Kỹ năng giới thiệu nghị quyết Đảng

Thứ năm - 05/08/2021 22:26
(TG) - Các thao tác và kỹ năng tiến hành bài giới thiệu nghị quyết Đảng là công đoạn cơ bản và cuối cùng, quyết định sự thành công của bài tuyên truyền miệng. Gồm có 6 nhóm thao tác và kỹ năng: chuẩn bị, kiển soát sự hồi hộp, sử dụng ngôn ngữ, tạo lập sự chú ý, tái lập sự chú ý và kết thúc.

6 ky nang
Đại hội XIII của Đảng là sự kiện chính trị trọng đại nhất của Đảng và của dân tộc ta trong năm 2021.
Sau khi hoàn tất các thao tác xây dựng đề cương bài giới thiệu nghị quyết, báo cáo viên (BCV) thực hiện công đoạn triển khai đề cương đã soạn. Có thể gọi đây là 1 buổi giới thiệu nghị quyết. Đây là công đoạn cơ bản và cuối cùng, quyết định sự thành công của bài tuyên truyền miệng thuộc thể loại giới thiệu nghị quyết Đảng. “Hiệu quả và tính nghệ thuật của bài tuyên truyền miệng thể hiện rõ nhất, cao nhất ở giai đoạn này”.
Tiến hành giới thiệu Nghị quyết gồm các thao tác và kỹ năng sau:
- Thao tác chuẩn bị;
- Kỹ năng kiểm soát sự hồi hộp ở giai đoạn bắt đầu xuất hiện;
- Kỹ năng sử dụng ngôn ngữ;
- Kỹ năng tạo lập sự chú ý của người nghe;
- Kỹ năng tái lập sự chú ý của người nghe;
- Thao tác kết thúc.
THAO TÁC VÀ KỸ NĂNG CHUẨN BỊ
Trước khi triển khai, BCV cần làm tốt các thao tác sau và tiến hành luyện tập trước khi xuất hiện trước người nghe: 
Rà soát lại nội dung: Một trong những yêu cầu về nội dung là tính thời sự nên BCV phải bỏ đi những thông tin cũ, đưa vào những thông tin có tính thời sự, ít nhất phải có 1 sự kiện thời sự. Thực tế, đề cương bài Giới thiệu nghị quyết được soạn trước đó và có thể dùng nhiều lần ở nhiều đơn vị khác nhau nên việc rà soát nội dung còn để giúp cho bài nói phù hợp hơn với đối tượng, từ đó đảm bảo tính thiết thực về nội dung. Sau khi chỉnh sửa xong đề cương, BCV, nhất là những BCV mới vào nghề cần hình dung lại toàn bộ bài Giới thiệu nghị quyết, nắm chắc đề cương, suy nghĩ về nội dung và cách trình bày những nội dung quan trọng nhất. Tiến hành luyện tập các nhân hoặc theo nhóm với sự hỗ trợ của thiết bị công nghệ. Đặt điện thoại thông minh quay lại quá trình luyện tập để đo tốc độ lời nói, kiểm tra âm lượng, quan sát ngôn ngữ cơ thể để từ đó có điều chỉnh thích hợp. 
Chuẩn bị thời gian và địa điểm: 
Thời gian tổ chức buổi Giới thiệu nghị quyết tốt nhất là vào buổi sáng hoặc buổi chiều, không nên nói vào buổi trưa. Buổi sáng người nghe thường tỉnh táo nên có thể dùng mở bài trực tiếp theo lối độc thoại. Buổi chiều nên mở bài gián tiếp theo lối đối thoại vì người nghe thường chưa tỉnh táo sau bữa trưa, giấc ngủ ngắn. Thời gian diễn ra buổi Giới thiệu nghị quyết ảnh hưởng đến cách thức tác động đến đối tượng nên BCV cần biết trước để lên kịch bản tiến hành.  
Địa điểm hợp lý có đóng góp đáng kể cho chất lượng buổi giảng nghị quyết. Kích thước hội trường nên phù hợp với số lượng người nghe. Nếu người nghe ít, hội trường rộng nên mời họ ngồi ở những hàng ghế đầu. Nên bố trí người nghe đến trước ngồi cách xa cửa ra vào sao cho người đến sau không làm họ bị phân tán sự chú ý. Tốt nhất, nên bố trí người nghe ngồi quay lưng về phía cửa ra vào. Hội trường cần đủ ánh sáng, khuôn mặt của BCV phải được chiếu sáng vừa đủ. Không nên tổ chức buổi nói chuyện trong các phòng chật chội, nóng bức, nơi có nhiều tiếng động, ồn ào... Các nghiên cứu về môi trường truyền thông cho thấy: “Nếu nhiệt độ không khí nóng quá 300C, hoặc tiếng ồn cao hơn 60 đề - xi - ben thì môi trường truyền thông sẽ tạo nhiễu, ảnh hưởng tới sự tiếp thu thông tin. Trong hội trường không nên trang trí tranh ảnh hoặc bất cứ thứ gì chi phối sự chú ý của người nghe”. 
