Đề cao trách nhiệm nêu gương và tự giác nêu gương

Thứ hai - 28/06/2021 21:49
(TG) - Quán triệt, triển khai Kết luận 01-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XIII về ”Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, mỗi cấp ủy, tổ chức đảng và đảng viên phải nêu cao ý thức, trách nhiệm tự giác trên cả ba nội dung: học Bác, làm theo Bác và nêu gương. Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đã có cuộc trao đổi với Tạp chí Tuyên giáo về nội dung này.

64neu guong
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương. Ảnh: Quang Phúc
HỌC BÁC ĐỂ THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG    
Thưa đồng chí, vì sao Đại hội XIII của Đảng xác định một trong những nhiệm vụ, giải pháp để góp phần xây dựng Đảng về đạo đức là “thực hiện thường xuyên, sâu rộng, có hiệu quả việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị”?
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa: Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” của Bộ Chính trị khóa XII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng một lần nữa đã khẳng định di sản Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu để lại cho Đảng ta, nhân dân ta là vô cùng đồ sộ và quý giá. Đó là Thời đại Hồ Chí Minh; Sự nghiệp Hồ Chí Minh; Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Có thể hiểu một cách vắn tắt, Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống các quan điểm, nhận thức, tư tưởng chỉ đạo rất cơ bản của Chủ tịch Hồ Chí Minh về cách mạng và con đường đi lên của cách mạng Việt Nam trong thời đại ngày nay. Đó là kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại. Đạo đức Hồ Chí Minh là đạo đức cách mạng, là những phẩm chất cao quý của một người cách mạng. Đó là: Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Phong cách Hồ Chí Minh là lối sống, tác phong khiêm tốn, giản dị, cầu thị, gần dân, trọng dân, tin dân, học dân, làm việc gì cũng vì lợi ích của nhân dân; là đầy tớ của dân chứ không phải “làm quan nhân dân”, không được lên mặt “làm quan cách mạng”.
Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, toàn Đảng, toàn dân học tập và làm theo Di chúc của Người với khẩu hiệu: Sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại.
Trong công cuộc đổi mới đất nước, từ Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Đảng ta đã ban hành các chỉ thị về nội dung này: Chỉ thị 06-CT/TW về “Tổ chức cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” năm 2006, Chỉ thị 03-CT/TW về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” năm 2011, Chỉ thị 05-CT/TW về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” (Chỉ thị 05) năm 2016.
Tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tài sản tinh thần vô giá của Đảng ta và nhân dân ta, soi sáng sự nghiệp cách mạng, dẫn dắt mỗi bước đi lên và thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh là việc làm rất cần thiết, là nhiệm vụ hết sức quan trọng, thường xuyên, không thể thiếu đối với toàn Đảng, toàn dân ta, truớc hết là các tổ chức đảng, các cơ quan nhà nước và cán bộ, đảng viên trong tu dưỡng, rèn luyện, cống hiến, phụng sự đất nước, phục vụ nhân dân. Mỗi thắng lợi và mỗi bước đi lên của cách mạng Việt Nam đều gắn liền với công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự soi đường, dẫn dắt của tư tưởng Hồ Chí Minh.   
Vì vậy, trong nhiệm kỳ Đại hội XIII, việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tiếp tục là một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII, đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp cách mạng trong giai đoạn mới. Ngày 18/5 vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 01-KL/TW về "Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" (Kết luận số 01-KL/TW).
Tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tài sản tinh thần vô giá của Đảng ta và nhân dân ta, soi sáng sự nghiệp cách mạng, dẫn dắt mỗi bước đi lên và thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh là việc làm rất cần thiết, là nhiệm vụ hết sức quan trọng, thường xuyên, không thể thiếu đối với toàn Đảng, toàn dân ta, trước hết là các tổ chức đảng, các cơ quan nhà nước và cán bộ, đảng viên trong tu dưỡng, rèn luyện, cống hiến, phụng sự đất nước, phục vụ nhân dân. 
Thực tiễn thời gian qua đã khẳng định vai trò quan trọng của việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cũng như hiệu quả của việc học và làm theo Bác trong tình hình mới. Theo đồng chí, việc thực hiện Chỉ thị 05 trong nhiệm kỳ Đại hội XII đã có những kết quả nổi bật nào?
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa: Sau 35 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Đạt được những kết quả đó, có sự đóng góp không nhỏ của việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Theo kết quả điều tra dư luận xã hội được Viện Dư luận xã hội triển khai về kết quả 5 năm thực hiện Chỉ thị 05, 81% ý kiến được hỏi đánh giá việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị 05 đã trở thành nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của mỗi tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên. 79% ý kiến được hỏi cho rằng việc thực hiện Chỉ thị 05 đã làm cho tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thật sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của đời sống xã hội, xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. 76% ý kiến được hỏi cho rằng việc thực hiện Chỉ thị 05 góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. 71% ý kiến được hỏi cho rằng việc thực hiện Chỉ thị 05 khôi phục, củng cố lòng tin, sự gắn bó của nhân dân với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa. 70% ý kiến được hỏi cho rằng việc thực hiện Chỉ thị 05 góp phần ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Trong nhiệm kỳ Đại hội XII, nhìn chung, các cấp ủy, tổ chức đảng đã tích cực lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện Chỉ thị 05, đặc biệt, gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, góp phần nâng cao đạo đức cách mạng, từng bước đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Việc thực hiện Chỉ thị 05 đã được cụ thể hóa thành những nhiệm vụ, chương trình cụ thể, tạo sức lan tỏa, thúc đẩy việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh sâu rộng trên mọi mặt của đời sống xã hội; ngày càng đi vào thực chất, dần trở thành việc làm thường xuyên, nền nếp, lối sống của các cán bộ, đảng viên và nhân dân; tạo ra những chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động, tạo nên sức mạnh cộng hưởng, sự đồng lòng, quyết tâm trong toàn Đảng, toàn quân, toàn dân thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, bảo vệ Tổ quốc, đạt nhiều thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện, tạo nhiều dấu ấn nổi bật, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ.

