Mặc dù quy định chưa đầy đủ, cụ thể, nhưng trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được quy định, Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh luôn bám sát các quan điểm, chủ trương, nghị quyết của Trung ương, của tỉnh để cụ thể hóa thành các nhiệm vụ phù hợp với các đảng bộ, chi bộ trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo đối với các tổ chức đảng trực thuộc. Đã ban hành một số nghị quyết chuyên đề tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả như: Nghị quyết số 10-NQ/ĐUK, ngày 29/10/2012 về tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên; Nghị quyết số 11-NQ/ĐUK, ngày 18/12/2013 về tiếp tục nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ; Nghị quyết số 01-NQ/ĐUK, ngày 10/10/2016 về tăng cường lãnh đạo xây dựng văn hóa công sở đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển của tỉnh đến năm 2020 và những năm tiếp theo; Chỉ thị số 02-CT/ĐUK, ngày 20/9/2017 về tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy đối với công tác xây dựng Đảng.
Ký các quy chế phối hợp với Ban cán sự Đảng, đảng đoàn, các ban xây dựng Đảng Tỉnh ủy, các ngành, địa phương để nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Tăng cường phối hợp, chỉ đạo cấp ủy cơ sở thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng; từ năm 2012 đến nay đã đỡ đầu 03 xã đạt chuẩn Nông thôn mới và 01 phường đạt chuẩn văn minh đô thị; việc giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng ngày càng được nâng lên; công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng ngày càng được tăng cường; quản lý đảng viên ngày càng chặt chẽ hơn; việc triển khai, thực hiện các chủ trương, nghị quyết, chỉ thị của cấp trên ngày càng hiệu quả; chỉ đạo thực hiện công tác dân vận chính quyền trong các cơ quan, hoạt động của các tổ chức đoàn thể: Đoàn Thanh niên, Công đoàn Viên chức, Hội Cựu chiến binh ngày càng rõ nét; tính chuyên nghiệp trong công tác đảng ngày càng được nâng lên; vai trò, vị thế của Đảng ủy Khối ngày càng được khẳng định, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế, xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong toàn tỉnh.
Tuy vậy, bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh còn gặp một số khó khăn, vướng mắc đó là:
1. Đảng uỷ Khối các cơ quan tỉnh không có chính quyền cùng cấp, không có đầy đủ các cơ quan tham mưu, giúp việc như đảng bộ huyện, thị, thành phố (không có Ban Dân vận và Trung tâm bồi dưỡng chính trị), tổ chức bộ máy chưa tương xứng với nhiệm vụ được giao, nhưng số lượng đảng viên tương đối đông, có nhiều đầu mối và nhiều loại hình tổ chức cơ sở đảng với chức năng, nhiệm vụ khác nhau nên quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ vẫn còn gặp không ít khó khăn.
2. Vai trò, hiệu quả lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Đảng uỷ Khối tuy đã được nâng lên, nhưng nhìn chung chưa theo kịp yêu cầu phát triển của tỉnh. Năng lực lãnh đạo và vai trò trách nhiệm của một số cấp uỷ, tổ chức cơ sở đảng còn hạn chế, chưa thể hiện rõ vai trò hạt nhân lãnh đạo. Quá trình tổ chức thực hiện một số chủ trương, nhiệm vụ kinh tế - xã hội thiếu thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, rút kinh nghiệm nên tiến độ còn chậm, hiệu quả chưa cao.
3. Việc quản lý hệ thống tổ chức đảng, đoàn thể và một số cơ quan chuyên môn còn có sự bất cập, chồng chéo giữa quản lý theo ngành và theo lãnh thổ, cụ thể:
- Trong một hệ thống ngành dọc, tổ chức đảng của cơ quan cấp tỉnh trực thuộc Đảng uỷ Khối nhưng tổ chức đảng của cơ quan cấp dưới trực tiếp lại sinh hoạt ở đảng bộ địa phương; cơ quan cấp trên quản lý cán bộ công chức, nhưng đảng viên lại sinh hoạt theo hệ thống khác nên thiếu sự gắn kết giữa công tác lãnh đạo với hoạt động chỉ đạo, quản lý.
- Theo nguyên tắc chung là Đảng lãnh đạo hệ thống chính trị, nhưng ở một số đơn vị, tổ chức đảng và tổ chức đoàn thể trực thuộc 2 hệ thống khác nhau: tổ chức đảng thuộc Đảng bộ Khối cơ quan nhưng công đoàn thuộc công đoàn ngành hoặc tổ chức đảng thuộc Đảng bộ Khối Doanh nghiệp nhưng công đoàn lại thuộc Công đoàn Viên chức tỉnh; tên gọi hiện nay Công đoàn Viên chức tỉnh nhưng đoàn viên chủ yếu là công chức...
4. Tổ chức bộ máy của cơ quan Đảng ủy Khối không cơ cấu Ban Dân vận, Ban Nội chính và Trung tâm bồi dưỡng chính trị; biên chế được giao chưa đảm bảo theo vị trí việc làm nên việc bố trí, sắp xếp phân công các ban và cán bộ, công chức kiêm nhiệm những nhiệm vụ này khó khăn; hiện tại chức năng, nhiệm vụ công tác bồi dưỡng chính trị và công tác dân vận giao cho Ban Tuyên giáo Đảng ủy Khối kiêm nhiệm, nhiệm vụ nội chính và phòng chống tham nhũng, lãng phí giao cho Văn phòng đảm nhận; trong khi số lượng đầu mối tổ chức cơ sở đảng và đảng viên đông.
5. Việc luân chuyển cán bộ trong một ngành, giữa các ngành với nhau, giữa cán bộ làm công tác đảng, mặt trận, đoàn thể với quản lý nhà nước nhìn chung còn khép kín. Việc trưởng thành đối với cán bộ Đoàn Khối còn gặp nhiều khó khăn.
6. Tại một số đảng bộ cơ sở, có những chi bộ có trên 30 đảng viên, đã thành lập đảng bộ bộ phận, nhưng chức năng lãnh đạo của đảng bộ bộ phận rất hạn chế, khó phát huy tác dụng. Trường hợp không thành lập đảng bộ bộ phận, thì chi bộ quá đông đảng viên rất khó khăn trong tổ chức sinh hoạt.
7. Một số Quy định ban hành đã nhiều năm chậm được tổng kết, bổ sung, sửa đổi như: Quy định 76 của Bộ Chính trị (năm 2000); Quy định 97, 98 của Ban Bí thư (năm 2004) về chức năng, nhiệm vụ của đảng bộ, chi bộ cơ sở cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, nên một số cấp ủy cơ sở nhận thức chưa đầy đủ, do đó quá trình thực hiện còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Phương thức lãnh đạo của một số cấp ủy cơ sở chưa rõ nét, hiệu quả thực hiện các quy định 97-QĐ/TW, 98- QĐ/TW chưa cao. Việc phối hợp giữa cấp ủy và thủ trưởng cơ quan về tổ chức bộ máy, công tác cán bộ còn lúng túng, vai trò của cấp ủy còn mờ nhạt. Khả năng dự báo và cập nhật những vấn đề mới thiếu nhạy bén; phát hiện, tham mưu giải quyết những vấn đề phát sinh ở cơ sở chưa kịp thời. Việc xây dựng chương trình hành động, tổ chức thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng có nơi còn hình thức, sao chép, chưa phù hợp thực tiễn của cơ quan, đơn vị.
8. Tinh thần trách nhiệm của một số cấp ủy, người đứng đầu chưa phát huy đúng mức, cá biệt có nơi còn xem nhẹ công tác xây dựng Đảng nhưng chưa có cơ chế giám sát, xử lý. Thực hiện quy chế cấp ủy đề ra chưa nghiêm, chưa tạo được sự phối hợp đồng bộ trong hệ thống chính trị ở cơ sở; chất lượng, hiệu quả triển khai thực hiện một số chỉ thị, nghị quyết chưa cao. Một số đơn vị có thời điểm nội bộ thiếu thống nhất, chưa thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ;
9. Một số cấp ủy, ủy ban kiểm tra cơ sở nhận thức về công tác kiểm tra, giám sát chưa đầy đủ, đúng mức. Công tác nắm bắt thông tin tình hình vi phạm của tổ chức đảng, đảng viên chưa kịp thời, còn bị động trong việc phát hiện dấu hiệu vi phạm nên việc kiểm tra dấu hiệu vi phạm còn khó khăn. Chất lượng một số cuộc kiểm tra, giám sát vẫn còn thiếu chiều sâu, tác dụng thấp. Việc kiểm tra, giám sát chuyên đề còn ít, giám sát thường xuyên chưa rõ nét, dẫn đến số đảng viên vi phạm ngày càng tăng, xử lý kỷ luật chưa kịp thời, còn biểu hiện nể nang, né tránh.
10. Một số cấp ủy xem nhẹ công tác bảo vệ chính trị nội bộ; một bộ phận đảng viên chưa thực sự gương mẫu về tinh thần trách nhiệm, đạo đức, lối sống, phong cách, kỷ luật kỷ cương hành chính nơi công tác và thực hiện nghĩa vụ công dân nơi cư trú theo Quy định 76-QĐ/TW của Bộ Chính trị.
11. Việc phối hợp với Đảng ủy Khối của ban cán sự đảng, đảng đoàn, các ban xây dựng Đảng Tỉnh ủy, các ngành, địa phương có lúc, có khi còn khó khăn vì vậy làm ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện nhiệm vụ.
Để tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn hiện nay, Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh kiến nghị, đề xuất như sau:
1. Đối với Trung ương
Thứ nhất, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, cụ thể hoá Quy định số 293-QĐ/TW, ngày 23/3/2010 của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức, bộ máy của Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh, thành phố, trong đó xác định rõ mối quan hệ công tác, trách nhiệm, nội dung phối hợp của các cơ quan với Đảng uỷ Khối; quy định phân cấp cụ thể hơn về thẩm quyền, trách nhiệm của Đảng uỷ Khối trong các khâu công tác cán bộ đối với các đối tượng cán bộ diện Tỉnh uỷ quản lý, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh quản lý và diện người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, các tổ chức đoàn thể cấp tỉnh quản lý là đảng viên của Đảng bộ Khối; mối quan hệ với đảng đoàn, ban cán sự đảng.
Thứ hai, bổ sung nhiệm vụ công tác dân vận; công tác nội chính, phòng chống tham nhũng vào Quy định 293-QĐ/TW; Quy định nội dung lãnh đạo và thực hiện công tác kiểm tra, giám sát cần cụ thể và phù hợp với tình hình thực tiễn.
Thứ ba, tổng kết, bổ sung, sửa đổi các Quy định số 97-QĐ/TW, 98-QĐ/TW (năm 2004), Quy định số 165-QĐ/TW (năm 2006) về chức năng, nhiệm vụ của các đảng bộ, chi bộ cơ sở trong cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, cơ quan báo chí; sửa đổi, bổ sung Quy định số 76-QĐ/TW (năm 2000) của Bộ Chính trị về việc đảng viên đang công tác ở các cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp thường xuyên giữ mối liên hệ với chi ủy, đảng ủy cơ sở và thực hiện nghĩa vụ công dân nơi cư trú cho phù hợp với tình hình hiện nay.
2. Đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy
Thứ nhất, cần quan tâm quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, luân chuyển các chức danh thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý công tác ở Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh. Việc bố trí trưởng thành cho cán bộ Đoàn Khối (trong nội bộ hoặc chuyển công tác sang cơ quan khác) đang gặp khó khăn, đề nghị cấp trên quan tâm.
Thứ hai, cần ban hành quy định thống nhất mô hình quản lý chung đối với các đảng bộ, chi bộ cơ quan cấp tỉnh có tổ chức đảng, đoàn thể tại đơn vị trực thuộc đang sinh hoạt trong đảng bộ, đoàn thể cấp huyện để tránh chồng chéo, bất cập như hiện nay.
Tác giả bài viết: Nguyễn Thị Hương - UVTV, Trưởng Ban Tổ chức Đảng ủy Khối