Tổng Bí thư Lê Duẩn. Ảnh tư liệu.
Đồng chí Lê Duẩn (tên khai sinh là Lê Văn Nhuận) sinh ngày 7/4/1907, ở làng Bích La Đông, xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.
Xuất thân từ một gia đình lao động, có truyền thống yêu nước, đồng chí Lê Duẩn đã sớm giác ngộ cách mạng. Đồng chí thuộc lớp người đầu tiên hưởng ứng lời kêu gọi của đồng chí Nguyễn Ái Quốc đi theo con đường cách mạng của Chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Đồng chí tham gia phong trào yêu nước từ năm 1925, hoạt động trong Hội Thanh niên cách mạng từ năm 1928. Đến năm 1930, đồng chí trở thành một trong những đảng viên lớp đầu tiên của Đảng Cộng sản Đông Dương.
Năm 1931, khi đang là Ủy viên Ban Tuyên huấn Xứ ủy Bắc Kỳ, đồng chí bị thực dân Pháp bắt, kết án 20 năm tù và bị giam giữ ở các nhà lao Hỏa Lò, Sơn La, Côn Đảo. Tại các nhà tù, đồng chí cùng nhiều đảng viên cộng sản đã lãnh đạo các cuộc đấu tranh chống chế độ hà khắc của nhà tù và tổ chức học tập, truyền bá Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, giác ngộ lý tưởng cách mạng cho anh em trong lao tù.
Tổng Bí thư Lê Duẩn thăm nhà máy đóng tàu Ba Son, TP Hồ Chí Minh, ngày 19/3/1980.
(Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Năm 1936, do cuộc đấu tranh của Nhân dân ta có bước phát triển mới và thắng lợi của mặt trận nhân dân ở Pháp, chính quyền thực dân ở Đông Dương buộc phải trả lại tự do cho nhiều chiến sĩ cách mạng Việt Nam, trong đó có đồng chí Lê Duẩn. Ra tù, đồng chí tham gia hoạt động xây dựng phong trào cách mạng ở các tỉnh miền Trung, có công lao to lớn chỉ đạo xây dựng lại đảng bộ các tỉnh miền Trung bị tan rã; khôi phục Xứ ủy Trung Kỳ; phát động mạnh mẽ phong trào cách mạng của quần chúng thành cao trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ; xúc tiến thành lập mặt trận dân chủ hầu khắp các tỉnh Trung Bộ. Năm 1937, đồng chí được cử giữ chức Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ.
Năm 1939, đồng chí Lê Duẩn được cử vào Ban Thường vụ Trung ương Đảng và đã cùng đồng chí Nguyễn Văn Cừ - Tổng Bí thư của Đảng chủ trì Hội nghị lần thứ sáu BCH Trung ương (11/1939), chuẩn bị những điều kiện cần thiết tiến tới giành chính quyền về tay Nhân dân. Năm 1940, đồng chí bị địch bắt ở Sài Gòn, kết án 10 năm tù và đày đi Côn Đảo lần thứ hai. Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, đồng chí được Đảng và Chính phủ đón về đất liền và tham gia cuộc kháng chiến Nam Bộ.
Từ năm 1946, đồng chí được ra Hà Nội làm việc bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cuối năm đó, đồng chí được Bác Hồ và Trung ương Đảng cử vào lãnh đạo cuộc kháng chiến ở Nam Bộ. Tại Đại hội lần thứ II của Đảng năm 1951, đồng chí được bầu vào BCH Trung ương và Bộ Chính trị. Từ năm 1946-1954, với cương vị là Bí thư Xứ ủy Nam Bộ, rồi Bí thư Trung ương Cục miền Nam, đồng chí đã trực tiếp chỉ đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở Nam Bộ.
Đền thờ Tổng Bí thư Lê Duẩn tọa lạc trên một trong những hòn đảo giữa lòng hồ Kẻ Gỗ.
(Ảnh Phan Trâm)
Từ năm 1954-1957, sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, đồng chí Lê Duẩn được Trung ương phân công ở lại miền Nam để lãnh đạo phong trào cách mạng. Năm 1960, tại Đại hội lần thứ III, đồng chí tiếp tục được bầu vào BCH Trung ương, Bộ Chính trị, giữ chức Bí thư Thứ nhất. Trong suốt 15 năm trên cương vị này, những tư tưởng chỉ đạo của đồng chí đã góp phần quan trọng để Đảng ta giành thắng lợi hoàn toàn trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, đưa cả nước tiến lên xây dựng CNXH.
Tại Đại hội lần thứ IV (1976) và lần thứ V (1982) của Đảng, đồng chí được bầu vào BCH Trung ương, Bộ Chính trị và giữ chức Tổng Bí thư của Đảng. Đồng chí là đại biểu Quốc hội từ khóa II đến khóa VII, từ năm 1978 là Bí thư Quân ủy Trung ương.
Hơn 10 năm từ khi đất nước thống nhất, với cương vị là Tổng Bí thư, đồng chí đã cùng BCH Trung ương lãnh đạo Nhân dân thực hiện thắng lợi nhiệm vụ mà Đại hội IV và Đại hội V của Đảng đề ra, thực hiện được những thành tựu quan trọng trong công cuộc khôi phục, cải tạo, phát triển KT-XH, phát triển văn hóa theo CNXH và tiến hành thắng lợi các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.
Lãnh đạo Sở VH-TT&DL, huyện Cẩm Xuyên và chính quyền xã Cẩm Mỹ dâng hương, đặt vòng hoa tưởng niệm
tại đền thờ Tổng Bí thư Lê Duẩn, ngày 6/4/2022. (Ảnh Phan Trâm).
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh tháp tùng Tổng Bí thư Lê Duẩn kiểm tra công trình Hồ Kẻ Gỗ, năm 1979. Ảnh tư liệu.
Đầu năm 1969, đồng chí Lê Duẩn trực tiếp về thăm, làm việc với Đảng bộ và Nhân dân Hà Tĩnh. Từ những chỉ đạo của đồng chí, quân và dân Hà Tĩnh tiếp tục tiên phong trên mặt trận sản xuất, chiến đấu, góp phần cùng cả nước làm nên đại thắng mùa xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Đặc biệt, sau chiến tranh, thấu hiểu mong ước của Nhân dân Hà Tĩnh về việc xây dựng công trình đại thủy nông Kẻ Gỗ lấy nước tưới cho đồng ruộng, Tổng Bí thư Lê Duẩn đã có nhiều quyết sách giúp đỡ tỉnh nhà đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành công trình. Nhờ vậy, công trình hồ Kẻ Gỗ dự kiến phải làm hơn 10 năm nhưng chỉ trong 3 năm đã hoàn thành (1976-1979).
Kỷ niệm 115 năm ngày sinh đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn, cùng với toàn Đảng và toàn dân, Đảng bộ và Nhân dân Hà Tĩnh càng tưởng nhớ tới người chiến sĩ cách mạng kiên cường, nhà lãnh đạo lỗi lạc của Đảng và Nhân dân ta.
Tác giả bài viết: Thu Hà
Nguồn tin: baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Thông báo mở Lớp bồi dưỡng lý luận chính trị dành cho đảng viên mới Khóa III, năm 2024
17/09/2024