64 1 neu guong
Các đại biểu tham dự Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị khóa XII, triển khai Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XIII về “Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05 về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” xem triển lãm “Những tấm gương bình dị mà cao quý”.
Trong quá trình thực hiện Chỉ thị 05, các ban, bộ, ngành, địa phương đã xác định các khâu đột phá để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả. Đó là: Thứ nhất, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; xây dựng tổ chức, bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Thứ hai, cải cách hành chính, xóa bỏ những thủ tục hành chính rườm rà, gây khó khăn cho doanh nghiệp, nhân dân; xây dựng bộ quy tắc ứng xử, thực hiện văn hóa giao tiếp, văn hóa ứng xử, văn hóa công sở. Thứ ba, xây dựng quy chế, quy định về việc người đứng đầu cơ quan, đơn vị tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và doanh nghiệp, kịp thời nắm bắt, giải quyết những phản ánh, kiến nghị của nhân dân, doanh nghiệp. Thứ tư, chọn những vấn đề bức xúc, nổi cộm mà nhân dân quan tâm, tập trung khắc phục, giải quyết dứt điểm. Thứ năm, chỉ đạo thực hiện quyết liệt công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xử lý sai phạm…
Nhờ xác định và thực hiện tốt các khâu đột phá, trong nhiệm kỳ Đại hội XII, các địa phương trong cả nước đã giải quyết được 50.748 vụ việc nổi cộm, tồn đọng, gây bức xúc dư luận xã hội, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. 

