Toàn cảnh buổi sinh hoạt chi bộ
Báo cáo đề dẫn nêu rõ: Hà Tĩnh hiện có 2 tôn giáo chính là Công giáo và Phật giáo, có 371 cơ sở thờ tự với 185 chức sắc, 183.000 tín đồ (chiếm 14,2% dân số toàn tỉnh). Thời gian qua, đại bộ phận các chức sắc, chức việc, tín đồ tôn giáo chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, “sống tốt đời đẹp đạo”, tích cực tham gia các phong trào do chính quyền, Mặt trận Tổ quốc phát động, đặc biệt là phong trào “Toàn dân xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh”, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của tỉnh nhà. Tuy nhiên, hiện nay việc phát huy giá trị văn hóa, đạo đức và hiệu quả của công tác phát huy nguồn lực của tôn giáo ở Hà Tĩnh còn chưa tương xứng với tiềm năng hiện có, chưa phát huy được hiệu quả nhiều mặt tích cực của tôn giáo.
Xác định tính cấp thiết và yêu cầu trong tình hình mới, trong khuôn khổ buổi sinh hoạt, đã có 8 ý kiến của cán bộ, đảng viên tập trung thảo luận sôi nổi, đánh giá quá trình du nhập, phát triển và những đóng góp của các tôn giáo ở Hà Tĩnh; vai trò, nguồn lực của các tôn giáo trong tham gia xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội; đánh giá một số vấn đề đặt ra khi khai thác, phát huy nguồn lực tôn giáo, trong đó thảo luận sâu về các giải pháp, kiến nghị để phát huy vai trò, nguồn lực của các tôn giáo, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở tỉnh Hà Tĩnh trong tình hình mới.
Phát biểu kết thúc buổi sinh hoạt chuyên đề, đồng chí Nguyễn Thị Mai Thủy, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng ban Thường trực, Bí thư Chi bộ Ban Dân vận Tỉnh ủy đề nghị các cán bộ, đảng viên tiếp tục nghiên cứu để có những góp ý bổ sung xây dựng chuyên đề; Tổ đảng Phòng Dân vận các cơ quan nhà nước, dân tộc và tôn giáo tiếp thu, chỉnh sửa, nghiên cứu để tiếp tục hoàn thiện chuyên đề trong thời gian tới.