Với sự phát triển không ngừng của khoa học và công nghệ, chuyển đổi số đã trở thành nhu cầu và là mục tiêu hướng đến của các hoạt động trong đời sống xã hội nhằm khai thác được tối đa các tiện ích của công nghệ, của phương thức truyền dẫn trên môi trường internet và nó đã trở thành xu hướng chính của xã hội. Việc áp dụng công nghệ mới, ứng dụng chuyển đổi số vào tuyên truyền, giáo dục có vai trò vô cùng to lớn, mở ra nhiều phương thức giáo dục mới trên các nền tảng công nghệ thông minh, dễ tiếp cận và hiệu quả hơn. Đến nay, xu hướng chuyển đổi số trong tuyên truyền, giáo dục đã và đang tác động sâu sắc đến con người và đã đạt được một số kết quả nổi bật.
Công tác tuyên truyền, giáo dục hiện nay phải gắn liền với hoạt động chuyển đổi số, vì chuyển đổi số không chỉ là một xu hướng mà còn trở thành một đòi hỏi đối với các cơ quan truyền thông - cơ quan truyền thông đảm nhận phần lớn vai trò tuyên truyền, giáo dục hiện nay. Qua đại dịch COVID-19 càng nhấn mạnh tầm quan trọng, tính cấp bách của chuyển đổi số trong việc thay đổi phương thức vận hành, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan truyền thông. Sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ đã xây dựng nền tảng cho chuyển đổi số. Và ở một góc nhìn khác, có thể thấy đại dịch COVID-19 đã kích thích thêm động lực cho quá trình chuyển đổi số nhanh hơn, quyết liệt hơn nhằm thiết lập một không gian số mà mọi công dân đều phải tham gia vào đó để thiết lập kênh tương tác của bản thân, kiến tạo nền tảng thông tin số cho xã hội.
Đảng bộ Công ty Điện lực Hà Tĩnh tổ chức Hội nghị trực tuyến học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Khối lần thứ XVI
Trong những năm gần đây, các cấp, các ngành đã quan tâm nhiều đến việc ứng dụng CNTT, chuyển đổi số vào hoạt động tuyên truyền, giáo dục, đặc biệt là trong hoạt động giảng dạy trong các nhà trường. Việc ứng dụng chuyển đổi số vào hoạt động tuyên truyền, giáo dục đã dần thay đổi theo xu hướng tích cực, tiện ích và hiệu quả hơn so với một số phương pháp truyền thống. Qua việc ứng dụng các phương tiện, công nghệ hiện đại vào hoạt động truyền thông, tuyên truyền, giáo dục .v.v. như khai thác các ứng của các nền tảng mạng xã hội, các trang thông tin trên môi trường internet .v.v giúp cho người tiếp nhận có thể chủ động trong việc tiếp cận nguồn thông tin, tri thức mọi lúc, mọi nơi, dễ dàng đối chiếu, so sánh hay ứng dụng thông tin, tri thức vào trong thực tiễn đời sống.
Hiện nay, các bộ, ngành Trung ương và hầu hết các địa phương đã thay đổi một cách cơ bản phương thức tuyên truyền so với trước đây, nếu như trước đây các hoạt động khảo sát, đánh giá; các cuộc thi tìm hiểu về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước được thực hiện bằng hình thức khảo sát trực tiếp trên các tờ giấy in sẵn, các hoạt động tham gia đều hạn chế về không gian, thời gian, độ tuổi và giới tính .v..v thì hiện nay, các hoạt động tuyên truyền đó đã được chuyển hoàn toàn sang phương thức mới trên các nền tảng mới, đó chính là ứng dụng công nghệ, số hóa các hoạt động đó lên môi trường mạng trên cơ sở thiết lập các trường thông tin và đặc biệt đông đảo các tầng lớp nhân dân đều được tham gia bất cứ mọi lúc, mọi nơi.