Chuẩn bị về thể chất và tinh thần, sức khỏe và tâm lý. Cần có chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý, không ăn món ăn lạ, không uống rượu bia trước khi đi giới thiệu nghị quyết.Hầu hết các BCV đều tỏ ra lo lắng trước khi thực hiện nhiệm vụ. Đây là trạng thái tâm lý bình thường. Cần chuẩn bị kỹ mọi công đoạn, tư duy tích cực để tâm lý ổn định hơn. Cần áp dụng kỹ năng định vị giao tiếp để thấy rõ vai trò của mình mà vững tâm hơn.
Chuẩn bị cho diện mạo. Diện mạo là tổng thể vẻ bề ngoài của mỗi con người. Nó được tạo bởi quần áo, tóc, giày dép, phụ kiện. Chọn trang phục lịch sự, phù hợp với thời tiết, với vóc dáng và với địa điểm nơi đứng nói. Giày, dép có quai hậu phải được chải sạch. BCV nữ không nên đi giày có gót quá cao, khoảng 5 –  7 cm là hợp lý. BCV nữ nên trang điểm đậm hơn so với giao tiếp bình thường, không nên đeo quá nhiều phụ kiện làm phân tán sự chú ý của người nghe.
Chuẩn bị phương tiện, thiết bị trình bày bài Giới thiệu nghị quyết. Kiểm tra lại xem đề cương đã được in ra chưa, kích cỡ phù hợp chưa. Máy tính, bút lật trang sạc đủ điện chưa, kính mắt có dùng đến không, các giáo cụ trực quan khác đã đầy đủ chưa, … Một loạt các câu hỏi cần được đặt ra và trả lời.
Chuẩn bị phương án ứng phó với những tình huống phát sinh. Một số tình huống có thể kể đến như: mất điện, không mang theo đề cương, máy tính không kết nối được, có kết nối nhưng không hiển thị lên màn hình, người nghe đến muộn, người nghe đến ít hơn/ nhiều hơn so với số lượng đã triệu tập, người nghe liên tục đặt ra những câu hỏi chất vấn, sơ hở trong trang phục, …
Giai đoạn trước khi tiến hành bài Giới thiệu nghị quyết thực chất là giai đoạn chuẩn bị. Phương châm: “Thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu” cho thấy tầm quan trọng của các thao tác và kỹ năng chuẩn bị. Các BCV phải hết sức chú ý và đầu tư cho giai đoạn này. Tiếp theo là các kỹ năng kiểm soát sự hồi hộp ở giai đoạn bắt đầu xuất hiện. 
KIỂM SOÁT SỰ HỒI HỘP
Những giây phút đầu tiên xuất hiện trước người nghe luôn là khoảng thời gian khó khăn với tất cả mọi người nói. Khó khăn bởi trạng thái tâm lý có tên gọi là sự hồi hộp khiến người nói lúng túng. Khó khăn của cái ban đầu và tác động của giai đoạn bắt đầu đến toàn bộ quá trình như thế nào có thể thấy rõ ở hai câu thành ngữ: “Đầu xuôi đuôi lọt”, “Vạn sự khởi đầu nan”. Do vậy, để bắt đầu buổi Giới thiệu nghị quyết như thế nào, làm gì để kiểm soát sự hồi hộpcũng lànhữngcâu hỏi quan trọng, nhất là với thể loại có tính đặc thù và mang tính khuôn mẫu như Giới thiệu nghị quyết. 
Những BCV có kinh nghiệm thường không vội vàng bắt đầu bài nói ngay mà cần tạo ra sự chú ý ban đầu. Sau khi bước lên bục giảng, cần phải làm nhiệm vụ tổ chức người nghe, tập trung sự chú ý của họ, biến những cá nhân riêng lẻ trở thành một tập thể thống nhất, có sự hưởng ứng chung đối với bài Giới thiệu nghị quyết. Thủ thuật tạo ra sự chú ý ban đầu ở người nghe là sự yên lặng trong khoảng 5 - 10 giây. Trong phút yên lặng ban đầu này, BCV cần giao tiếp bằng mắt với người nghe, nhìn vào mắt của những người có ánh nhìn thân thiện và gặp họ qua ánh mắt, chào họ bằng ánh mắt thiện cảm của mình. Đây cũng là cách mà người nói có thể nhận biết thái độ của người nghe để trên cơ sở đó quyết định lựa chọn phương pháp vào đề, phương pháp trình bày vấn đề. 
Trong giai đoạn này thường xảy ra một số tình huống như sau: 
BCV hồi hộp: Hồi hộp là một trạng thái tâm lý biểu hiện của xúc cảm tự nhiên. Những người có kinh nghiệm phát biểu trước đông người lâu năm vẫn có biểu hiện này. Hồi hộp vừa có tác dụng tích cực vừa có tác dụng tiêu cực. Tích cự ở chỗ nó có thể giúp người nói hưng phấn hơn, giọng nói truyền cảm hơn. Nó chỉ tiêu cực khi cảm xúc này kéo dài và người nói không biết cách điều tiết. Hồi hộp có thể dẫn đến việc kìm hãm sự vận động của BCV, bị ức chế về tâm lý và do đó thường không có khả năng tư duy định hướng, lúng túng, không làm chủ được lời nói. Biểu hiện của sự hồi hộp thường là: dễ xúc động, tay chân run, khô môi, tái nhạt mặt hoặc đỏ mặt, thở nhanh, động tác thừa lặp đi lặp lại với tần suất cao ... Sự hồi hộp khi Giới thiệu nghị quyết có các nguyên nhân sau: Một là, thiếu tự tin vào khả năng của mình; Hai là,thiếu kinh nghiệm, chưa từng trải trong thực tiễn Giới thiệu nghị quyết; Ba là,do đặc trưng tâm lý của một số người. (Những người hay bị hồi hộp khi nói trước đông người thường là những người dễ xúc cảm); Bốn là, chưa chuẩn bị kỹ, đặc biệt là chưa làm chủ được đề cương bài Giới thiệu nghị quyết. 
Để xử lý trạng thái hồi hộp có thể thực hiện một vài biện pháp sau: 
Thứ nhất, thở sâu vài ba lần. Thở theo nhịp: hít vào đếm từ 1 đến 4, ngưng lại đếm từ 1 đến 7, thở ra đếm từ 1 đến 8. Hít vào phình bụng ra, thở ra hóp bụng lại. Ngưng lại (giữ hơi thở) giúp giảm áp lực lên tim, mạch khiến người nói giảm hồi hộp.
Thứ hai, làm dịu về thể chất bằng cách tiến hành một việc gì đó: đặt chai nước và cốc nước mà ban tổ chức chuẩn bị sẵn từ phải sang trái, điều chỉnh micro, tắt/ bật quạt, đóng/ mở rèm cửa, di chuyển vị trí một chiếc ghế, một lọ hoa đặt trên bàn, , mở cửa sổ hay cửa ra vào, ...
Thứ ba, đưa mắt tìm kiếm những nét mặt quen thuộc, có thiện cảm với mình và dừng lại ở đó một lúc. Làm thế nào để có được những ánh mắt thiện cảm như vậy? BCV nên đến sớm, bắt chuyện với một vài người nghe đầu giờ. Những người này sẽ là người ủng hộ BCV, dành cho BCV ánh nhìn thân thiện. Đây cũng là giải pháp cứu nguy cho những BCV còn ít số giờ đứng bục trong bộ sưu tập nghề nghiệp của mình.
Tuy nhiên, cách tốt nhất để khắc phục là chuẩn bị tốt nội dung bài Giới thiệu nghị quyết, luyện tập cẩn thận. 
Người nghe ồn ào, không tập trung chú ý. Trong trường hợp này cách khắc phục tốt nhất là nói to và rõ ràng khi bắt đầu Giới thiệu nghị quyết. Cách khắc phục này dựa trên quy luật tâm sinh lý: Con người chỉ tiếp thu những tác nhân kích thích âm thanh nào trội hơn, có khả năng tương phản với các kích thích âm thanh khác. 
KỸ NĂNG SỬ DỤNG NGÔN NGỮ
Trong quá trình giới thiệu nghị quyết, BCV tác động đến người nghe chủ yếu bằng phương tiện là ngôn ngữ, gồm 3 yếu tố: ngôn từ, cận ngôn ngữ và ngoại ngôn ngữ. Ngôn từ là tất cả các đơn vị của 1 thứ tiếng nào đó cùng với các quy tắc cấu tạo từ đơn vị nhỏ đến đơn vị lớn hơn như: từ, cụm từ, câu, đoạn văn, văn bản. Cận ngôn ngữ là những yếu tố luôn đi cùng với ngôn từ như: cao độ, trường độ, tốc độ, trọng âm, sự ngừng giọng. “Ngoại ngôn ngữ là thông điệp không được mã hoá bằng ngôn từ”. Ngoại ngôn ngữ gồm ngôn ngữ cơ thể, ngôn ngữ vật thể và ngôn ngữ môi trường. Ngôn ngữ cơ thể gồm: ánh mắt, nét mặt, nụ cười, cử chỉ đôi tay, điệu bộ; Ngôn ngữ vật thể gồm: quần áo, phụ kiện (túi xách, bút, kính, bản đề cương bài Giới thiệu nghị quyết, bìa kẹp đề cương, máy tính, bút lật trang, đồng hồ đeo tay, nhẫn, vòng, dây chuyền, giày, kẹp tóc, ...; Ngôn ngữ môi trường gồm: vị trí đứng, khoảng cách giao tiếp, địa điểm phát biểu, ...
Các yếu tố trên đây tác động lên thị giác và thính giác của người nghe,có tác dụng nâng cao hiệu quả tri giác thông tin của họ. Chúng còn được kết hợp phù hợp với tính chất nội dung thông tin và với các yếu tố ngôn từ để nâng cao chất lượng bài Giới thiệu nghị quyết. Nhiều chuyên gia nghiên cứu về ngôn ngữ đã cung cấp con số đáng bất ngờ như sau: hiệu quả của ngôn từ trong giao tiếp chỉ chiếm 7%, cận ngôn ngữ là 38% và ngoại ngôn ngữ là 55%. Các BCV cần biết và thực hành các loại phương tiện ngôn ngữ nói trên để tối ưu hoá tác động của chúng đến người hoc tập nghị quyết.
TẠO LẬP SỰ CHÚ Ý CỦA NGƯỜI NGHE
Chú ý là sự tập trung cao độ của ý thức vào một hoặc một số đối tượng nào đó trong một khoảng thời giác nhất định để phản ánh, nhận thức chúng một cách rõ ràng nhất. Người nghe chăm chú tiếp thu bài Giới thiệu nghị quyết có thể do bài nói có nội dung mới, thiết thực, mang tính thời sự, được trình bày theo logic, ngôn ngữ chính xác, phổ thông và có tính biểu cảm. Tuy nhiên, BCV cũng cần nắm được đặc điểm của sự chú ý như mức độ tập trung, sự phân phối, tính bền vững, phân tán, tính di chuyển để điều khiển sự chú ý của người nghe trong quá trình nói.
Dưới đây là một vài gợi ý về cách tạo sự chú ý ở người nghe: 
Sử dụng ít nhất các yếu tố luân phiên lượt lời, quán ngữ như: ờ, à, thì, là, mà, của đáng tội là, coi như là, thú thực là, kính thưa các đồng chí, … Những từ và cụm từ này khi dùng không có lõi thông tin nhưng làm mất thời gian nên dùng chúng ít nhất có thể;
Thay đổi ngữ điệu lời nói để không tạo ra cảm giác đều đều, nhàm chán trong quá trình cung cấp thông tin;
Sử dụng yếu tố bất ngờ, cách trình bày độc đáo;
Tung thông tin một cách dồn dập, khiến người nghe có cảm giác như bội thực thông tin. Chính điều này làm họ tò mò, chú ý. Chẳng hạn khi nêu mục tiêu cụ thể của nghị quyết; 
Vấn đề trừu tượng cần được mổ xẻ bằng cách đưa các ví dụ cụ thể mắt thấy, tai nghe, trình bày sự kiện xen kẽ các khái niệm, phạm trù quy luật; 
Biến số liệu thành những con số biết nói; 
Thoát ly đề cương. Giới thiệu nghị quyết đòi hỏi tính chính xác cao độ về nội dung nên BCV cần nhìn vào nghị quyết đọc những quan điểm, mục tiêu nhưng phải thoát ly khỏi đề cương khi phân tích, giải thích các quan điểm ấy.
Dùng từ láy, ẩn dụ, thành ngữ, tục ngữ, trích dẫn thơ, nhạc, … 
TÁI LẬP SỰ CHÚ Ý CỦA NGƯỜI NGHE
Trong quá trình Giới thiệu nghị quyết, sự chú ý của người nghe bị suy giảm do nhiều yếu tố. Trong trường hợp này, BCV phải biết nắm bắt thái độ của người nghe qua giao tiếp bằng ánh mắt và chủ động tìm cách khắc phục. Dưới đây là hai đường đồ thị biểu diễn sự chú ý của người nghe. 
 
