Từ trái tim yêu nước đến con đường cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Thứ tư - 02/06/2021 21:07
(Baohatinh.vn) - 110 năm qua, lịch sử dân tộc cũng như lòng dân Việt Nam luôn khắc ghi dấu mốc 5/6/1911 - thời điểm người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành rời bến Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước.
 
54 tim duong
Bến cảng Nhà Rồng - nơi người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước. Ảnh: internet
 
Thời khắc quyết định vận mệnh dân tộc
Đặt trong bối cảnh những năm đầu thế kỷ XX, ở Việt Nam với màn đêm nô lệ tăm tối bao trùm, trong lúc các nhà ái quốc đương thời loay hoay, bế tắc với con đường cứu nước mới thấy được tầm nhìn vượt thời đại, tư duy khoa học và cách mạng của người thanh niên yêu nước mới 21 tuổi.
Lòng yêu nước được nhen nhóm, cháy âm ỉ trong lòng anh suốt tuổi ấu thơ và bùng lên mãnh liệt trong tuổi thanh niên, tuổi ý thức cao nhất, sâu sắc nhất trách nhiệm của mình với vận mệnh Tổ quốc.
Từ trường Dục Thanh - TP Phan Thiết (Bình Thuận), thông qua thư của ông Nguyễn Sinh Sắc, được sự giúp đỡ của các ông: Trương Gia Mô, Hồ Tá Bang, Trần Lệ Chất, với giấy thông hành mang tên Văn Ba, ngày 19/9/1910, Nguyễn Tất Thành đến Sài Gòn.
Tại đây, anh được những người nói trên bố trí sống tại nhà ông Lê Văn Đại ở xóm cầu Rạch Bần (nay là 185/1 Cô Bắc, phường Cô Giang, quận 1 - TP HCM) 2 ngày, sau đó đến ở Liên Thành Thương quán, số1 - 2 - 3 Quai Testard, khu Chợ Lớn (nay là nhà số 5 Châu Văn Liêm, quận 5 - TP HCM).

54 1 tim duong
Nhà số 5 đường Châu Văn Liêm, quận 5 TP HCM, nơi Bác Hồ đã ở 9 tháng trước khi ra nước ngoài. Ảnh: internet
 
Trong thời gian ở tại Sài Gòn, Nguyễn Tất Thành vừa đi dạy học, vừa đi làm ở trường thợ máy (Escole des Mécaniciens), vừa đi bán báo ở khu vực thương cảng để kiếm sống và tìm hiểu đời sống người lao động cũng như các tàu ra vào cảng Sài Gòn. Đây là thời gian hết sức quan trọng để anh có bước chuẩn bị trực tiếp về vật chất, tinh thần, phương tiện và có quyết định cuối cùng cho việc ra đi tìm đường cứu nước. (1)
Ngày 3/6/1911, anh xin được thuyền trưởng của tàu Amiral Latouche Tréville làm phụ bếp. Ngày 5/6/1911, con tàu rời bến cảng khởi hành sang Singapo (2). Nói sao hết phút giây giã từ quê hương - “Khi bờ bãi dần lui làng xóm khuất/ Bốn phía nhìn không bóng một hàng tre”.

54 2 tim duong
Con tàu đưa người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành rời Tổ quốc, ra đi tìm đường cứu nước. Ảnh tư liệu
 
Hành trang anh mang theo là lòng yêu nước cháy bỏng, ý chí quyết tâm cao như núi và tư duy của một trí thức hiểu rõ thời thế, hiểu việc mình làm, con đường mình đã chọn. Chính vì vậy, anh đã không nề hà bất cứ việc gì. Ngoài những giờ phụ bếp, anh quyết tâm học thêm tiếng Pháp.
Nguyễn Tất Thành đã đến với nước Pháp và các nước châu Âu là những nơi nở rộ nền văn minh khoa học từ thế kỷ ánh sáng, là nơi xuất phát của những khái niệm: Tự do, dân chủ, bác ái mà anh đã làm quen từ hồi đi học, đồng thời cũng là nơi khởi nguồn của những cuộc khai thác và xâm chiếm thuộc địa của các nước chính quốc.
Nguyễn Tất Thành muốn tìm tự do, chân lý, tìm đường đi cho dân tộc ngay chính trên đất nước đã đô hộ dân tộc mình hơn nửa thế kỷ. Đó là cả một sự chọn lựa rất khoa học và đầy lý trí sau rất nhiều trăn trở, nghĩ suy.
Mặt trời trong đêm tối
Đến nước Pháp sau những ngày tháng “tay đốt lò, lau chảo, thái rau”, Nguyễn Tất Thành làm đủ nghề: quét tuyết, rửa ảnh và luôn luôn tự học tiếng Pháp. Ngày 19/6/1919, Người (lúc này đã đổi tên là Nguyễn Ái Quốc) đã thay mặt Hội những người yêu nước An Nam gửi đến Hội nghị Hoà bình Véc-xây “Bản yêu sách của Nhân dân An Nam” gồm 8 điểm do Người và nhóm những người Việt Nam yêu nước ở Pháp như: Phan Chu Trinh, Phan Văn Trường soạn thảo.
Có thể coi đây như “ngòi nổ đầu tiên” của Nguyễn Ái Quốc để tạo dư luận, dành sự quan tâm của các nước lớn đối với một dân tộc nhỏ bé bên kia bờ đại dương bị áp bức đau khổ. Cũng lần đầu tiên, cái tên An Nam được biết đến trên diễn đàn quốc tế. Điều này chứng tỏ nguyên lý hoạt động cách mạng của Nguyễn Ái Quốc, đó là: đấu tranh trực diện và công khai, đấu tranh bằng dư luận xã hội.

54 3 tim duong
Nguyễn Ái Quốc tại Đại hội lần thứ XVIII của Đảng Xã hội Pháp ở Tua, tháng 12/1920. Ảnh: internet
 
Năm 1920, Nguyễn Ái Quốc tìm thấy bản “Sơ thảo lần thứ nhất những Luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa” của Lê-nin (gọi tắt là Luận cương Lê-nin) gồm 12 điểm vấn đề về dân tộc của chủ nghĩa quốc tế vô sản.
Trong bài “Con đường dẫn tôi đến chủ nghĩa Lê-nin” (1960), Bác đã viết về ảnh hưởng của Luận cương Lê-nin đối với Người như sau: “Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: “Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta! Từ đó tôi hoàn toàn tin theo Lê-nin, tin theo Quốc tế thứ ba”.
Từ đây đánh dấu việc Người đã tìm ra ánh sáng, tìm ra chân lý cho dân tộc như tìm thấy ngọn hải đăng trên mặt biển bao la, tìm thấy mặt trời trong màn đêm tăm tối.

54 4 tim duong
Nguyễn Ái Quốc quyết định dẫn dắt cách mạng Việt Nam theo con đường của Lê-nin và Cách mạng Tháng Mười Nga. Ảnh: internet
 
Từ 1920 đến 1930 là giai đoạn Bác xác định các nội dung cơ bản của con đường cách mạng Việt Nam. Việc xác định cách mạng Việt Nam phải trải qua hai giai đoạn Cách mạng dân tộc dân chủ và Cách mạng xã hội chủ nghĩa ở thời kỳ này chính là sự thấm nhuần tư tưởng của Lê-nin và sự đúc rút từ Cách mạng Tháng Mười Nga.
Từ đây, Người đã sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930). Người đã lãnh đạo cách mạng Việt Nam tuân thủ 3 nguyên tắc của cách mạng vô sản: Do Đảng Cộng sản lãnh đạo; cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân; liên minh công nông là nguyên tắc cao nhất của cách mạng vô sản.
Giải phóng dân tộc - sứ mệnh cao cả
Từ năm 1930 đến 1941, Nguyễn Ái Quốc ở nước ngoài lãnh đạo phong trào đấu tranh của Nhân dân. Năm 1941, sau 30 năm bôn ba qua ba châu lục, 4 đại dương, Người trở về Tổ quốc.
Từ đó đến năm 1945, Người đã sống trong cảnh “cháo bẹ rau măng” nơi núi rừng Việt Bắc, lãnh đạo Đảng, lãnh đạo Nhân dân ta khởi nghĩa giành chính quyền, đánh đổ chế độ thực dân, phong kiến, lập ra Nhà nước dân chủ công nông đầu tiên ở Đông Nam Á.
Ngày 2/9, Người đọc Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố với thế giới: “Nước Việt nam có quyền hưởng tự do và độc lập và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập”.

54 5 tim duong
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Ảnh tư liệu
 
Năm 1946, thực dân Pháp trở lại chiếm đóng nước ta, Người lại cùng toàn Đảng tiếp tục lãnh đạo Nhân dân ta đánh đuổi thực dân Pháp, làm nên một Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Khi đế quốc Mỹ xâm lược nước ta, Đảng và Bác Hồ đã lãnh đạo toàn dân chống Mỹ cứu nước. Năm 1969, Người ra đi mà lòng còn canh cánh bao nỗi niềm khi hai miền Bắc - Nam chưa thống nhất.
110 năm đã đi qua, những giá trị lý luận và thực tiễn từ con đường Bác đã vạch ra trở thành di sản tinh thần quý giá, động lực to lớn tiếp sức cho toàn Đảng toàn dân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
(1): Phạm Cường - Thăm nơi Bác Hồ đã ở trước khi ra đi tìm đường cứu nước, đăng trên website Đảng Cộng sản Việt Nam
(2) Trần Dân Tiên - Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ Tịch, NXB Chính trị quốc gia, HN, 1995.
Bùi Minh Huệ

Nguồn tin: Báo Hà Tĩnh.vn:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thông báo - mời họp

154-GM/ĐUK

HN quán triệt các văn bản về đại hội Đảng các cấp; thực hiện quy trình giới thiệu nhân sự bổ sung Ủy viên BCH Đảng bộ Khối khóa XVI, nhiệm kỳ 2020-2025.

21/10/2024

153-GM/ĐUK

BTV Đảng ủy Khối kết nối đường truyền HN toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện NQ HN lần thứ mười BCHTW Đảng khóa XIII.

18/10/2024

227-TB/ĐUK

Thông báo mở Lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng Khóa VIII năm 2024

11/10/2024

152-GM/ĐUK

Hội nghị sơ kết công tác 9 tháng, triển khai nhiệm vụ những tháng cuối năm 2024

11/10/2024

Lượt truy cập
  • Đang truy cập37
  • Hôm nay4,174
  • Tháng hiện tại147,009
  • Tổng lượt truy cập15,933,174
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây