Bóng đá là môn thể thao vua, hấp dẫn bởi lối chơi phối hợp đầy tinh thần trách nhiệm. Cũng là đá bóng, nhưng kiểu “đá bóng” thiếu trách nhiệm trong môi trường công sở thì lại hoàn toàn khác.
Có hình thức đá bóng theo kiểu “chuyền về” an toàn, không dám cầm bóng. Tình trạng “chuyền về” này đang diễn ra ở một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức luôn chủ trương co lại an toàn, ỷ lại, đùn đẩy, trốn tránh trách nhiệm, không có dũng khí để đương đầu với những khó khăn, thách thức, không dám đột phá để mang lại lợi ích cho tập thể, cho tổ chức. Thời gian gần đây, tâm lý sợ trách nhiệm, sợ sai sót, không dám làm hoặc làm việc cầm chừng trong thực thi công vụ là một thực tế khá phổ biến. Rõ nhất là việc phê duyệt, thực hiện các dự án, đầu tư mua sắm công, giải ngân vốn đầu tư công, tình trạng có tiền mà không dám tiêu…
Đơn cử, sau khi hàng loạt cá nhân ở các cơ quan, đơn vị bị điều tra và xử lý do có sai phạm trong mua sắm thiết bị vật tư y tế, sinh phẩm, xét nghiệm COVID-19 liên quan đến “đại án” Việt Á thì cũng xuất hiện tình trạng sợ trách nhiệm, không tiến hành mua sắm thuốc chữa bệnh, trang thiết bị y tế. Trong khi đó, ai cũng biết việc mua sắm thuốc chữa bệnh, máy móc, trang thiết bị y tế là rất cần thiết, liên quan đến sinh mệnh con người...
Có hình thức đá bóng theo kiểu “chuyền ngang”. Đó là tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức “khôn vặt”, luôn nghĩ cách luồn lách để cấp trên thấy là mình có làm việc, nhưng thực chất lại chỉ làm cho có, gặp việc khó thì “đá ngang” cho người khác, nếu thiếu sót, sai lầm thì đùn ngay cho đồng nghiệp, ngược lại, công trạng thì chăm chăm nhận về phần mình. Dạng đá bóng này hình thành một kiểu “văn hóa đổ lỗi”, gây hệ quả vô cùng xấu xí trong công sở.
Có hình thức đá bóng theo kiểu “chuyền vượt tuyến” tùy tiện, vô nguyên tắc. Không ít cán bộ, nhờ có quan hệ thân quen, hay bằng một cách nào đó mà có thói trình vượt cấp, bỏ qua cấp lãnh đạo, quản lý trực tiếp. Từ đây, “nhóm lợi ích”, bè phái, cánh hẩu có mảnh đất để sinh sôi, với sự tùy tiện, thiếu nguyên tắc của cán bộ và được tiếp tay bởi sự thiếu gương mẫu của một số cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu. Vô hình trung, quy trình, quy chế làm việc trong cơ quan, đơn vị bị phớt lờ, thậm chí là bị phá vỡ, dẫn đến mất dân chủ, thiếu tập trung.
Thời gian qua, Đảng, Nhà nước ta chủ trương đẩy mạnh việc xác định rõ vị trí việc làm, coi đây là một trong những nội dung quan trọng trong tổng thể nhiệm vụ đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Xác định rõ vị trí việc làm cho từng chức danh cán bộ, công chức, viên chức trong từng cơ quan, đơn vị chính là để không cho phép cán bộ, công chức, viên chức trốn tránh trách nhiệm, thoái thác công việc, nhiệm vụ được giao.
Quy định phân cấp, phân quyền trong các văn bản pháp luật cũng nhằm phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn cho từng cấp, để việc quản lý được rõ ràng, rành mạch và hiệu quả, bảo đảm việc phân giao nhiệm vụ, quyền hạn phù hợp với chức năng, thẩm quyền và điều kiện ở mỗi cấp, tránh tình trạng “không đúng vai, thuộc bài” hay “vừa đá bóng, vừa thổi còi”.
Tuy nhiên, xét cho cùng, để “tuýt còi” được các hình thức “đá bóng” biến tướng thì điều quan trọng nhất vẫn phải xuất phát từ thái độ, nhận thức của từng người cán bộ. Mỗi người cán bộ cần thực sự là công bộc của nhân dân, làm việc với tinh thần trách nhiệm, sự tự trọng và danh dự! Còn nếu, vẫn diễn kiểu “đá bóng” vô trách nhiệm, “thì xin nghỉ, đứng sang một bên”, đáng nhận “thẻ đỏ” từ công luận, luật pháp, đạo đức và lương tâm!./.