6 1 ky nang
Đường số 1 cho thấy người nói đã tạo ra được sự chú vào đầu và cuối buổi nhưng không duy trì được chúng trong phần lớn thời gian đứng bục. Đường số 2 chứng tỏ người nói là người có kỹ năng giữ chân người nghe, tái lập được sự chú ý của người nghe ngay khi phát hiện ra họ có biểu hiện sao nhãng. 
Nếu thấy người nghe nói chuyện riêng, BCV nên rời bục giảng tiến gần về phía họ.Không dừng lại ở đó, cần đặt 1 câu hỏi để họ trả lời hoặc để họ suy nghĩ về câu hỏi. Nếu làm như vậy tức là BCV đang sử dụng thủ thuật thay đổi trạng thái giao tiếp chuyển từ độc thoại sang đối thoại;
Nói to lên hoặc nhỏ lại, thậm chí là im bặt;
Sử dụng các phương tiện trực quan sinh động như sơ đồ, bản đồ, biểu bảng, video clip, vật dụng.... 
Sử dụng biện pháp gây cười như: dùng giọng nói, nét mặt hài hước, chơi chữ, nói lái, nói thiếu, nói tước bỏ ngữ cảnh, kể một câu chuyện cười phù hợp để giảm bớt sự căng thẳng, khôi phục sự chú ý. 
KẾT THÚC BÀI GIỚI THIỆU NGHỊ QUYẾT
Một buổi Giới thiệu nghị quyết ở cơ sở thường kéo dài từ 1,5 đến 2 giờ đồng hồ nên giai đoạn kết thúc bài Giới thiệu nghị quyết là lúc người nghe đã thấm mệt,ít tập trung.Điều này dễ hiểu vì các nghiên cứu đã chỉ ra rằng người nghe tập trung nhất trong khoảng 1 tiếng đầu tiên. Do vậy, cần kết thúc bài Giới thiệu nghị quyết sớm hơn giờ quy định từ 5 đến 7 phút, không nên kéo dài dù là đôi ba phút.
Kết thúc và kết luận không phải là một nhưng kết luận có thể nằm trong kết thúc. Tại sao nói như vậy? Phải kết luận vấn đề trước khi chuyển sang đối thoại, sau đó kết thúc. Nếu không có đối thoại thì kết luận xong chuyển sang kết thúc luôn. Giai đoạn kết thúc có hai phương án và gồm các thao tác sau:
Phương án 1: có đối thoại, BCV tiến hành 5 thao tác: tóm tắt nội dung, kêu gọi hành động, cảm ơn, chúc và chào tạm biệt
Phương án 2: không đối thoại, BCV tiến hành 3 thao tác: cảm ơn, chúc và chào tạm biệt. 
Lưu ý về lời chúc, người nói trong mọi bối cảnh đều chúc người nghe những lời chúc giống nhau: sức khoẻ, hạnh phúc, thành đạt. Như vậy, lời chúc trở nên sáo rỗng và nhàm chán. Tránh thực tế này, BCV khi kết thúc buổi Giới thiệu nghị quyết cần đưa tên hoặc tư tưởng cơ bản của Nghị quyết vào lời chúc. Như vậy vừa tạo ra sự khác biệt vừa củng cố chủ đề chính của buổi tuyên truyền miệng, giúp người nghe ghi nhớ tốt hơn về nội dung nghị quyết. 
Thời gian diễn ra giai đoạn cuối cùng này ngắn nhất trong 4 giai đoạn của buổi Giới thiệu nghị quyết nhưng để lại cho người nghe những cảm xúc mạnh mẽ về buổi nghe nghị quyết nên các thao tác kết thúc vô cùng quan trọng. 
Sáu nhóm thao tác và kỹ năng gồm: chuẩn bị, kiển soát sự hồi hộp, sử dụng ngôn ngữ, tạo lập sự chú ý, tái lập sự chú ý và kết thúc như đã trình bày trên đây có thể là những gợi ý ban đầu cho các BCV trong quá trình tác nghiệp. Trình bày đề cương bài Giới thiệu nghị quyết, giao tiếp trực tiếp với người nghe là giai đoạn quyết định sự thành công trọn vẹn của một buổi tuyên truyền miệng. Toàn bộ các thao tác chuẩn bị ở giai đoạn trước mà BCV đã dành nhiều thời gian và tâm huyết đều nhằm phục vụ cho giai đoạn gặp gỡ quan trọng này. Cả giai đoạn chuẩn bị và giai đoạn tiến hành buổi Giới thiệu nghị quyết đều phải được coi trọng như nhau. Theo PGS.TS. Lương Khắc Hiếu, Học viện Báo chí và Tuyên truyền: “Mỗi giai đoạn là một lần sáng tạo của người cán bộ tuyên truyền. Họ phải sáng tạo hai lần; một lần trên bàn viết và một lần trước người nghe. Phải hội đủ hai lần sáng tạo mới có sự thành công trọn vẹn cho một bài giới thiệu nghị quyết của người cán bộ tuyên truyền miệng.” 
TS. Vũ Hoài Phương 
Giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền
----------------------------------
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H,2021,t.1.
2. Lương Khắc Hiếu: Giáo trình Nghệ thuật phát biểu miệng, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2005. 
3. Vũ Hoài Phương: Giáo trình nội bộ môn học Đề cương một số thể loại phát biểu miệng, H, 2017.
4. Nguyễn Quang: Giao tiếp phi ngôn từ, Tạp chí Khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội, H, 2007, tr 76 - 83.

Nguồn tin: Tạp chí Tuyên giáo:

Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 4 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 4 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thông báo - mời họp

154-GM/ĐUK

HN quán triệt các văn bản về đại hội Đảng các cấp; thực hiện quy trình giới thiệu nhân sự bổ sung Ủy viên BCH Đảng bộ Khối khóa XVI, nhiệm kỳ 2020-2025.

21/10/2024

153-GM/ĐUK

BTV Đảng ủy Khối kết nối đường truyền HN toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện NQ HN lần thứ mười BCHTW Đảng khóa XIII.

18/10/2024

227-TB/ĐUK

Thông báo mở Lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng Khóa VIII năm 2024

11/10/2024

152-GM/ĐUK

Hội nghị sơ kết công tác 9 tháng, triển khai nhiệm vụ những tháng cuối năm 2024

11/10/2024

Lượt truy cập
  • Đang truy cập24
  • Hôm nay5,019
  • Tháng hiện tại144,307
  • Tổng lượt truy cập15,930,472
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây