đơn vị hành chính cấp huyện (gồm 01 thành phố, 02 thị xã và 10 huyện), với 216 xã, phường và thị trấn. Đồi núi chiếm khoảng 80% diện tích, tập trung hầu hết ở vùng phía Tây và phía Nam tỉnh; diện tích đồng bằng chiếm khoảng 20%.
Hà Tĩnh nằm trong khu vực khí hậu nhiệt đới gió mùa, với hai mùa rõ rệt: Mùa mưa bắt đầu từ tháng 8 đến tháng 11 với lượng mưa trung bình hằng năm trên 2.000mm, có khi trên 3.000mm, chiếm 54% tổng lượng mưa cả năm. Mùa khô từ tháng 12 đến tháng 7 năm sau với đặc điểm nắng nóng.
Sông ngòi ở Hà Tĩnh ngắn, độ dốc lớn, dòng chảy mạnh, về mùa mưa thường gây lũ lụt. Nguồn tài nguyên nước phong phú nhờ hệ thống sông suối, hồ đập khá dày đặc, với 266 hồ chứa, tiêu biểu là: hồ Kẻ Gỗ, dung tích thiết kế 345 triệu m3 nước; hồ thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang, dung tích thiết kế 775 triệu m3; hồ chứa nước thượng nguồn sông Trí, dung tích thiết kế là 25,4 triệu m3 nước; hồ Bộc Nguyên, dung tích thiết kế 24 triệu m3...  ... 
 Biển Hà Tĩnh nhiều cửa lạch và nhiều đảo, thuận lợi cho giao thông đường thủy, tàu thuyền neo đậu và tránh trú bão. Cách bờ biển Nghi Xuân 4km có hòn Nồm, hòn Lạp; ngoài khơi Cửa Nhượng (huyện Cẩm Xuyên) có hòn Én cách bờ 5km, hòn Bớc cách bờ 2km; ở vùng biển phía Nam Kỳ Anh cách bờ biển 4km có hòn Sơn Dương, xa hơn phía Đông có hòn Chim…Ven bờ biển có nhiều vị trí thuận lợi để xây dựng các cảng như: Xuân Hải, Hộ Độ, Cửa Nhượng, đặc biệt là Cảng nước sâu Vũng Áng, Cảng Sơn Dương đủ điều kiện cho tàu trên 20 vạn tấn vào cập cảng. Dọc bờ biển từ Bắc vào Nam có nhiều bãi biển đẹp như: Xuân Thành, Thạch Bằng, Quỳnh Viên (Thạch Hải), Thiên Cầm, Kỳ Xuân, Đèo Con... đã được khai thác phục vụ nghỉ dưỡng và du lịch. Tiềm năng hải sản ở vùng biển Hà Tĩnh rất lớn, với 267 loài cá thuộc 97 họ; 27 loài tôm và nhiều loại thuỷ sản có giá trị kinh tế cao; có 7500ha nuôi trồng thuỷ sản.
Tài nguyên rừng và động thực vật ở Hà Tĩnh khá phong phú, độ che phủ của rừng đạt 52%. Thảm thực vật rừng rất đa dạng, có trên 86 họ và 500 loài gỗ. Đặc biệt, Vườn Quốc gia Vũ Quang có khoảng 300 loại thực vật và nhiều loại động vật quý hiếm. Khu Bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ là một địa điểm có giá trị kinh tế cao… Ngoài ra, hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển Hà Tĩnh cũng khá phong phú, có nhiều loại thực vật, động vật thuỷ sinh, tập trung phần lớn ở khu vực các cửa sông như: Cửa Hội, Cửa Sót, Cửa Nhượng, Cửa Khẩu...
          Khoáng sản Hà Tĩnh khá phong phú, nằm rải rác ở hầu khắp các huyện trong tỉnh, từ vùng ven biển đến vùng trung du miền núi, gồm có: sắt, titan, than đá, các loại vật liệu xây dựng…, trong đó mỏ sắt Thạch Khê (huyện Thạch Hà) qua thăm dò, khảo sát có trữ lượng lớn với 544 triệu tấn.
Nhìn chung, các điều kiện tự nhiên sẵn có tạo cơ hội cho Hà Tĩnh phát triển kinh tế toàn diện trên các lĩnh vực, như: công nghiệp, nông nghiệp, thương mại, du lịch, dịch vụ, nhất là một số ngành công nghiệp quan trọng như công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản, luyện kim, đóng tàu, cơ khí, vật liệu xây dựng, lọc hóa dầu, dịch vụ cảng biển, công nghiệp chế biến nông - lâm - thuỷ sản, các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động… Tuy nhiên, điều kiện tự nhiên của Hà Tĩnh cũng chứa đựng những yếu tố không thuận lợi, như hạn hán, khô nóng, bão, lũ, mưa rét…xảy ra thường xuyên, làm ảnh hưởng lớn đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của Nhân dân.
2. Đặc điểm về xã hội; truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng
- Đặc điểm về xã hội: Dân số Hà Tĩnh có gần 1,3 triệu người, mật độ dân số 212 người/km2. Trên địa bàn Hà Tĩnh có các dân tộc Kinh, Lào và Chứt cùng sinh sống, nhưng chủ yếu là người Kinh. Trải qua quá trình lịch sử, lao động, sản xuất, học tập và chiến đấu, người Hà Tĩnh đã hun đúc nên những truyền thống quý báu, mang bản sắc riêng của quê hương, vùng đất Hà Tĩnh.
- Truyền thống yêu quê hương, đất nước: Người dân Hà Tĩnh vốn có lòng yêu quê hương, đất nước và ý chí kiên cường bất khuất trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm. Hà Tĩnh từng được coi là miền đất "phên dậu" của Tổ quốc (Hà Tĩnh là biên giới phía Nam cho đến đầu thế kỷ XI). Thời phong kiến, Nhân dân Hà Tĩnh phải "đứng mũi chịu sào", vừa chống giặc ngoại bang từ Bắc vào, vừa phải đối phó với các tập đoàn, thế lực phong kiến phương Nam ra. Trong lịch sử đã chứng kiến cuộc khởi nghĩa của Mai Thúc Loan (quê ở làng Mai Phụ, Thạch Hà - nay là huyện Lộc Hà) nổ ra từ năm 713 - 722 chống lại bọn xâm lược nhà Đường.
Trong suốt thời kỳ phong kiến độc lập (từ thế kỷ X trở đi), miền đất Nghệ -Tĩnh nói chung và Hà Tĩnh nói riêng từng là trung tâm của nhiều cuộc kháng chiến chống ngoại xâm. Cuối thế kỷ thứ X và đầu thế kỷ XI (từ 980 - 1009), Cao Minh Hựu, một danh tướng quê ở huyện Phi Lộc (nay là huyện Can Lộc) đã giúp Lê Hoàn đánh tan quân xâm lược nhà Tống ở sông Hương Đại - Bạch Đằng, Hải Dương…Đầu thế kỷ XV (từ 1407 - 1414), Nhân dân Hà Tĩnh đã vùng dậy khởi nghĩa chống giặc Minh xâm lược. Tiêu biểu là tấm gương Quốc công Đặng Tất, Bình chương Đặng Dung, Ngự sử Nguyễn Biểu… là những thủ lĩnh chủ chốt giúp nhà hậu Trần lập nên các chiến công vang dội Bô Cô, Thái Già...
Từ năm 1425, vùng đất Đỗ Gia (huyện Hương Sơn) được chọn làm một trong những căn cứ chiến lược quan trọng, là "đất đứng chân" của nghĩa quân Lam Sơn. Vùng đất Hà Tĩnh đã đóng góp cho nghĩa quân Lam Sơn những danh tướng tiêu biểu như: Nguyễn Tuấn Thiện (Sơn Phúc, huyện Hương Sơn), Nguyễn Biên (ở huyện Can Lộc, sau dời vào huyện Cẩm Xuyên), Lê Bôi (huyện Đức Thọ),…
Trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược nhà Thanh do Quang Trung - Nguyễn Huệ lãnh đạo (thế kỷ XVIII), nhiều người con Hà Tĩnh đã trở thành những chiến binh tinh nhuệ, những tướng sĩ thao lược, tiêu biểu như: La Sơn Phu tử Nguyễn Thiếp, Đô đốc Dương Văn Tào (huyện Cẩm Xuyên), Đô đốc Hồ Phi Chấn (huyện Thạch Hà), Ngô Văn Sở (huyện Can Lộc)…
Trong những năm đầu dưới thời nhà Nguyễn (đầu thế kỷ XIX), Nhân dân Hà Tĩnh đã nhiều phen vùng dậy chống lại ách thống trị hà khắc của quan lại cường hào, phong kiến. Tiêu biểu là cuộc khởi nghĩa của Nhân dân huyện Hương Sơn do Lê Hầu Tạo lãnh đạo (năm 1818); khởi nghĩa Phan Bô (từ 1833 - 1837) ở huyện Thạch Hà. Phong trào đấu tranh của Nhân dân còn tiếp diễn trong suốt nhiều năm dưới triều Nguyễn…
Trong những năm đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược và phong kiến tay sai, Hà Tĩnh là trung tâm của phong trào Cần Vương và các phong trào yêu nước đầu thế kỷ XX. Đảng bộ và Nhân dân Hà Tĩnh đã cùng với Đảng bộ và Nhân dân Nghệ An làm nên cao trào Xô viết Nghệ - Tĩnh, đỉnh cao của phong trào cách mạng 1930 - 1931 do Đảng lãnh đạo. Trong Cách mạng tháng Tám năm 1945, Hà Tĩnh là một trong 4 tỉnh giành chính quyền về tay Nhân dân sớm nhất cả nước. Thời kỳ chống Mỹ cứu nước (từ 1954 - 1975), Hà Tĩnh là hậu phương vững chắc, vừa thực hiện tốt nhiệm vụ chi viện cho tiền tuyến miền Nam, vừa trực tiếp chiến đấu bảo vệ quê hương, cùng cả nước đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, thống nhất Tổ quốc. Trong thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội, đặc biệt là trong công cuộc đổi mới, Đảng bộ và Nhân dân Hà Tĩnh đã phát huy truyền thống quý báu của cha anh đi trước để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.
- Truyền thống đoàn kết, gắn bó, sống nghĩa tình, thủy chung: Sinh sống trong vùng có vị trí địa lý đặc biệt, khí hậu khắc nghiệt, người dân Hà Tĩnh thường xuyên phải đối mặt với sự tàn phá nặng nề của thiên tai và chiến tranh chống giặc ngoại xâm, nên sớm hình thành truyền thống đoàn kết, gắn bó, tương thân tương ái, sống nghĩa tình, thuỷ chung. Mỗi khi Tổ quốc, quê hương bị lâm nguy trước sự xâm lăng của quân thù, hay trước sự tàn phá của thiên tai, truyền thống tốt đẹp đó lại được phát huy cao độ. 
- Truyền thống lao động cần cù, sáng tạo: Từ xưa, cuộc sống của người dân Hà Tĩnh vất vả và phụ thuộc nhiều vào tự nhiên. Trong khi đây là vùng nắng lắm, mưa nhiều, bão, lũ, hạn hán thường xuyên xảy ra. Chính những đặc điểm này đã tạo nên tinh thần lao động cần cù, sáng tạo, kiên trì chịu đựng và vượt qua gian khổ, sống giản dị, tiết kiệm. 
- Truyền thống văn hóa: Người Hà Tĩnh có đời sống văn hóa, tinh thần khá phong phú, giàu bản sắc, tô thêm truyền thống văn hóa Việt Nam ngàn năm văn hiến. Nhiều làng quê ở Hà Tĩnh nổi tiếng, như: làng hát ca trù Cổ Đạm, chèo Kiều Xuân Liên (huyện Nghi Xuân), hát ví phường vải Trường Lưu (huyện Can Lộc), hát sắc bùa (huyện Kỳ Anh)... Nhiều làng quê nền nếp, phong lưu có nhiều lễ hội, hương ước, phong tục quý báu như: Kim Chuỳ (nay thuộc xã Tân Lộc, huyện Lộc Hà), Hội Thống, Đan Trường (huyện Nghi Xuân), Phù Lưu Thượng (nay thuộc xã Hồng Lộc, huyện Lộc Hà)…; ở nhiều làng truyền thống có những điệu hò, vè nổi tiếng, như: Ven núi Hồng Lĩnh, dòng sông La, sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố; có nhiều di tích văn hoá nổi tiếng như: chùa Hương Tích, chùa Chân Tiên, chùa Thiên Tượng, chùa Am, đình Hội Thống, đền Chợ Củi, đền Lê Khôi, đền thờ Nguyễn Thị Bích Châu, Hoành Sơn Quan… Đó là những di sản văn hoá tiêu biểu bồi đắp cho tâm hồn người Hà Tĩnh qua nhiều thế hệ, cần được lưu giữ và phát huy.
- Truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo: Trong mọi giai đoạn lịch sử, vùng đất Hà Tĩnh luôn có người học hành đỗ đạt cao, có công lớn với quê hương, đất nước. Chỉ tính từ thời Trần đến thời Nguyễn, Hà Tĩnh có tới 148 vị đại khoa, trong số đó: người đỗ Tiến sĩ trẻ tuổi nhất lúc 18 tuổi là Nguyễn Tử Trọng, người làng An Ấp (huyện Hương Sơn); người cao tuổi nhất là Nguyễn Văn Suyền (huyện Thạch Hà) đỗ Tiến sĩ ở độ tuổi 52. Khắp nơi trên quê hương Hà Tĩnh đều nổi danh về học hành, khoa bảng. Tiêu biểu như các làng: Tiên Điền, Uy Viễn, Đông Thái, Yên Hội, Gôi Mỹ, Thần Đầu, Trung Lễ, Bùi Xá...và những danh nhân nổi tiếng như: Trạng nguyên Sử Hy Nhan vào đời Trần (quê quán hiện nay thuộc xã Đức Thuận, thị xã Hồng Lĩnh); thầy địa lý Tả Ao tiên sinh là nhân vật làm nghề địa lý phong thuỷ nổi tiếng ở Việt Nam (quê quán ở làng Tả Ao, phủ Đức Quang, trấn Nghệ An nay thuộc xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh); Nguyễn Biểu, nhà ngoại giao trí dũng song toàn thời Trần; La sơn phu tử Nguyễn Thiếp; đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác; Danh sĩ Nguyễn Huy Tự; Thi sĩ Nguyễn Huy Hổ; Đại thi hào - Danh nhân văn hóa Thế giới Nguyễn Du; nhà bác học Phan Huy Chú, Phan Huy Ích; Uy viễn Tướng công Nguyễn Công Trứ; nhà yêu nước Phan Đình Phùng; nhà khoa học Hoàng Xuân Hãn; nhà toán học Lê Văn Thiêm; nhà văn hóa Nguyễn Khắc Viện; nhà thơ Xuân Diệu, nhà thơ Huy Cận; danh họa Nguyễn Phan Chánh, nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị; nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Đổng Chi; nhà khoa học Nguyễn Đình Tứ… Hà Tĩnh cũng là quê hương của nhiều lãnh tụ cách mạng tiền bối tiêu biểu của Đảng và dân tộc như các đồng chí: Tổng Bí thư Trần Phú, Hà Huy Tập; chiến sĩ cách mạng, người đoàn viên thanh niên cộng sản đầu tiên - Anh hùng liệt sĩ Lý Tự Trọng; chiến sĩ cách mạng Phan Đình Giót…
Những truyền thống tốt đẹp đó là động lực tinh thần to lớn để lớp lớp thế hệ người Hà Tĩnh hôm nay và mai sau tiếp tục phát huy, quyết tâm xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh, văn minh.
          II. HÀ TĨNH 190 NĂM THÀNH LẬP, XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN
1. Sự kiện thành lập tỉnh Hà Tĩnh năm 1831 - bước ngoặt lịch sử trong quá trình phát triển của tỉnh nhà
Theo các tài liệu khảo cổ học và truyền thuyết, cách đây hàng ngàn năm, vùng đất Hà Tĩnh đã có người sinh sống; vùng Hồng Lĩnh ngày nay được gọi là Kinh đô Ngàn Hống - Thủ đô đầu tiên của nước Xích Quỷ dưới thời Vua Kinh Dương Vương. Thuở Vua Hùng dựng nước Văn Lang, vùng Hà Tĩnh thuộc Bộ Cửu Đức.
Năm 1831, vua Minh Mệnh thực hiện cuộc cải cách hành chính quy mô toàn quốc, chia cả nước làm 30 tỉnh. Tỉnh Hà Tĩnh ra đời trên cơ sở tách hai phủ Hà Hoa và Đức Thọ của trấn Nghệ An lập thành một tỉnh riêng. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, danh xưng Hà Tĩnh xuất hiện là một đơn vị hành chính trực thuộc triều đình. Vùng Hà Tĩnh lúc bấy giờ có 02 phủ (phủ Hà Hoa và phủ Đức Quang), 06 huyện (Hương Sơn, La Sơn, Thiên Lộc, Nghi Xuân, Thạch Hà, Kỳ Hoa). Là một địa phương nhỏ, nên Tổng đốc Nghệ An kiêm nhiệm cả tỉnh Hà Tĩnh gọi là Tổng đốc An - Tĩnh, dưới có Tuần phủ, Bố chính và Án sát. Về quân đội, có chức Lãnh binh chỉ huy bốn vệ quân. Tuần phủ Hà Tĩnh đầu tiên là Binh bộ Thị lang Nguyễn Danh Giáp.
Từ năm 1831 đến năm 1833, thành Đại Nài được chọn là tỉnh thành tạm thời của tỉnh Hà Tĩnh khi mới thành lập. Cùng thời điểm đó, Tổng đốc An - Tĩnh và Tuần phủ Hà Tĩnh đã chọn đất xã Trung Tiết (Thành phố Hà Tĩnh ngày nay) để xây dựng tỉnh thành mới. Năm 1833, triều đình cho phép lập tỉnh thành mới và giao cho Tổng đốc Tạ Quang Cự trông coi, điều động 3.000 quân lính xây dựng. Tháng 6 năm Quý Tỵ (từ ngày 17 tháng 7 đến ngày 14 tháng 8 năm 1833), thành Hà Tĩnh xây xong.
Năm 1837, vua Minh Mệnh cắt 04 tổng Lạc Xuyên, Vân Tán, Thổ Ngoạ và Mỹ Duệ của huyện Hà Hoa lập thành huyện Hoa Xuyên, lúc này Hà Tĩnh có 07 huyện.
Năm 1841, vua Thiệu Trị đổi tên phủ Hà Hoa thành phủ Hà Thanh, đổi huyện Hoa Xuyên thành Cẩm Xuyên và huyện Kỳ Hoa thành huyện Kỳ Anh.
Năm 1853, vua Tự Đức bỏ đạo Hà Tĩnh lập lại tỉnh Hà Tĩnh gồm những phủ huyện như trước, từ đó về sau, tỉnh Hà Tĩnh còn có một số thay đổi như phân lại địa giới giữa các huyện, cắt hoặc nhập một vài khu vực vào Nghệ An. Năm 1862 đổi tên huyện Thiên Lộc thành huyện Can Lộc và năm 1864 lại tách đạo Hà Tĩnh ra. Năm 1867 lấy một phần đất phía Nam huyện Hương Sơn đặt thành huyện Hương Khê.
Đến năm 1875, sau khi quay lại tên gọi hành chính là tỉnh Hà Tĩnh thay cho tên gọi là đạo, tỉnh thành Hà Tĩnh dời về xã Trung Tiết (Thành phố Hà Tĩnh ngày nay) và được sửa sang lại. Năm 1881, tỉnh thành được xây dựng lại kiên cố bằng gạch và đá ong. Thành xây theo kiểu Vô - băng, trong hào có nhiều sen nên người ta còn gọi thành Hà Tĩnh là “Liên Thành” tức “Thành Sen”.
 Sự kiện thành lập tỉnh Hà Tĩnh năm 1831 có ý nghĩa lịch sử to lớn, là bước ngoặt trong tiến trình lịch sử Hà Tĩnh, khẳng định vùng đất này đã phát triển và trở thành một đơn vị hành chính trực thuộc chính quyền Trung ương, sánh ngang với các tỉnh trong cả nước. Việc thành lập tỉnh Hà Tĩnh cũng đã khẳng định việc trải qua hàng ngàn năm lịch sử, cư dân Hà Tĩnh đã đoàn kết gắn bó xây dựng nên truyền thống, nền văn hoá đặc sắc, vừa mang tính chất chung của văn hoá dân tộc, vừa đậm đà sắc thái địa phương, cốt cách Hà Tĩnh. Sự ra đời của tỉnh Hà Tĩnh là một tất yếu lịch sử, khẳng định tầm vóc, vị thế của một vùng đất giàu truyền thống văn hóa, lịch sử, cách mạng; đồng thời mở ra một thời kỳ phát triển mới sau này với những thành tựu vô cùng vẻ vang…
2. Chặng đường lịch sử vẻ vang 190 năm của tỉnh Hà Tĩnh (1831- 2021)
2.1. Tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 1831 - 1885
Những năm đầu thế kỷ XIX, mặc dù triều Nguyễn có đề ra một số chính sách khuyến nông, song kinh tế Hà Tĩnh vẫn rất khó khăn do hậu quả của nhiều thập kỷ chiến tranh liên miên. Mặt khác, chính sách tô thuế nặng nề cùng chế độ lao dịch, binh dịch làm cho đời sống người nông dân vô cùng khốn đốn, trong khi đó, quan lại cường hào ở địa phương tha hồ nhũng nhiễu. Chính vì thế, trong thế kỷ XIX, nông dân Hà Tĩnh đã nhiều lần nổi dậy đấu tranh chống vua quan Nhà Nguyễn, nhất là những năm cuối triều Vua Gia Long, đầu triều Vua Minh Mệnh.
Cuối năm 1833, một cuộc khởi nghĩa lớn do Phan Bô lãnh đạo nổi lên ở huyện Thạch Hà. Sau đó nghĩa quân mở rộng hoạt động trên khắp các huyện Kỳ Hoa, Hương Sơn, Thiên Lộc, Nghi Xuân… Phan Bô còn liên kết được với nghĩa quân của một thủ lĩnh khác là Đình Lợi. Nghĩa quân thường tổ chức các đợt trấn áp, tước đoạt của bọn cường hào ác bá chia cho dân nghèo. Triều đình Nhà Nguyễn phải hao binh, tốn của nhiều mới dẹp được cuộc khởi nghĩa (năm 1838)…
Phong trào đấu tranh của Nhân dân Hà Tĩnh còn tiếp diễn dưới thời Vua Thiệu Trị (từ 1841 - 1847) và Vua Tự Đức (từ 1847 - 1883). Nhiều cuộc nổi dậy chống quan lại tham nhũng, chống sưu thuế, chống đi phu, đi lính… làm cho chính quyền Nhà Nguyễn ở địa phương không khi nào được yên.
Ngày 01/9/1858, thực dân Pháp nổ súng ở Cửa Hàn (Đà Nẵng), trắng trợn phát động chiến tranh xâm lược Việt Nam. Trước sự tấn công hung bạo của kẻ thù, triều đình phong kiến không dám kiên quyết kháng chiến. Vua quan nhà Nguyễn lùi hết bước này đến bước khác, để rồi ký bản Điều ước Nhâm Tuất (ngày 05/6/1862) cắt ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ (Biên Hòa, Gia Định, Định Tường) dâng cho giặc.
Nhân dân cả nước phẫn nộ lên án bè lũ bán nước. Văn thân sĩ phu Hà Tĩnh cũng như các địa phương khác cùng với Nhân dân đứng lên chống lại hành động đầu hàng của triều đình. Năm 1873, giặc Pháp nổ súng đánh chiếm Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc. Dưới áp lực phong trào yêu nước mạnh mẽ của Nhân dân, Tổng đốc An - Tĩnh (Nghệ An - Hà Tĩnh) là Tôn Thất Triệt họp văn thân sĩ phu hai tỉnh để bàn việc đánh giặc. Nhưng lần này cũng như lần trước, triều đình Huế bất chấp sự phản kháng của quần chúng đã ký Điều ước ngày 15/5/1874 xác nhận quyền chiếm đóng của thực dân Pháp trên cả ba tỉnh miền Tây Nam Kỳ (Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên).
Trước sự xâm lược của thực dân Pháp, Nhân dân và sĩ phu Hà Tĩnh đã nhất tề đứng dậy, cùng với Nhân dân nhiều nơi trong cả nước vừa chống đế quốc xâm lược vừa chống phong kiến. Mở đầu là cuộc khởi nghĩa Cờ Vàng năm Giáp Tuất (1874) do Trần Quang Cán (quê ở xã Phúc Dương - nay là Sơn Trung, huyện Hương Sơn) và Nguyễn Huy Điển (quê làng Ngụy Dương - nay là Thạch Xuân, huyện Thạch Hà) lãnh đạo. Cuộc khởi nghĩa kéo dài hơn nửa năm, làm rung chuyển bộ máy thống trị của bọn phong kiến ở Hà Tĩnh.
2.2. Hà Tĩnh thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc giành độc lập (1885 - 1945)
Khi vua Hàm Nghi ban Chiếu Cần vương (tháng 7/1885), một làn sóng yêu nước đã dâng cao trong toàn tỉnh Hà Tĩnh. Ngọn cờ tiêu biểu đầu tiên là cuộc khởi nghĩa Lê Ninh ở Trung Lễ (Đức Thọ) nổ ra vào năm 1885. Tiếp đó là phong trào kháng chiến sôi nổi, diễn ra rộng khắp các địa phương trong tỉnh do các sĩ phu yêu nước lãnh đạo như: Phan Cát Tưu (ở Đông Thái, Đức Thọ); Nguyễn Duy Chanh và Nguyễn Duy Trạch (ở Gia Hanh, Can Lộc); Nguyễn Tuyển (ở Phúc Lộc, nay là xã Thuần Thiện, Can Lộc); Mai Thế Quán (ở Hồng Lộc, Can Lộc, nay là huyện Lộc Hà); Cao Thắng và Cao Nữu (ở Tuần Lễ, nay là Sơn Lễ, Hương Sơn); Nguyễn Cao Đôn (ở Phất Não, nay là Thạch Bình, thành phố Hà Tĩnh); Nguyễn Huy Thuận (ở Ngụy Dương, nay là Thạch Xuân, Thạch Hà); Hoàng Bá Xuyên, Nguyễn Chuyên và Dương Duy Dừ (ở Cẩm Xuyên); Ngô Quảng và Hà Văn Mỹ (ở Nghi Xuân); Võ Phát, Lê Nhất Hoàn, Trần Công Thưởng (ở Kỳ Anh); Trần Hữu Châu, Nguyễn Thoại (ở Hương Khê). Đặc biệt là cuộc khởi nghĩa Phan Đình Phùng - Cao Thắng kéo dài 11 năm (Từ 1885 - 1896) đã trở thành cuộc khởi nghĩa tiêu biểu và là đỉnh cao trong phong trào chống Pháp cuối thế kỷ XIX của Nhân dân Hà Tĩnh nói riêng và Nhân dân cả nước nói chung.
Tháng 11/1885, thực dân Pháp kéo quân vào Hà Tĩnh đàn áp nghĩa quân Lê Ninh và Phan Đình Phùng. Đến tháng 02/1886, Pháp chiếm thành Hà Tĩnh, tuy nhiên mãi tới năm 1889 chính quyền thực dân mới thiết lập được ở đây. Từ cuối thế kỷ XIX trở đi, thực dân Pháp đẩy mạnh việc khai thác, bóc lột và đàn áp đối với Nhân dân Hà Tĩnh. Mâu thuẫn giữa Nhân dân lao động với thực dân Pháp cướp nước và phong kiến tay sai ngày càng trở nên sâu sắc.
Trong những năm đầu thế kỷ XX, cuộc đấu tranh của Nhân dân Hà Tĩnh khi âm ỉ, khi bùng lên mạnh mẽ, lúc diễn ra một cách “ôn hoà”, lúc mang tính chất “bạo động” quyết liệt, nhưng không lúc nào ngừng. Từ những hoạt động của Hội Duy Tân với phong trào Đông Du (bắt đầu từ năm 1905) đến phong trào chống thuế (năm 1908), vụ âm mưu bạo động đánh thành Hà Tĩnh (năm 1910), những hoạt động yêu nước của Nguyễn Trang, Nguyễn Hét ở Can Lộc, Đức Thọ (từ 1916 - 1919)… Đây là một bước tiếp nối báo trước sự chuyển hướng mới trong cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp của Nhân dân Hà Tĩnh.
Sau chiến tranh thế giới thứ nhất, phong trào yêu nước ở Hà Tĩnh phát triển mạnh, nhiều tổ chức yêu nước và cách mạng được thành lập. Trong đó, tiêu biểu là sự ra đời và hoạt động mạnh mẽ của Hội Phục Việt (sau cùng đổi tên là Đảng Tân Việt) trong những năm 1925 - 1929. Trên cơ sở phát triển của phong trào cách mạng và các tổ chức, từ cuối năm 1929, đầu năm 1930, các chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng và Đông Dương Cộng sản liên đoàn đã ra đời ở nhiều địa phương trong tỉnh, đầu tiên là chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng của Trường Tiểu học Pháp - Việt, thị xã Hà Tĩnh (cuối tháng 12/1929), do đồng chí Lê Bá Cảnh làm Bí thư.
Cuối tháng 3/1930, để thống nhất về tổ chức và đưa phong trào cách mạng tiến lên, được sự ủy nhiệm của Xứ uỷ Trung Kỳ, đồng chí Trần Hữu Thiều (tức Nguyễn Trung Thiên) đã chủ trì tổ chức Hội nghị thành lập Đảng bộ lâm thời Hà Tĩnh. Hội nghị được tiến hành tại một địa điểm gần bến đò Thượng Trụ (xã Thiên Lộc, Can Lộc). Hội nghị cử ra Ban Chấp hành lâm thời của Đảng bộ do đồng chí Trần Hữu Thiều làm Bí thư.
Đảng bộ Hà Tĩnh ra đời là kết quả tất yếu của quá trình đấu tranh dân tộc và giai cấp kiên cường, bền bỉ của các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh, là kết quả của việc lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam mà phong trào yêu nước ở Hà Tĩnh đã lĩnh hội được. Đảng bộ Hà Tĩnh ra đời đánh dấu bước ngoặt có ý nghĩa quyết định sự phát triển của phong trào cách mạng tỉnh nhà.
Trong những năm 1930 - 1931, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Đảng bộ Hà Tĩnh, các tầng lớp Nhân dân Hà Tĩnh cùng với Nhân dân cả nước đã vùng dậy làm nên một cao trào cách mạng rộng lớn, quyết liệt, đỉnh cao là Xô viết Nghệ - Tĩnh. Mặc dù bị kẻ thù đàn áp, khủng bố khốc liệt, nhưng Xô viết Nghệ - Tĩnh đã đạt được những thành quả có ý nghĩa lịch sử quan trọng và để lại nhiều bài học kinh nghiệm vô cùng quý giá cho cách mạng Việt Nam.
Xô viết Nghệ - Tĩnh đã khẳng định được vị trí, vai trò và năng lực lãnh đạo của Đảng đối với quần chúng cách mạng ngay từ khi mới thành lập; là kết quả của việc vận dụng sáng tạo đường lối cách mạng của Đảng ta vào thực tế của địa phương để định ra những mục tiêu, khẩu hiệu đấu tranh đúng đắn, đáp ứng yêu cầu và nguyện vọng chính đáng của quần chúng, do đó đã vận động, tập hợp và tổ chức được đông đảo quần chúng vùng dậy đấu tranh dưới ngọn cờ của Đảng…
Thành quả nổi bật và là đỉnh cao của phong trào đấu tranh cách mạng 1930 - 1931, lần đầu tiên trong lịch sử ở Hà Tĩnh, bạo lực chính trị của quần chúng đã tấn công liên tục, làm tan rã từng mảng lớn chính quyền thực dân, phong kiến, lập nên chính quyền Xô Viết ở 170 làng, xã trong tỉnh - hình thức chính quyền cách mạng đầu tiên của Nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Mặc dù chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, nhưng chính quyền Xô viết đã kịp thực hiện nhiều cải biến cách mạng, đem lại những quyền lợi thiết thực về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội cho người dân lao động, góp phần nâng cao niềm tin của Nhân dân vào Đảng, vào cách mạng.
Cao trào cách mạng 1930 - 1931 đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu cho phong trào đấu tranh của Nhân dân địa phương nói riêng và cho cách mạng Việt Nam nói chung: bài học về vận động, tổ chức và phát huy năng lực cách mạng to lớn của quần chúng Nhân dân, mà lúc đó chủ yếu là nông dân, xây dựng khối liên minh công nông; bài học về xây dựng Đảng; bài học về xác định phương pháp cách mạng; bài học về giành và giữ chính quyền, về thời cơ cách mạng… Do đó, cao trào cách mạng 1930 - 1931 là cuộc diễn tập đầu tiên chuẩn bị cho thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945.
Cuộc khủng bố trắng của bọn đế quốc và phong kiến Nam triều đối với cao trào cách mạng 1930 - 1931 ở Hà Tĩnh ngày càng diễn ra khốc liệt. Hàng trăm người bị giết, hàng ngàn cán bộ, đảng viên và quần chúng bị bắt bớ, tù đày. Bên cạnh việc đàn áp, kẻ thù còn dùng nhiều thủ đoạn lừa bịp, mị dân hòng lung lạc ý chí đấu tranh cách mạng của quần chúng.
Trước tình hình đó, tuyệt đại bộ phận cán bộ, đảng viên và quần chúng cách mạng đều giữ vững niềm tin vào Đảng, kiên trì vượt qua khó, khăn thử thách để tìm  biện pháp khôi phục lại tổ chức và phong trào cách mạng. Trong ngục tù đế quốc, hầu hết đảng viên và quần chúng luôn giữ trọn lòng trung thành với Đảng và cách mạng, không hề chịu khuất phục trước kẻ thù, nhiều người đã anh dũng hy sinh.
Số đảng viên còn lại ở các địa phương tạm lánh sang địa phương khác để tìm mọi cách để gây dựng lại tổ chức. Do biết dựa vào dân và được Nhân dân đùm bọc, che chở, họ đã vượt qua lưới mật thám về các địa phương chắp nối liên lạc, xây dựng lại phong trào. Vì vậy, chỉ một thời gian ngắn sau khi Đảng bộ được khôi phục, phong trào cách mạng của Nhân dân tỉnh nhà nhanh chóng được tổ chức lại, phát triển mạnh vào những năm 1937 - 1938, góp phần quan trọng vào cuộc vận động dân chủ do Đảng ta phát động.
Chính sách cai trị phát xít cùng những thủ đoạn mua chuộc của Nhật - Pháp trong những năm 1940 - 1945 không thể nào dập tắt phong trào cách mạng của Nhân dân Hà Tĩnh. Mặc dù Đảng bộ bị địch khủng bố, phá vỡ nhiều lần, nhưng số đông cán bộ, đảng viên còn lại ở các địa phương vẫn tích cực hoạt động trong các tổ chức để tiếp tục tuyên truyền, vận động quần chúng. Phong trào đấu tranh của các tầng lớp Nhân dân thường xuyên tiếp diễn dưới nhiều hình thức. Dưới ánh sáng các nghị quyết của Trung ương Đảng, nhất là Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 8 (tháng 5/1941), Hà Tĩnh đã tích cực chuẩn bị lực lượng và điều kiện tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền.
Khi thời cơ xuất hiện, dưới sự lãnh đạo của Mặt trận Việt Minh, chỉ trong vòng 05 ngày, bắt đầu từ thắng lợi của cuộc khởi nghĩa ở Can Lộc ngày 16/8/1945 và kết thúc là cuộc khởi nghĩa ở Hương Khê vào ngày 21/8/1945, Nhân dân Hà Tĩnh đã vùng dậy giành hoàn toàn chính quyền về tay mình. Hà Tĩnh là một trong 04 tỉnh của cả nước giành được chính quyền sớm nhất trong Cách mạng tháng Tám. Thắng lợi lịch sử này là kết tinh của truyền thống yêu nước nồng nàn, đấu tranh kiên cường, bất khuất của các tầng lớp Nhân dân tỉnh nhà qua nhiều thời kỳ, mà trực tiếp là 15 năm đấu tranh đầy hy sinh gian khổ dưới sự lãnh đạo của Đảng. Thắng lợi đó đã mở ra một thời kỳ mới trong lịch sử Hà Tĩnh với những thành tựu ngày càng toàn diện hơn.
2.3. Hà Tĩnh thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ (1945 - 1975)
Sau Cách mạng tháng Tám, trước những khó khăn chồng chất, quân và dân Hà Tĩnh dưới sự lãnh đạo của Đảng đã nhanh chóng triển khai và hoàn thành xuất sắc nhiều nhiệm vụ cách mạng mới, phức tạp. Vừa củng cố xây dựng Đảng bộ chính quyền cách mạng và các đoàn thể quần chúng, vừa tập trung khắc phục nạn đói, đẩy mạnh tăng gia sản xuất, phát triển phong trào bình dân học vụ và văn hoá giáo dục, xây dựng lực lượng vũ trang, đấu tranh với mọi âm mưu thủ đoạn của kẻ thù. Chỉ trong vòng 16 tháng, Hà Tĩnh đã đạt được nhiều kết quả to lớn, chuẩn bị bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Hà Tĩnh đã sớm tổ chức được lực lượng vũ trang và là tỉnh đầu tiên của Liên khu IV nổ súng kháng chiến chống thực dân Pháp với trận Na Pê ngày 07/9/1945.
Trong 09 năm kháng chiến chống Pháp, quân và dân Hà Tĩnh đã cảnh giác, chủ động đánh bại các cuộc tập kích, xâm nhập phá hoại của kẻ thù, tiêu biểu là chiến thắng Nam Bình (Thạch Hà) ngày 20/8/1953 và chiến thắng Nhượng Bạn (Cẩm Xuyên) ngày 04/9/1953. Trong việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng hậu phương, thành công nổi bật đầu tiên là quân và dân tỉnh nhà đã xây dựng được các An toàn khu ở phía Tây tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho các xưởng sản xuất vũ khí, các xưởng chế biến hoá chất, dược liệu, xưởng in bạc của Liên khu IV và cả Trung bộ hoạt động, đáp ứng yêu cầu của các chiến trường, đồng thời còn là nơi đứng chân của các đơn vị chủ lực và cơ quan lãnh đạo kháng chiến của Liên khu IV (vào thời kỳ cao điểm, ở các An toàn khu của Hà Tĩnh có trên 10 vạn cán bộ, công nhân với 12 xưởng sản xuất vũ khí lớn cùng hàng chục xưởng sản xuất vũ khí vừa và nhỏ…hoạt động).
Trong lĩnh vực xây dựng và phát triển kinh tế, văn hoá, Nhân dân Hà Tĩnh cũng đã giành được nhiều thành tích nổi bật. Tháng 02/1949, Hà Tĩnh được Bộ Giáo dục công nhận là một trong những tỉnh đầu tiên của cả nước hoàn thành thanh toán nạn mù chữ trên phạm vi toàn tỉnh, được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhì và nhiều lần được Người gửi thư khen…
Thực hiện nhiệm vụ chi viện cho tiền tuyến miền Nam trong 09 năm kháng chiến chống Pháp (từ 1945 - 1954), Hà Tĩnh có 43.780 thanh niên gia nhập quân đội, 32.600 người đi dân công hoả tuyến, toàn tỉnh đóng góp 27.388.200 ngày công phục vụ kháng chiến, cung cấp cho các mặt trận 161.830 tấn lương thực, thực phẩm… Con em Hà Tĩnh luôn phát huy bản chất, truyền thống tốt đẹp của quê hương, chiến đấu kiên cường dũng cảm, tiêu biểu là tấm gương anh hùng liệt sĩ Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ (từ ngày 13/3 đến 07/5/1954). Quân và dân Hà Tĩnh đã cùng cả nước đánh bại thực dân Pháp xâm lược và làm tròn nghĩa vụ quốc tế cao cả đối với hai nước bạn Lào và Campuchia.
Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp, trong hơn 10 năm hòa bình (từ năm 1955 - 1965), quân, dân Hà Tĩnh đã đoàn kết nhất trí hoàn thành thắng lợi nhiều nhiệm vụ cách mạng nặng nề, phức tạp: phát động giảm tô và cải cách ruộng đất nhằm xoá bỏ ách áp bức bóc lột của giai cấp địa chủ phong kiến, đem ruộng đất về tay nông dân; chống âm mưu và hành động phá hoại của địch; khắc phục hậu quả chiến tranh và thiên tai, khôi phục và phát triển kinh tế - văn hoá. Tiếp đó là thực hiện thắng lợi công cuộc cải tạo XHCN và bước đầu xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật của CNXH. Trong quá trình đó, Hà Tĩnh tuy vấp phải những sai lầm, khuyết điểm, nhất là trong cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức, nhưng cán bộ, đảng viên và quần chúng Nhân dân đã kịp thời khắc phục sửa chữa, đoàn kết, thống nhất, nhanh chóng ổn định tình hình và tiếp tục đưa sự nghiệp cách mạng tỉnh nhà tiến lên. Ngày 15/6/1957, Nhân dân Hà Tĩnh vinh dự được đón Bác Hồ về thăm tại thị xã Hà Tĩnh. Những lời dạy bảo ân cần và tình cảm nồng ấm của Bác đã tiếp thêm sức mạnh, củng cố niềm tin sắt son đối với Đảng, với cách mạng, cổ vũ Nhân dân Hà Tĩnh vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra.
 Trong 10 năm tiến hành cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại, xây dựng hậu phương, chi viện cho tiền tuyến kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (từ năm 1965 - 1975), tỉnh Hà Tĩnh có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng: "hậu phương của tiền tuyến miền Nam, tiền tuyến của hậu phương miền Bắc". Mặc dù phải đương đầu với những thử thách ác liệt, chịu đựng những tổn thất, hy sinh to lớn, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, quân và dân Hà Tĩnh đã nêu cao ý chí tự lực tự cường, vươn lên mạnh mẽ với tinh thần "Xe chưa qua, nhà không tiếc", "Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người", "Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược". Toàn tỉnh đã nở rộ phong trào "Thanh niên ba sẵn sàng", "Phụ nữ ba đảm đang", sản xuất giỏi, chiến đấu và phục vụ chiến đấu giỏi. Trong cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, quân và dân Hà Tĩnh đã bắn rơi 267 máy bay, bắn chìm và bắn cháy 34 tàu chiến, tàu biệt kích của địch, đập tan nhiều âm mưu phá hoại của kẻ thù. Với phong trào thi đua bắn rơi máy bay địch, nhiều đơn vị đã nổi lên như Tiểu đoàn 8 pháo cao xạ đã kiên cường đánh địch bảo vệ tuyến đường số 1, bắn rơi 07 máy bay Mỹ; các đơn vị nữ dân quân Kỳ Phương (Kỳ Anh), Thạch Đỉnh (Thạch Hà) và lão dân quân Kỳ Tiến (Kỳ Anh) đều bắn rơi máy bay Mỹ… Nhiều địa danh, nhiều chiến sỹ đã đi vào lịch sử như là huyền thoại với những chiến công vang dội. Tiêu biểu như: Núi Nài, Đèo Ngang, chỉ trong ngày 26/3/1965, quân và dân Thị xã Hà Tĩnh đã bắn rơi 09 máy bay, quân và dân Kỳ Anh bắn rơi 03 máy bay của Mỹ…; Ngã ba Đồng lộc huyền thoại, ghi danh Tiểu đội thanh niên xung phong "Mười cô gái Đồng Lộc" (thuộc Đại đội 552, Tổng đội 55) "sống bám cầu, bám đường, chết kiên cường dũng cảm" đã hy sinh cả tuổi thanh xuân của mình cho cách mạng; Anh hùng La Thị Tám, một mình một trận địa, bám trụ trên đỉnh núi Mòi, giữa mưa bom bão đạn đếm từng quả bom rơi để đánh dấu vào bản đồ cho đồng đội…
Từ năm 1965 - 1975, toàn tỉnh có 92.913 thanh niên nhập ngũ (chiếm 10% dân số toàn tỉnh lúc đó), 334.128 lượt người đi dân công hoả tuyến, 10.636 thanh niên xung phong… Để giành lại độc lập, thống nhất cho Tổ quốc, 13.024 người con của Hà Tĩnh đã anh dũng hy sinh trên các chiến trường. Trong số đó, sự hy sinh của 10 cô gái thanh niên xung phong tại Ngã ba Đồng Lộc (ngày 24/7/1968) là một minh chứng điển hình cho lòng quả cảm, vì nước quên thân của bao thế hệ người Hà Tĩnh. Rất nhiều gia đình có con độc nhất, hoặc 02 con, 03 con, 04 con là liệt sĩ. Nhiều tập thể và cá nhân được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang, nhiều bà mẹ được phong tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam Anh hùng. Tất cả các huyện, thị xã đều được phong tặng là đơn vị Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân. Hàng chục vạn cán bộ, chiến sĩ, dân quân tự vệ và Nhân dân được Đảng, Nhà nước tặng thưởng các loại Huân, Huy chương cao quý. Chặng đường 10 năm đó là một trong những thời kỳ lịch sử vẻ vang, oanh liệt của tỉnh Hà Tĩnh.
2.4. Hà Tĩnh thời kỳ nhập tỉnh Nghệ - Tĩnh (1976 - 1991)
Thực hiện Nghị quyết kỳ họp thứ Hai, Quốc hội khoá V (ngày 27/12/1975) về việc điều chỉnh một số đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương, từ năm 1976, tỉnh Hà Tĩnh hợp nhất với tỉnh Nghệ An thành tỉnh Nghệ Tĩnh. Trải qua 2 kỳ kế hoạch xây dựng CNXH (từ năm 1976 - 1985), tình hình kinh tế - xã hội vùng Hà Tĩnh có nhiều chuyển biến đáng kể. Cơ sở vật chất, kỹ thuật trong các ngành kinh tế, nhất là trong nông nghiệp được đầu tư xây dựng, nâng cấp, đặc biệt, sau 03 năm phấn đấu quyết liệt, ngày 26/3/1979, công trình đại thủy nông Kẻ Gỗ hoàn thành. Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ Tĩnh đã mở hội mừng công trọng thể. Từ đây, 30 vạn Nhân dân vùng hạ du hồ Kẻ Gỗ thoát cảnh hạn hán. Kẻ Gỗ không chỉ có ý nghĩa về kinh tế mà còn là một công trình văn hóa, thể hiện sự đoàn kết, sức mạnh tổng hợp của lòng dân. Hoạt động văn hoá, giáo dục, thể thao… có nhiều chuyển biến cả về chiều rộng lẫn chiều sâu; tình hình chính trị - xã hội ổn định.
Tuy nhiên, do những yếu kém, khó khăn về cả khách quan và chủ quan, cũng như tình hình chung của cả nước, đời sống của các tầng lớp Nhân dân vẫn gặp nhiều khó khăn…
Dưới ánh sáng của Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (năm 1986), trong 5 năm từ 1986 - 1991, công cuộc đổi mới ở Hà Tĩnh đã giành được những thành tựu có ý nghĩa.
Việc chuyển đổi cơ chế quản lý kinh tế trong nông, lâm, ngư nghiệp đã phát huy được tác dụng, mang lại hiệu quả rõ rệt. Năng suất, sản lượng đều tăng. Sản xuất nông sản hàng hoá đều phát triển, nhất là lạc, mía, chè… Kinh tế thuỷ hải sản có chuyển biến cả về quy mô sản xuất, hình thức tổ chức, hiệu quả kinh tế, nhất là tổ chức lại sản xuất và nuôi trồng thuỷ sản. Một số mặt hàng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp có sự tăng trưởng nhanh hơn thời kỳ trước, giá trị sản lượng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trong 5 năm (từ 1986 - 1991) tăng bình quân hàng năm 17,76%... Cơ sở hạ tầng như giao thông, điện, trường học…, được chú ý đầu tư xây dựng.
Các lĩnh vực văn hoá - xã hội có nhiều tiến bộ. Quy mô giáo dục phát triển nhanh hơn trước. Phong trào văn hóa, văn nghệ, thông tin, thể thao có nhiều khởi sắc, nhất là tổ chức được nhiều hoạt động có ý nghĩa nhân dịp kỷ niệm lần thứ 100 Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Mặc dù tình hình thế giới và trong nước cuối thập kỷ 80, đầu thập kỷ 90 diễn biến phức tạp, song Hà Tĩnh vẫn đảm bảo tốt quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội; tình hình chính trị, xã hội ổn định, góp phần tạo điều kiện để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
2.5. Hà Tĩnh 30 năm tái lập tỉnh và phát triển (1991 - 2021)
Giai đoạn 15 năm hợp nhất (từ 1976 - 1991) hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh thành tỉnh Nghệ Tĩnh, bên cạnh những kết quả đạt được, nhất là việc huy động nhân tài, vật lực để xây dựng và phát triển, đã phát sinh không ít khó khăn. Ở một số địa phương, đơn vị, vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng thiếu sâu sát, có biểu hiện chủ quan, nóng vội, duy ý chí; cơ chế quản lý hành chính, tập trung, quan liêu, bao cấp không còn phù hợp với tình hình thực tiễn; tư tưởng cục bộ dần bộc lộ rõ, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Nền kinh tế có quy mô nhỏ, phân tán, tự cung, tự cấp. Tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm, chưa tương xứng với tiềm năng, đặc biệt ở các ngành có thế mạnh như nông, lâm, thủy hải sản. Tình trạng mất cân đối lớn giữa sản xuất và đời sống, giữa sản xuất và lưu thông, giữa tích lũy và tiêu dùng, giữa hàng và tiền, giữa các vùng, miền…, làm cho sản xuất trên nhiều lĩnh vực trì trệ, hiệu quả thấp, kinh tế - xã hội của tỉnh Nghệ Tĩnh dần lâm vào tình trạng khủng hoảng, đời sống Nhân dân gặp nhiều khó khăn.
          Bước vào thời kỳ đổi mới, trước những đòi hỏi khách quan, chủ quan, Đảng và Nhà nước ta đã đánh giá lại việc điều chỉnh địa giới hành chính từ những năm 70 - 80 của thế kỷ XX trên phạm vi cả nước. Kỳ họp thứ IX, thứ X, Quốc hội khóa VIII đã ban hành Nghị quyết điều chỉnh địa giới hành chính của 13 tỉnh, thành phố, chia tách 8 tỉnh thành 16 tỉnh, trong đó có tỉnh Nghệ Tĩnh. Ngày 16/8/1991, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nghệ Tĩnh ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TU về lãnh đạo và tổ chức thực hiện công tác chia tách, tái lập tỉnh Nghệ An và tỉnh Hà Tĩnh.
Sau khi tái lập, tỉnh Hà Tĩnh có 09 đơn vị hành chính (gồm 08 huyện, 01 thị xã[1] với 259 đơn vị hành chính cấp xã), Tỉnh lỵ đặt tại Thị xã Hà Tĩnh. Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh khi được tái lập có 60.712 đảng viên (chiếm 5% dân số), 760 tổ chức cơ sở đảng, trong đó có khoảng 90% là tổ chức cơ sở đảng vững mạnh và khá.
          Hội đồng nhân dân tỉnh có 39 đại biểu. Kỳ họp đầu tiên của Hội đồng nhân dân tỉnh đề ra và thực hiện: (1) Kiện toàn tổ chức bộ máy, (2) Bầu cử các chức danh chủ chốt của bộ máy chính quyền, (3) Ổn định kinh tế - xã hội, (4) Phòng, chống lụt bão và thu hoạch vụ mùa… Từ ngày 01/9/1991, các cơ quan đảng, chính quyền, đoàn thể của tỉnh Hà Tĩnh chính thức đi vào hoạt động.
Trong 05 năm 1991 - 1995, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh khoá XIII, với tinh thần tự lực, tự cường, năng động, sáng tạo, cùng với sự giúp đỡ to lớn, có hiệu quả của Trung ương, Đảng bộ và Nhân dân Hà Tĩnh đã giành được nhiều thành quả quan trọng. Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm đạt 11,3%.
Bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, trong 05 năm từ 1996 - 2000, tỉnh Hà Tĩnh đã tạo được sự phát triển tương đối toàn diện và đồng đều trên các lĩnh vực và địa bàn, đạt và vượt nhiều chỉ tiêu quan trọng mà Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XIV đã đề ra. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm đạt 7,05%; thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 1,5 lần; tỷ trọng nông, lâm, ngư nghiệp trong GDP từ 63,5% xuống còn 51%; giá trị sản xuất công nghiệp, xây dựng tăng từ 10,7% lên 14%; dịch vụ tăng từ 25,8% lên 35%; sản xuất lương thực đạt 46 vạn tấn, bình quân lương thực đầu người 370kg.
Trong 10 năm cùng cả nước thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2001 - 2010, trước những thời cơ và vận hội mới, Đảng bộ và Nhân dân Hà Tĩnh đã nỗ lực phấn đấu giành được nhiều kết quả tích cực. Nổi bật là sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2006 - 2010, Hà Tĩnh đã tập trung mọi nguồn lực, tạo bước đột phá trong phát triển công nghiệp, đồng thời phát triển nông nghiệp toàn diện gắn với quá trình đô thị hóa. Trong giai đoạn này tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm đạt 9,5% (giai đoạn 2001 - 2005 là 8,6%/năm). GDP bình quân đầu người năm 2010 đạt 14,5 triệu đồng/người/năm. Cơ cấu chuyển dịch đúng định hướng. Công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tăng trưởng nhanh, giá trị sản xuất tăng bình quân hàng năm 18,7% (giai đoạn 2001 - 2005 là 15,7%). Thu hút và triển khai đầu tư một số dự án trọng điểm có quy mô quốc gia, từng bước hình thành trung tâm công nghiệp nặng quy mô lớn của khu vực và cả nước tại Khu kinh tế Vũng Áng với các sản phẩm chủ lực là gang thép, nhiệt điện, lọc hoá dầu, cảng biển nước sâu, công nghiệp phụ trợ. Một số công trình, dự án từng bước đi vào hoạt động góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh...
Từ năm 2010 đến nay, trước những thời cơ và vận hội mới, Đảng bộ và Nhân dân Hà Tĩnh đã nỗ lực phấn đấu giành được kết quả rất quan trọng và khá toàn diện. Đặc biệt, từ sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020, kinh tế của tỉnh đạt kết quả quan trọng. Tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 4,55%[2], chất lượng từng bước được nâng lên. Quy mô nền kinh tế gấp hơn 1,4 lần so với năm 2015[3]; tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đầu người tăng từ 39,7 triệu đồng lên 62,1 triệu đồng, thu nhập bình quân đầu người tăng từ 23 triệu đồng lên 38,8 triệu đồng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng nông nghiệp năm 2020 còn 16,29%, công nghiệp - xây dựng 40,49%, dịch vụ 43,22%. Cơ cấu lao động chuyển dịch tích cực[4]; năng suất lao động bình quân tăng 11,1%/năm.
Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050 được cụ thể hoá bằng các quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực. Quy hoạch xây dựng vùng Nam Nghệ An - Bắc Hà Tĩnh và Nam Hà Tĩnh - Bắc Quảng Bình được triển khai, tạo liên kết vùng; tập trung đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng khu vực, đặc biệt là hạ tầng giao thông, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Công nghiệp tăng trưởng nhanh, tiếp tục là động lực chủ yếu của nền kinh tế, bình quân đạt 31,1%/năm. Tỷ trọng công nghiệp tăng nhanh, từ 16,37% năm 2016 lên 33,17% năm 2020. Dự án Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương Formosa Hà Tĩnh (giai đoạn 1) đi vào hoạt động, trở thành hạt nhân tăng trưởng của nền kinh tế. Một số dự án công nghiệp quan trọng được khởi công, hoàn thành và bước đầu phát huy hiệu quả[5]. Các sản phẩm công nghiệp chủ lực mới như thép, điện năng đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế.  
Cơ cấu lại ngành nông nghiệp đạt kết quả khá. Tốc độ tăng trưởng bình quân toàn ngành đạt 2,01%. Tỷ trọng giá trị sản xuất ngành chăn nuôi tăng từ 46,58% lên 52,55%; tỷ trọng nhóm các sản phẩm chủ lực[6] tăng từ 30,4% lên trên 46%; giảm tỷ trọng trồng trọt từ 47,82% xuống còn 42,32%; đến cuối năm 2020 có 50 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao, 4 sao. Giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích tăng từ 70 triệu đồng/ha lên trên 90 triệu đồng/ha.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới làm thay đổi căn bản diện mạo nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân. Đến cuối năm 2020, có 171/182 xã đạt chuẩn, vượt mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII giai đoạn 2015 - 2020 và vượt chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao trước 2,5 năm; có 08 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao thuộc 8 đơn vị cấp huyện; 7/13 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (Nghi Xuân, Can Lộc, Đức Thọ, Thạch Hà, thành phố Hà Tĩnh và thị xã Hồng Lĩnh), 3 huyện: Lộc Hà, Vũ Quang, Cẩm Xuyên có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; 438/1.647 thôn đạt chuẩn Khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu (chiếm tỷ lệ 26,6%), 5.244 vườn mẫu đạt chuẩn. Xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, vườn mẫu với những cách làm sáng tạo, đạt kết quả nổi bật, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng toàn diện chương trình xây dựng nông thôn mới.
Dịch vụ, thương mại, du lịch từng bước khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của tỉnh, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động. Tăng trưởng bình quân 3,61%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng bình quân gần 6%/năm; kết cấu hạ tầng dịch vụ, thương mại phát triển theo hướng văn minh, hiện đại; thị trường hàng hóa ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu tiêu dùng của người dân; công tác xã hội hóa đầu tư, chuyển đổi mô hình quản lý chợ, bảo vệ người tiêu dùng tiếp tục được quan tâm. Kết nối tour, tuyến du lịch được chú trọng. Giá trị kim ngạch xuất khẩu tăng gấp 9,7 lần so với năm 2015.
Về tài nguyên du lịch, Hà Tĩnh được xem là điểm đến hấp dẫn thuộc vùng du lịch Bắc bộ và được xác định là một trong những ngành kinh tế có lợi thế của tỉnh. Về với Hà Tĩnh, du khách có thể đi thăm các di tích lịch sử văn hóa tâm linh, như đền Chợ Củi (huyện Nghi Xuân), chùa Hương Tích (huyện Can Lộc), đền thờ Nguyễn Thị Bích Châu (thị xã Kỳ Anh),… Khu bảo tồn thiên nhiên Vũ Quang, hồ Kẻ Gỗ, các di tích gắn với cuộc đời của Đại thi hào Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, Đình nguyên Tiến sĩ Phan Đình Phùng; Khu lưu niệm Tổng bí thư Trần Phú, Hà Huy Tập; Khu lưu niệm Anh hùng Liệt sỹ Lý Tự Trọng; di tích gắn với chiến thắng vẻ vang của dân tộc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước như Ngã ba Đồng Lộc...; suối nước nóng Sơn Kim. Toàn tỉnh hiện có có 07 khu du lịch biển, có đường bờ biển dài với những bãi biển đẹp như: Thiên Cầm (huyện Cẩm Xuyên), Xuân Thành (huyện Nghi Xuân), Thạch Hải (huyện Thạch Hà), Thạch Bằng (huyện Lộc Hà), khu du lịch biển Quỳnh Viên - Lê Khôi, biển Thạch Văn - Thạch Trị (huyện Thạch Hà), biển Kỳ Xuân (huyện Kỳ Anh), biển Đèo Con (thị xã Kỳ Anh)… với lợi thế nổi trội về phát triển du lịch biển...
Các thành phần kinh tế phát triển đúng định hướng, góp phần huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong xã hội. Hoàn thành cổ phần hóa và từng bước thoái vốn tại các doanh nghiệp nhà nước theo lộ trình đã được Chính phủ phê duyệt. Các doanh nghiệp sau sắp xếp, đổi mới cơ bản hoạt động thích ứng với cơ chế thị trường[7]. Khu vực kinh tế tư nhân phát triển khá, đóng góp quan trọng vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm và tăng thu ngân sách[8]. Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tăng trưởng cao, đóng góp trên 30% GRDP. Kinh tế tập thể từng bước hoạt động thực chất, hiệu quả[9].
Hoạt động tài chính, tín dụng cơ bản đáp ứng nhu cầu vốn phát triển kinh tế - xã hội và phục vụ đời sống Nhân dân. Tổng thu ngân sách năm 2020 đạt 10.126 tỷ đồng bằng 80% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó, thu nội địa chiếm 69,81%; thu cân đối hoạt động xuất nhập khẩu chiếm 20,66% và thu khác chiếm 9,53%, tăng 27,75%. Tăng tỷ trọng thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh trong cơ cấu thu nội địa. Chi ngân sách địa phương cơ bản đáp ứng các nhiệm vụ. Các tổ chức tín dụng trên địa bàn phát triển khá[10]. Huy động vốn tăng trưởng bình quân đạt 16,5%/năm[11], trong đó vốn trung và dài hạn tăng trưởng trên 30%/năm. Dư nợ tín dụng tăng bình quân 17,6%/năm[12]. Kịp thời triển khai các chính sách hỗ trợ tín dụng, đáp ứng nhu cầu vốn phát triển kinh tế và an sinh xã hội[13].
Huy động và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Tổng nguồn vốn huy động đạt 159 nghìn tỷ đồng. Cơ cấu vốn đầu tư toàn xã hội chuyển dịch tích cực, tỷ trọng đầu tư từ khu vực tư nhân tăng khá[14], tỷ trọng vốn FDI năm 2020 chiếm 12,11%; thu hút đầu tư trong nước đạt kết quả tích cực[15]. Xã hội hóa đầu tư đạt kết quả nổi bật, nhất là nguồn đầu tư hạ tầng đô thị, thương mại, giáo dục - đào tạo[16], kêu gọi được một số tập đoàn lớn như Vingroup, Dự án thành phố giáo dục quốc tế,... đầu tư, nghiên cứu đầu tư các dự án lớn trên địa bàn.
Mở rộng và thúc đẩy quan hệ hợp tác với các nước, các địa phương của các nước, các tổ chức, tập đoàn kinh tế, định chế tài chính lớn trong khu vực và thế giới. Tích cực vận động nguồn vốn ODA đầu tư kết cấu hạ tầng; tranh thủ nguồn vốn NGO cho các lĩnh vực y tế, giảm nghèo, an sinh xã hội, bảo vệ môi trường; hợp tác quốc tế về giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, du lịch[17]... Đổi mới phương thức tuyên truyền, thông tin đối ngoại nhằm quảng bá hình ảnh Hà Tĩnh đến với bạn bè trong nước, quốc tế và kiều bào ở nước ngoài.
Giai đoạn 2010 - 2020, vận động, thu hút được trên 230 chương trình, dự án
viện trợ không hoàn lại, viện trợ phi chính phủ nước ngoài với tổng giá trị giải
ngân đạt gần 17,3 triệu USD, chủ yếu trên các lĩnh vực y tế, giáo dục, nông
nghiệp, bảo vệ môi trường, phòng chống biến đổi khí hậu, cứu trợ khẩn cấp...

Kết cấu hạ tầng được đầu tư đồng bộ, thay đổi căn bản theo hướng hiện đại; bộ mặt đô thị, nông thôn có nhiều khởi sắc. Các công trình thủy lợi được quy hoạch, đầu tư xây dựng thành mạng lưới hoàn thiện phục vụ sản xuất. Đến nay, có 351 hồ chứa nước, 90 đập dâng, 455 trạm bơm, 12 cống ngăn mặn giữ ngọt lớn và 6.333 km kênh mương các loại. Trong đó, có một số công trình thủy lợi kết hợp thủy điện quan trọng như: Thủy điện Kẻ Gỗ công suất 03MW; thủy điện Ngàn Trươi - Cẩm Trang công suất 25,5MW (hiện đang trong quá trình thi công nhà máy)...
Đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp, củng cố hệ thống lưới điện trên địa bàn tỉnh[18], nhất là hệ thống lưới điện nông thôn[19].
Hạ tầng các khu, cụm công nghiệp và khu kinh tế trên địa bàn được nâng cấp nhằm thu hút, mời gọi các nhà đầu tư. Hạ tầng kỹ thuật đô thị có những bước phát triển vượt bậc, nhiều dự án hạ tầng kinh tế được đầu tư. Hệ thống đô thị trên toàn tỉnh được quy hoạch, xây dựng đồng bộ. Hiện nay, Hà Tĩnh có 2 đô thị loại IV, 13 đô thị loại V; Thị xã Hà Tĩnh từ một đô thị nhỏ, chậm phát triển, đến năm 2007 trở thành thành phố trực thuộc tỉnh[20], đến năm 2019 được công nhận là đô thị loại II[21].
Văn hoá - xã hội có bước chuyển biến tích cực, đời sống tinh thần của Nhân dân được cải thiện. Toàn tỉnh hiện có trên 1.800 di tích lịch sử - văn hoá đã được kiểm kê, trong đó có 02 di tích quốc gia đặc biệt là hệ thống di tích đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh tỉnh Hà Tĩnh (địa điểm Ngã ba Đồng Lộc và Sở chỉ huy 559 tại xã Hương Đô - Hương Khê) và Khu lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du; 86 di tích cấp quốc gia và 501 di tích được xếp hạng cấp tỉnh với đủ các loại hình: Di tích lịch sử, di tích kiến trúc nghệ thuật, di tích khảo cổ và di tích danh thắng. Công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được chú trọng, nhất là các di sản được UNESCO vinh danh như: Dân ca Ví - Giặm Nghệ Tĩnh, di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại; Ca Trù Cổ Đạm, di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại cần được bảo vệ khẩn cấp; 02 di sản tư liệu ký ức thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương là Mộc bản trường học Phúc Giang và tập bản đồ Hoàng Hoa sứ trình đồ. Đặc biệt, tác phẩm “Truyện Kiều” của Đại Thi hào Nguyễn Du là một kiệt tác văn học, “Tác phẩm văn học tạo nên nhiều kỷ lục quốc gia nhất”, đã trở thành một phần của tinh hoa văn hóa nhân loại.
Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh tạo lan tỏa sâu rộng. Đến cuối năm 2020, toàn tỉnh có 340.584/374.517 gia đình văn hóa (đạt 90.9%); 1.869/1.977 thôn, tổ dân phố văn hóa (đạt 94,5%); 14 phường đạt chuẩn văn minh đô thị; 841/1.465 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa. Thể thao quần chúng được quan tâm phát triển sâu rộng, luôn nằm trong tốp dẫn đầu toàn quốc; thể thao thành tích cao tiếp tục được đầu tư, các vận động viên Hà Tĩnh giành nhiều huy chương cấp quốc gia, khu vực và thế giới. Đặc biệt, Câu lạc bộ bóng đá Hồng Lĩnh Hà Tĩnh ở vị trí nằm trong nhóm 8 đội mạnh nhất giải V.League 2020; đội bóng chuyền nam Hà Tĩnh đạt thành tích xuất sắc tại giải Bóng chuyền vô địch quốc gia 2021... Đến nay, số người tập thể dục, thể thao thường xuyên là đạt 35,7%; số gia đình tập thể dục, thể thao thường xuyên là 25,6%.
Giáo dục - đào tạo đạt kết quả khá toàn diện. Tiếp tục thực hiện lộ trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, quy hoạch lại hệ thống trường lớp, đáp ứng nhu cầu học tập, nâng cao chất lượng giáo dục[22]. Cơ sở vật chất trường học được củng cố theo hướng chuẩn hóa[23]. Công tác xã hội hóa, mở rộng các loại hình đào tạo đạt kết quả khá. Chất lượng giáo dục toàn diện cơ bản được giữ vững; đạt chuẩn phổ cập giáo dục các cấp học[24]; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông hằng năm đạt trên 97%, tỷ lệ học sinh vào đại học, cao đẳng trên 43% số học sinh tốt nghiệp; tỷ lệ học sinh giỏi quốc gia nhiều năm liền thuộc tốp đầu cả nước; có 03 học sinh đạt huy chương quốc tế và khu vực[25].
Chất lượng giáo dục nghề nghiệp được nâng lên; thực hiện phân luồng học sinh, liên kết đào tạo nghề với doanh nghiệp đạt kết quả bước đầu[26], đào tạo nghề hằng năm bình quân gần 18 nghìn người. Chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn và lao động đặc thù, gắn với giải quyết việc làm; tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 53% lên 70%.
Công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân được quan tâm thực hiện. Đổi mới, sắp xếp lại tổ chức bộ máy y tế tinh gọn, nâng cao hiệu quả hoạt động và thực hiện phân cấp quản lý y tế cơ sở theo Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII[27]... Thời gian qua, cả hệ thống chính trị tiếp tục tập trung cao độ, quyết liệt trong công tác phòng, chống, kiểm soát dịch Covid-19 với cách làm chủ động, sâu sát, hạn chế tối đa dịch bệnh lây nhiễm trong cộng đồng. Y tế dự phòng được chú trọng, kịp thời ngăn chặn các dịch bệnh. Năng lực chuyên môn, y đức của đội ngũ thầy thuốc có nhiều chuyển biến tích cực; tiếp cận được nhiều dịch vụ kỹ thuật chuyên sâu, dịch vụ tuyến Trung ương. Cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong khám, chữa bệnh được đẩy mạnh; người dân bước đầu được theo dõi quản lý sức khỏe qua hệ thống hồ sơ điện tử. 90% trạm y tế có bác sĩ; 100% xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí quốc gia về y tế; đạt kế hoạch 26 giường bệnh/vạn dân, 10,5 bác sỹ/vạn dân; tỷ lệ người dân có thẻ bảo hiểm y tế tăng từ 71% lên 90%; tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể nhẹ cân còn 9%.
Chuyển dịch cơ cấu lao động, giải quyết việc làm, giảm nghèo, thực hiện chính sách xã hội đạt kết quả tốt. Cơ cấu lao động tham gia hoạt động kinh tế trên địa bàn chuyển dịch theo hướng giảm lao động khu vực nông nghiệp, tăng lao động khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ[28]. Bình quân hằng năm tạo việc làm cho trên 23.500 lao động, trong đó hơn 8.500 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Thực hiện tốt chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp[29].
Chính sách đối với người có công được quan tâm, an sinh xã hội được đảm bảo[30]. Thực hiện đồng bộ, hiệu quả Chương trình giảm nghèo bền vững; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều từ 11,4% giảm còn dưới 3%. Huy động tốt các nguồn lực để xây dựng nhà ở cho các đối tượng chính sách, gia đình khó khăn[31]. Đặc biệt, để kịp thời khắc phục hậu quả lũ lụt lịch sử năm tháng 10/2020, Hà Tĩnh đã kêu gọi được 240 tỷ đồng từ các tập đoàn, doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm hỗ trợ chương trình xây dựng nhà ở cho người dân và nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh trú bão, lũ. Đến cuối tháng 5/2021, toàn tỉnh đã hoàn thành, đưa vào sử dụng 610 ngôi nhà và đang gấp rút chỉ đạo để đến tháng 9/2021 hoàn thành 2.053 nhà ở kiên cố cho người có công, hộ nghèo, hộ bị ảnh hưởng do thiên tai; hoàn thành 10 nhà và phấn đấu đến tháng 9/2021 sẽ hoàn thành tổng số 25 nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh trú bão, lũ theo kế hoạch năm 2021.
Khoa học - công nghệ, thông tin truyền thông đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội. Chú trọng xây dựng, ban hành các chính sách phát triển khoa học và công nghệ. Hoàn thiện tổ chức, đổi mới cơ chế quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động các đơn vị sự nghiệp; triển khai các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm[32]. Hình thành một số doanh nghiệp khoa học và công nghệ, góp phần khơi dậy tinh thần đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp. Tỷ lệ đổi mới khoa học và công nghệ trung bình đạt 13,6%/năm. Ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển khoa học và công nghệ; triển khai các chủ trương, chính sách về nghiên cứu, ứng dụng đạt kết quả bước đầu[33]. Chuyển đổi 100% đơn vị sự nghiệp khoa học và công nghệ sang cơ chế tự chủ. Thành lập sàn giao dịch công nghệ thiết bị trực tuyến tỉnh, ứng dụng kịp thời các kết quả nghiên cứu vào sản xuất, kinh doanh, quản lý. Hợp tác với các viện, trường đại học, trung tâm nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao thành công một số công nghệ mới vào sản xuất, kinh doanh, bảo vệ môi trường, nâng cao giá trị các sản phẩm[34].
Hoạt động thông tin truyền thông bám sát nhiệm vụ chính trị, từng bước đáp ứng nhu cầu của Nhân dân; hạ tầng thông tin và truyền thông, mạng lưới và nhiều loại hình dịch vụ được mở rộng[35]; ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính và xây dựng chính quyền điện tử đạt kết quả khá. Các cơ quan báo chí trên địa bàn cơ bản bám sát tôn chỉ, mục đích hoạt động, tích cực tuyên truyền hiệu quả các nhiệm vụ chính trị[36]; hoạt động thông tin đối ngoại, thông tin cơ sở được tăng cường, mở rộng.
Hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên được nâng lên; công tác bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu ngày càng được quan tâm. công tác quản lý quy hoạch, khai thác, sử dụng tài nguyên được tăng cường, chú trọng quản lý khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế rừng, đất lâm nghiệp, tài nguyên nước và biển. Công tác đo đạc, lập bản đồ, xây dựng hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân cơ bản hoàn thành[37]. Các tồn đọng trong lĩnh vực đất đai được tập trung xử lý. Việc cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản đảm bảo đúng quy định, chủ yếu thông qua hình thức đấu giá.
Công tác bảo vệ môi trường ngày càng được quan tâm[38]. Triển khai thực hiện Đề án xử lý chất thải rắn; xử lý 12 cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, tập trung giải quyết hậu quả sự cố môi trường biển; giám sát chặt chẽ việc khắc phục các vi phạm của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh. Tích cực, chủ động các phương án ứng phó biến đổi khí hậu; ưu tiên nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng thuỷ lợi, phòng, chống thiên tai, xâm nhập mặn, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai.
Công tác cải cách hành chính được tập trung chỉ đạo. Ban hành kịp thời các nhóm chính sách trên các lĩnh vực; rà soát, cập nhật, công bố đầy đủ thủ tục hành chính. Kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy theo Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XII[39]. Thành lập Trung tâm phục vụ hành chính công của tỉnh và hệ thống trung tâm hành chính công cấp huyện, bộ phận tiếp nhận, trả kết quả cấp xã hoạt động hiệu quả. Chất lượng giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” có nhiều chuyển biến. Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động điều hành, quản lý nhà nước được đẩy mạnh[40]. Hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị, chính quyền địa phương các cấp từng bước được nâng cao.
Công tác xây dựng Đảng luôn được quan tâm xây dựng trên tất cả các mặt: Chính trị, tư tưởng, đạo đức và tổ chức; phương thức lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ đảng từng bước được đổi mới và hiệu quả công tác ngày càng cao. Chính quyền các cấp có nhiều đổi mới trong hoạt động chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân. Công tác vận động quần chúng có nhiều chuyển biến, tiến bộ.
Qua 30 năm, tổ chức đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã có nhiều thay đổi, tăng số lượng cấp huyện từ 09 lên 13 đơn vị (thành lập thị xã Hồng Lĩnh - 1993; huyện Vũ Quang - 2000; huyện Lộc Hà - 2007; thị xã Kỳ Anh - 2015); giảm số lượng cấp xã từ 264 (năm cao nhất) còn 216 đơn vị, cấp xã giảm được 830 thôn, tổ dân phố, 786 đầu mối tổ chức hội; giảm được 3.520 biên chế hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
Xác định công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng là nhiệm vụ hàng đầu, thường xuyên, công tác xây dựng Ðảng ngày càng được chú trọng. Công tác chính trị, tư tưởng, giữ vững sự đoàn kết thống nhất trong toàn Ðảng bộ được quan tâm; phát huy tinh thần, trách nhiệm trong cấp ủy, tổ chức đảng và hệ thống chính trị các cấp, tạo niềm tin và sự đồng thuận của Nhân dân; chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên được nâng cao. Coi trọng rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, phát huy tính tiên phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Tập trung lãnh đạo xây dựng, củng cố, kiện toàn tổ chức đảng; phát triển và nâng cao chất lượng đảng viên; phát triển tổ chức đảng trong các doanh nghiệp; đổi mới và tạo chuyển biến trong công tác cán bộ. Từ hơn 62.000 đảng viên năm 1992, đến nay Ðảng bộ đã có 99.126 đảng viên sinh hoạt ở 636 đảng bộ, chi bộ cơ sở của 17 đảng bộ trực thuộc. Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Ðảng được tăng cường. Từ ngày tái lập tỉnh đến nay, cấp ủy các cấp đã tiến hành kiểm tra đối với 10.964 tổ chức đảng; 15.025 đảng viên; giám sát chuyên đề đối với 5.317 tổ chức đảng, 7.951 đảng viên. Tiếp nhận và giải quyết 139 trường hợp cá nhân khiếu nại kỷ luật đảng; giải quyết tố cáo đối với 3.045 đảng viên, trong đó có 1.050 cấp ủy viên các cấp. Ủy ban kiểm tra các cấp đã tiến hành kiểm tra 81.049 đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm, trong đó có 16.149 cấp uỷ viên các cấp; kiểm tra 6.710 tổ chức đảng cấp dưới khi có dấu hiệu vi phạm; kiểm tra 18.180 tổ chức đảng cấp dưới thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát; 5.971 tổ chức đảng cấp dưới thực hiện nhiệm vụ thi hành kỷ luật[41], thi hành kỷ luật 306 tổ chức đảng, 16.172 đảng viên.
Công tác dân vận đã luôn bám sát nhiệm vụ chính trị; phát huy dân chủ, tăng cường sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; chăm lo lợi ích thiết thực, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo quốc phòng, an ninh. Trên tinh thần Nghị quyết số 8B-NQ/HNTW của Ban Chấp hành (Khóa VI) và Nghị quyết số 25-NQ/TW, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”, các cấp ủy đảng đã từng bước đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận theo hướng đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả. Các tổ chức trong hệ thống chính trị, đặc biệt là các cơ quan nhà nước thể hiện được vai trò, trách nhiệm trong thực hiện công tác dân vận, tạo sự chuyển biến trong các hoạt động công vụ, đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao trách nhiệm, thái độ phục vụ của cán bộ, công chức đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của Nhân dân; dân chủ và thực hành dân chủ ngày càng được phát huy, mở rộng trên các lĩnh vực đời sống xã hội; phong trào thi đua dân vận khéo đã đi vào cuộc sống[42], phát huy được sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, giải phóng mặt bằng, di dời tái định cư; đảm bảo quốc phòng - an ninh, xử lý, giải quyết các vấn để nảy sinh phức tạp ở cơ sở[43]. Sự đổi mới căn bản, toàn diện công tác dân vận, đã góp phần quan trọng vào việc xác lập, củng cố và tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân, giữa Nhân dân với Đảng, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, cổ vũ, động viên các tầng lớp Nhân dân thi đua thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ.
Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đã phát huy khá tốt vai trò, trách nhiệm, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, tham gia sâu vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội ở địa phương, nhất là những thời điểm khó khăn sau sự cố môi trường biển năm 2016...; nâng cao tỷ lệ thu hút, tập hợp đoàn viên, hội viên[44]; hướng mạnh hoạt động về cơ sở, lựa chọn việc trọng tâm, trọng điểm gắn với nhiệm vụ chính trị và mang lại lợi ích thiết thực cho đoàn viên, hội viên và Nhân dân[45]. Quan tâm củng cố, kiện toàn sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh gọn đầu mối bên trong; sáp nhập, hợp nhất một số tổ chức hội quần chúng đặc thù có tính chất, chức năng, nhiệm vụ tương đồng gắn với nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Công tác giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội đã có bước chuyển biến từ nhận thức sang hành động với kết quả rõ nét[46], từng bước phát huy vai trò là tổ chức đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân, là cầu nối giữa cấp ủy Đảng, chính quyền với Nhân dân.
Quốc phòng, an ninh được giữ vững, nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân, nền an ninh Nhân dân, thế trận an ninh Nhân dân và khu vực phòng thủ của tỉnh, huyện được củng cố, xây dựng ngày càng vững chắc, tạo môi trường ổn định để phát triển kinh tế - xã hội, hợp tác đối ngoại, góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.
III. PHÁT HUY NHỮNG THÀNH TỰU ĐÃ ĐẠT ĐƯỢC TRONG 190 NĂM QUA, TIẾP TỤC ĐẨY MẠNH TOÀN DIỆN CÔNG CUỘC ĐỔI MỚI, XÂY DỰNG HÀ TĨNH TRỞ THÀNH TỈNH CÓ CÔNG NGHIỆP, NÔNG NGHIỆP VÀ DỊCH VỤ PHÁT TRIỂN
Phát huy truyền thống lịch sử, văn hóa, cách mạng của quê hương, và thực tiễn phát triển trong 30 năm tái lập tỉnh, Đảng bộ Hà Tĩnh đã đúc rút được nhiều bài học kinh nghiệm quý báu; kế thừa và phát triển; xác định phương hướng, mục tiêu ngày càng rõ hơn qua các giai đoạn, cho thấy những bước tiến mới về tư duy, thể hiện rõ trí tuệ, bản lĩnh dám nghĩ, dám làm, quyết tâm đưa Hà Tĩnh thoát khỏi tỉnh nghèo, vươn lên phát triển nhanh và bền vững. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020- 2025 đã đề ra mục tiêu tổng quát: Xây dựng Hà Tĩnh trở thành tỉnh có công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ phát triển, hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, văn hóa phát triển, xã hội tiến bộ, quốc phòng - an ninh đảm bảo, trở thành một trong những cực phát triển của vùng Bắc Trung Bộ; cải thiện toàn diện đời sống Nhân dân; đến năm 2025 tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới, thu nhập bình quân đầu người cao hơn bình quân các tỉnh Bắc Trung Bộ, phấn đấu năm 2030 trở thành tỉnh khá của cả nước”. Mục tiêu đã thể hiện ý chí quyết tâm, khát vọng vươn lên mạnh mẽ và sự đoàn kết, nhất trí cao, đồng sức, đồng lòng, vượt qua mọi khó khăn, thách thức của Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh, quyết tâm xây dựng tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn tỉnh nông thôn mới, sớm trở thành tỉnh khá của cả nước, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Nghị quyết đã nêu 8 nhiệm vụ trọng tâm cơ bản sau:
1. Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, đường lối đổi mới toàn diện, đồng bộ của Đảng. Chú trọng xây dựng Đảng vững mạnh toàn diện về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức và cán bộ. Thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI, khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, các quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên.
Tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII. Gắn chặt các khâu quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ. Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, trước hết là chất lượng cấp ủy, chất lượng cán bộ, đảng viên và sinh hoạt Đảng. Thực hiện nghiêm túc các nguyên tắc của Đảng. Cụ thể hóa cơ chế kiểm soát quyền lực, kiên quyết chống chạy chức, chạy quyền trong công tác cán bộ.
2. Đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng và phòng, chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm. Phát huy rõ hơn vai trò các đoàn công tác của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các cấp ủy đảng, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan truyền thông, cán bộ, đảng viên và Nhân dân, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; tăng cường, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng với Nhân dân. Đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp uỷ, tổ chức đảng và hoạt động quản lý, điều hành của cơ quan nhà nước.
3. Đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu, trên cơ sở khoa học - công nghệ, ứng dụng thành tựu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phát triển kinh tế số, “kinh tế xanh”, các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp hỗ trợ sau thép, dịch vụ cảng biển và logistics; thu hút đầu tư các dự án năng lượng mới, năng lượng tái tạo.
 Tập trung chuyển dịch cơ cấu, nâng cao năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động; tăng cường thu hút đầu tư, nâng tỉ lệ lấp đầy các khu, cụm công nghiệp; xây dựng Khu Kinh tế Vũng Áng thực sự trở thành khu kinh tế đa chức năng. Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp; tiếp tục triển khai mạnh mẽ, đồng bộ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị văn minh, giảm nghèo bền vững; tập trung xây dựng tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới. Phát triển dịch vụ cảng biển và hậu cần (logistics) trở thành trụ cột kinh tế quan trọng; nâng cao chất lượng dịch vụ, nguồn nhân lực, phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch.
4. Huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực tập trung xây dựng hạ tầng đồng bộ, nhất là hệ thống giao thông trọng yếu, hạ tầng Khu Kinh tế Vũng Áng, hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, hạ tầng đô thị, hạ tầng số, hình thành các trục phát triển, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, liên kết nông thôn mới với đô thị và các vùng. Đẩy mạnh huy động xã hội hóa nguồn lực đầu tư hạ tầng văn hóa, giáo dục, y tế. Quản lý chặt chẽ, sử dụng hợp lý, hiệu quả đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động, tích cực triển khai hiệu quả các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu.
5. Chú trọng đầu tư lĩnh vực văn hóa, xây dựng và khơi dậy các giá trị chuẩn mực của con người Hà Tĩnh trong giai đoạn mới. Tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo, thực hiện hiệu quả các chính sách đào tạo nguồn nhân lực. Nâng cao chất lượng công tác bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ Nhân dân. Chăm lo thực hiện tốt chính sách đối với người có công, công tác giảm nghèo, đặc biệt chú trọng các xã miền núi, ven biển; đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân. 
6. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch, ổn định; ưu tiên thu hút đầu tư hạ tầng khu công nghệ thông tin gắn với hạ tầng số... Xây dựng và áp dụng linh hoạt hình thức huy động, các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư; lồng ghép hiệu quả nguồn vốn đầu tư của các doanh nghiệp, dân cư với nguồn vốn ngân sách nhà nước.
7. Triển khai thực hiện hiệu quả chiến lược bảo vệ Tổ quốc, chiến lược đảm bảo an ninh quốc gia trong tình hình mới; xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc. Giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh, bền vững với ba trụ cột “kinh tế - xã hội - môi trường”. Tăng cường và nâng cao năng lực, hiệu quả hội nhập quốc tế trên các lĩnh vực.
8. Lãnh đạo, chỉ đạo học tập, quán triệt, tuyên truyền kịp thời, sâu rộng; xây dựng chương trình hành động, kế hoạch cụ thể, tổ chức thực hiện quyết liệt, hiệu quả Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
*

