Bà Lê Thị Loan - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Tĩnh
- Phóng viên (PV): Xin bà cho biết thêm chủ đề về Ngày Gia đình Việt Nam năm nay? Sở VH-TT&DL đã làm gì để lan tỏa chủ đề này?
Bà Lê Thị Loan: Chủ đề nhân kỷ niệm 20 năm ngày Gia đình Việt Nam và Tháng hành động quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình năm nay được Bộ VH-TT&DL phát động là “Gia đình bình an - xã hội hạnh phúc”. Việc xây dựng một gia đình bình an chính là tạo ra hạnh phúc cho mỗi cá nhân, khi mỗi người đều hạnh phúc chính là đã tạo ra một xã hội hạnh phúc. Đó là thông điệp ý nghĩa mà chủ đề của ngày Gia đình Việt Nam năm nay hướng tới.
Chương trình truyền thông nhân dịp kỷ niệm 20 năm ngày Gia đình Việt Nam và Tháng hành động quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình với chủ đề “Gia đình bình an - xã hội hạnh phúc” đã được chúng tôi xây dựng với nhiều nội dung ý nghĩa và thiết thực.
Trong đó, tập trung vào 3 nội dung chính là: các thông điệp về phòng, chống bạo lực và bình đẳng trong gia đình (hãy để tình yêu thương sưởi ấm ngôi nhà bạn; hạnh phúc sẽ tỏa sáng khi gia đình không có bạo lực; ngăn ngừa các hành vi bạo lực gia đình để xã hội hạnh phúc...); các thông điệp về văn hóa gia đình, giá trị gia đình và giáo dục gia đình (gia đình là trường học đầu tiên để hình thành nhân cách mỗi con người; gia đình là nơi bảo tồn, lưu giữ những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc...) và các thông điệp về công tác gia đình (đầu tư cho công tác gia đình là đầu tư cho phát triển bền vững; xây dựng quốc gia hạnh phúc bắt đầu từ xây dựng gia đình hạnh phúc...).
Dựa trên những nội dung đó, theo kế hoạch, chương trình thực hiện từ ngày 1/6 đến hết ngày 30/6/2021 bằng nhiều hình thức, như: truyền tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, tuyên truyền lưu động; tuyên truyền trực quan; qua hội nghị, hội thảo, hội thi, tọa đàm, chuyên đề...
Trong bối cảnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Sở VH-TT&DL chủ trương tăng cường tuyên truyền chủ đề về ngày Gia đình Việt Nam trên Báo Hà Tĩnh và Đài PT-TH tỉnh (Trong ảnh: Chương trình tọa đàm "Gia đình bình an - xã hội hạnh phúc" trên Đài PT-TH Hà Tĩnh, ảnh chụp màn hình).
Tuy nhiên, dịch Covid-19 bùng phát khiến nhiều chương trình quy mô và có sức lan tỏa đã được xây dựng kế hoạch phải hủy, hoãn. Thay vào đó, sở phối hợp với các cơ quan truyền thông như: Báo Hà Tĩnh, Đài PT-TH tỉnh… tăng cường sản xuất nhiều bản tin, bài viết, phóng sự về các gương điển hình, gia đình văn hóa tiêu biểu, các buổi tọa đàm truyền hình về chủ đề gia đình; xây dựng các clip trailer đăng trên Facebook, Fanpage của Đài PT-TH tỉnh.
Đồng thời, chỉ đạo cán bộ toàn ngành chia sẻ trên trang của ngành, các huyện, thị, thành phố và trang cá nhân để lan tỏa ý nghĩa các thông điệp của chủ đề “Gia đình bình an - xã hội hạnh phúc”; phối hợp với một số đơn vị và các địa phương tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, tuyên truyền lưu động, tuyên truyền trực quan qua pa nô, băng rôn, phướn… về nội dung, ý nghĩa, thông điệp của ngày Gia đình Việt Nam (28/6).
Đặc biệt, ngày Gia đình Việt Nam năm nay diễn ra trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, để lan tỏa hơn nữa ý nghĩa của sự gắn kết hạnh phúc, chia sẻ, yêu thương trong mỗi gia đình, chúng tôi chỉ đạo và hướng dẫn cơ sở tiếp tục thực hiện chương trình “Bữa cơm gia đình ấm áp, yêu thương” vào khung giờ từ 17 - 19h (thứ hai, ngày 28/6/2021).
- PV: Để phát huy chủ đề “Gia đình bình an - xã hội hạnh phúc” trong thời gian tới, theo bà, chúng ta cần phải làm gì?
Bà Lê Thị Loan: Thiết nghĩ, vấn đề xây dựng “Gia đình bình an - xã hội hạnh phúc” là trách nhiệm của mỗi cá nhân chứ không chỉ ở các hoạt động tuyên truyền, vận động của các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội. Trong mỗi gia đình, từng cá nhân phải không ngừng nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của gia đình và những giá trị tích cực của đạo đức văn hóa gia đình, tầm quan trọng của việc gìn giữ các giá trị chuẩn mực văn hóa gia đình Việt Nam trong phát triển KT-XH… Có như vậy, 4 tiêu chí: “Tôn trọng, bình đẳng, yêu thương và chia sẻ” mới hiện hữu trong mỗi gia đình và lan tỏa ra ngoài cộng đồng, xã hội.
Lòng hiếu thảo và sự sẻ chia giúp gia đình bà Uông Thị Minh (xã Đan Trường, Nghi Xuân) luôn tìm thấy sự bình an và hạnh phúc. Ảnh tư liệu
Việc tổ chức gia đình tốt và giáo dục đời sống gia đình chu đáo, sâu sắc, nhân văn sẽ có tác động sâu xa đến việc hình thành nhân cách con người; tạo tiền đề quan trọng để cung cấp nguồn lực đáp ứng yêu cầu của đất nước trong quá trình phát triển. Vì vậy, nền tảng giáo dục trong gia đình hết sức quan trọng, thể hiện tính đa dạng và nhiều chiều, vừa có ảnh hưởng của cá nhân đối với cá nhân và cá nhân đối với cộng đồng.
Là cơ quan thường trực, tham mưu và hướng dẫn triển khai công tác gia đình, Sở VH-TT&DL sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền dựa trên các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, nhằm không ngừng nâng cao nhận thức của mọi người về vị trí, vai trò của gia đình.
Tiếp tục đẩy mạnh phong trào xây dựng gia đình văn hóa; chú trọng kết hợp vai trò của gia đình, nhà trường và xã hội trong giáo dục gia đình truyền thống nhằm giữ gìn và phát huy những đạo lý tốt đẹp của gia đình Việt Nam.
Sau 2 năm thí điểm, CLB thực hiện “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình” tại thôn Kim Tân (Tân Lộc, Lộc Hà) đã góp phần thay đổi nhận thức của người dân về vai trò của gia đình. Ảnh tư liệu
Nâng cao tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng gắn kết cá nhân - gia đình - làng xã; đề cao giá trị lòng nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình, đạo lý, sự tinh tế trong ứng xử, tính giản dị trong lối sống; tiếp thu có chọn lọc những cái hay, cái tiến bộ đi liền với chống lạc hậu, lỗi thời trong phong tục, tập quán.
Tiếp tục tổ chức phát động tuyên truyền thí điểm bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình. Nâng cao hiệu quả hoạt động của ban chỉ đạo công tác gia đình các cấp. Tăng cường sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành trong việc tổ chức, thực hiện các nhiệm vụ về công tác gia đình nhằm giữ gìn các giá trị chuẩn mực văn hóa gia đình Việt Nam trong bối cảnh mới.
- PV: Xin cảm ơn bà!
Thiên Vỹ