64 2 neu guong
Tuy đã đạt được những kết quả quan trọng nhưng quá trình thực hiện Chỉ thị 05 vừa qua, vẫn còn có những bất cập, hạn chế cần khắc phục. Nguyên nhân chính do đâu, thưa đồng chí?
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa: Đúng vậy, bên cạnh những kết quả đạt được, việc tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị 05 còn bộc lộ một số hạn chế. Điều này được nêu rõ trong Kết luận 01-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XIII. Đó là công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện có nơi, có lúc chưa quyết liệt, chưa kịp thời, chưa sát thực tế; một số người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị chưa thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm, còn thụ động, trông chờ, ỷ lại, thiếu sáng tạo trong triển khai thực hiện Chỉ thị.
Việc tu dưỡng, rèn luyện, làm theo Bác, nhất là trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, đặc biệt người đứng đầu chưa thường xuyên; một số cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm các quy định của Đảng, vi phạm pháp luật.Việc thực hiện Chỉ thị 05 gắn với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, thực hiện nhiệm vụ chính trị và giải quyết các khâu đột phá, các vấn đề cấp bách, bức xúc còn lúng túng, hiệu quả chưa cao. Đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch có lúc còn bị động, kết quả chưa cao.
Việc phát hiện, biểu dương các tập thể, cá nhân điển hình trong học tập và làm theo Bác chưa kịp thời, thiếu sức thuyết phục. Công tác đấu tranh với các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống chưa mạnh mẽ; tự phê bình và phê bình có nơi, có lúc còn hình thức; tình trạng thiếu tự giác nhận khuyết điểm, đổ lỗi, nể nang, né tránh, ngại va chạm còn diễn ra ở nhiều nơi.
Công tác kiểm tra, giám sát của nhiều cấp ủy đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên chưa thường xuyên, thiếu quyết liệt, phạm vi, đối tượng còn hẹp, hiệu quả cảnh báo, phòng ngừa vi phạm chưa đạt yêu cầu.
Việc vẫn còn tồn tại những hạn chế này có rất nhiều nguyên nhân. Nhưng theo tôi, điều quan trọng nhất là cần có sự thống nhất cao trong nhận thức của toàn Đảng, toàn dân, từ người đứng đầu cho tới các cán bộ, đảng viên về sự cần thiết phải học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Hiện nay, một số cấp ủy, tổ chức đảng chưa nhận thức đầy đủ và toàn diện về tầm quan trọng của việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, vẫn còn có tình trạng chỉ xem đây là cuộc vận động, phong trào thi đua, đợt sinh hoạt chính trị.
Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh không thể chỉ dừng lại ở như một cuộc vận động, một phong trào, hay đơn thuần là thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương. Giống như chúng ta hay nói: “Tư tưởng không thông, đeo bình tông cũng nặng”.
Đây là bài học về nhận thức. Chỉ khi nhận thức đầy đủ, sâu sắc giá trị tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thì việc học tập và làm theo Bác mới trở thành việc làm tự giác, thường xuyên, nền nếp và thực chất.

64 3 neu guong
Sẽ có nhiều bài học kinh nghiệm được rút ra, làm cơ sở cho việc triển khai học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong thời gian tới, thưa đồng chí?
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa: Qua 5 năm thực hiện Chỉ thị 05, chúng ta rút ra được rất nhiều bài học kinh nghiệm quý báu để tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong giai đoạn tới.
Trước hết, cần nhận thức sâu sắc tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là tài sản tinh thần vô giá của Đảng và dân tộc ta trong giai đoạn tới, việc đẩy mạnh, thực hiện hiệu quả việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh cần tiếp tục gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI, khoá XII về xây dựng Đảng, Nghị quyết 35-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”.  
Sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, quyết liệt của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp ủy các cấp là nhân tố đặc biệt quan trọng để Chỉ thị 05-CT/TW đi vào cuộc sống, đạt hiệu quả cao. Phát huy vai trò nêu gương của người đứng đầu cấp ủy, địa phương, cơ quan, đơn vị, “nói đi đôi với làm”, nêu gương bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, trách nhiệm.
Trong việc “làm theo” tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác, cần chọn đúng khâu đột phá, nhiệm vụ trọng tâm trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, cơ quan, đơn vị để lãnh đạo, chỉ đạo có hiệu quả, mang lại kết quả rõ nét.
Coi trọng công tác tuyên truyền, biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tuyên truyền nhân rộng gương người tốt, việc tốt, các tập thể và cá nhân điển hình tiêu biểu gắn với làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng.
Kết hợp chặt chẽ “xây” và “chống”, lấy “xây” để “chống”, vừa đẩy mạnh giáo dục, tuyên truyền, vận động, vừa hoàn thiện hệ thống pháp luật của Nhà nước và quy định của Đảng, xử lý kịp thời, nghiêm minh các sai phạm, để răn đe, phòng ngừa có hiệu quả sự suy thoái, tiêu cực.
 Trong nhiệm kỳ Đại hội XII, nhìn chung, các cấp ủy, tổ chức đảng đã tích cực lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện Chỉ thị 05, đặc biệt, gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, góp phần nâng cao đạo đức cách mạng, từng bước đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
 TRÁCH NHIỆM NÊU GƯƠNG, TỰ GIÁC NÊU GƯƠNG
Có thể thấy rằng, trong việc thực hiện Chỉ thị 05 có nhiều cách làm mới, sáng tạo, có sức lan tỏa trong Đảng và toàn xã hội. Đồng chí đánh giá như thế nào trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên theo phương châm “chức vụ càng cao càng phải gương mẫu”?
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa: Có thể thấy rằng, khi triển khai thực hiện Chỉ thị 05, các cấp ủy đảng từ Trung ương đến cơ sở đều ban hành các quy định về trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên. Từ đó, việc thực hiện nêu gương trong thời gian qua có chuyển biến tích cực.
Nhiều cấp ủy, cán bộ, đảng viên, người đứng đầu, nhất là vai trò tiền phong, gương mẫu của các đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương được thực hiện bằng những việc làm, hành động cụ thể với phương châm “trên trước, dưới sau”, “trong trước, ngoài sau”, “học tập đi đôi với làm theo” trên tất cả các phương diện, từ tư tưởng chính trị đến đạo đức, lối sống, tự phê bình và phê bình, trong quan hệ với nhân dân, trách nhiệm trong công tác, ý thức tổ chức kỷ luật, đoàn kết nội bộ, lề lối làm việc… Qua đó, kịp thời chấn chỉnh tác phong công tác, lối sống xa hoa, lãng phí gây phản cảm trong xã hội trong cán bộ, đảng viên, góp phần kiềm chế, ngăn chặn tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; tích cực bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; thúc đẩy việc tự giác nêu gương, đi đầu trong thực hiện nếp sống văn minh, giản dị, tiết kiệm; cán bộ giữ chức vụ càng cao càng phải gương mẫu, tạo sự chuyển biến quan trọng về nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên trong quá trình thực thi các nhiệm vụ chính trị, tạo dấu ấn rõ nét về xây dựng văn hóa Đảng đạo đức, văn minh.
Hiệu quả của việc nêu gương mang lại những tác động lớn, góp phần tạo ra những đột phá quan trọng từ Trung ương đến các địa phương trong việc thay đổi diện mạo kinh tế - xã hội của đất nước nhiệm kỳ vừa qua, góp phần giải quyết các vấn đề xã hội nổi cộm, gây bức xúc trong nhân dân, khẳng định chủ trương, đường lối đổi mới đúng đắn của Đảng.
Điển hình như, việc kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị đạt kết quả quan trọng, có trọng tâm, trọng điểm, bước đầu đã khắc phục được một số hạn chế tồn tại trong thời gian dài. Cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền về lập pháp, hành pháp và tư pháp ngày càng rõ; từng bước hoàn thiện thể chế về công tác cán bộ, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực. Nhiều vấn đề hết sức phức tạp trong công tác xây dựng Đảng đã được đề cập trong nhiều nhiệm kỳ, phải đến nhiệm kỳ Đại hội XII mới được giải quyết căn bản, rõ nét. Đặc biệt, đã đào tạo, rèn luyện được đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp, nhất là cán bộ cấp chiến lược, đủ đức, đủ tài, ngang tầm nhiệm vụ, cống hiến phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Thành công về mặt nhân sự của đại hội đảng các cấp, Đại hội XIII của Đảng vừa qua đã minh chứng điều đó.
Song cũng phải thẳng thắn đánh giá rằng, nhận thức về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, kể cả một số cấp ủy và người đứng đầu cơ quan, đơn vị chưa đầy đủ, sâu sắc và toàn diện. Việc nêu gương chưa trở thành việc làm thường xuyên gắn với những công việc hằng ngày.
Ở một số nơi, việc thực hiện các quy định về trách nhiệm nêu gương còn mang tính hình thức, chưa đi vào chiều sâu, thực chất, đôi khi còn qua loa, chiếu lệ, làm theo phong trào. Còn một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện, quan liêu, xa dân, có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống,... làm xói mòn niềm tin của nhân dân đối với Đảng và chế độ.
Vì vậy, việc Trung ương ban hành các quy định về các quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương chính là góp phần “xây” đội ngũ cán bộ ngày càng tốt hơn; đồng thời, chuyển từ nhận thức, thái độ đúng đắn về trách nhiệm nêu gương thành những hành động, việc làm thiết thực, cụ thể.

64 4 neu guong
Vậy theo đồng chí, làm thế nào để tạo khâu đột phá trong nhận thức, để tháo gỡ những hạn chế, khuyết điểm trong nêu gương của cán bộ, đảng viên, thưa đồng chí?
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa:
Chúng ta đã nói nhiều về nêu gương của cán bộ, đảng viên nhưng chưa đề cập nhiều đến vế tự giác nêu gương của cán bộ, đảng viên. Tự giác nêu gương của cán bộ, đảng viên không tự nhiên mà có, mà phải do quá trình tự tu dưỡng, rèn luyện hằng ngày, thông qua quá trình phấn đấu không ngừng mới có.
Như chúng ta đã biết, trong nhiệm kỳ Đại hội XII, qua kiểm tra, cấp ủy các cấp đã thi hành kỷ luật 1.329 tổ chức đảng và 69.600 đảng viên bằng các hình thức khác nhau; ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 17.610 đảng viên. Đây chính là bộ phận, cán bộ, đảng viên chưa nêu gương và chưa tự giác nêu gương.
  Cần đề cao vai trò, trách nhiệm tiền phong, gương mẫu với nêu gương và tự giác nêu gương cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, trước hết là các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng; cán bộ có chức vụ càng cao càng phải gương mẫu, nhằm khẳng định vai trò lãnh đạo, tính tiên phong, gương mẫu “trên trước, dưới sau”, “đảng viên đi trước, làng nước theo sau” của cán bộ, đảng viên.
Một trong những yêu cầu, nhiệm vụ quan trọng đã được chỉ ra tại Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” là nêu gương của cán bộ, đảng viên. Có thể kỳ vọng như thế nào trong nhiệm kỳ Đại hội XIII, thưa đồng chí?
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa: Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã quán triệt, các cấp ủy đảng, chính quyền và các cơ quan, đơn vị cần phát huy những kết quả đã đạt được trong những năm qua, tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Nghiêm túc, tự giác thực hiện một cách có hiệu quả những yêu cầu, nhiệm vụ đã được chỉ ra tại Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 mới đây của Bộ Chính trị khóa XIII, trong đó, chú trọng quán triệt, tập trung làm tốt ba vấn đề: Học tập, làm theo Bác và nêu gương của cán bộ, đảng viên.
Theo tôi, đối với nội dung nêu gương, cần đề cao vai trò, trách nhiệm tiền phong, gương mẫu với nêu gương và tự giác nêu gương cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, trước hết là các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng; cán bộ có chức vụ càng cao càng phải gương mẫu, nhằm khẳng định vai trò lãnh đạo, tính tiên phong, gương mẫu “trên trước, dưới sau”, “đảng viên đi trước, làng nước theo sau” của cán bộ, đảng viên. Gắn trách nhiệm nêu gương trong việc học tập và làm theo Bác với các phong trào thi đua, cuộc vận động của các cấp, các ngành, nhằm khơi dậy tinh thần cống hiến, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc trong toàn Đảng, toàn xã hội.
Mỗi cán bộ, đảng viên phải gương mẫu trong tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, phong cách, tác phong, lề lối công tác để quần chúng, nhân dân noi theo; phải thể hiện được tư tưởng vững vàng, quan điểm đúng đắn, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, hết lòng vì nước, vì dân; có phong cách lãnh đạo khoa học, dân chủ, sâu sát thực tiễn, thật sự là hạt nhân đoàn kết, quy tụ, tạo động lực và phát huy trí tuệ tập thể, bởi “Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố”. Khi cán bộ, đảng viên gương mẫu đi đầu trong nêu gương và tự giác nêu gương sẽ tạo sức lan tỏa, sự lôi cuốn mạnh mẽ đối với quần chúng như lời dạy của Bác: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”.
Tôi tin tưởng rằng, phát huy những kết quả đã đạt được, những kinh nghiệm quý báu trong quá trình tổ chức thực hiện Chỉ thị 05, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Chắc chắn rằng, việc thúc đẩy, tạo chuyển biến mạnh mẽ quá trình từ “học tập” sang “làm theo” Bác, gắn với trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên sẽ làm cho tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người thực sự thấm sâu vào đời sống xã hội, trở thành lối sống, nếp nghĩ, cách làm của từng cán bộ, đảng viên và người dân. Từ đó, nâng cao tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, khát vọng cống hiến, phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc của các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và người dân, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Trân trọng cảm ơn đồng chí.
Thu Hằng (thực hiện)

Nguồn tin: Tạp chí Tuyên giáo:

Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thông báo - mời họp

154-GM/ĐUK

HN quán triệt các văn bản về đại hội Đảng các cấp; thực hiện quy trình giới thiệu nhân sự bổ sung Ủy viên BCH Đảng bộ Khối khóa XVI, nhiệm kỳ 2020-2025.

21/10/2024

153-GM/ĐUK

BTV Đảng ủy Khối kết nối đường truyền HN toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện NQ HN lần thứ mười BCHTW Đảng khóa XIII.

18/10/2024

227-TB/ĐUK

Thông báo mở Lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng Khóa VIII năm 2024

11/10/2024

152-GM/ĐUK

Hội nghị sơ kết công tác 9 tháng, triển khai nhiệm vụ những tháng cuối năm 2024

11/10/2024

Lượt truy cập
  • Đang truy cập43
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm40
  • Hôm nay5,579
  • Tháng hiện tại157,896
  • Tổng lượt truy cập15,290,450
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây