Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng việc nêu gương của cán bộ, đảng viên. Theo Người, nêu gương thì trước hết phải làm gương trong mọi công việc từ nhỏ đến lớn, thể hiện thường xuyên, về mọi mặt, phải cần kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư, nói phải đi đôi với làm. Biện pháp nêu gương của Người là bản thân mình nêu gương cho người khác học tập và lấy gương người tốt, việc tốt hằng ngày để giáo dục lẫn nhau. Trong gia đình, cha mẹ là tấm gương cho các con, anh chị là tấm gương đối với các em; trong nhà trường, thầy giáo, cô giáo là tấm gương cho học trò; trong cơ quan, tổ chức thì cán bộ lãnh đạo là tấm gương cho cấp dưới; người này có thể là gương cho người khác. Trong cuộc sống hằng ngày, người cán bộ, đảng viên chẳng những phải có trách nhiệm tự tu dưỡng tốt để trở thành con người có đời tư trong sáng, mà còn phải là tấm gương giúp nhân dân nhìn vào đó làm những điều đúng, điều thiện, chống lại thói hư, tật xấu.
Thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW và các quy định của Đảng, Ban Thường vụ Đảng ủy Khối yêu cầu tất cả cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy và cơ quan, đơn vị phải thực hiện việc nêu gương. Với nội dung nêu gương trên các mặt về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong; tự phê bình và phê bình; quan hệ với nhân dân; trách nhiệm trong công tác; ý thức tổ chức kỷ luật và đoàn kết nội bộ... trong đó, đảng viên lựa chọn một số mặt mà mình thấy tâm đắc, nổi trội để đăng ký với chi bộ nêu gương cho người khác học tập. Việc nêu gương của cán bộ, đảng viên theo phương châm “Trên trước, dưới sau”, “Trong trước, ngoài sau”, cấp ủy viên nêu gương cho đảng viên, đảng viên nêu gương cho quần chúng; cán bộ cấp trên nêu gương cho cán bộ cấp dưới; thủ trưởng cơ quan, đơn vị nêu gương cho công chức, viên chức và người lao động. Định kỳ 6 tháng đảng viên rà soát, báo cáo việc thực hiện trước chi bộ; chi bộ căn cứ để đánh giá, phân loại đảng viên cuối năm.
Thực hiện chỉ thị 05-CT/TW, trên 4.000 đảng viên trong Đảng bộ khối các cơ quan tỉnh đã xây dựng kế hoạch học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; đảng viên lựa chọn, đăng ký với chi bộ những việc làm cụ thể theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; những việc mà bản thân mình có thể nêu gương cho người khác học tập; cam kết không suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa. Gắn với Lễ chào cờ hàng tháng nhiều cơ quan, đơn vị đã biểu dương các cá nhân điển hình. Trong dịp sơ kết 01 năm thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW có 373 gương người tốt, việc tốt được tuyên dương tại các tổ chức cơ sở đảng.
Nhìn chung đảng viên đăng ký và thực hiện việc nêu gương khá rõ, thiết thực về trách nhiệm trong công tác, như nêu cao ý thức trách nhiệm, tận tụy với công việc; hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; tích cực học tập, nghiên cứu, tiếp thu và vận dụng có hiệu quả các tri thức khoa học, công nghệ hiện đại, các sáng kiến trong công tác. Chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; nói đi đôi với làm. Thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của mình; làm việc có nguyên tắc, kỷ cương, có lý, có tình; không lạm dụng chức vụ, quyền hạn khi giải quyết công việc. Trong đạo đức, lối sống nêu gương về ý thức tổ chức kỷ luật, đoàn kết nội bộ, mối quan hệ với nhân dân, chống tư tưởng cục bộ, bè phái và các biểu hiện cơ hội, thực dụng, vụ lợi…Nhiều đồng chí lãnh cấp ủy, cơ quan đã nêu gương việc chấp hành nguyên tắc tập trung dân chủ, đạo đức công vụ, kỷ luật kỷ cương hành chính, công tác tổ chức cán bộ; phong cách làm việc khoa học, nói đi đôi với làm, sâu sát thực tế, biết lắng nghe…
Tuy nhiên, vai trò nêu gương của một số cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ chủ chốt các cấp chưa thể hiện tốt. Thậm chí, chỉ dừng lại ở việc hô hào, phô trương, hình thức, “nói không đi đôi với làm” , “nói một đàng, làm một nẻo”, chưa thể hiện tinh thần đi trước, làm trước. Nguyên nhân là do một số cấp ủy chưa quan tâm việc nêu gương của cán bộ, đảng viên; làm chưa tốt việc tổ chức quán triệt, học tập các chỉ thị, quy định, kế hoạch về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, các quy định của Bộ chính trị, Ban bí thư về nêu gương; hướng dẫn chưa cụ thể, giám sát chưa thường xuyên; đảng viên hiểu và thực hiện và chọn việc nêu gương chưa tốt, còn chung chung; định kỳ chưa thực hiện việc đánh giá, soát xét trước chi bộ và biểu dương người tốt việc tốt.
Trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả trong việc nêu gương, các cấp ủy cơ sở cần thường xuyên quán triệt Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” và Quy định số 101-QÐ/TW ngày 07/6/2012 của Ban Bí thư về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp”. Chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát và tiến hành kiểm tra, giám sát theo quy định. Thực hiện nghiêm túc phương châm “Trên trước, dưới sau”, “Trong trước, ngoài sau”. Phát huy vai trò của chi bộ trong hướng dẫn cán bộ, đảng viên nêu gương; định kỳ tổ chức đáng giá thực hiện kế hoạch và cam kết của cá nhân. Chú trọng việc nêu gương người tốt, việc tốt tại các diễn đàn của các cơ quan, đơn vị.
Tác giả bài viết: Nguyễn Trọng Vân - UVBTV, Trưởng Ban Tuyên giáo ĐUK