Đặc biệt, ở Đảng bộ Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh Hà Tĩnh từ đầu nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã thực hiện có hiệu quả việc chuyển đổi số trong công tác tuyên truyền, giáo dục. Tiêu biểu như: Tổ chức làm bài thu hoạch sau khi học tập lý luận chính trị, các nghị quyết của Đảng, thi tìm hiểu các sự kiện trọng đại của quê hương, đất nước bằng hình thức trắc nghiệm trực tuyến. Tổ chức khảo sát trực tuyến Chuyên đề “Đổi mới hoạt động của các tổ chức đảng thuộc Đảng bộ Khối”…
Việc thay đổi phương thức tuyên truyền, giáo dục đó không chỉ mang đến những tiện ích cho chủ thể tổ chức trong công tác tổng hợp, đánh giá, chấm điểm vì đã được thiết lập hoàn toàn tự động, số hóa trong trích xuất dữ liệu, số liệu và các trường thông tin khác theo nhu cầu thực tế mà còn thuận tiện cho người tham gia có thể chủ động hoàn toàn thao tác của mình, không bị hạn chế về thời gian, không gian, địa điểm. Những thay đổi đó cùng với nhiều cách thức tổ chức trên các nền tảng số khác nhau đã tạo những tiện ích và hứng thú cho những người tham gia trực tiếp vào các hoạt động tuyên truyền, giáo dục.
Bên cạnh những tiện ích với những thao tác đơn thuần, chúng ta cũng có thể thấy được việc chuyển đổi số trong tuyên truyền, giáo dục giúp thay đổi nhận thức, tư duy về công nghệ chuyển đổi phương thức tương tác với chính quyền cho người dân một cách nhanh nhất, mang lại hiệu quả cao, tiếp cận được số lượng lớn người tham gia trên mọi lứa tuổi, tiết kiệm chi phí, góp phần thúc đẩy tiến trình xây dựng xã hội số.
Hiện nay, việc ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động tuyên truyền, giáo dục đã được các nhà trường, cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh chủ động vận dụng vào trong quá trình dạy và học, 100% giáo viên đã đưa ứng dụng CNTT vào hỗ trợ giảng dạy; cùng với đó, hầu hết các gia đình đã đầu tư cho con em của mình công cụ học tập mới như máy tính để bàn, máy tính laptop, máy tính bảng hoặc điện thoại di động thông minh .v.v. được kết nối internet. Việc người dân trang bị các thiết bị có kết nối internet trong gia đình chính là một thuận lợi lớn trong việc ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động tuyên truyền, giáo dục.
Đó chính là quá trình ứng dụng chuyển đổi số vào trong công tác tuyên truyền, giáo dục của đời sống xã hội; cùng với sự thúc đẩy, tạo điều kiện của chính quyền và sự thích ứng với xu hướng phát triển chung của xã hội trong Nhân dân đã góp phần đẩy nhanh quá trình xây dựng xã hội số một cách hiệu quả và phù hợp với quy luật vận động của của cách mạng 4.0.
Bên cạnh những kết quả chuyến biến tích cực, quá trình ứng dụng chuyển đổi số trong tuyên truyền, giáo dục vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, hạn chế sau:
Thứ nhất, quá trình tiếp cận ứng dụng chuyển đổi số trong tuyên truyền, giáo dục ở vùng sâu, vùng xa gặp nhiều khó khăn: đối với những khu vực miền núi hay vùng sâu, vùng xa, hạ tầng mạng và trang thiết bị công nghệ thông tin chưa được đảm bảo, gây ảnh hưởng lớn đến công tác tuyên truyền, giáo dục do chưa được đào tạo, tập huấn, cập nhật kiến thức thường xuyên dẫn đến khả năng tiếp cận các kiến thức chuyển đổi số còn hạn chế.
Thứ hai, cơ sở vật chất chưa đáp ứng đồng bộ công tác chuyển đổi số trong trong các cấp, các ngành: Mực dù đã có một quá trình chuẩn bị, về quan điểm thì các địa phương, đơn vị đã đầu tư từng bước đáp ứng cơ sở vật chất cho việc ứng dụng công nghệ thông tin vào trong hoạt động chỉ đạo, điều hành và các hoạt động chuyên môn liên quan khác.
Thứ ba, năng lực tham gia vận hành các phương thức truyền thông mới còn hạn chế: Có nhiều nguyên nhân nhưng nhìn chung sự thiếu đồng đều trong năng lực chuyên môn của đội ngũ trực tiếp tham gia vào quá trình truyền thông số còn chưa đồng đều nên chưa khái thác hết các tiềm năng lớn của không gia số hiện nay.
