Toàn cảnh hội thảo khoa học “Đồng chí Phùng Chí Kiên với cách mạng Việt Nam và quê hương Nghệ An” tại điểm cầu Hà Nội.
SƠ LƯỢC CUỘC ĐỜI HOẠT ĐỘNG CÁCH MẠNG CỦA ĐỒNG CHÍ PHÙNG CHÍ KIÊN
Đồng chí Phùng Chí Kiên tên khai sinh là Nguyễn Vĩ, sinh ngày 18/5/1901, tại làng Mỹ Quan Thượng, nay thuộc xã Diễn Yên, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An - vùng quê giàu truyền thống yêu nước và đấu tranh cách mạng.
Sớm tiếp thu truyền thống bất khuất của quê hương, năm 1926, Nguyễn Vĩ đã tham gia hoạt động cách mạng, được giới thiệu sang Quảng Châu (Trung Quốc), dự lớp huấn luyện chính trị do Nguyễn Ái Quốc tổ chức và được kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Từ đây, đồng chí cũng mang tên gọi mới là Phùng Chí Kiên. Sau đó, Phùng Chí Kiên được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc giới thiệu vào học tại trường Quân sự Hoàng Phố. Khi trường Quân sự Hoàng Phố bị đóng cửa, đồng chí tham gia Khởi nghĩa Quảng Châu, hoạt động tại khu Xô Viết Hải - Lục - Phong. Tháng 12/1929, Phùng Chí Kiên được kết nạp vào Đảng Cộng sản Trung Quốc, gia nhập Hồng quân công nông Trung Quốc. Cuối năm 1930, Phùng Chí Kiên gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương. Tháng 2/1931, Phùng Chí Kiên tiếp tục được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc giới thiệu sang học tập tại trường Đại học Phương Đông (Liên Xô). Sau khi tốt nghiệp đại học Phương Đông, đồng chí được cử về nước tham gia khôi phục hệ thống tổ chức Đảng, cùng các đồng chí Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập,... Tại Đại hội lần thứ I của Đảng Cộng sản Đông Dương (tháng 3/1935), đồng chí Phùng Chí Kiên được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương và được cử vào Thường vụ Trung ương Đảng. Tháng 10/1936, do có kẻ chỉ điểm, đồng chí bị cảnh sát Anh bắt ở Hương Cảng (Hồng Công) và bị trục xuất. Đồng chí rời sang Quảng Đông, rồi đến Vân Nam (Trung Quốc) tiếp tục hoạt động, củng cố tổ chức Đảng ở đây.
Tại Côn Minh (Vân Nam), Phùng Chí Kiên được gặp lại lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc khi Người đang tìm bắt liên lạc với cơ sở Đảng để chuẩn bị về nước. Phùng Chí Kiên là người trực tiếp đi cùng lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sang Tĩnh Tây (Quảng Tây - Trung Quốc) và trở về Tổ quốc. Đồng chí đã được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cử tham gia huấn luyện và biên soạn tài liệu huấn luyện cán bộ, nhất là về quân sự.
Tháng 5/1941, tại Pác Bó (Cao Bằng), đồng chí Phùng Chí Kiên tham dự Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng và được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Theo chủ trương của Trung ương Đảng, Trung đội Cứu quốc quân I được thành lập trên cơ sở đội du kích Bắc Sơn. Đồng chí Phùng Chí Kiên được cử làm Chỉ huy trưởng.
Tháng 6/1941, thực dân Pháp mở cuộc càn lớn vào khu căn cứ Bắc Sơn - Võ Nhai, hòng tiêu diệt cơ quan đầu não của Đảng ta và khủng bố phong trào cách mạng. Đồng chí Phùng Chí Kiên chỉ huy đội Cứu quốc quân I bảo vệ Trung ương Đảng chuyển về xuôi, đồng thời trực tiếp phụ trách một bộ phận vượt vòng vây địch lên biên giới Việt - Trung để xây dựng lực lượng. Phát hiện sự di chuyển lực lượng của ta, quân địch tập trung bao vây, chặn đánh quyết liệt. Do tương quan lực lượng quá chênh lệch, trong trận chiến đấu ngày 20/8/1941 tại Ngân Sơn (Bắc Kạn), đồng chí Phùng Chí Kiên đã anh dũng hy sinh.
Với 16 năm hoạt động cách mạng, đồng chí Phùng Chí Kiên đã để lại nhiều dấu ấn, nhiều đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc Việt Nam. Một trong những đóng góp của đồng chí là góp phần khôi phục tổ chức, phát triển, hoàn thiện đường lối chiến lược, sách lược của Đảng.
GÓP PHẦN KHÔI PHỤC TỔ CHỨC ĐẢNG
Ngày 28/3/1934, sau khi hoàn thành khóa học tại trường Đại học Phương Đông với kết quả cao, đồng chí Phùng Chí Kiên được Quốc tế Cộng sản cử về nước hoạt động, tăng cường cán bộ cho Đảng Cộng sản Đông Dương, nhằm khôi phục cơ sở cách mạng bị địch phá sau cao trào cách mạng 1930 - 1931.
Từ Liên Xô, Phùng Chí Kiên về Thượng Hải rồi Ma Cao (Trung Quốc) bắt liên lạc được với các đồng chí đang hoạt động ở đây và tham gia vào Ban chỉ huy ở ngoài của Đảng (BCHON), cơ quan lâm thời tồn tại song song với Trung ương, có nhiệm vụ chỉ đạo các hoạt động cách mạng ở ngoài nước do đồng chí Lê Hồng Phong làm thư ký. Đồng chí Phùng Chí Kiên đã tích cực cùng BCHON chuẩn bị các điều kiện cho việc tiến hành Đại hội lần thứ nhất của Đảng.
Cuối năm 1934, khi công việc chuẩn bị cho Đại hội lần thứ nhất của Đảng đang được tiến hành khẩn trương thì BCHON của Đảng nhận được giấy triệu tập của Quốc tế cộng sản về việc cử đoàn đại biểu của Đảng Cộng sản Đông Dương đi dự Đại hội VII Quốc tế cộng sản họp ở Mátxcơva. Các đồng chí Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai, Hoàng Văn Nọn... được cử đi dự Đại hội VII Quốc tế cộng sản. Mọi công việc chuẩn bị cho Đại hội Đảng giao cho các đồng chí Hà Huy Tập, Phùng Chí Kiên và một số đồng chí khác đảm nhiệm.
Trong điều kiện hoạt động bí mật, khi mật thám luôn theo dõi, rình rập, việc chuẩn bị cho Đại hội càng khó khăn và khẩn trương, không ít cán bộ ở trong nước trong quá trình hoạt động, chuẩn bị cho Đại hội đã không may rơi vào tay kẻ thù (hơn 100 cán bộ, trong đó có 49 người của Xứ ủy Nam Kỳ bị bắt); cũng có những người bị thủ đoạn khủng bố, bắt bớ và mị dân của kẻ thù mà hèn nhát đầu hàng phản bội làm lộ bí mật cách mạng v.v.. Điều đó đã gây thêm những khó khăn, trở ngại cho việc chuẩn bị tổ chức Đại hội.
Với vốn kiến thức về quân sự, về lý luận đã học được ở Trường Quân sự Hoàng Phố, Trường Đại học Phương Đông và kinh nghiệm thực tiễn, Phùng Chí Kiên đã cùng đồng chí Hà Huy Tập có nhiều đóng góp quan trọng vào việc chuẩn bị cho Đại hội như: Dự thảo các văn kiện trình Đại hội, chuẩn bị địa điểm, kinh phí để tiến hành Đại hội, v.v..
Về các văn kiện trình đại hội, đồng chí Phùng Chí Kiên đã tích cực tham gia chuẩn bị và dự thảo các văn kiện trình đại hội. Các dự thảo văn kiện đã được bí mật chuyển tới đại biểu các Đảng bộ. Đánh giá về vai trò của các dự thảo văn kiện, trong Hồi ký về Đại hội Ma Cao của đồng chí Xô (Đại biểu Đảng bộ Lào tham dự Đại hội) viết: “Chúng tôi nhận được ở BCHON gửi về: chỉ thị, tài liệu, sách báo. Báo là Tạp chí Bônsêvích – cơ quan ngôn luận của BCHON... Những tài liệu như vậy thật vô cùng quý giá. Qua tạp chí Bônsêvích, kiến thức của chúng tôi được nâng lên nhiều. Riêng tôi, hồi năm 1930, mới hiểu chính cương của Đảng thông qua mấy khẩu hiệu. Nay đọc tạp chí thấy rõ nhiều vấn đề... Những bản dự thảo về chương trình hành động, điều lệ của Đảng, của đoàn… đều có đăng tóm tắt và giải thích trên tạp chí”(1). Khi Đại hội diễn ra thì “tài liệu thảo luận tại Đại hội chính là những thứ tôi đã kể trên như báo cáo của BCHON, gồm những phần như tình hình thế giới, tình hình xứ Đông Dương, nhiệm vụ của Đảng...”(2)
Về công tác tổ chức đại hội, để đối phó với những thủ đoạn truy lùng, khủng bố của địch, các đồng chí Hà Huy Tập, Phùng Chí Kiên đã bàn bạc thống nhất bố trí các địa điểm bí mật. Đồng chí Phùng Chí Kiên đã nhờ người thuê riêng hẳn một ngôi nhà ở gần đường Quan Công, thuộc Ma Cao, chọn làm nơi họp của Đại hội và để các đại biểu ở luôn tại đây, tránh đi lại đề phòng bị lộ.
Ngày 27/3/1935, Đại hội lần thứ nhất của Đảng Cộng sản Đông Dương chính thức khai mạc tại phố Quan Công, Ma Cao (Trung Quốc). Tham dự Đại hội có 13 đại biểu thay mặt cho 600 đảng viên thuộc Đảng bộ trong nước và tổ chức Đảng hoạt động ở nước ngoài. Các đồng chí Hà Huy Tập, Phùng Chí Kiên và một số đồng chí trong BCHON chủ trì và lãnh đạo toàn bộ quá trình Đại hội. Đại hội đã thông qua Nghị quyết chính trị và nhiều nghị quyết quan trọng khác như công nhân vận động, nông dân vận động, thanh niên vận động, phụ nữ vận động vv.. Đặc biệt, Đại hội đã ra Nghị quyết về chương trình hành động của Đảng Cộng sản Đông Dương, thông qua Điều lệ mới của Đảng và Điều lệ của các tổ chức đoàn thể. Về bộ máy lãnh đạo, Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Trung ương gồm 13 đồng chí và Ban Thường vụ 5 đồng chí do đồng chí Lê Hồng Phong làm Tổng Bí thư(3).
Thành công của Đại hội lần thứ nhất của Đảng đánh dấu việc Đảng ta đã được khôi phục về tổ chức, các cơ quan lãnh đạo từ Trung ương đến cơ sở được lập lại. Đây là một sự kiện có ý nghĩa lịch sử hết sức to lớn. Trong lúc kẻ thù cách mạng dùng mọi thủ đoạn khủng bố hòng tiêu diệt Đảng Cộng sản Đông Dương và phong trào cách mạng Đông Dương, nhưng các đồng chí Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Phùng Chí Kiên, Nguyễn Văn Dựt... vẫn kiên trì phấn đấu, giữ vững tinh thần để nhen nhóm lại ngọn lửa cách mạng. Lịch sử cách mạng Việt Nam ghi nhận công lao và cống hiến của các đồng chí Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Phùng Chí Kiên và nhiều chiến sĩ cộng sản trung kiên khác.
GÓP PHẦN PHÁT TRIỂN, HOÀN THIỆN ĐƯỜNG LỐI CHIẾN LƯỢC, SÁCH LƯỢC CỦA ĐẢNG
Ngày 26/7/1936, tại Thượng Hải (Trung Quốc), dưới sự chủ trì của đồng chí Lê Hồng Phong - Ủy viên Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản, đồng thời là Bí thư Đảng, Hội nghị đại biểu Trung ương Đảng và BCHON của Đảng được tổ chức gồm các đồng chí Lítvinốp (Lê Hồng Phong), Xinhintrơkin (Hà Huy Tập), Can (Phùng Chí Kiên). Xuất phát từ đặc điểm tình hình Đông Dương và thế giới, vận dụng chủ trương, đường lối của Đại hội VII Quốc tế cộng sản vào hoàn cảnh lịch sử cụ thể Đông Dương, Hội nghị khẳng định rõ chiến lược của cách mạng Việt Nam vẫn là cách mạng dân tộc dân chủ với hai nhiệm vụ là giành độc lập cho dân tộc và ruộng đất cho nông dân, đánh đổ chính quyền thực dân phong kiến, dựng nên chính quyền công nông, chuẩn bị điều kiện để tiến lên chủ nghĩa xã hội. Nhưng trước mắt Đảng phải phát động quần chúng đấu tranh đòi tự do, dân chủ, cải thiện đời sống, tạo tiền đề để đưa cách mạng tiến lên. Hội nghị cũng chỉ rõ kẻ thù chính của nhân dân Đông Dương là đế quốc Pháp song kẻ thù chủ yếu trước mắt là chế độ phản động thuộc địa(4); mục tiêu của cách mạng Đông Dương lúc này là chống phát xít, chống chế độ phản động thuộc địa của thực dân Pháp, chống chiến tranh đế quốc, đòi tự do dân chủ(5) .
Hội nghị quyết định thành lập Mặt trận nhân dân phản đế Đông Dương, nhằm tập hợp rộng rãi các giai cấp, đảng phái, dân tộc, đoàn thể chính trị, xã hội, tôn giáo ở Đông Dương có một vài điểm tương đồng trong cuộc đấu tranh đòi tự do, dân chủ, cơm áo, hòa bình. Hội nghị cũng quyết định chuyển những hình thức tổ chức bí mật, không hợp pháp của đoàn thể quần chúng sang hình thức công khai, hợp pháp và nửa hợp pháp để nhanh chóng tập hợp quần chúng đấu tranh từ thấp đến cao(6).
Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương và BCHON ngày 26/7/1936 có ý nghĩa rất quan trọng, đánh dấu sự điều chỉnh chủ trương sách lược của Đảng trước tình hình mới của thế giới và trong nước, đáp ứng yêu cầu thực tiễn cách mạng và mở ra thời kỳ mới trong lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng và dân tộc ta. Đây là thời kỳ Đảng lãnh đạo nhân dân ta làm nên một cao trào cách mạng sôi nổi, rộng khắp với sự tham gia đông đảo của các giai tầng xã hội, cao trào đấu tranh dân chủ 1936-1939. Việc hoạch định đường lối mới của Đảng -phát động cao trào cách mạng đòi các quyền dân sinh, dân chủ, hòa bình có phần đóng góp to lớn của đồng chí Phùng Chí Kiên.
Tháng 8/1936, thực hiện sự phân công của Hội nghị, đồng chí Hà Huy Tập về nước phụ trách công tác lập lại Ban Chấp hành Trung ương thay cho Ban Chấp hành Trung ương cũ đã bị thực dân Pháp phá vỡ, đồng chí Lê Hồng Phong và đồng chí Phùng Chí Kiên ở lại tiếp tục công tác và là thành viên trọng yếu của BCHON. Đồng chí đã tích cực tham gia chỉ đạo cao trào cách mạng dân chủ với mục tiêu đề ra làm sao cho đảm bảo đúng đường lối của Đại hội VII Quốc tế cộng sản đồng thời phù hợp với yêu cầu của đất nước.
Ngày 9/9/1936, BCHON gửi tới các tổ chức Đảng trong nước văn kiện “Đông Dương đại hội” chỉ ra 6 vấn đề cơ bản mà những người cộng sản trong nước phải thực hiện để cuộc Đông Dương đại hội mang tính toàn dân và trở thành cơ quan tranh đấu của Mặt trận nhân dân phản đế chống chính sách phản động của chính quyền thuộc địa, đòi các quyền tự do dân chủ, đòi giải phóng Đông Dương.
Tiếp đó, ngày 3/10/1936, Phùng Chí Kiên cùng các đồng chí trong BCHON lại tiếp tục gửi thư tới các đảng viên nhắc nhở, hướng dẫn cụ thể hơn phong trào đấu tranh dân chủ.
Hai văn kiện trên thể hiện sự chỉ đạo của BCHON mà đồng chí Phùng Chí Kiên là một thành viên chủ chốt đã quán triệt đúng đường lối của Đại hội VII Quốc tế Cộng sản, phù hợp với tình hình cụ thể ở nước Pháp và Đông Dương đặc biệt là trong vấn đề tranh thủ tình hình thuận lợi để lập các tổ chức quần chúng hợp pháp hoặc nửa hợp pháp.