*                *

Kỷ niệm 190 năm thành lập, 30 tái lập tỉnh Hà Tĩnh, Đảng bộ, toàn quân, toàn dân, con em Hà Tĩnh trên mọi miền Tổ quốc và ở nước ngoài càng thêm tin tưởng, phấn khởi, tự hào; phát huy dân chủ, đoàn kết, ý chí, khát vọng, giá trị văn hóa và sức mạnh con người Hà Tĩnh, chủ động nắm bắt thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức; hăng hái thi đua lao động sản xuất, học tập và công tác; phát huy truyền thống tốt đẹp của quê hương, quyết tâm xây dựng tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2025, phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh khá của cả nước như mục tiêu Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã đề ra.

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ




                  
         


 
 

[1] Đức Thọ, Nghi Xuân, Can Lộc, Thạch Hà, Hương Khê, Hương Sơn, Kỳ Anh,Cẩm Xuyên và thị xã Hà Tĩnh.
   [2] Năm 2016 giảm 14,58%, năm 2017 tăng 9,9%, năm 2018 tăng 20,85%, năm 2019 tăng 9,44%, năm 2020 tăng 0,53%.
   [3] Năm 2015 đạt 55,676 nghìn tỷ đồng; năm 2020 đạt gần 84 nghìn tỷ đồng.
   [4] Cơ cấu lao động đang hoạt động trong khu vực nông, lâm thủy sản, công nghiệp - xây dựng và dịch vụ năm 2015 và đến năm 2020 lần lượt là: 55,5% - 16,2% - 28,3%,  43% - 23,7% - 33,3%, 50,63% - 30,61%.
   [5] Dự án Nhà máy sản xuất gỗ MDF/HDF Thanh Thành Đạt tại CCN Vũ Quang; một số dự án công nghiệp tại KCN Gia Lách, CCN Nam Hồng, CCN Phù Việt, CCN Bắc Cẩm Xuyên; dự án điện mặt trời tại Cẩm Xuyên.
   [6] Như: Cam, bưởi Phúc Trạch, rau củ quả, chè, lợn, bò, hươu, tôm nuôi, hải sản, gỗ nguyên liệu rừng trồng.
[7] Có 5 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước không thực hiện cổ phần hóa; có 5 doanh nghiệp đã cổ phần hóa hiện đang thực hiện thoái vốn.
[8] Thành lập mới 5.600 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký trên 39 nghìn tỷ đồng, vượt mục tiêu Đại hội. Năm 2020 toàn tỉnh có trên 10.000 doanh nghiệp, bình quân đạt 79 doanh nghiệp/1 vạn dân. Khu vực kinh tế tư nhân đóng góp từ 34,6% GRDP năm 2016 lên 56,6% GRDP năm 2019; giải quyết việc làm cho gần 60 nghìn lao động, đóng góp ngân sách tăng từ 2.760 tỷ đồng năm 2016 lên hơn 3.500 tỷ đồng năm 2019.
[9] Giai đoạn 2016 - 2020 thành lập 425 hợp tác xã, 1.860 tổ hợp tác; lũy kế đến nay toàn tỉnh có 970 hợp tác xã, 3.462 tổ hợp tác có quy mô vốn đăng ký, doanh thu tăng cao so với đầu nhiệm kỳ, tạo việc làm ổn định cho hơn 46 nghìn lao động.
[10] Có 53 tổ chức tín dụng hoạt động trên địa bàn, tăng 9 đơn vị so với đầu nhiệm kỳ, trong đó có 19 chi nhánh ngân hàng thương mại cấp 1.
[11] Năm 2016: 11,58%; năm 2017: 21,89%; năm 2018; 16,3%; năm 2019: 16,8%; năm 2020: 16%.
[12] Năm 2016: 23,1%; năm 2017: 14,44%; năm 2018: 14,24%; năm 2019: 20%; năm 2020: 16%.
[13] Cho vay hỗ trợ lãi suất 4.220 tỷ đồng; tổng dư nợ cho vay trên 50.000 tỷ đồng, tăng 1,9 lần so với cuối 2015.
[14] Năm 2016 chiếm 25,7%, đến năm 2020 chiếm 60% trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội.
[15] Thu hút 813 dự án trong nước, tổng vốn đăng ký 32.280 tỷ đồng và 30 dự án FDI, tổng vốn đăng ký 372 triệu USD.
   [16] Chuyển giao 137 chợ sang mô hình doanh nghiệp, hợp tác xã quản lý, đạt kết quả tốt; 10 trường tư thục. Ngân sách nhà nước bỏ ra 1 đồng huy động được 4 đồng làm hạ tầng đô thị, 4 đồng làm đường giao thông nông thôn, 39,5 đồng đầu tư hạ tầng chợ, 10,6 đồng xây dựng nông thôn mới.
      [17] Có 24 dự án ODA với tổng mức đầu tư 8.112 tỷ đồng; 30 dự án FDI với tổng vốn 372 triệu USD; 111 chương trình, dự án NGO với tổng vốn trên 8,5 triệu USD; 06 dự án của các doanh nhân/doanh nghiệp là người Hà Tĩnh ở nước ngoài đầu tư trên địa bàn với tổng vốn 9,33 triệu USD.
   [18] Năm 1991, hệ thống lưới điện quản lý bao gồm 01 trạm biến áp nguồn 110/35/10 kV với Công suất 25.000 kVA; 38,4 km đường dây 110 kV (Vinh - Hà Tĩnh); 672 km đường dây trung thế; 7 trạm trung gian 35/10/6 kV với Công suất 18 400 kVA và 232 trạm phân phối các loại với tổng công suất 7.200 kVA. Cuối năm 1992 mới có 140/259 xã có điện với sản lượng điện nhận là 30.463.000 kWh; doanh thu đạt 4,5 tỷ đồng; tổn thất điện năng 28%. Đến nay, toàn tỉnh đã có 02 trạm 500kV tổng công suất 1.350MVA, 05 tuyến đường dây 500kV tổng chiều dài 1.396km; 01 trạm 220kV công suất 2x125MVA, 08 tuyến đường dây 220kV tổng chiều dài 491km; 09 trạm 110kV tổng công suất 431MVA, 11 tuyến đường dây 110kV tổng chiều dài 219,4km; 2.967km đường dây trung thế, 6.846km đường dây hạ thế; 3.249 trạm phân phối tổng công suất 771,9MVA. 100% hộ dân trên địa bàn tỉnh Hà tĩnh được sử dụng điện từ lưới điện quốc gia.
[19] Lưới điện nông thôn được quan tâm, đầu tư từ nhiều dự án: Dự án Năng lượng nông thôn 2 triển khai xây dựng tại 136 xã (giai đoạn gốc: 97 xã, giai đoạn bổ sung mở rộng: 39 xã) với tổng mức đầu tư hơn 641 tỷ đồng; dự án tài trợ bổ sung cải tạo lưới điện trung áp và hạ áp trên địa bàn 61 xã của tỉnh có tổng mức đầu tư 123 tỷ đồng; Dự án Cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia đến năm 2020 là 262 tỷ đồng; Các dự án của ngành điện (qua Công ty Điện lực Hà Tĩnh) hàng nghìn tỷ đồng (Giai đoạn 1991 - 2009 trên 1.500 tỷ đồng, giai đoạn 2010 - 2015 là 1.036 tỷ đồng, giai đoạn 2016 - 2020 trên 1.700 tỷ đồng).
[20] Nghị định số 89/2007/NĐ-CP, ngày 28/5/2007 của Chính phủ.
[21] Quyết định số 175/QĐ-TTg, ngày 13/02/2019 của Thủ Thủ tướng Chính phủ.
[22] Giáo dục Mầm non hiện có 267 trường (trong đó công lập 248, ngoài công lập 19), Giáo dục phổ thông có 437 trường (trong đó công lập 430, ngoài công lập 07); 01 trường đại học, 04 trường cao đẳng, 05 trường trung cấp nghề.
   [23] Đến cuối năm 2020, có 534/668 trường đạt chuẩn quốc gia (tỷ lệ 79,9%); mầm non có 181/254 trường (71,2%); tiểu học có 193/221 trường (87,7%); THCS có 127/148 trường (85,8%) và THPT có 33/45 trường (73,9%)
[24] Phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ 3; phổ cập giáo dục THCS mức độ 2.
[25] Em Nguyễn Thị Việt Hà, Huy chương Đồng Olympic Toán quốc tế 2015; em Phan Nhật Duy, Huy chương Vàng Olympic Toán quốc tế 2017; em Nguyễn Đình Đại, Huy chương Bạc Olympic Tin học Châu Á-Thái Bình Dương 2017.
[26] Tỷ lệ phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THPT vào đại học, cao đẳng công lập chiếm 40%, vào các trường cao đẳng, trung cấp nghề trên 40%. Số học sinh lựa chọn học nghề có xu hướng tăng, tỷ lệ thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT để đăng ký xét tuyển vào đại học, cao đẳng giảm (năm 2020 là 55,8%).
[27] 13/13 trung tâm y tế dự phòng cấp huyện chuyển về ủy ban nhân dân cấp huyện quản lý toàn diện; sáp nhập Bệnh viện Đa khoa, Trung tâm Y tế dự phòng và Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình thành Trung tâm Y tế trực thuộc ủy ban nhân dân cấp huyện quản lý toàn diện tại 6/13 địa phương; ngành Y tế quản lý về chuyên môn.
[28] Tổng số lao động trên địa bàn là 831.900 người, trong đó lao động tham gia hoạt động kinh tế là 697.000 người Cơ cấu lao động đang hoạt động trong khu vực nông, lâm thủy sản; công nghiệp - xây dựng và dịch vụ năm 2015 và năm 2019 lần lượt là: 55,5% - 16,2% - 28,3% và 43% - 23,7% - 33,3%.
[29] Tỷ lệ lao động thất nghiệp chiếm 2%.
[30] Hàng năm thực hiện chi trả trợ cấp thường xuyên trên 45 nghìn người, trợ cấp 1 lần 50.000 lượt người và chính sách khác với kinh phí trên 1.000 tỷ đồng. Từ năm 2013 đến nay, toàn tỉnh đã đóng góp hơn 43,556 tỷ đồng vào quỹ ”Đền ơn, đáp nghĩa”; xây dựng mới 1.170 nhà, sửa chữa 355 nhà tình nghĩa với tổng giá trị là 42,741 tỉ đồng; tặng 2.524 sổ tiết kiệm; thưc hiện chủ trương về hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở, đến nay tỉnh đã hỗ trợ và cấp kinh phí cho hơn 4.600 hộ với kinh phí trên 139 tỷ đồng.
[31] Đã vận động nguồn xã hội hóa để làm nhà ở cho 11.128  hộ gia đình chính sách, hộ nghèo.
[32] Có 10 đề tài, dự án cấp nhà nước; 115 dự án, đề tài cấp tỉnh; 500 mô hình đề tài cấp huyện và cơ sở. Tổng ngân sách đầu tư cho khoa học, công nghệ là 292,5 tỷ đồng.
[33] Nghị quyết số 09-NQ/TU của Tỉnh ủy; Nghị quyết số 18/2016/HĐND, Nghị quyết 48/2017/HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh; Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành 18 văn bản để chỉ đạo, điều hành.
[34] Công nghệ chế biến gạo xuất khẩu, hệ thống dây chuyền tự động hóa sản xuất bê tông, gạch, ngói không nung (Đức, Hàn Quốc, Nhật Bản), chế biến gỗ MDF, công nghệ xử lý mùi, nước thải trong chăn nuôi.
[35] Đến cuối năm 2020: Toàn tỉnh có khoảng 3.100 trạm BTS, 1.212.847 thuê bao điện thoại di động (đạt mật độ 94 thuê bao/100 dân), 6.460 thuê bao điện thoại cố định và 142.928 thuê bao Internet băng rộng cố định. 100% thôn có hạ tầng kết nối dịch vụ viễn thông, Internet. Hệ thống cáp quang đã kết nối đến 100% xã, phường, thị trấn.
[36] Toàn tỉnh có 41 cơ quan báo chí Trung ương có văn phòng đại diện, phóng viên thường trú; 04 cơ quan báo chí địa phương; 02 đặc san; 182 phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí địa phương được cấp thẻ nhà báo, 260 hội viên được cấp thẻ hội viên Hội Nhà báo Việt Nam.
[37] Đến nay, đã hoàn thành đo vẽ bản đồ địa chính cho 216 xã, phường, thị trấn (kể cả 4 xã, thị trấn thuộc khu kinh tế Cầu Treo) thuộc 13 huyện, thành phố, thị xã với tổng diện tích 205.827ha (chiếm gần 35% diện tích tự nhiên); cấp đổi 419.325 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đạt 96,6% nhu cầu (riêng 19 xã thuộc khu kinh tế Vũng Áng, các xã lòng hồ dự án Ngàn Trươi, Cẩm Trang do đã có bản đồ địa chính đo vẽ từ trước nên chưa thực hiện).
[38] Ngày 07/12/2017, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU “Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đối với một số lĩnh vực về bảo vệ môi trường đến năm 2025 và những năm tiếp theo”.
[39] Giai đoạn 2017-2020, giảm 01 đơn vị tương đương sở (thực hiện thí điểm thành lập Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND tỉnh); giảm 16 phòng chuyên môn trực thuộc các sở, ban, ngành, 04 chi cục trực thuộc sở, ngành, 03 phòng chuyên môn thuộc UBND cấp huyện; đơn vị sự nghiệp: giảm 01 đơn vị trực thuộc UBND tỉnh, 18 đơn vị thuộc sở, ban, ngành, 75 đơn vị sự nghiệp thuộc UBND cấp huyện; chuyển 20 đơn vị sang tự chủ; số lượng cấp phó các sở, ngành cấp tỉnh giảm 09 người so với năm 2015; thực hiện sắp xếp 80 xã, giảm 46 xã, hình thành 34 xã.
[40] Ứng dụng đồng bộ hệ thống quản lý văn bản và điều hành, chữ ký số trong toàn tỉnh, các ngành đều triển khai các hệ thống thông tin quản lý chuyên ngành, đặc biệt là ngành y tế và giáo dục.
[41] Kiểm tra thu chi ngân sách của 326 tổ chức đảng; kiểm tra về thu nộp, quản lý sử dụng đảng phí của 10.004 tổ chức đảng. Giải quyết tố cáo đối với 3.045 đảng viên; 171 tổ chức đảng. Giải quyết 139 trường hợp khiếu nại kỷ luật đảng.
[42] Hiện nay, toàn tỉnh xây dựng và nhân rộng được hơn 11.500 mô hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực.
[43] Khi có Quyết định về Quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp của người đứng đầu cáp ủy, chính quyền các cấp với nhân dân (năm 2018), đến nay toàn tỉnh đã thực hiện được 1464 cuộc tiếp xúc đối thoại.
[44] Đến nay, tỷ lệ tập hợp đoàn viên, hội viên của: Hội Liên hiệp phụ nữ: 77,7%; Đoàn thanh niên: 78,8%; Hội Nông dân: 80,4%; Hội Cựu chiến binh: 98,15%; Công đoàn: 61,18% .
[45] Năm 2019, quỹ ”Vì người nghèo” các cấp đã vận động được 23.692 triệu đồng, hỗ trợ hàng ngàn hộ nghèo, hộ cận nghèo làm mới, sửa chữa nhà ở, phát triển sản xuất.
[46] Giai đoạn 2015 - 2020, mỗi năm Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội đăng ký giám sát, phản biện từ 10 - 12 chuyên đề.

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Thông báo - mời họp

133-GM/ĐUK

Ban Chỉ đạo Đảng ủy Khối về thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU, ngày 27/4/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy họp triển khai nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới.

15/03/2024

132-GM/ĐUK

BTV ĐUK kết nối đường truyền HN học tập, quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện Chuyên đề năm 2024; Nghị quyết số 18-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh và các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương.

14/03/2024

189-TB/ĐUK

TB mở Lớp bồi dưỡng đảng viên mới khóa I, năm 2024

05/03/2024

130-GM/ĐUK

Kết nối đường truyền Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024

08/01/2024

Lượt truy cập
  • Đang truy cập63
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm61
  • Hôm nay6,038
  • Tháng hiện tại113,527
  • Tổng lượt truy cập12,872,196
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây