I- GIAI ĐOẠN SAU HỢP NHẤT TỈNH NGHỆ TĨNH (1976-1978)
Ngày 20-9- 1975, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 245 về việc “bỏ cấp khu, sát nhập tỉnh”. Ngày 27-12-1975, Quốc hội khoá V, Kỳ họp thứ 2 đã quyết định hợp nhất một số tỉnh, trong đó 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh được hợp nhất thành tỉnh Nghệ Tĩnh.
Thị xã Hà Tĩnh thời kỳ nhập tỉnh Nghệ Tĩnh (1976-1991)
Từ cuối năm 1975, dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành lâm thời Đảng bộ tỉnh Nghệ Tĩnh, các cơ quan cấp tỉnh Hà Tĩnh chuyển ra thành phố Vinh, sáp nhập với các cơ quan tương ứng của tỉnh bạn, thành cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể, Mặt trận tỉnh Nghệ Tĩnh.
Ngày 14-02-1976 Tỉnh uỷ Nghệ Tĩnh ra thông báo hoàn thành việc sáp nhập hai Đảng bộ cơ quan Dân Chính Đảng Nghệ An, Hà Tĩnh thành Đảng bộ các cơ quan Dân Chính Đảng Nghệ Tĩnh; chỉ định Ban Chấp hành lâm thời của Đảng bộ gồm 15 uỷ viên (trong đó có 3 đồng chí từ Hà Tĩnh chuyển ra). Đồng chí Nguyễn Thắng - nguyên Bí thư Đảng bộ cơ quan Dân Chính Đảng cấp tỉnh Hà Tĩnh- giữ chức Bí thư; đồng chí Trần Văn Đờn, giữ chức Phó Bí thư.
Đảng bộ các cơ quan Dân Chính Đảng Nghệ Tĩnh lúc này có 68 tổ chức cơ sở đảng, gồm 41 Đảng bộ và 27 chi bộ cơ sở, lãnh đạo trên một vạn cán bộ, nhân viên.
Nhiệm vụ trọng tâm của Đảng bộ trong thời kỳ này là lãnh đạo các đảng bộ, chi bộ cơ sở kiện toàn tổ chức; giáo dục, ổn định tư tưởng, động viên cán bộ đảng viên thực hiện nhiệm vụ chính trị, tôn trọng, giúp đỡ nhau trong công tác, ngăn ngừa tư tưởng cục bộ địa phương sau khi hợp nhất tỉnh và sát nhập các cơ quan; cùng Đảng bộ và nhân dân toàn tỉnh phát huy thế và lực mới tạo nên bước phát triển toàn diện trên tất cả các lĩnh vực chính trị, quân sự, kinh tế, văn hoá-giáo dục, thể dục thể thao... Đặc biệt trong nhiệm vụ xây dựng một bước cơ sở vật chất kỹ thuật cho chủ nghĩa xã hội, nhiều cán bộ, đảng viên và hàng ngàn công nhân, lao động của Đảng bộ đã tích cực tham gia lãnh đạo, chỉ đạo hoặc trực tiếp lao động trên một số công trình lớn như các công trình đại thuỷ nông Kẻ Gỗ, Vách Bắc..; thúc đẩy phong trào tổ chức lại sản xuất theo hướng đi lên sản xuất lớn XHCN trên tất cả các ngành, lĩnh vực kinh tế của tỉnh.
Công trình đại thủy nông Kẻ Gỗ do nhân dân Nghệ Tĩnh chung sức xây dựng nên
II- TỪ QUÁ TRÌNH CHUYỂN ĐỔI, THỬ NGHIỆM MÔ HÌNH TỔ CHỨC ĐẾN VIỆC TÁI LẬP ĐẢNG BỘ CƠ QUAN DÂN CHÍNH ĐẢNG CẤP TỈNH HÀ TĨNH (1978 - 1991)
Sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV, Trung ương Đảng có chủ trương mới về hệ thống chỉ đạo hoạt động của các tổ chức Đảng, theo đó, loại hình tổ chức đảng cơ quan, doanh nghiệp được quản lý theo địa bàn lãnh thổ. Đảng bộ cơ quan Dân Chính Đảng cấp tỉnh Nghệ Tĩnh đã bàn giao về địa bàn lãnh thổ 51 đảng bộ và 78 chi bộ cơ sở, trong đó bàn giao về Thành ủy Vinh 47 đảng bộ và 28 chi bộ cơ sở. Ngày 20-02-1978, Tỉnh uỷ Nghệ Tĩnh ra Quyết định 173-QĐ/TU giải thể Đảng bộ cơ quan Dân Chính Đảng cấp tỉnh.
Đến ngày 03/6/1984, Tỉnh uỷ Nghệ Tĩnh ra Quyết định số 318-QĐ/TU về việc thành lập 6 Đảng bộ khối trực thuộc Tỉnh uỷ, gồm: Đảng bộ khối Khoa giáo; Đảng bộ khối Tư tưởng văn hoá; Đảng bộ khối Dân Chính Đảng; Đảng bộ khối Kinh tế; Đảng bộ khối Nông, Lâm, Ngư; Đảng bộ khối Nội chính. Số tổ chức cơ sở đảng trước đây đã bàn giao về địa bàn lãnh thổ (chủ yếu là Thành phố Vinh) cơ bản được chuyển trả trở lại và sắp xếp vào các đảng bộ khối theo cơ cấu mỗi khối gồm: 01 đảng bộ hoặc chi bộ của một ban của Tỉnh uỷ (là ban Đảng phụ trách khối đó); các đảng bộ, chi bộ cơ quan hành chính nhà nước cùng lĩnh vực; các đảng bộ, chi bộ trong đơn vị sự nghiệp và một số tổ chức cơ sở đảng loại hình đơn vị sản xuất kinh doanh có ngành nghề tương ứng với lĩnh vực quản lý của các cơ quan hành chính nhà nước trong khối.
Ngày 09-02-1987, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ ra Quyết định số 162-QĐ/TU, sáp nhập các đảng bộ khối Văn hoá tư tưởng và Khoa giáo thành Đảng bộ khối văn xã; Đảng bộ khối Nông, Lâm, Ngư và Kinh tế thành Đảng bộ khối Kinh tế; Đảng bộ Dân Chính Đảng và khối Nội chính thành Đảng bộ Dân Chính Đảng. Như vậy, Nghệ Tĩnh lúc này có 3 đảng bộ khối đều trực thuộc Tỉnh uỷ.
Ngày 19-7-1988, Tỉnh uỷ Nghệ Tĩnh ra Quyết định số 452-QĐ/TU sáp nhập ba đảng bộ khối: Dân Chính Đảng, Kinh tế, Văn xã, thành lập Đảng bộ Các cơ quan cấp tỉnh trực thuộc Tỉnh uỷ. Ban Chấp hành Đảng bộ lâm thời được Tỉnh uỷ quyết định gồm 15 uỷ viên. Đồng chí Nguyễn Thị Minh Châu, nguyên Bí thư đảng bộ khối Dân Chính Đảng, được chỉ định giữ chức Bí thư; đồng chí Nguyễn Văn Thành, nguyên Phó bí thư đảng bộ khối Dân Chính Đảng giữ chức Phó Bí thư Đảng uỷ.
Ngày 12-5-1989, Đại hội đại biểu Đảng bộ Các cơ quan cấp tỉnh được tổ chức tại Thị xã Cửa Lò, bầu Ban Chấp hành Đảng bộ gồm 21 đồng chí; đồng chí Nguyễn Thị Minh Châu giữ chức Bí thư, đồng chí Nguyễn Văn Thành giữ chức Phó Bí thư.
Ngày 12/8/1991, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (khoá VIII) quyết định chia tỉnh Nghệ Tĩnh thành 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Mặc dù từ ngày 01-9-1991, bộ máy lãnh đạo các cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể của tỉnh Hà Tĩnh chính thức đi vào hoạt động, thực hiện chức năng lãnh đạo, quản lý mọi mặt đời sống xã hội của tỉnh, nhưng Đảng uỷ các cơ quan cấp tỉnh Nghệ Tĩnh vẫn tiếp tục hoạt động cho đến hết tháng 9-1991 để tham gia lãnh đạo công tác chia tách các cơ quan; chỉ đạo chia tách các tổ chức cơ sở Đảng, giới thiệu sinh hoạt đảng cho đảng viên theo phương án phân chia cán bộ, công nhân viên cho 2 tỉnh.
Ngày 28-9-1991, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Hà Tĩnh ra Quyết định số 13-QĐ/TU, thành lập Đảng bộ Cơ quan Dân Chính Đảng cấp tỉnh Hà Tĩnh, chỉ định Ban Chấp hành Đảng bộ lâm thời gồm 9 uỷ viên do đồng chí Trần Thị Thường, uỷ viên Ban thường vụ Tỉnh uỷ làm Bí thư. Cơ quan chuyên trách gồm đồng chí Bí thư Đảng uỷ, 2 uỷ viên Thường vụ và 2 cán bộ. Như vậy, trải qua nhiều lần biến động, thay đổi cả về quy mô, hình thức tổ chức cũng như tên gọi, đến tháng 9-1991, Đảng bộ cơ quan Dân Chính Đảng cấp tỉnh Hà Tĩnh trở về với tên gọi ban đầu. Lúc này Đảng bộ có gần 900 đảng viên, sinh hoạt trong 48 tổ chức cơ sở Đảng.
Có thể nói, trong lịch sử 65 năm hoạt động của Đảng bộ Cơ quan Dân Chính Đảng cấp tỉnh Hà Tĩnh, chặng đường 15 năm (1976 - 1991) là một thời kỳ lịch sử đặc biệt. Đó là thời kỳ sát cánh cùng Đảng bộ, nhân dân toàn tỉnh Nghệ Tĩnh chung sức xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội; đấu tranh chống lại đói nghèo, thiên tai, địch hoạ và cuộc khủng hoảng trầm trọng về kinh tế -xã hội của đất nước; bước đầu thực hiện những nhiệm vụ trọng đại của sự nghiệp đổi mới, mà trọng tâm là đổi mới kinh tế, xoá bỏ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp... Tuy nhiên, đối với Đảng bộ, đây cũng là thời kỳ có nhiều biến động, trải qua những thể nghiệm với nhiều lần điều chỉnh, đổi thay cả về mô hình tổ chức và hệ thống lãnh đạo, chỉ đạo. Giữa những đổi thay, biến động ấy, đội ngũ cán bộ, đảng viên và quần chúng trong các cơ quan thuộc Đảng bộ vẫn tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng. Các cấp ủy kế tiếp nhau kiên trì xây dựng tổ chức Đảng cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức, kiên trì giáo dục, rèn luyện đội ngũ đảng viên, góp phần xứng đáng cùng nhân dân Nghệ - Tĩnh giành những thành tựu mới trên các lĩnh vực chính trị , kinh tế, văn hoá - xã hội, quốc phòng - an ninh, đối ngoại.
Ví giặm - nhịp cầu văn hóa giữa nhân dân 2 tỉnh Nghệ An - Hà Tĩnh
III- MỘT SỐ BÀI HỌC QUÝ
1. Qua hơn 6 năm (từ tháng 2-1978 đến tháng 6-1984), không tồn tại Đảng bộ cơ quan Dân Chính Đảng Nghệ Tĩnh, hoạt động của các tổ chức cơ sở đảng ở mỗi cơ quan, doanh nghiệp cả về nội dung và phương thức có nhiều thay đổi. Các cơ quan ban, ngành cấp tỉnh cũng như tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên của các cơ quan có điều kiện gắn bó chặt chẽ hơn với cấp ủy, chính quyền địa phương và với quần chúng nhân dân.
Tuy nhiên, do số lượng đầu mối cơ sở trực thuộc tăng cao, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thành uỷ tập trung chủ yếu và toàn diện vào các cơ sở cấp thành phố, không đủ điểu kiện để đi sâu vào loại hình tổ chức cơ sở đảng trong cơ quan cấp tỉnh cũng như của các công ty, xí nghiệp. Mối quan hệ lãnh đạo, chỉ đạo cũng như qúa trình vận hành, hoạt động của các tổ chức đảng loại hình cơ quan gặp nhiều khó khăn, bất cập, nhất là khi cần phải tập trung giải quyết những tồn tại, vướng mắc trong nội bộ, những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị, trong công tác quản lý cán bộ, đảng viên mà trước hết là với đội ngũ cán bộ không thuộc diện Thành phố quản lý v.v..
Vấn đề cần rút ra ở đây là quá trình thử nghiệm này mới chỉ thuần tuý giải quyết về hình thức tổ chức mà chưa đặt vấn đề một cách khách quan, khoa học về bản chất bên trong để đáp ứng những điều kiện cần và đủ cho mô hình tổ chức cấp trên cơ sở của các đảng bộ, chi bộ cơ quan cấp tỉnh. Trong xây dựng hệ thống tổ chức nói chung cũng như với tổ chức đảng nói riêng, vấn đề quản lý theo ngành và quản lý theo lãnh thổ cần được kết hợp hài hòa bằng các cơ chế và giải pháp phối hợp giữa các chủ thể quản lý, không nên tuyệt đối hóa mặt nào.
2. Việc tổ chức lại thành 6, sau đó hợp nhất thành 3 đảng bộ khối xuất phát từ những nhận thức và quan niệm là phải đưa ra một mô hình sao cho có thể gắn kết được sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ với sự quản lý điều hành của UBND tỉnh và các cơ quan quản lý cấp trên (theo ngành dọc); phải gắn kết làm một nhiệm vụ xây dựng tổ chức đảng với thực hịên nhiệm vụ chuyên môn; phải đồng nhất công tác quản lý cán bộ với quản lý đảng viên. Có thể nói, mô hình các Đảng bộ khối với vị trí, vai trò là cấp trên trực tiếp của tổ chức cơ sở đảng cơ quan cấp tỉnh trong giai đoạn này chính là một hình thái biểu hiện mới của Đảng bộ cơ quan Dân Chính Đảng trước đây.
Tuy nhiên, cũng như các Liên chi bộ thời kỳ trước năm 1956, các đảng bộ khối hoạt động độc lập với nhau, trong khi đó, tính khác biệt về chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan giữa các khối chỉ mang tính tương đối. Các tổ chức trong hệ thống chính trị, các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh thường xuyên có sự phối hợp, có mối liên quan mật thiết và hữu cơ, gắn bó với nhau trong một chỉnh thể thống nhất nhằm cùng hướng tới mục tiêu thực hiện một cách toàn diện và đồng bộ các chủ trương của Đảng bộ tỉnh. Vì vậy, hoạt động của các tổ chức đảng, vai trò của đội ngũ các bộ, đảng viên các cơ quan chỉ giới hạn trong phạm vi một khối không tránh khỏi những khó khăn, hạn chế nhất định. Mặt khác, do được chia thành nhiều khối nên bộ máy chuyên trách công tác Đảng của các đảng uỷ quá mỏng. Các chức danh chủ trì, Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Đảng uỷ hầu hết đều kiêm nhiệm; cán bộ giúp việc cấp uỷ chỉ có một vài người (không có cơ quan chuyên trách giúp việc cấp uỷ) nên không đủ thời gian vật chất tối thiểu và các điều kiện cần thiết để thực hiện chức năng lãnh đạo, chỉ đạo cả trong công tác xây dựng Đảng và tham gia lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị. Do đó, hoạt động của các Đảng uỷ sa vào tình trạng đảng vụ đơn thuần là một hiện thực tất yếu.
3. Về tổ chức và hoạt động của tổ chức đảng loại hình cơ quan nói chung, của Đảng uỷ Cơ quan Dân Chính Đảng nói riêng, tuy không phải là vấn đề mới, vì ngay từ những năm 1955- 1956, Ban Tổ chức Trung ương và Liên khu uỷ IV đã có những văn bản quy định khá rõ, nhưng do những đặc điểm và tính chất riêng biệt so với các loại hình tổ chức khác, nên bên cạnh những thuận lợi căn bản, hoạt động của mô hình đảng bộ Khối còn có một số khó khăn, hạn chế nhất định. Trong chỉ đạo thực tiễn, cần thấy rõ những thuận lợi, khó khăn đó để thường xuyên điều chỉnh phù hợp, tránh khuynh hướng chỉ nhìn thấy mặt thuận lợi, hoặc trầm trọng hoá các khó khăn, hạn chế, từ đó đi đến chủ quan, áp đặt mô hình này hay mô hình khác một cách vội vã gây xáo trộn không cần thiết, làm cho hoạt động của tổ chức Đảng trong các cơ quan, doanh nghiệp vốn đã khó khăn lại càng khó khăn thêm.
4. Trong quá trình phát triển đi lên, sự tìm tòi, thử nghiệm là vô cùng cần thiết, nhưng phải trải qua một quá trình thực tiễn với không ít khó khăn. Thực tế đó đòi hỏi các cấp uỷ và đội ngũ cán bộ, đảng viên một mặt phải kiên định các nguyên tắt tổ chức sinh hoạt Đảng, tin tưởng vào sự lãnh đạo của cấp trên, đồng thời phát huy tính sáng tạo, chủ động phát hiện những bất hợp lý để giúp cấp trên có những tổng kết, kết luận kịp thời, sớm tìm ra mô hình tổ chức phù hợp.