Ở trong nước, ngày 12/10/1936, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương được tái lập ở Nam Kỳ trực tiếp chỉ đạo các hoạt động của phong trào cách mạng.
Về cơ bản, các vấn đề chiến lược của cách mạng Đông Dương đều có sự thống nhất giữa BCHON và Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương. Tuy nhiên trong vấn đề lãnh đạo quần chúng, vấn đề Đông Dương đại hội và một số vấn đề chỉ đạo thực tiễn lại nảy sinh những quan điểm khác nhau giữa BCHON và Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương. Sự không thống nhất này, ít nhiều ảnh hưởng tới sự phát triển của phong trào cách mạng.
Thực tiễn đòi hỏi cần sớm có thảo luận để tạo sự thống nhất giữa BCHON và Ban Chấp hành Trung ương. Giữa năm 1937, BCHON cử đồng chí Phùng Chí Kiên về nước. Từ ngày 2 đến ngày 3/9/1937, đồng chí đã tham dự Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương mở rộng tại Bà Điểm, Hóc Môn, Gia Định dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Hà Huy Tập. Hội nghị đã bầu ra Ban Trung ương gồm 11 đồng chí trong đó có Phùng Chí Kiên.
Do yêu cầu của công tác cách mạng, sau Hội nghị Trung ương tháng 9/1937, đồng chí Phùng Chí Kiên sang Trung Quốc thay đồng chí Lê Hồng Phong phụ trách Ban lãnh đạo của Đảng ở nước ngoài. Để phối hợp với phong trào cách mạng ở trong nước, đồng chí Phùng Chí Kiên đã tích cực lãnh đạo Việt kiều tham gia cuộc vận động ủng hộ nhân dân Trung Hoa chống Nhật, lập ra Hội Việt Nam ủng hộ nhân dân Trung Hoa chống Nhật; cùng các đồng chí đang hoạt động ở đây (Hoàng Văn Hoan, Vũ Anh...) củng cố lại Ban lãnh đạo của Đảng ở nước ngoài; ra tờ báo Đồng Thanh để phục vụ cho công tác tuyên truyền, vận động và định hướng đấu tranh cho quần chúng cách mạng.
Tháng 9/1939, khi chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ cũng là lúc Phùng Chí Kiên nhận được tin báo chuẩn bị mọi điều kiện để đón đồng chí Vương (tức Nguyễn Ái Quốc) đang trên đường trở về nước, trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam. Phùng Chí Kiên vui mừng và hăng hái chuẩn bị các điều kiện để đón vị lãnh tụ của Đảng và dân tộc Việt Nam
Năm 1941, cùng với lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trở về nước hoạt động, tại Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ VIII (5/1941), đồng chí Phùng Chí Kiên được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương. Đồng chí đã cùng Trung ương Đảng quyết định thay đổi chiến lược cách mạng Việt Nam, đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên trên hết, trước hết. Đây là bước ngoặt quan trọng tạo tiền đề đem lại thắng lợi to lớn của cách mạng Tháng Tám năm 1945
Có thể khẳng định, sự phát triển của tổ chức Đảng và phong trào cách mạng Việt Nam những năm 1934-1941, ghi nhận công lao, đóng góp to lớn của đồng chí Phùng Chí Kiên - một cán bộ tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam.
Hy sinh khi tuổi đời còn trẻ (40 tuổi), khi đang ở độ chín của tài năng, đồng chí Phùng Chí Kiên đã để lại tấm gương hết lòng vì sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, vì sự phát triển của Đảng cả về tổ chức và đường lối chiến lược, sách lược. Tấm gương người cộng sản kiên trung Phùng Chí Kiên sẽ sống mãi trong lòng các thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau.
TS. Trần Thị Huyền
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
--------
(1) (2) Hồi ký về Đại hội Ma Cao của đồng chí Xô, Tài liệu lưu tại Viện Hồ Chí Minh, phông tư liệu Phùng Chí Kiên, tr.3, 3.
(3) (4) (5) (6) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2002, t.6, tr.48, 148, 148, 153-155.