Thứ tư, công tác tuyên truyền, đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực chuyển đổi số cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức còn hạn chế, đặc biệt là đội ngũ cán bộ ở cơ sở: chuyển đổi số là giải pháp quan trọng hàng đầu trong đổi mới phương thức lãnh đạo, là công cụ tạo đột phá trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, là mục tiêu và động lực quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo. Để nâng cao chất lượng giáo dục, công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyển đổi số cho đội ngũ cán bộ, đảng viên là rất quan trọng. Nhưng hiện nay, công tác này chúng ta chưa thực hiện một cách đồng bộ và quyết liệt, các lớp đào tạo, tập huấn có nhưng về cơ bản đang chung chung, chưa chuyên sâu, có đào tạo thì thời gian đào tạo đang ngắn ngày, mang tính hình thức nên chưa thật sự hiệu quả
Để chuyển đổi số trong công tác tuyên truyền, giáo dục đạt hiệu quả, các ngành, các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh triển khai chương trình chuyển đổi số quốc gia, đặc biệt hoàn thành mục tiêu phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại di động thông minh. Bên cạnh đó, cần có những nền tảng phổ biến giáo dục pháp luật phù hợp cho từng đối tượng đặc biệt là đối tượng đặc thù như người dân vùng dân tộc thiểu số, biên giới, ven biển…; chú trọng phát triển nền tảng tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, giải đáp pháp luật từ xa; xây dựng bộ câu hỏi - đáp tình huống pháp luật đúng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước.
Quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng ứng dụng công nghệ số cho đội ngũ làm công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật, nhất là ở cấp xã; đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn, hình thành thói quen tìm hiểu thông tin pháp luật qua các nền tảng số do cơ quan Nhà nước cung cấp trong nhân dân và triển khai một số nhóm giải pháp sau:
Thứ nhất, cần xác định đúng mục tiêu đào tạo, phát triển nguồn cán bộ đáp ứng yêu cầu: Đây vừa là giải pháp cơ bản vừa là yêu cầu cần thiết để nâng cao hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng cán bộ giáo viên trong bối cảnh thực hiện chuyển đổi số. Thực tế cho thấy, một số CBCCVC tham gia các lớp, các khóa đào tạo, bồi dưỡng chỉ để lấy chứng chỉ, bằng cấp nhằm hợp thức hóa những yêu cầu về bằng cấp của cơ quan, đơn vị. Vì vậy, các cơ quan, đơn vị và mỗi CBCCVC cần xác định đúng đắn mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng, lấy mục tiêu trang bị kiến thức lên hàng đầu, từ đó đào tạo đúng yêu cầu công việc, khuyến thích tinh thần tự giác cho học viên, góp phần nâng cao chất lượng, trình độ và hiệu quả thực hiện nhiệm vụ của đội ngũ CBCCVC.
Thứ hai, xây dựng hạ tầng mạng, thiết bị công nghệ: Hạ tầng mạng và trang thiết bị công nghệ phải được đổi mới, đặc biệt là khu vực có kết nối kém giúp thu hẹp được khoảng cách vùng miền. Với giải pháp này, có thể ưu tiên sử dụng hình thức thuê dịch vụ hay huy động nguồn lực xã hội để hướng đến mục đích đảm bảo hạ tầng phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục; mọi vùng miền, mọi công dân đều được tiếp nhận thông tin đầy đủ, kịp thời.
Thứ ba, tích cực tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật qua các cuộc thi trực tuyến: Việc tạo ra các cuộc thi trực tuyến trên các nền tảng mới và thu hút công chức, viên chức, đảng viên và Nhân dân tham gia vào các cuộc thi trực tuyến góp phần nâng cao khả năng thích ứng với việc xử lý thông tin trên các nền tảng số, qua đó góp phần rèn luyện kỹ năng tương tác cho công chức, viên chức, đảng viên và Nhân dân trong quá trình tham gia vào xã hội số, kinh tế số và công dân số.
Thứ tư, nâng cấp trang thông tin riêng mang tính thương hiệu của các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, giao dục như: Trang Website, Facebook, Zalo…. Bố trí cán bộ thường xuyên đăng tải tin, bài lên các trang Website và trang Facebook đơn vị mình quản lý để tăng tính tương tác cũng như công khai, minh bạch thông tin, tăng tương tác và tiếp nhận từ Nhân dân.
(*) Tham luận tại Hội thảo “Đổi mới hoạt động của các tổ chức đảng trực thuộc Đảng bộ Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh”